Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tại buổi làm việc về công tác quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước
8/17/2018 3:14:22 PM

Ngày 02 tháng 8 năm 2018, tại Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì làm việc với các Chủ đập, hồ chứa, các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy điện, thủy lợi.
    Tham dự buổi làm việc có đại diện các cơ quan, ban ngành: Giám đốc các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông; Đại diện lãnh đạo UBND cấp huyện: A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy; Chánh văn phòng BCH Phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ đầu tư, Người đại diện pháp luật, đơn vị quản lý vận hành các hồ, đập thủy điện/thủy lợi: Công ty Cổ phần thủy điện miền Trung, Công ty Cổ phần Đầu tư HD, Công ty Cổ phần thủy điện Bình Điền, Công ty Cổ phần thủy điện Bitexco Tả Trạch, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung, Công ty Cổ phần thủy điện Thượng Lộ, Công ty Cổ phần thủy điện Trường Phú, Công ty Cổ phần thủy điện A Lin 2, Công ty Cổ phần thủy điện Rào Trăng 3, Công ty Cổ phần thủy điện Rào Trăng 4, Công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam, Công ty Cổ phần thủy điện Sông Bồ, BQL Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5, Công ty TNHH NN1TV Quản lý khai thác Công trình thủy lợi; các cơ quan báo chí trên địa bàn
Ngày 14/8/2018, UBND tỉnh có Thông báo số 211/TB-UBND về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc về công tác quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước

Theo đó, UBND tỉnh đánh giá cao kết quả đạt được của công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua của các sở ngành, địa phương và các đơn vị chủ quản công trình thủy lợi, thủy điện. Các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả trong việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, điều tiết cắt lũ, dự trữ nước ngọt trong mùa khô hạn, phát triển nguồn điện, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, công tác quản lý về an toàn đập, hồ chứa đến nay vẫn còn bị động, thiếu chuyên nghiệp, một số công trình chưa đảm bảo hoàn toàn các quy định về quản lý chất lượng công trình, quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Trong đó nguyên nhân khách quan do các hồ thủy lợi vừa và nhỏ đã được xây dựng từ nhiều năm trước chất lượng không cao, thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên; đồng thời tình hình thời tiết ngày càng diễn biến bất thường, cực đoan. Về chủ quan có thể thấy việc đầu tư các hệ thống quan trắc công trình, quan trắc khí tượng thủy văn, hệ thống cảnh báo chưa được quan tâm chủ động đầu tư; năng lực chuyên môn người quản lý, vận hành chưa đảm bảo, tư tưởng chủ quan, ít diễn tập xử lý sự cố và trang thiết bị, máy móc dự phòng đã đầu tư lâu năm, chưa được nâng cấp, ít vận hành thử.
Trước một số sự cố hồ đập trong nước và đặc biệt tại Lào thời gian vừa qua, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, mưa lũ lớn xảy ra tại các tỉnh phía Bắc, để chủ động phòng tránh, nâng cao năng lực quản lý và khắc phục các vấn đề còn tồn tại trong đầu tư, quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
I. YÊU CẦU CHUNG
1. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai để tăng cường hiệu quả trong công tác chủ động, sẳn sàng ứng phó thiên tai nói chung và điều tiết mực nước các hồ chứa, lưu lượng dòng chảy qua các van, cửa đập để đảm bảo hài hòa mức dự phòng đón lũ và sử dụng tối ưu tài nguyên nước, rút kinh nghiệm về việc điều hành tình huống lũ chồng lũ trong mùa mưa năm 2017.
2. Yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương và các đơn vị quản lý, vận hành các đập, hồ chứa nước, công trình thủy lợi phải quán triệt, thực hiện đúng các quy định tại Luật Thủy lợi năm 2017 và Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thủy lợi; tuân thủ tuyệt đối quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ đã được phê duyệt và sự điều phối chung của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN khi có thiên tai xảy ra.
3. Khẩn trương hoàn chỉnh đầu tư trang thiết bị chuyên dụng quan trắc công trình, quan trắc khí tượng thủy văn bảo đảm nguyên tắc kết nối, phân tích,chia sẻ chung toàn tỉnh; tiếp tục nghiên cứu để ứng dụng đồng bộ các thành tựu khoa học – kỹ thuật và công nghệ trong công tác dự báo, chủ động phòng chống thiên tai. Có kế hoạch cụ thể để từng bước nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ cho người quản lý, vận hành công trình thủy điện, thủy lợi và đặc biệt là luôn cảnh giác, hạn chế tuyệt đối sự bị động, chủ quan trong công tác phòng chống thiên tai.
4. Các cơ quan chức năng tăng cường và đảm bảo chất lượng công tác kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh; công tác quản lý chất lượng công trình, yêu cầu phải đảm bảo an toàn tuyệt đối các đập, hồ chứa nước trước khi tích nước.
5. Các địa phương vùng hạ du phối hợp đơn vị quản lý, vận hành các đập, hồ chứa nước tổ chức diễn tập, hướng dẫn người dân vùng hạ du chủ động ứng phó các tình huống khẩn cấp.
II. NHỮNG VẤN ĐỀ CỤ THỂ
1. BCH Phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế để đảm bảo công tác dự báo và chủ động triển khai các phương án ứng phó. Phối hợp, cung cấp thông tin các lần quan trắc, đo đạc mực nước, lượng mưa thuộc lưu vực hồ chứa; cung cấp các bản tin cảnh báo, dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ cho các hồ thủy lợi, nhà máy thủy điện phục vụ vận hành hồ điều tiết giảm lũ cho vùng hạ du.
- Tiếp tục phổ biến, triển khai thực hiện Luật Thủy lợi năm 2017 và Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thủy lợi; lưu ý về điều kiện tối thiểu về nhân lực vận hành công trình thủy lợi, thủy điện. Chủ động phối hợp với các sở ngành, địa phương, chủ các hồ  đập để phổ biến và triển khai thực hiện Nghị định về quản lý an toàn đập sau khi được ban hành thay thế cho Nghị định 72.
- Chỉ đạo các đơn vị địa phương đang triển khai xây dựng phương án ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020. Rà soát các  Quy chế phối hợp giữa Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu  nạn tỉnh với các nhà máy thủy điện; yêu cầu các chủ hồ chứa thường xuyên theo dõi cập nhật, bổ sung phương án phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn đập và phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du.
- Tăng cường sự phối hợp các ngành và lồng ghép sử dụng hiệu quả các sản phẩm, kết quả dự án Dự án “Vận hành hồ chứa nước trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện” giai đoạn 2017-2020 do JICA tài trợ; nghiên cứu tích hợp các tính năng về Trung tâm điều hành đô thị thông minh để tổng hợp phân tích, chia sẻ dữ liệu.
- Nghiên cứu để hướng dẫn các chủ đập, hồ chứa xây dựng phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, vỡ đập và xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du theo các cấp độ. Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông làm việc với Cục Bản đồ - Bộ Tham mưu về việc ứng dụng Công nghệ GIS 3D và viễn thám trong việc xây dựng bản đồ ngập lụt (xây dựng các tình huống sự cố giả định); xem xét bổ sung phạm vi đề tài nghiên cứu khoa học của Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh về GIS 3D do Bộ Khoc học và Công nghệ hỗ trợ.
- Phối hợp với địa phương vùng hạ du để xử lý kịp thời điều tiết hồ chứa để xử lý các vấn đề về thủy nông, hạn hán, môi trường nuôi trồng thủy sản...
2. Sở Công Thương
- Phối hợp với các ngành, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư và vận hành các công trình thủy điện (lưu ý đánh giá tác động toàn diện khi điều chỉnh các thông số dự án khi đề xuất Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh). Thường xuyên rà soát các quy trình vận hành hồ chứa để điều chỉnh phù hợp qua các năm; rà soát, nắm chắc hiện trạng an toàn đập và công tác kiểm định định kỳ.
- Chỉ đạo các chủ đập xây dựng phương án cảnh báo cho nhân dân vùng hạ du nhà máy thuỷ điện theo yêu cầu của Bộ Công Thương.
- Nghiên cứu đề xuất Bộ Công Thương, UBND tỉnh quy định về đầu tư lắp đặt hệ thống camera, hệ thống quan trắc chuyên ngành khí tượng, môi trường.
3. Sở Xây dựng
- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, rà soát chất lượng và việc đánh giá mức độ an toàn các đập hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh theo phân cấp quản lý; tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng hồ chứa nước, kiểm định an toàn đập.
- Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các hoạt động đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ chứa trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Khẩn trương đề xuất (/tham mưu đề xuất) Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung hệ thống bậc thang A Lin – Rào Trăng vào quy trình vận hành liên hồ trên hệ thống sông Hương để có cơ sở  quản lý, vận hành.
- Rà soát, đánh giá tác động môi trường, quản lý tài nguyên nước và đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu cho vùng hạ du.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu quản lý tổng hợp môi trường, tài nguyên lòng hồ; xem xét có lộ trình, phạm vi khai thác nguồn tài nguyên cát sỏi đáp ứng nhu cầu khi vùng hạ du đã ngừng khai thác.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phổ biến và tổ chức triển khai thực hiện các quy định hiện hành của Luật Thủy lợi 2017 và các văn bản liên quan, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đập, hồ chứa nước, tổ chức vận hành, khai thác hiệu quả các công trình phục vụ dân sinh.
- Nghiên cứu triển khai quản lý, khai thác hiệu quả tổng hợp tài nguyên hồ chứa; bảo vệ rừng đầu nguồn; kết hợp phát triển sinh kế cho người dân khu vực lòng hồ, vùng bán ngập...
6. Sở Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp với các đơn vị viễn thông đảm bảo việc cung cấp hạ tầng truyền dẫn từ các hồ đập thủy lợi, thủy điện; có phương án đảm bảo thông tin phải thông suốt khi xảy ra thiên tai, sự cố hồ, đập; yêu cầu phải tổ chức diễn tập ứng phó sự cố trong tháng 8 năm 2018.
- Nghiên cứu tích hợp hệ thống thông tin về phòng chống thiên tai, khí tượng thủy văn vào Trung tâm Điều hành đô thị thông minh để phân phối thông tin.
- Xây dựng cơ chế phối hợp cung cấp thông tin qua hệ thống tin nhắn và hệ thống loa phát thanh để cảnh báo nhân dân vùng hạ du.
7. UBND cấp huyện
- Phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông và các Sở, Ban ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, cảnh báo tới người dân phía hạ du các hồ thủy lợi, nhà máy thủy điện trong công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó với thiên tai.
- Tổ chức, thực hiện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương theo phương châm “bốn tại chỗ”, bố trí lực lượng ứng cứu, phương tiện thiết bị, dự trữ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, thuốc y tế,… ở những khu vực dễ bị cô lập, chia cắt dài ngày khi xảy ra thiên tai.
- Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa chính quyền địa phương và chủ đập thủy điện trong việc tổ chức vận hành hồ chứa theo quy trình được phê duyệt. Phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường quản lý người dân trong phạm vi bảo vệ an toàn hồ chứa, đập, đê điều. Phối hợp với Chủ các hồ đập thủy điện, thủy lợi trong công tác thông tin, cảnh báo các tình huống khẩn cấp; chủ động khoanh vùng đánh dấu các khu vực ngập lụt qua các năm để cảnh bảo cho người dân.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, có phương án khai thác hiệu quả nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp trong vung lòng hồ và vùng bán ngập, đảm bảo các yêu cầu về môi trường.
- Chủ động, kịp thời nắm tình hình cơ sở để đề xuất xử lý kịp thời các biến động về môi trường liên quan đến thủy nông, nuôi trồng thủy sản; hạn chế phát sinh thông tin tiêu cực.
8. Chủ các hồ đập thủy lợi, thủy điện
- Tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Thủy lợi, Luật điện lực và các văn bản pháp quy liên quan; Đảm bảo quy định tối thiểu về số người có chuyên môn trong quản lý vận hành các công trình thủy lợi, thủy điện theo đúng quy định tại Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ.
- Thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các cơ quan liên quan trong công tác vận hành hồ chứa, phòng chống lụt, bão và thiên tai. Tăng cường công tác phối hợp giữa các chủ đập trên cùng lưu vực sông và địa phương trong công tác phòng chống lụt bão. Đặc biệt công tác thông báo, cảnh báo, cảnh giới trong quá trình vận hành hồ chứa, chạy máy và xả lũ.
- Khẩn trương hoàn thành cắm mốc phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa và các công trình thủy lợi. Rà soát việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập, kiểm định đập định kỳ, sửa chữa khắc phục kịp thời các sự cố phát sinh; đảm bảo chế độ thông tin báo cáo với các cơ quan chức năng. Kiểm tra, đánh giá tình trạng đập, các thiết bị, công trình xả lũ, nhận nước bảo đảm khắc phục kịp thời các khiếm khuyết trước mùa mưa, bão, lũ. Xây dựng phương án phòng chống lụt, bão bảo đảm an toàn đập; phương án bảo vệ đập; phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du đập trong tình huống xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập và tổ chức diễn tập theo phương án được duyệt; thực hiện kiểm định an toàn đập và cắm mốc chỉ giới phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập theo quy định.
- Tổ chức trực ban nghiêm túc và thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin liên quan đến hồ chứa theo đúng quy định; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo thông số thủy văn hồ chứa: mực nước thượng lưu, mực nước hạ lưu hồ; lưu lượng đến hồ, lưu lượng xả, lưu lượng tháo qua tuốc bin, tổng lưu lượng về hạ lưu đập; dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ khi tính theo lưu lượng đến hồ về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Công Thương, Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh.
    - Rà soát, lắp đặt  hệ thống giám sát tự động, hệ thống cảnh báo xả lũ phía hạ du đập để cảnh báo người dân trong quá trình vận hành điều tiết lũ và phát điện. Lắp đặt hệ thống quan trắc rung chấn và hệ thống camera giám sát việc xả nước và truyền tín hiệu hình ảnh về các cơ quan liên quan. Yêu cầu ưu tiên bố trí kinh phí trong năm 2018 – 2019:  (1) trang bị hoàn chỉnh hệ thống quan trắc công trình, môi trường, khí tượng; (2) trang bị thiết bị cảnh báo vùng hạ du theo quy định; (3) trang bị hệ thống camera giám sát mực nước lòng hồ và cửa đập, truyền dữ liệu về Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh; (4) xây dựng phương án  xây dựng các phương án ứng phó khẩn cấp hồ chứa khi có sự cố vỡ đập và xây dựng bản đồ ngập lụt theo cấp báo động, các kịch bản điều tiết hồ chứa.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và bảo đảm an toàn vận hành và an toàn cho vùng hạ du của các đập, hồ chứa nước trên địa bàn toàn tỉnh.
Giao BCH Phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện và giám sát việc thực hiện các nội dung tại Thông báo này, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 15 tháng 9 năm 2018.
 

Tập tin đính kèm:
anhduong-huongthuy.thuathienhue.gov.vn
       
Các tin khác
  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.516.172
Truy cập hiện tại 5.114 khách