Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng và một số nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2022
Ngày cập nhật 19/10/2022

Thực hiện Nghị quyết số 64/NQ-HĐND ngày 15 tháng 12 năm 2021 của HĐND thị xã về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2022, UBND thị xã đã chủ động triển khai thực hiện kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội năm 2022 đến các cấp, các ngành trên tinh thần đẩy mạnh kỷ cương, kỷ luật hành chính; tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nên trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt được kết quả như sau:

 

A. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2022

I. Phát triển kinh tế

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2022 trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát; các chương trình, đề án về phục hồi và phát triển kinh tế được triển khai thực hiện một cách đồng bộ. Nhờ đó, tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn thị xã đã đạt được những thành quả tích cực. Giá trị sản xuất ước thực hiện 9 tháng đầu năm là 22.518 tỷ đồng, đạt 68,41% kế hoạch, tăng 24% cùng kỳ. Cụ thể như sau:

1. Dịch vụ

Trong 9 tháng năm 2022, trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát, các tổ chức, cá nhân kinh doanh các hoạt động dịch vụ thương mại đã có những giải pháp thích ứng phù hợp để đẩy mạnh các loại hình kinh doanh dịch vụ. Tại các chợ, các điểm kinh doanh trên địa bàn thị xã, lượng hàng hóa thiết yếu dồi dào, giá cả tương đối ổn định đảm bảo nhu cầu người tiêu dùng của người dân, chưa phát hiện trường hợp găm hàng, đầu cơ, tăng giá.

Hoạt động dịch vụ du lịch đang dần phục hồi và tăng trưởng trở lại với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội đặc sắc, đặc biệt là các hoạt động tại Lễ hội “Chợ quê ngày hội” tổ chức tại Cầu Ngói Thanh Toàn trong chuỗi sự kiện Festival Huế năm 2022; Triển lãm ảnh Cầu ngói Thanh toàn và các hoạt động chợ quê nằm trong chương trình “Chợ quê Ngày hội”; tổ chức thành công Lễ hội “Với chiến khu xưa” Dương Hòa năm 2022 và triển lãm ảnh “Chiến khu xưa và nay”, chương trình văn nghệ chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022) và Ngày Quốc tế Lao động 01/5,...

Trong 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.670 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 347,4 tỷ đồng, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị sản xuất ngành dịch vụ ước đạt 1.900 tỷ đồng, đạt 70,4% kế hoạch, tăng 22,59% so với cùng kỳ.

2. Sản xuất Công nghiệp - Xây dựng

Trong 9 tháng đầu năm, tình hình sản xuất công nghiệp chịu ảnh hưởng lạm phát ở nhiều nước trên thế giới, sức mua giảm sút, lượng hàng tồn kho khá lớn đã làm cho đơn đặt hàng mới giảm, giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất công nghiệp tăng. Tuy nhiên, một số ngành sản xuất chủ lực trên địa bàn có sản lượng sản xuất tăng cao như: Dệt may, sản xuất đồ uống có cồn, sản xuất chế biến gỗ, men Frit… đã góp phần duy trì tăng trưởng chung cho hoạt động sản xuất công nghiệp địa phương.

Tại Cụm Công nghiệp Thủy Phương, 9 tháng đầu năm thu hút thêm 04 dự án mới đăng ký đầu tư và 01 dự án đầu tư đi vào hoạt động là Xưởng đá mỹ nghệ của Công ty TNHH SXTM mỹ thuật Cố Đô, nâng tổng số dự án đi vào hoạt động là 34 dự án.

Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn tiếp tục được chú trọng, duy trì, tập trung vào các ngành, nghề sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến, gia công gỗ, cơ khí, tinh dầu, chổi đót, chổi tre… góp phần tạo thêm việc làm ổn định cho lao động ở nông thôn.

Hoạt động xây dựng trên địa bàn được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo và đôn đốc thực hiện, một số công trình trọng điểm như: Mở rộng cảng hàng không Quốc tế Phú Bài; đường cao tôc Cam lộ- La Sơn, đường Tỉnh lộ 7, dự án BGI Topaz Downtown – Zone A (tại khu An Vân Dương), các Khu hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư... vẫn được triển khai thực hiện khẩn trương. Các công trình xây dựng trường học, đường giao thông, kênh mương nội đồng, các công trình thủy lợi được thực hiện trên khắp địa bàn nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Giá trị sản xuất ước đạt 20.000 tỷ đồng, bằng 67,8% kế hoạch, tăng 25,0% so với cùng kỳ.

3. Nông nghiệp

Trồng trọt: Diện tích gieo cấy lúa cả năm: 5.543,5ha (giảm so năm 2021 là 286,2 ha do 2 xã Thủy Bằng, Thủy Vân sát nhập thành phố Huế), năng suất bình quân 58 tạ/ha giảm so với năm 2021 là 7tạ/ha. Sản lượng lương thực có hạt đạt 32.317 tấn, giảm so năm 2021: 5.909 tấn, trong đó sản lượng thóc 32.299 tấn, đạt 87% kế hoạch.

Thực hiện mô hình “Cánh đồng lớn cây lúa” năm 2022 là 2.080 ha, tăng so năm 2021: 220ha, mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị là 1.005 ha, tăng so năm 2021 là 464 ha. Năng suất bình quân đạt từ 58tạ/ha - 62tạ/ha.

Đã từng bước áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích lúa sử dụng máy bay phun thuốc MG - 1P trong phòng trừ sâu bệnh hại là 580 ha.

Các loại cây trồng ngắn ngày được trồng theo đúng kế hoạch. Chú trọng phát triển các loại cây ăn quả tại các xã vùng gò đồi như: Bưởi Da xanh, Thanh Trà, Cam...

 Chăn nuôi, thú y: Tổng đàn chăn nuôi trâu bò và lợn có xu hướng giảm so với cùng kỳ do diện tích đồng cỏ thu hẹp. Đô thị hóa ngày càng phát triển việc phát triển chăn nuôi trong khu dân cư chưa có giải pháp chuyển đổi kịp thời. Tổng đàn trâu bò toàn thị xã ước đạt 2,67 ngàn con, giảm 31% so với cùng kỳ. Tổng đàn lợn ước đạt khoản 13,36 ngàn con, giảm 16% so với cùng kỳ. Đàn gia cầm trên địa bàn tương đối ổn định và phát triển ước đạt 690 ngàn con, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y được chú trọng, hầu hết các điểm giết mổ đều tổ chức tiêu độc khử trùng định kỳ theo quy định.

Thủy sản: Tình hình nuôi cá cá lồng trên địa bàn thị xã Hương Thủy đã có sự thay đổi tích cực, số lượng cá trong lồng và mật độ lồng tương đối đảm bảo cho quá trình sinh trưởng phát triển của cá, tổng số hộ nuôi trồng thủy sản là 294 hộ, trong đó có 53 hộ nuôi cá lồng, tính đến nay toàn thị xã đã nuôi được 281,44 ha, trong đó diện tích ươm cá giống thủy sản là 0,5 ha, số lượng lồng cá đã thả nuôi 175 lồng.

Lâm nghiệp: Công tác kiểm tra, hướng dẫn việc chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng được diễn ra thường xuyên. Diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 444 ha, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, diện tích  rừng trồng được chăm sóc là 1118 ha. Về sản lượng gỗ khai thác rừng trồng 9 tháng ước đạt 19,47 ngìn mgiảm 13,1% so với cùng kỳ.

Công tác PCCC rừng được chú trọng thực hiện; công tác kiểm tra, hướng dẫn việc chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng được diễn ra thường xuyên, 9 tháng đầu năm đã phát hiện và xử lý 15 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Về xây dựng nông thôn mới: Tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022 và rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Đã tổ chức rà soát, đánh giá các tiêu chí nông thôn mới nâng cao cho các xã, trong đó: Xã Thủy Thanh: Đạt 11/19 tiêu chí; xã Thủy Phù: Đạt 11/19 tiêu chí; Xã Thủy Tân: Đạt 9/19 tiêu chí; Xã Phú Sơn: Đạt 8/19 tiêu chí; Xã Dương Hòa: Đạt 11/19 tiêu chí.  

Đã tổ chức thành công Lễ công bố thị xã Hương Thủy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đón nhận Huân chương độc lập hạng Ba.

Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đạt 618 tỷ đồng, đạt 86,43% kế hoạch, tăng 1,3% so với cùng kỳ.

4. Tài chính - ngân sách

Thu ngân sách: Quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các giải pháp điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu NSNN năm 2022 nên nhiệm vụ thu ngân sách 9 tháng đầu năm đạt được một số kết quả tương đối khả quan.

Tổng thu NSNN, trong đó các khoản giao thị xã, xã, phường quản lý thu đạt 460,5 tỷ đồng, bằng 98,9% dự toán (Thu tiền sử dụng đất 9 tháng đầu năm đạt 355 tỷ đồng, bằng 101,4% dự toán).

Không tính tiền sử dụng đất, các khoản giao thị xã và xã phường thu là 105,5 tỷ đồng, bằng 91,2% dự toán. Trong đó một số khoản thu đạt cao và vượt dự toán đã đề ra như: Thuế Thu nhập cá nhân thu 30,4 tỷ đồng, đạt 138,1% dự toán; lệ phí trước bạ thu 30,5 tỷ đồng, đạt 132,8% dự toán.

Chi ngân sách: Tổng chi ngân sách thực hiện 9 tháng đầu năm là 523,8 tỷ đồng, bằng 90% dự toán. Trong đó: Chi đầu tư xây dựng cơ bản 271,9 tỷ đồng, bằng 105% dự toán; chi thường xuyên 251,9 tỷ đồng, bằng 81% dự toán.

Chi thường xuyên đã đáp ứng cơ bản nhu cầu hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ của Nhà nước, đảm bảo thực hiện tiết kiệm chi theo chỉ thị của Tỉnh.

Về giải ngân vốn đầu tư công: Tình hình giải ngân vốn đầu tư chưa đạt tiên độ theo Chỉ thị của UBND tỉnh. Tính đến hết tháng 8 năm 2022 chỉ giải ngân đạt 143,9 tỷ đồng/346 tỷ đồng, đạt 41,3% kế hoạch.  Chủ yếu cho công trình công trình hoàn thành quyết toán, chi theo kế hoạch vốn cho các công trình chuyển tiếp và tạm ứng vốn cho các công trình đã khởi công thuộc kế hoạch vốn của năm 2022…

II. Văn hóa - Xã hội

1. Hoạt động Văn hóa thông tin - TDTT

Đã triển khai thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn; các nhiệm vụ chính trị khác; các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Nhâm Dần năm 2022. 

Tuyên truyền tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã Hương Thủy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo các ngành phối hợp với UBND xã Thủy Thanh tổ chức thành công Lễ hội “Chợ quê ngày hội” - Cầu Ngói Thanh Toàn vào tháng 02/2022; tổ chức tốt Lễ hội “Chợ quê ngày hội” hưởng ứng Festival Huế năm 2022 tại Cầu Ngói Thanh Toàn, xã Thủy Thanh; tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Lùm Chánh Đông, Lễ đón nhận di tích lịch sử cấp tỉnh Đình Lương Văn; phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức các hoạt động: Lễ phát động Tháng hành động Quốc gia về Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022; Giao lưu trình diễn Bài chòi tỉnh Thừa Thiên Huế tại Cầu Ngói Thanh Toàn; tổ chức Hội thi “Gia đình hạnh phúc” thị xã Hương Thủy năm 2022 và tham gia Hội thi “Gia đình hạnh phúc” cấp tỉnh, kết quả đạt giải Nhì toàn đoàn; tổ chức các hoạt động “Với Chiến khu xưa” Dương Hoà năm 2022.

Chỉ đạo các xã, phường tổ chức tốt Đại hội TDTT cấp cơ sở và đã tổ chức thành công Đại hội TDTT thị xã lần thứ IX, năm 2022. Tổ chức dẫn Đoàn vận động viên thị xã tham gia thi đấu các môn của Đại hội TDTT cấp tỉnh và đạt được một số kết quả cao.

Thường xuyên kiểm tra các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn. Đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Công an thị xã, UBND phường Thủy Phương và Phú Bài tổ chức kiểm tra các điểm kinh doanh dịch vụ văn hoá trên địa bàn thị xã, chấn chỉnh một số điểm kinh doanh dịch vụ văn hoá như: Karaoke, internet nhằm hướng dẫn các đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các quy định.

2. Giáo dục và đào tạo

Đã tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; hệ thống trường lớp được duy trì, nâng cấp, mở rộng, đã triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2022- 2023 theo đúng kế hoạch. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục THCS năm 2022.

Về đào tạo và bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu năm học 2021-2022, trong thời gian qua công tác đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu được chú trọng. Học sinh Thị xã đã giành được nhiều thành tích cao tại các kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Thị xã Hương Thủy được xếp vị thứ 4 toàn tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi các môn văn hóa năm học 2021 – 2022.

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm chỉ đạo. Đến cuối năm học 2021-2022 có 38/40 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 95%, trong năm học tăng thêm 02 trường là MN Ánh Dương và MN Thủy Lương được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia.

3. Lao động, giải quyết việc làm và an sinh xã hội

Lao động, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động: Dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện; Việc thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP với các giải pháp cụ thể, như hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp được triển khai đồng bộ đã góp phần giải quyết việc làm một các hiệu quả. Trong 9 tháng đầu năm 2022 có 1.481 lao động đạt 82,2% kế hoạch, trong đó có 122 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

UBND thị xã tổ chức Sàn giao dịch – tư vấn tuyển sinh học nghề năm 2022. Qua Sàn giao dịch có trên 600 lao động, học sinh, sinh viên tham dự để tìm kiếm việc làm, học nghề và định hướng nghề nghiệp.Có trên 600 lao động, học sinh, sinh viên tham dự để tìm kiếm việc làm, học nghề và định hướng nghề nghiệp.

Công tác an sinh xã hội: Thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. UBND thị xã phê duyệt danh sách hỗ trợ cho 372 lao động với tổng kinh phí 511.500.000 đồng.

Giải quyết kịp thời các chế độ chính sách ưu đãi cho thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công; Đã triển thực hiện chi trả an sinh xã hội cho các đối tượng hưởng trợ cấp một các kịp thời; Tổ chức thăm hỏi tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách theo đúng kế hoạch.

Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được quan tâm. UBND thị xã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em (THĐVTE) năm 2022 tại phường Thủy Lương, tặng 30 suất học bổng trị giá 13 triệu đồng cho cá em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức Tết trung thu cho 200 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đến từ 10 phường, xã trên địa bàn thị xã tham quan di tích trên địa bàn xã Thủy Thanh, điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn, Nhà trưng bày nông cụ.

 Phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tổ chức trao học bổng Zhishan Quý Đợt 1 và 2 cho 79 học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí 111,9 triệu đồng.

Chính sách giảm nghèo: UBND thị xã ban hành Kế hoạch Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2022 và giai đoạn 2021 – 2025. Triển khai và hướng dẫn các xã, phường điều tra nhu cầu của hộ nghèo, xây dựng phương án thoát nghèo cho từng hộ nghèo theo địa chỉ cụ thể....

4. Y tế

Công tác phòng, chống dịch bệnh đã được tập trung chỉ đạo; giám sát dịch thường xuyên nhất là dịch Covid – 19, sốt xuất huyết, chú trọng những vùng trọng điểm, những vùng lũ lụt lớn, thông tin báo cáo kịp thời, triển khai thực hiện và giám sát bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng, cúm gia cầm AH5N1, AH1N1, dịch tiêu chảy cấp, tay chân miệng, viêm gan virut lạ, đậu mùa khỉ,...

Công tác khám chữa bệnh cho người dân tại Trung tâm y tế thị xã và các Trạm y tế được thực hiện tốt, công tác khám, điều trị cho trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người cận nghèo và các BHYT khác thường xuyên được quan tâm; triển khai có hiệu quả công tác tiêm chủng định kỳ tại các Trạm Y tế đảm bảo an toàn. Công tác dân số được quan tâm chỉ đạo, tổng số sinh 9 tháng đầu năm là 736 cháu, trong đó con thứ 3 trở lên 110 cháu, chiếm tỷ lệ 14,95%, giảm 0,51% so với cùng kỳ.

Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được chú trọng, đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể thị xã, các địa phương tổ chức Tháng hành động an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2022 và thành lập Đoàn liên ngành giám sát, kiểm tra về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh phòng bệnh đối với các chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống và các trường học trên địa bàn thị xã theo đúng quy định.

III. Quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực

1. Công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, khuyến công, kinh tế hợp tác xã, khoa học công nghệ

Công tác xúc tiến đầu tư từng bước được khởi sắc, một số nhà đầu tư, doanh nghiệp đã từng bước đến khảo sát, nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại thị xã như: Công ty Cổ phần bất động sản Việt – Nhật đang nghiên cứu đầu tư dự án Siêu thị Go! tại phường Phú Bài; Công ty Cổ phần Tổng công ty PGS đang xin nghiên cứu dự án đầu tư Showroom và trung tâm bảo hành, bảo trì xe Ford tại phường Thủy Phương; Khu văn hóa đa năng ngoài công lập – Công viên Độn Sầm đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư....

Công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp tiếp tục được chú trọng. Đã hỗ trợ kinh phí 300 triệu đồng cho các cơ sở công nghiệp nông thôn nhằm phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn thị xã. Chỉ đạo các đơn vị lập hồ sơ công nhận nghề truyền thống nón lá Vân Thê, đến nay UBND tỉnh đã công nhận Nghề nón lá Vân Thê là Nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chỉ đạo các phường, xã rà soát khảo sát lập danh sách các cơ sở sản xuất CN, TTCN bị ảnh hưởng quy hoạch dân cư, đô thị, ô nhiễm môi trường có nhu cầu di dời vào cụm công nghiệp để xây dựng kế hoạch di dời giai đoạn 2022-2025 theo Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 25/01/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Kinh tế tập thể luôn được quan tâm, tạo điều kiện và đã có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của thị xã. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX và thu hút cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực về làm việc cho các HTX được chú trọng, đến nay thì các HTX đã thu hút thêm được 7 cán bộ có trình độ đại học về làm việc. Trình độ chuyên môn, trình độ quản lý của cán bộ HTX ngày càng được nâng lên. Các chính sách hỗ trợ cho kinh tế tập thể được quan tâm. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ được chú trọng; đã quan tâm việc đẩy mạnh khảo nghiệm giống cây trồng, vật nuôi và thử nghiệm các mô hình sản xuất mới nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và chất lượng sản phẩm.

Công tác hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn thị xã đã được Hội đồng KH&CN thị xã tích cực chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đúng theo yêu cầu, đảm bảo tiến độ đề ra, các dự án khoa học công nghệ được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm tham gia nghiên cứu ứng dụng, nội dung đề xuất đăng ký các dự án KH&CN được xây dựng sát với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với điều kiện thực tiễn, Hội đồng tư vấn KH&CN thị xã đã phê duyệt 03 mô hình KHCN cấp cơ sở năm 2022.

2. Đầu tư xây dựng, quy hoạch và quản lý đô thị, xây dựng

Đầu tư xây dựng: Tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông, dự án hạ tầng khu dân cư như: Đường Trưng Nữ Vương giai đoạn 1, Nâng cấp, mở rộng đường Ngô Thì Sĩ, Đường tỉnh lộ 7 nối dài đến Khúc Thừa Dụ, Đường từ đường Thuận Hóa đến đường Thân Nhân Trung, Khu dân cư Đại Giang, HTKT khu dân cư Thủy Dương, HTKT khu dân cư tổ 7 phường Thủy Lương, HTKT khu dân cư trung tâm xã Thủy Thanh giai đoạn 2, HTKT khu dân cư 7C phường Phú Bài, HTKT Khu dân cư, tái định cư Bàu Tròn, giai đoạn 1, HTKT khu dân cư Phù Nam (Cây Sen), HTKT khu dân cư liền kế 03 thuộc khu trung tâm thị xã Hương Thủy...

Việc chỉnh trang vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành đã được thực hiện như: Hoàn thành thay thế đèn Led; tập trung đẩy nhanh tiến độ trồng hoa, lát gạch terazo vỉa hè tại khu vực đồng Thanh Lam và chỉnh trang khu vực ki ốt cầu vượt Thủy Dương, lắp đặt đèn trang trí tại cây xanh và cột điện nhằm tạo điểm nhấn về đêm… Ngoài ra, đã phối hợp triển khai thi công dự án chống ngập lụt tại khu vực nút giao cầu Vượt Thủy Dương.

Đặc biệt đã tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn như: Dự án xây dựng Nhà ga sân bây Quốc tế Phú Bài, Dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Đường dây 500KV Quảng Trạch – Dốc Sỏi, Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Gilimex….

Quy hoạch và quản lý đô thị: Quy hoạch phân khu phường Thủy Dương, Thủy Phương, Thủy Lương: Đã hoàn thiện đồ án và trình Sở Xây dựng thẩm định; Quy hoạch phân khu phường Phú Bài, Thủy Châu: Đã tiến hành lập đồ án quy hoạch và đang lấy ý kiến các ngành có liên quan; Quy hoạch phân khu khu vực xã Thủy Tân: Đã trình UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ; đối với quy hoạch phân khu khu vực xã Thủy Phù: Đã hoàn thiện đồ án và đang lấy ý kiến các ngành có liên quan. 

Về điều chỉnh quy hoạch: Đã điều chỉnh cục bộ Quy hoạch Khu dân cư và tái định cư Hói Sai Thượng, xã Thủy Thanh; Quy hoạch khu dân cư khu vực 1, phường Thủy Dương; Quy hoạch Khu dân cư và tái định cư phường Thủy Dương....

Về Quy hoạch cụm CN Thủy Phương 2: UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương cho Công ty Cổ phần đầu tư Alphannam nghiên cứu đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Hiện nay, đã trình của Bộ Công thương để xin ý kiến thỏa thuận, thị xã đang đợi tỉnh điều chỉnh quy hoạch tại Quyết định số 944/QĐ-UBND ngày 09/5/2016 của UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch bảo vệ phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2009-2020 và quy hoạch phân khu 2 phường Thủy Phương, Thủy Dương để triển khai các thủ tục tiếp theo.

Công tác quản lý đô thị được quan tâm, đã Chỉ đạo Đội quy tắc đô thị, UBND các phường, xã tăng cường công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch tại các khu quy hoạch, khu đô thị, khu tái định cư theo đồ án quy hoạch đã được phê duyệt như: Quy hoạch chi tiết Khu tái định cư Thủy Dương - Giai đoạn 3; Quy hoạch chi tiết Khu dân cư liền kề Khu đô thị mới Công ty xây dựng số 8; quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị mới Đông Nam Thủy An... Chỉ đạo các xã, phường quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng trái phép tại địa phương.

3. Công tác Tài nguyên và Môi trường, khoáng sản

Triển khai thực hiện tốt Kế hoạch sử dụng đất thị xã năm 2022 đã được phê duyệt; lập quy hoạch sử dụng đất thị xã giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được HĐND thị xã thông qua và đang trình UBND tỉnh phê duyệt).

Công tác quản lý đất đai được chú trọng thực hiện, quản lý chặt chẽ việc giao đất, cho thuê đất. Trong 9 tháng đầu năm 2022, đã chỉ đạo phòng TN&MT thị xã thực hiện và phối hợp Chi nhánh VPĐK ĐĐ tiếp nhận và xử lý được đã thực hiện được 10.200 thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, môi trường trên địa bàn thị xã. Trong đó: riêng thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp được 341 giấy (gồm cấp đổi 86 giấy, cấp lần đầu 255 Giấy); tập trung rà soát việc chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, việc lấn chiếm đất công. Ngoài ra, tập trung thực hiện giải quyết đơn, thư thuộc thẩm quyền liên quan đến lĩnh vực đất đai theo quy định;

Ban hành Thông báo chủ trương thu hồi đất 11 dự án; Thẩm định điều kiện bồi thường về đất: 24 dự án; Thẩm định phương án bồi thường: 55 dự án với số tiền phê duyệt: 142.889.590.900 đồng; đề xuất UBND tỉnh giao đất đấu giá: 05 dự án. Ban hành Quyết định đấu giá quyền sử dụng đất 2 dự án.

Chỉ đạo phòng TN&MT phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm việc khai thác trái phép đất san lấp và các bãi tập kết cát, sỏi trái phép…. Chỉ đạo các địa phương, đơn vị, trường học tham gia tốt các hoạt động vệ sinh môi trường thực hiện cuộc vận động “Xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải, Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường thế giới 5/6; ngày khí tượng thế giới ngày 23 tháng 3; Giờ Trái đất 31/3; Ngày Trái đất 22/4, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5....

Tổ chức thẩm định Đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường đối với 08 dự án có ảnh hưởng lớn đến môi trường trên địa bàn (theo quy định Luật BVMT năm 2020).

4. Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

Đã tích cực triển khai thực hiện các công trình dự án theo kế hoạch trong năm 2022 là 77 công trình, dự án. Đến nay, đã triển khai một số công việc của 33 công trình, dự án chuyển tiếp và 23 công trình, dự án mới. Đã tập trung thực hiện đối với các công trình dự án trọng điểm như: Nâng cấp, mở rộng Kiệt 303 Nguyễn Tất Thành; Nút giao thông đường 2-9 và đường Nguyễn Tất Thành; Đường Lê Thanh Nghị (đoạn Quốc lộ1A-Trưng Nữ Vương); Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Phù Nam (Cây Sen); Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh lộ 10E (đoạn Km0+900-Km1+500); Đường Nguyễn Văn Chính (đường Thanh Lam-Trưng Nữ Vương),...

Đến nay, UBND thị xã đã phê duyệt giá trị bồi thường, hỗ trợ cho 38 công trình, dự án với số tiền là 92,11 tỷ đồng cho 703 hộ. Đã tổ chức chi trả tiền bồi thường 30 công trình, dự án, với tổng số tiền là 62,78 tỷ đồng cho 474 hộ gia đình. Đã bàn giao mặt bằng toàn bộ 15 công trình, dự án (trong đó 04 công trình, dự án mới và 11 công trình, dự án chuyển tiếp) và bàn giao mặt bằng một phần 26 công trình (trong đó 07 công trình, dự án mới và 19 công trình, dự án chuyển tiếp). Ngoài ra, đã chỉ đạo các ngành liên quan họp xét tái định cư cho 28 hộ gia đình, cá nhân ảnh hưởng thu hồi đất thực hiện các công trình, dự án.

IV. Nội chính

1. Quân sự quốc phòng

Duy trì chặt chẽ chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, trực phòng không, tuần tra canh gác. Chủ động nắm chắc tình hình mọi mặt trên địa bàn kịp thời xử lý các tình huống, không để bất ngờ xảy ra, nhất là trong các dịp lễ, Tết góp phần giữ vững ANCT - TTATXH trên địa bàn. Tổ chức tốt Lễ giao, nhận quân năm 2022 và giao đủ chỉ tiêu theo kế hoạch đã đề ra.

Xây dựng Kế hoạch Quân sự - Quốc phòng năm 2022 và tổ chức tập huấn quân sự cho các đối tượng theo kế hoạch; chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự thị xã và UBND các xã, phường xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ Quân sự - Quốc phòng năm 2022 đảm bảo đúng quy trình và thống nhất toàn thị xã; Chỉ đạo tổ chức diễn tập chiến đấu xã, phường trong khu vực phòng thủ năm 2022 đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng, an toàn.

2. An ninh chính trị và TTATXH

Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn thị xã cơ bản được giữ vững ổn định. Tình hình trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không để hình thành các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, ma túy và tệ nạn xã hội...

Thực hiện có hiệu quả Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 02 Dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD, Dự án xây dựng CSDLQG về dân cư.

 Tiếp tục chỉ đạo Công an thị xã tăng cường tổ chức tuần tra kiểm soát ATGT, TTCC, TTĐT trên địa bàn.

3. Thanh tra, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo

Thanh tra kinh tế - xã hội: Đã chỉ đạo Thanh tra thị xã triển khai 06 cuộc thanh tra, (trong đó số cuộc triển khai trong kỳ là: 04, số cuộc triển khai từ kỳ trước chuyển sang). Qua công tác thanh tra đã yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, thiếu sót tại các đơn vị được thanh tra.

Tiếp công dân: Tổ chức 17 buổi tiếp công dân (tiếp lưu động tại các xã, phường: 7 buổi, tiếp tại Trụ sở tiếp công dân thị xã: 10 buổi) và chỉ đạo Ban Tiếp công dân thị xã thường xuyên tiếp công dân theon đúng lịch tại trụ sở tiếp công dân của thị xã. Qua các buổi tiếp dân, có 82 lượt công dân đến kiến nghị và đề xuất ý kiến, những nội dung chủ yếu là: Các thắc mắc, khiếu nại liên quan đến lĩnh vực, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; kiến nghị cấp giấy, xem xét lại giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, tranh chấp quyền sử dụng đất... Thông qua các buổi tiếp dân, lãnh đạo thị xã đã trả lời và giải thích rõ những nội dung mà nhân dân phản ánh, kiến nghị; ghi nhận các khiếu nại, tố cáo của công dân và chỉ đạo các ban, ngành liên quan giải quyết.

Tình hình giải quyết đơn thư KN-TC: Đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường kiểm tra, soát xét và giải quyết đơn theo đúng quy định. Tổng số đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thị xã trong 9 tháng đầu năm 2022 là: 120 vụ việc (khiếu nại: 03, kiến nghị: 117). Trong đó: năm 2021 chuyển sang: 15 vụ việc (khiếu nại: 02, kiến nghị: 13), thụ lý trong kỳ: 105 vụ việc (khiếu nại: 01, kiến nghị: 104). UBND thị xã giải quyết 96/120 vụ việc (khiếu nại: 02, kiến nghị: 94), đạt tỷ lệ 80,0% và đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thụ lý giải quyết: 24 vụ việc (khiếu nại: 01, kiến nghị: 23).  

4. Tư pháp

Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật: UBND thị xã đã chỉ đạo phòng Tư pháp thị xã tham mưu các Kế hoạch, Đề án về tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thị xã năm 2022. Trong 9 tháng đầu năm, đã triển khai mở 6 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ với các nội dung liên quan đến việc xử lý vi phạm hành chính; Phòng, chống tham nhũng; Công ước phòng chống tra tấn; Công tác hòa giải ở cơ sở; Chính sách bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Công tác chuẩn tiếp cận pháp luật…

Công tác văn bản; theo dõi thi hành pháp luật: Chỉ đạo ngành Tư pháp và các địa phương triển khai rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL và kiểm tra văn bản QPPL tại địa phương; Chỉ đạo Phòng Tư pháp thực hiện việc rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật theo chỉ đạo của Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp. Ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2022. Chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp thực hiện nghiêm túc việc thanh tra của Đoàn kiểm tra  liên ngành về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với các lĩnh vực đất đai, xây dựng, y tế và an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thị xã.

Công tác chuẩn tiếp cận pháp luật: Đã thực hiện đánh giá công nhận xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021; Kết quả: 10/10 xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021.

Công tác Hành chính tư pháp: Tiếp tục chỉ đạo phòng Tư pháp thị xã hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với công tác hộ tịch, chứng thực cho đội ngũ công chức Tư pháp-hộ tịch 10 xã, phường; Chỉ đạo triển khai thực hiện Thông tư số 01/2022/TT-BTP ngày 04/01/2022 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến và Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 về triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Chỉ đạo thực hiện tốt việc tiếp nhận và giải quyết TTHC liên quan đến công tác hộ tịch, chứng thực theo đúng quy định. Kết quả: Đã giải quyết 2.341 trường hợp.

5. Xây dựng chính quyền, cải cách hành chính

Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan HĐND&UBND thị xã, và các đơn vị từ thị xã đến cơ sở theo hướng tinh gọn, ổn định hoạt động có hiệu quả theo kế hoạch đề ra.

Chỉ đạo phòng Nội vụ thường xuyên kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường theo kế hoạch.

Thực hiện Kế hoạch số 3344/KH-UBND ngày 21/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch CCHC năm 2022. UBND thị xã đã ban hành Quyết định số 9141/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 về kế hoạch CCHC năm 2022 trên địa bàn. UBND thị xã đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 12/01/2022 về đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn thị xã… Việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND và các ngành chức năng cấp huyện, một số thủ tục hành chính của các cơ quan ngành dọc (Công an, Thuế, Bảo hiểm xã hội) tại Trung tâm Hành chính công thị xã đã được thực hiện khá tốt. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Trung tâm Hành chính công thị xã đã tiếp nhận 14.043 hồ sơ, trong đó: Đã giải quyết 12.600 hồ sơ (trước hạn: 6.197 hồ sơ; đúng hạn 4.722 hồ sơ; quá hạn 1.681 hồ sơ); đang giải quyết 1.439 hồ sơ (trong hạn: 1.319 hồ sơ; quá hạn 120 hồ sơ)

Tóm lại, 9 tháng đầu năm 2022 với sự lãnh đạo quyết liệt của tập thể lãnh đạo Thị xã, sự nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể, các phường, xã và nhân dân nên kinh tế - xã hội - QPAN trên địa bàn cơ bản ổn định, một số mặt có những chuyển biến tích cực; lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, xây dựng tiếp tục tăng trưởng; công tác quản lý tài nguyên khoáng sản; quản lý trật tự đô thị đã từng bước được cải thiện; lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến, đời sống nhân dân được nâng cao.  Các Chương trình, Đề án của tỉnh được các cấp các ngành hưởng ứng và triển khai kịp thời.

Bên cạnh những kết quả đạt được tình hình kinh tế xã hội trong 9 tháng đầu năm cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.

Trong năm tình hình thời tiết không thuận lợi, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, năng suất và sản lượng so với năm cùng kỳ. Đồng thời, giá cả các loại nguyên vật liệu của lĩnh vực nông nghiệp tăng cao như phân bón, thức ăn chăn nuôi… đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân.

Thu ngân sách (phần thị xã, xã phường thu) một số khoản thu đạt thấp so với dự toán đề ra.

Công tác đầu tư xây dựng cơ bản  của một số công trình, dự án triển khai còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nhìn chung còn thấp so với yêu cầu của Tỉnh.

Công tác quy hoạch tuy đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên việc triển khai thực hiện các quy hoạch trên địa bàn diễn ra còn chậm, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực.

Công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị một số nơi còn bất cập; mỹ quan đô thị tại một số địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; tình trạng xây dựng trái phép vẫn còn xảy ra tại các địa phương như phường Thủy Dương, Thủy Phương; Một số công trình, dự án triển khai chậm tiến độ so với kế hoạch và vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Việc cải cách thủ tục hành chính tuy đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tỷ lệ hồ sơ còn chậm vẫn còn tương đối nhiều, nhất là các hồ sơ liên quan đến thủ tục đất đai.

Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tuy nhiên bên cạnh đó tình hình tội phạm vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp như: tội phạm ma túy, tệ nạn đánh bạc....

B. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 3 THÁNG CUỐI NĂM 2022:

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, Thị xã vẫn còn gặp không ít  khó khăn. Vì vậy, để hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, trong 3 tháng cuối năm cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ như sau:

  I. Phát triển kinh tế

  1. Lĩnh vực kinh tế

  Chủ động phối hợp với các Ban, ngành cấp tỉnh tập trung đẩy mạnh việc thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (Nghị quyết 11); tháo gỡ khó khăn, vướng mắt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp... Tổ chức rà soát và hướng dẫn cho các doanh nghiệp tranh thủ vốn khuyến công nhằm mở rộng quy mô và đổi mới công nghệ sản xuất, cũng như việc phát triển các ngành nghề TTCN địa phương.

  Đẩy mạnh phát triển hoạt động thương mại và triển khai Chương trình bình ổn giá vào những tháng cuối năm; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn xử lý nghiêm các vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng,…

  Xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2023 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông - Xuân 2022-2023. Lập Kế hoạch các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển Nông nghiệp năm 2023 theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực, Kế hoạch Tái cơ cấu ngành nông nghiêp, Kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu bưởi thanh trà của tỉnh đến năm 2025, chương trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ năm 2023.

Chỉ đạo các xã, phường hướng dẫn, vận động người dân chăm sóc, phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm. Theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng.

2. Tài chính ngân sách

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán vốn; kiên quyết thực hiện việc điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Tập trung chỉ đạo quyết liệt và có những giải pháp hiệu quả trong nhiệm vụ  thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành và vượt dự toán thu toàn diện. Trong đó, thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý, khai thác nguồn thu, thực hiện và xử lý nguồn tiết kiệm chi theo đúng yêu cầu. Quản lý tốt các khoản thu từ doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của thị xã, thu từ xây dựng nhà ở tư nhân. Tập trung quản lý các khoản thu XDCB vãng lai, thu nợ tiền sử dụng đất đến hạn phải nộp NSNN, tiền thuê đất, thu theo kết luận của Thanh tra, Kiểm toán…. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiết kiệm chi tại các cơ quan, đơn vị trong những tháng cuối năm.

Dự báo sát tiến độ thu ngân sách hàng tháng, hàng quý để điều hành ngân sách đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối các nguồn thu. Đôn đốc các chủ đầu tư sớm hoàn thành hạ tầng kỹ thuật các dự án tạo quỹ đất, lập đầy đủ các thủ tục để đưa vào đấu giá thu tiền sử dụng đất theo kế hoạch.

Chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ hoạt động  giữa cơ quan thuế, tài chính, các địa phương để tập trung đẩy mạnh công tác thu ngân sách, nhất là thu ngân sách tại các xã, phường để công tác thu ngân sách năm 2022 đạt và vượt kế hoạch . Kịp thời tháo gỡ khó khăn trong XDCB, đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2022, phấn đấu giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đạt kế hoạch đề ra nhằm tạo động lực cho sự phục hồi và phát triển kinh tế của thị xã. Chỉ đạo cơ quan Thuế, phòng Tài chính Kế hoạch và các xã phường, các  đơn vi dự toán kiểm tra rà soát toàn diện các nguồn thu; xây dựng tốt các kế hoạch, nhiệm vụ và dự toán chi ngân sách năm 2023 nhằm nâng cao chất lượng của dự toán ngân sách 2023.

II. Văn hóa – Xã hội:

1. Văn hóa và thông tin, TDTT: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các sự kiện chính trị, văn hoá và kỷ niệm các ngày lễ lớn gắn với việc đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; công tác phòng cháy chữa cháy trong khu dân cư; an toàn vệ sinh thực phẩm và Tết Quý Mão 2023…; Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước, các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.

 Đẩy mạnh triển khai xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn. Tiếp tục triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch cộng đồng theo NQ 05 của HĐND tỉnh, đẩy mạnh việc xúc tiến, quảng bá các hoạt động du lịch trên địa bàn. Hoàn thành tổ chức Hội thi Thiết kế Logo - Biểu trưng thị xã Hương Thủy. Hoàn thành xây dựng Đề án Đặt tên đường ở các phường nội thị thuộc thị xã Hương Thủy, Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã Hương Thủy. Phát hành Đặc san Xuân 2023...

2. Giáo dục và đào tạo: Tiếp tục triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 chủ động, linh hoạt để thích ứng với tình hình thiên tai, dịch bệnh, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lý. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý việc dạy và học ở các nhóm trẻ gia đình, cơ sở mầm non tư thục nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ. Chỉ đạo các trường rà soát báo cáo tự đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục để được đánh giá ngoài công nhận kiểm định chất lượng và trường đạt chuẩn quốc gia trong lộ trình năm 2022. Rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ; kịp thời bổ sung sách giáo khoa, thiết bị dạy học cho lớp 2,3 và lớp 6,7.

  Phát động các phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt”, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao trong các trường, lập thành tích chào mừng kỉ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11(20/11/1982-20/11/2022). Tiếp tục thực hiện công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu theo đề án để chọn đội tuyển dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

3. Lao động, giải quyết việc làm và an sinh xã hội: Phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề, Trung tâm GDNN-GDTX thị xã và các cơ quan đơn vị liên quan tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động trong nước và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đẩy mạnh hoạt động vay vốn giải quyết việc làm. Giải quyết tốt các chế độ chính sách cho các đối tượng theo quy định.

  4. Y tế: Nâng cao chất lượng KCB và đổi mới phong cách, tinh thần thái độ phục vụ, xây dựng cơ sở y tế “Xanh - Sạch - Đẹp”; thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, bố trí mạng lưới KCB một cách hợp lý; tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động về kiểm soát bệnh tật như: Phòng chống các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm; Tiêm chủng mở rộng đạt 100%; chủ động đáp ứng kịp thời với từng cấp độ dịch Covid-19 gây ra; thường xuyên theo dõi sát tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện những diễn biến bất thường nhằm áp dụng các biện pháp xử lý hiệu quả, khống chế không để dịch lây lan và bùng phát. Tiếp tục triển khai tiêm chủng phòng Covid -19 theo số lượng được phân bổ của Sở Y tế đến các đối tượng theo quy định. Chú trọng đối tượng trẻ 5-11 tuổi, tiêm nhắc các mũi tiếp theo cho các đối tượng trên 18 tuổi, 12-17 tuổi.

III. Quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực

1. Đầu tư xây dựng, quy hoạch và phát triển đô thị

Chú trọng triển khai đẩy nhanh việc thực hiện các công trình dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2022 và chuẩn bị các bước thực hiện cho các công trình, dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông, dự án hạ tầng khu dân cư như: đường Tôn Thất Sơn, đường Trưng Nữ Vương giai đoạn 1, Nâng cấp, mở rộng đường Ngô Thì Sĩ, Đường tỉnh lộ 7 nối dài đến Khúc Thừa Dụ, Phường Thủy Phương….

Hoàn thành các dự án Nâng cấp, sửa chữa các tuyến giao thông, vỉa hè, cây xanh trên địa bàn thị xã năm 2022 theo đúng tiến độ.

Tiếp tục tăng cường chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh dải phân cách đường Nguyễn Tất Thành; quản lý, duy trì cây bóng mát hai bên vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành, Sóng Hồng, đường 2/9, đường Quang Trung.

Tiếp tục đôn đốc UBND các phường, xã tăng cường công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch tại các khu quy hoạch, khu đô thị, khu tái định cư theo đồ án quy hoạch đã được phê duyệt như: quy hoạch Khu đô thị mới An - Vân - Dương; quy hoạch khu dân cư, tái định cư Thanh Lam; khu quy hoạch Vịnh Mộc, quy hoạch nông thôn mới…

2. Tài nguyên và môi trường, khoáng sản

Triển khai thực hiện Quy hoạch sử dụng đất thị xã đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được UBND tỉnh phê duyệt. Xây dựng kế hoạch SDĐ năm 2023 của thị xã. Chỉ đạo các địa phương rà soát và tăng cường quản lý đất công ích trên địa bàn.

Tiếp tục rà soát, đăng ký danh mục công trình có thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong năm 2023; tăng cường công tác cấp giấy CNQSD đất cho người dân. Tăng cường kiểm tra, tham mưu xử lý vi phạm quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn thị xã;

 Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường. Tổ chức tốt các hoạt động, các phong trào bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, phối hợp và xử lý những vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân khai thác cát, sạn, đất san lấp tại một số địa phương.

3. Công tác GPMB, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

Tập trung giải quyết các vướng mắc về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các công trình, dự án chuyển tiếp, dự án mới trong năm như: Nâng cấp, mở rộng Kiệt 303 Nguyễn Tất Thành; Nút giao thông đường 2-9 và đường Nguyễn Tất Thành;  Đường Lê Thanh Nghị (đoạn Quốc lộ1A-Trưng Nữ Vương); Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Phù Nam (Cây Sen); Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh lộ 10E (đoạn Km0+900-Km1+500); Đường Nguyễn Văn Chính (đường Thanh Lam-Trưng Nữ Vương); Nâng cấp mở rộng đường và mương thoát nước đường Võ Khoa; Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư và tái định cư phục vụ xây dựng khu công nghiệp Gilimex…

Đôn đốc các phường xã lập thủ tục quy hoạch đất xen ghép theo kế hoạch thu tiền sử dụng đất năm 2022. Đôn đốc các chủ đầu tư, UBND các phường, xã lập các thủ tục về phân lô, thu hồi đất và đề xuất giá khởi điểm để đưa vào đấu giá theo kế hoạch.

IV.  Nội chính

Tiếp tục duy trì công tác SSCĐ, nắm chắc tình hình địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và cơ sở giải quyết tốt các tình huống, không để bất ngờ xảy ra. Tăng cường công tác quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự ATXH trên địa bàn thị xã trong những tháng cuối năm.

Chỉ đạo thực hiện tốt công tác tổ chức huấn luyện các đối tượng theo đúng kế hoạch; Tổ chức sơ tuyển, khám tuyển chuẩn bị đảm bảo nguồn nhập ngũ năm 2023.

 Tăng cường thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT, trong đó tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06 và 02 Dự án về CSDLQG về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý CCCD đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ; Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng, trật tự đô thị.

Tiếp tục củng cố, tổ chức, bộ máy; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, trường học và các xã, phường. Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Tăng cường kiểm tra công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường theo Kế hoạch.

Chỉ đạo thực hiện tốt việc tiếp nhận giải quyết công tác chứng thực, hộ tịch tại TTHCC thị xã và các công tác chuyên môn, nghiệp vụ khác trên địa bàn; Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện công tác tiếp thu, khắc phục, xử lý các nội dung tại Kết luận số 1330/KL-ĐKTLN ngày 27/7/2022 của Đoàn kiểm tra liên ngành về thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với các lĩnh vực đất đai, xây dựng, y tế và an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thị xã; Tổ chức tổng kết và khen thưởng các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; 06 năm thực hiện Luật Hộ tịch.

Tập trung giải quyết có chất lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85% đối với các vụ việc mới phát sinh; chú trọng việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%.

Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện pháp luật về tiếp dân, khiếu nại, tố cáo. Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo để nâng cao hiểu biết pháp luật về khiếu nại, tố cáo của cán bộ, nhân dân (tập trung ở khu vực xã, phường). Chỉ đạo Ban Tiếp công dân thị xã, Thanh tra thị xã phối hợp với các ban, ngành liên quan chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhất là các vụ việc phức tạp, đông người.

Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vị phạm pháp luật trên các lĩnh vực.

V. Công tác phòng, chống thiên tai

Rà soát phương án phòng chống lụt bão từ thị xã đến các xã, phường để bổ sung đảm bảo cho việc thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.

Kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản và có phương án chủ động đối phó khi có mưa lũ xảy ra. Kiểm tra các đường dây truyền tải điện đảm bảo an toàn, tính mạng của nhân dân.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cùng với các xã, phường, chống đổ ngã cây xanh, nhất là dọc các tuyến đường nội thị của thị xã; cắm biển báo nguy hiểm ở những đoạn đường thường bị ngập khi lụt bão xảy ra.

Trên đây là tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2022. UBND thị xã báo cáo UBND tỉnh, TVTU, TT HĐND thị xã biết để chỉ đạo./.

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.595.800
Truy cập hiện tại 4.137 khách