Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020
Ngày cập nhật 09/05/2018

Với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực du lịch Thừa Thiên Huế  đồng bộ, toàn diện, hiệu quả và chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của xã hội và ngành  du lịch. Ngày 04/5/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch số 87/KH-UBND về phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020.

Theo đó, với các mục tiêu  là đến năm 2020, nguồn nhân lực du lịch Thừa Thiên Huế sẽ tăng thêm 58% so với năm 2017; Tại các doanh nghiệp du lịch, có 90% người lao động đã qua đào tạo trong các lĩnh vực liên quan, đạt trình độ trung cấp du lịch trở lên hoặc có chứng chỉ chuyên ngành.

Với chỉ tiêu đến năm 2020, nguồn nhân lực sẽ tăng thêm khoảng  36.000  lao động, nâng tổng lao động toàn ngành khoảng 98.450 người, trong đó lao động trực tiếp khoảng 29.450 lao động (tăng 11.000), lao động gián tiếp khoảng 69.000 người (tăng  25.000).
Kế hoạch cũng đề ra các giải pháp thực hiện như:
a) Công tác đào tạo, tập huấn các kỹ năng, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng lao động ngành du lịch
- Tập trung công tác đào tạo và đào tạo lại mang tính thường xuyên và chuyên nghiệp, ưu tiên các ngành nghề còn thiếu, chất lượng chưa cao như CEO, Sale & Marketing, kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ (Tiếng Anh),...
- Tuyên truyền, khuyến khích người lao động tự tìm kiếm, tham gia các khóa đào tạo để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, nhất là ngoại ngữ nhằm nâng cao trình độ, năng lực phục vụ khách du lịch.
- Gắn kết công tác đào tạo, phát triển nhân lực du lịch với kế hoạch tuyển dụng, sử dụng lao động của doanh nghiệp, các nhà đầu tư, thị trường lao động.
b) Nâng cao nhận thức, chất lượng cuộc sống cho người lao động ngành du lịch
- Tuyên truyền rộng rãi, cập nhật thông tin về định hướng, chính sách và hoạt động du lịch nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức và cộng đồng về phát triển nhân lực ngành du lịch; tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp trong hệ thống giáo dục phổ thông để định hướng cho học sinh phổ thông quan tâm lựa chọn nghề, lựa chọn trường, đào tạo liên quan đến ngành du lịch.
- Khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh du lịch tổ chức lại lao động một cách khoa học, cải thiện điều kiện làm việc, cơ hội thăng tiến và cải thiện tiền lương cho người lao động, tạo điều kiện giữ chân và thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng và có kinh nghiệm, từng bước nâng cao nhận thức và thu nhập cho người lao động trực tiếp và gián tiếp trong ngành du lịch, tiến đến cải thiện chất lượng cuộc sống cho họ. 
- Đầy mạnh hoạt động hướng nghiệp, phân luồng học sinh theo nhu cầu hiện tại và trong giai đoạn tới của ngành du lịch Thừa Thiên Huế thông qua việc phát huy vai trò của các trung tâm hướng nghiệp, giới thiệu việc làm.
Nhóm giải pháp này có thể  được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hội thảo, tọa đàm về nghề nghiệp tại các trường phổ thông nhằm hướng nghiệp cho đối tượng này. Đối với cộng đồng dân cư –nơi có các mô hình du lịch dựa vào cộng đồng, có thể phối hợp với chính quyền các địa phương để triển khai các hoạt động này.
c) Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ giảng viên và chất lượng cơ sở đào tạo về du lịch
- Quy hoạch đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý du lịch, nhân lực du lịch lành nghề ở tất cả các bộ phận (lễ tân, buồng, bàn, bếp, chăm sóc khách hàng, marketing, điều hành tour, hướng dẫn viên, quản trị khách sạn, nhà hàng...) tại các cơ sở đào tạo chuyên về du lịch đang có tại tỉnh (Khoa Du lịch – Đại học Huế, Cao đẳng Du lịch Huế) theo hướng chuyên nghiệp chuẩn quốc gia, quốc tế, ưu tiên đào tạo tại chỗ, đào tạo trong nước liên kết với nước ngoài với mục đích nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao tính chuyên nghiệp, khả năng ngoại ngữ và tinh thần cầu thị trong phục vụ du khách.
-  Khuyến khích các cơ sở đào tạo hiện có mở rộng quy mô, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, liên kết mở thêm khoa đào tạo một số hoạt động du lịch mới đáp ứng nhu cầu của các dự án du lịch cao cấp (golf, casino,...); lấy thực tiễn công việc làm môi trường rèn luyện và tự rèn luyện chuyên môn, tăng cường mối liên kết giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp du lịch nhằm đáp ứng phù hợp nhân lực du lịch các lĩnh vực theo  nhu cầu thực tế.  
- Đa dạng hóa các cơ sở đào tạo du lịch: khuyến khích mở các cơ sở đào tạo du lịch ở các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo ngoài công lập và các cơ sở có vốn đầu tư của nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hoá các loại hình trường, lớp, trung tâm và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng du lịch.
- Các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đào tạo nhân lực du lịch cũ và mới; bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các địa phương, lĩnh vực và đối tượng khác
d) Tạo nhiều việc làm cho người lao động ngành du lịch
- Kêu gọi đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đầu tư mới, mở rộng quy mô kinh doanh, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, hình thành nhiều tuyến, điểm du lịch mới mang tính hệ thống và liên kết trong địa phương và liên kết vùng.
- Gắn kết công tác tào tạo với kế hoạch sử dụng lao động của từng địa phương trong tỉnh, nhất là những địa bàn du lịch trọng điểm của tỉnh (thành phố Huế, huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc) 
- Khôi phục các làng nghề truyền thống, khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các cá nhân, các nhóm hình thành các cơ sở sản xuất hàng lưu niệm thủ công truyền thống, trang trại nuôi trồng sản phẩm phục vụ du lịch; tăng cường sử dụng nguồn lao động du lịch gián tiếp tại các địa phương phục vụ các hoạt động liên quan đến du lịch.
- Xây dựng hệ thống thông tin về du lịch và về nguồn nhân lực của các địa phương trong tỉnh; trên cơ sở đó tăng cường trao đổi, cung cấp nhân lực du lịch cho các đối tác trong và ngoài nước đang đầu tư dự án du lịch trên địa bàn tỉnh.
đ) Quan tâm phát hiện, thu hút và sử dụng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong và ngoài nước
- Tăng cường phối kết hợp giữa các doanh nghiệp du lịch trong công tác phát hiện nhân tài qua các cuộc thi chuyên môn định kỳ và theo chuyên đề ở các bộ phận hoạt động du lịch (quản trị khách sạn, nhà hàng, điều hành tour, lễ tân, hướng dẫn viên, buồng, bàn bếp,…) theo hướng chú trọng hiệu quả kinh tế và mang lại lợi ích cho người lao động, cộng đồng xã hội.
- Cải thiện môi trường làm việc chuyên nghiệp, xây dựng chế độ đãi ngộ về vật chất và tinh thần phù hợp theo chiến lược phát triển của từng doanh nghiệp trong từng giai đoạn cụ thể, có tính đến sử dụng nguồn nhân lực du lịch nội vùng và liên vùng.
e) Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế để phát triển nguồn nhân lực du lịch
- Đưa nội dung đào tạo phát triển nhân lực ngành du lịch vào các cam kết hợp tác đa phương và song phương của tỉnh với các địa phương trong và ngoài nước, như : trao đổi đào tạo, thực tập; chia sẻ kinh nghiệm; xây dựng và cung cấp chương trình, giáo trình đào tạo; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật. 
- Vận động và tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, địa phương kết nghĩa trên mọi phương diện (tài chính, kỹ thuật, giáo trình, cơ sở thực tập, chuyên gia, giảng viên,...) nhằm phục vụ cho công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
- Nghiên cứu ban hành chính sách, cơ chế tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường thu hút chuyên gia giỏi là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài, đến làm việc trong ngành du lịch tỉnh.
- Tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo, dạy nghề du lịch và đơn vị nghiên cứu về du lịch của địa phương mở rộng hợp tác liên kết hợp tác với nước ngoài nhằm nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu về phát triển nhân lực du lịch với trình độ tham chiếu các nước ASEAN để sẵn sàng cho sự cạnh tranh lao động ở khu vực trong bối cảnh hội nhập quốc tế. 
 

 

Tập tin đính kèm:
anhduong-huongthuy.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.497.445
Truy cập hiện tại 4.301 khách