Tìm kiếm
Kết quả kiểm tra liên ngành các cơ sở hành nghề Y, Dược tư nhân, các cơ sở kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng năm 2018
Ngày cập nhật 26/02/2019

Thực hiện Kế hoạch 69/KH-UBND ngày 08/5/2018 của UBND thị xã Hương Thủy về việc Kiểm tra công tác Hành nghề Dược tư nhân năm 2018; Quyết định 2280/QĐ-UBND ngày 28/7/2017 của UBND thị xã Hương Thủy về việc kiện toàn Đoàn liên ngành kiểm tra các cơ sở hành nghề Y, Dược tư nhân, dịch vụ y tế tư nhân khác có liên quan trên địa bàn thị xã Hương Thủy. Đoàn kiểm tra liên ngành (sau đây gọi chung là Đoàn) đã tổ chức kiểm tra các cơ sở hành nghề Y, Dược tư nhân, dịch vụ y tế tư nhân khác có liên quan (bao gồm cơ sở kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng) trên địa bàn thị xã, kết quả cụ thể:

1. Đánh giá chung.

Đoàn được thành lập với đầy đủ thành phần, đảm bảo tính quyền lực của Đoàn kiểm tra liên ngành cấp thị xã. Thực hiện đúng quy trình và thủ tục kiểm tra, khách quan, công khai, trung thực. Các thành viên Đoàn thực hiện đúng sự phân công, phân cấp, đảm bảo đúng quyền hạn và trách nhiệm kiểm tra, không gây cản trở đến các hoạt động kinh doanh bình thường của các cơ sở, cá nhân là đối tượng được kiểm tra. Ý thức chấp hành pháp luật của người hành nghề ngày càng được nâng cao, các hoạt động về kinh doanh thuốc, khám bệnh và chữa bệnh tư nhân hiện đang hoạt động trên địa bàn thị xã đã dần đi vào nề nếp, tạo sự đa dạng và thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận và lựa chọn các dịch vụ khám, chữa bệnh phù hợp với nhu cầu và điều kiện, góp phần tích cực vào công tác chăm sóc và nâng cao sức khẻo nhân dân trên địa bàn thị xã.

Tuy nhiên, cán bộ tham gia công tác kiểm tra kiêm nhiệm nhiều công việc và công tác ở các cơ quan chuyên môn khác nhau nên việc tập trung thành viên Đoàn có gặp những khó khăn nhất định; một số cơ sở hành nghề đăng ký hoạt động ngoài giờ hành chính nên Đoàn phải làm việc đến lần thứ 2 trong đợt mới có kết quả.

2. Lồng ghép công tác tuyên truyền:

Qua đợt kiểm tra tại các cơ sở, Đoàn kiểm tra đã lồng ghép tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng quy chế chuyên môn như: Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 05 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược; Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Thông tư 02/2018/TT-BYT ngày 22/01/2018 của Bộ Y tế quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc; Và các văn bản khác của Bộ Y tế, Sở Y tế, các thông tin về đình chỉ lưu hành thuốc,….

3. Kết quả kiểm tra

Qua đợt kiểm tra phần lớn các cở sở hành nghề đều có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, giấy chứng nhận “Thực hành tốt nhà thuốc (GPP)”, Giấy phép hoạt động đối với phòng khám. Phần lớn Dược sĩ có trình độ trung cấp trở lên đứng tư vấn và bán thuốc, cung cấp hóa đơn chứng từ hợp lệ và các sổ theo dõi bán thuốc như: sổ nhập hàng; sổ theo dõi nhiệt độ, độ ẩm; tại phòng khám niêm yết giá dịch vụ, dụng cụ được hấp sấy tiệt trùng, có thùng để rác phân loại theo quy định.

Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại các vấn đề mà Đoàn kiểm tra nhắc nhở như sau: một số nhà thuốc vẫn không làm thủ tục người giúp việc cho nhân viên tư vấn, bán thuốc tại nhà thuốc, không mở sổ theo dõi thuốc bán theo đơn, vẫn còn tình trạng đối phó trong công tác bảo quản thuốc dùy trì nhiệt độ độ ẩm theo yêu cầu của nhà sản xuất là khi có đoàn kiểm tra mới bật điều hòa nhiệt độ để duy trì nhiệt độ theo quy định, niêm yết giá thuốc chưa đầy đủ. Phòng khám chưa cung cấp hợp đồng xử lý rác thải y tế, sổ khám bệnh ghi thông tin chưa đầy đủ theo quy định,…

           4. Một số nội dung vi phạm chủ yếu:

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn đã phát hiện và nhắc nhở, yêu cầu chủ cơ sở cam kết bằng văn bản khắc phục kịp thời các lỗi vi phạm chủ yếu như:

- Không lập hoặc lập sổ theo dõi khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định (tại điểm b, khoản 1, điều 30 của NĐ 176/2013/NĐ-CP);

- Không đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất trong quá trình hoạt động (điểm d, khoản 2, điều 29 của NĐ 176/2013/NĐ-CP);

- Người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không thực hiện việc ủy quyền hoặc cử người thay thế theo quy định của pháp luật (điểm a, khoản 1, điều 37 của NĐ 176/2013/NĐ-CP);

- Không thực hiện việc mở sổ hoặc không sử dụng phương tiện để theo dõi hoạt động mua thuốc, bán thuốc theo quy định của pháp luật (điểm c, khoản 1, điều 37 của NĐ 176/2013/NĐ-CP);

- Để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc (điểm b, khoản 1, điều 42 của NĐ 176/2013/NĐ-CP);

- Bán lẻ thuốc không đáp ứng yêu cầu về bảo quản ghi trên nhãn thuốc (điểm a, khoản 1, điều 42 của NĐ 176/2013/NĐ-CP).

5. Các biện pháp chấn chỉnh trong thời gian tới.

- Chủ động tham mưu cho UBND thị xã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, UBND các xã, phường tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ và nhân dân trên địa bàn thị xã nhằm nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật liên quan đến công tác khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.

- Chủ động, phối hợp các ngành liên quan hướng dẫn việc cập nhật cập nhật kiến thức pháp luật, quy định, quy chế chuyên môn cho các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về y tế cấp thị xã và các đối tượng hành nghề Y, Dược tư nhân trên địa bàn thị xã.

         - Tăng cường công tác kiểm tra nhằm chủ động phát hiện, hướng dẫn, nhắc nhở và chấn chỉnh những hành vi vi phạm; xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân.

 

Lường Thanh Hải
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.474.111
Truy cập hiện tại 1.198 khách