Tìm kiếm
Hội nghị chuyên đề về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
Ngày cập nhật 07/09/2018

Ngày 6/9, tại thị xã Hương Thủy, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Ban Thường vụ Thị ủy Hương Thủy tổ chức hội nghị chuyên đề về kết quả và kinh nghiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Lê Văn Chính, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã, nhấn mạnh: Thực hiện Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cấp ủy đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, gắn với việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc thực hiện kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình, mô hình xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở được triển khai song song với việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở… góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, điều hành, tạo điều kiện tốt nhất để người dân tham gia thực hiện dân chủ tại cơ sở.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thị xã, sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh 34, nhận thức của các cấp, các ngành về quy chế dân chủ được nâng lên. Công tác quản lý điều hành và hoạt động của chính quyền cơ sở có nhiều đổi mới. Kỷ cương, kỷ luật hành chính được chấp hành nghiêm túc. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Qua đó, tác động tích cực đến đời sống, kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là trên lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng đời sống văn hóa mới, đẩy lùi tiêu cực, xây dựng hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
 
Tại hội nghị, các ngành, địa phương cũng đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; đồng thời, đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới, trong đó, chú trọng phát huy quyền dân chủ của nhân dân, mở rộng dân chủ trực tiếp, nâng cao chất lượng dân chủ đại diện; tăng cường củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng xã hội đồng thuận và từng bước ngăn chặn tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí…
 
 
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Xuân Toàn, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh, khẳng định: Một trong những yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả của việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, đó chính là vai trò của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị. Đồng chí yêu cầu từng đồng chí bí thư cấp uỷ, lãnh đạo chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, công khai, minh bạch trong điều hành của chính quyền, đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các hành vi xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là thông tin về các chính sách, luật pháp liên quan trực tiếp.
 
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị, sau hội nghị này, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai đồng bộ, hiệu quả, đưa việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào nền nếp; phát huy tối đa tính dân chủ để khơi dậy tiềm năng, sức mạnh của nhân dân, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
 
 
Thanh Đoàn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.522.620
Truy cập hiện tại 322 khách