Tìm kiếm
Chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân năm 2018
Ngày cập nhật 25/01/2018
Trong năm 2017, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh, bảo đảm an toàn dịch bệnh, thúc đẩy sự phát triển ổn định của lĩnh vực chăn nuôi. Hiện nay trên địa bàn tỉnh không có các ổ dịch bệnh nguy hiểm ở động vật như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng ở gia súc, Tai xanh và một số dịch bệnh thông thường khác. Tuy nhiên, do mầm bệnh vẫn còn tồn lưu trong môi trường chăn nuôi; diễn biến phức tạp của thời tiết tác động tiêu cực đến sức khỏe của đàn vật nuôi và tạo điều kiện cho mầm bệnh tồn tại, phát tán; kết hợp với người chăn nuôi tăng số lượng đàn vật nuôi; các hoạt động vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật phục vụ tiêu dùng vào dịp cuối năm gia tăng,... nên nguy cơ dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất là rất cao.
Thực hiện nội dung Công văn số 10924/BNN-TY ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ Hội xuân 2018; để chủ động, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái, UBND tỉnh có Công văn số 524/UBND-NN ngày 23/01/2018 gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế.
 

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế và các ngành liên quan:
a) Tiếp tục củng cố và tăng cường năng lực cho lực lượng thú y cơ sở; phân công cán bộ thú y giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch gia súc, gia cầm, thủy sản không để lây lan trên diện rộng.
b) Tổ chức phòng bệnh chủ động bằng vắc xin cho đàn gia súc theo đúng kế hoạch đã đề ra, đặc biệt chú ý phòng các bệnh Lở mồm long móng, Dịch tả lợn, Tụ huyết trùng lợn, Tai xanh lợn và các bệnh bắt buộc phải phòng bệnh bằng vắc xin theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 
c) Hàng tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường đặc biệt tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao như ổ dịch cũ, chợ buôn bán, điểm thu gom gia súc, cơ sở chăn nuôi và giết mổ gia súc,… Tuyên truyền việc xã hội hóa công tác tiêu độc khử trùng để người dân chủ động phòng chống dịch bệnh. Nội dung tiêu độc khử trùng thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công văn số 1594/SNNPTNT-CCCNTY ngày 24/10/2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 2 năm 2017.
d) Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật và sản phẩm động vật nhằm hạn chế dịch bệnh, cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Túc trực 24/24 giờ ở 02 chốt tại xã Phong Thu và xã Lộc Thủy trên Quốc lộ 1A, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
2. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế:
a) Chỉ đạo công tác phát triển chăn nuôi, phòng chống đói, rét, dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật. Tổ chức rà soát, chấn chỉnh hoạt động đối với các chương trình, dự án liên quan đến cung cấp gia súc, gia cầm cho người dân nuôi trên địa bàn; yêu cầu tuân thủ nghiêm các quy định về chất lượng vật nuôi, quy định về kiểm dịch động vật.
b) Tổ chức tiêm phòng triệt để các loại vắc xin trên địa bàn đảm bảo tỷ lệ miễn dịch trên 80% so với tổng đàn gia súc, gia cầm, chó nuôi.
c) Chủ động xây dựng Kế hoạch và bố trí nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật hàng năm. Khi phát hiện gia súc, gia cầm mắc các bệnh nguy hiểm như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, Tai xanh ở lợn thì tiến hành tổ chức tiêu hủy ngay ổ dịch đầu tiên để tránh lây lan ra diện rộng; chủ động sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ kịp thời công tác phòng chống dịch và hỗ trợ chủ nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
d) Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án quy hoạch, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại từng địa phương; cải tạo, nâng cấp cơ sở giết mổ bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
đ) Chỉ đạo nuôi trồng thủy sản theo lịch thời vụ; quy hoạch vùng nuôi và xử lý nước thải; tôm giống phải được kiểm dịch, xét nghiệm PCR trước khi thả nuôi.
e) Trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất và các ngày lễ lớn trong năm 2018, chỉ đạo đoàn liên ngành kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của Luật Thú y. 
3. Các đơn vị: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan, Chi cục Quản lý thị trường có trách nhiệm phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) và các huyện, thị xã, thành phố Huế tăng cường kiểm tra các hoạt động lưu thông, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật đặc biệt là công tác kiểm soát buôn bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ.
4. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố Huế, các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, theo dõi, đề phòng các bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người, phối hợp với các ngành liên quan tăng cường, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế tổ chức tuyên truyền liên tục bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của nhân dân thực hiện tốt các nội dung trên.
 
anhduong-huongthuy.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.527.605
Truy cập hiện tại 2.300 khách