Tìm kiếm
Người phục nữ đi tìm "Năng lượng xanh" cho cuộc sống
Ngày cập nhật 29/04/2017

“Càng sử dụng năng lượng xanh nhiều bao nhiêu thì hành tinh của chúng ta “sống” càng lâu hơn bấy nhiêu!”. Chị đã phát biểu như vậy tại buổi tọa đàm tuyên dương các điển hình tiên tiến của Hội phụ nữ xã Thủy Thanh. Ai cũng trầm trồ khen ngợi chị - người phụ nữ đi tìm “năng lượng xanh” cho cuộc sống.

Chị là Lê Thị Diệu Huyền, sinh ra và lớn lên tại vùng đất Quảng Trị, theo chồng về với làng Lang Xá Bàu cũng đã được 20 năm. Cứ tưởng người con gái thanh tú với vẻ đẹp mặn mà, quyến rũ ấy sẽ không quen với việc đồng áng của gia đình nhà chồng nhưng chị đã bắt đầu từ cây lúa, từng bước cùng chồng phát triển kinh tế gia đình. Gia đình nhà chồng chị đông anh em, cuộc sống vốn dĩ rất khó khăn, xưa nay đều theo nghiệp “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Không cam cái khổ, không chịu cái nghèo, chị đã vượt khó vươn lên bằng chính đôi tay, khối óc của mình. 

Chị Lê Thị Diệu Huyền (áo tím, đứng thứ ba phía bên trái)

tại buổi tọa đàm tuyên dương các điển hình tiên tiến Hội LHPN xã Thủy Thanh

Được tham gia sinh hoạt tại Chi hội phụ nữ thôn Lang Xá Bàu, chị có nhiều điều kiện trao đổi với các chị hội viên về kinh nghiệm phát triển kinh tế. Tìm hiểu tâm tư của các chị hội viên, thấu hiểu được việc các chị bán lúa cho tư thương bị ép giá. Chị quyết định chia sẻ một phần khó khăn với các chị phụ nữ trong thôn và cũng giúp cả chính bản thân mình làm giàu bằng cách vay vốn, mạnh dạn đầu tư máy móc, xây dựng cơ sở xay xát lúa gạo. Từng bước, từng bước một, chị đã tạo dựng được uy tín cho cơ sở xay xát của mình, mạnh dạn hiện đại hóa cơ sở xay xát để chất lượng gạo tốt hơn, đáp ứng thị trường tiêu thụ trong thôn và vươn xa các vùng lân cận. Hàng năm, cơ sở của chị thu mua lúa cho bà con trong xã từ 3.000 - 3.500 tấn lúa, phần nào giúp bà con bớt lo lắng về đầu ra của lúa, an tâm trồng trọt và ai ai cũng rất hài lòng về giá mua mà chị đưa ra. Để tạo dựng được chỗ đứng vững chắc cho thương hiệu gạo Thủy Thanh trên thị trường, chị luôn đặt chữ tín lên hàng đầu, cố gắng tìm kiếm khách hàng ở các tỉnh Miền Nam, Miền Bắc để giới thiệu, quảng bá. Doanh thu hàng năm từ cơ sở xay xát lúa gạo mang lại lên đến 21 tỷ đồng, trừ chi phí ra thì lợi nhuận mang lại hơn 300.000.000đ.

Đã nhiều lần chị băn khoăn về việc cơ sở xay xát của mình mỗi năm thổi ra không biết bao nhiêu là lượng vỏ trấu làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Trước đây, chị thường cho bà con trong thôn đến lấy vỏ trấu để làm chất đốt nhưng lượng trấu bà con lấy cũng không đáng kể. Một lần vô tình chị đọc được bài viết trên mạng nói về cách chế biến trấu thành củi vừa làm chất đốt, vừa cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường chị liền nung nấu trong mình ý tưởng sẽ làm củi trấu. Từ suy nghĩ này, chị đã tìm kiếm các tài liệu liên quan đến chế biến vỏ trấu thành chất đốt có nhiệt lượng cao có thể thay thế than để tham khảo, học hỏi. Rồi chị lặn lội, mò mẫm tìm đến các cơ sở chế biến củi trấu để tìm hiểu kinh nghiệm thực tế. Khi “hành trang” đã sẵn sàng chị bắt đầu làm củi trấu. Chị đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất và cơ sở chế biến củi trấu của chị chính thức đi vào hoạt động, mỗi năm sản xuất ra 500 - 600 tấn củi trấu, doanh thu hàng năm ước đạt khoảng 500 - 600 triệu đồng, lợi nhuận từ sản xuất củi trấu mang lại cũng lên đến 200 triệu đồng/năm. Đầu ra của củi trấu rất dễ dàng, vì các nhà máy công nghiệp rất thích dùng củi trấu để đốt lò vừa rẻ vừa không độc hại so với than đá với lại bà con trong xã và các vùng khác cũng rất chuộng loại nhiên liệu sạch này.

Cơ sở xay xát lúa gạo và sản xuất củi trấu của chị đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 15 lao động, vào thời vụ có khi lên đến 20 lao động với mức lương ổn định từ 4.000.000đ cho đến 6.000.000đ/lao động. Khi cuộc sống dần khấm khá lên, chị Huyền luôn nghĩ đến những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình, những phụ nữ nghèo, đơn thân. Chị gây quỹ vì người nghèo hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, đơn thân góp phần giải quyết một phần nào khó khăn cho mọi người, tạo công ăn việc làm cho các chị, giúp các chị ổn định cuộc sống. Chị tâm sự: “Lúc trước mình cũng từ khó khăn mà đi lên, giờ có khấm khá hơn chút xíu, thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn trong xã dù ít dù nhiều cũng góp một chút gì đó để cùng bà con giải quyết phần nào khó khăn”.

Nhắc đến chị, chị Phan Thị Sương – Chủ tịch Hội LHPN xã Thủy Thanh tự hào chia sẻ: “Cấp Hội rất vinh dự khi có một hội viên có lòng bao dung, nhân đạo giúp đỡ những mảnh đời khó khăn trong thôn, trong xã. Ngoài ra các cuộc vận động do Đảng và Nhà nước phát động chị Huyền đều xung phong, đi đầu đóng góp. Chị cũng là người tiên phong trong các Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo”.

Đằng sau câu chuyện của người phụ nữ xinh đẹp mà giàu ý chí và nghị lực vươn lên này, là cả một quá trình vượt khó vươn lên mà ít ai biết đến. Không chỉ hun đúc cho bản thân một khát vọng thay đổi cuộc đời, làm giàu cho gia đình mà chị còn có những đóng góp cho cộng đồng, xã hội rất đáng trân trọng, khích lệ. Chọn cho mình con đường lập nghiệp riêng, ở độ tuổi của chị có lẽ ít người đạt được sự thành công và vững chãi trong phát triển kinh tế. Từ một loại phế phẩm của ngành nông nghiệp làng quê là trấu, chị đã biến nó thành vật liệu có giá trị cao. Sản phẩm củi trấu của chị không những vừa an toàn cho môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng mà còn là một loại năng lượng xanh góp phần bảo vệ lá phổi cho trái đất của chúng ta, làm cho hành tinh của chúng ta ngày càng trong hơn, xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn./. 

Cao Phương Thanh – Hội LHPN thị xã Hương Thủy
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.624.488
Truy cập hiện tại 2.222 khách