Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND thị xã Hương Thuỷ Lê Văn Cường nhấn mạnh, những năm qua, thị xã Hương Thuỷ luôn quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính; địa phương luôn chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển.
“Lãnh đạo thị xã luôn cầu thị, lắng nghe doanh nghiệp, đồng thời, cam kết thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các hợp tác xã để cùng tháo gỡ khó khăn, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tạo thêm động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của Hương Thuỷ”, Chủ tịch UBND thị xã Hương Thuỷ Lê Văn Cường khẳng định.
Tại hội nghị, đại diện NHNN tỉnh đã báo cáo kết quả hoạt động ngân hàng trên địa bàn; những khó khăn, vướng mắc và một số giải pháp trong thời gian tới. Theo báo cáo, đến cuối tháng 5/2024, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thị xã đạt 6.210 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,7% so với tổng nguồn vốn huy động toàn tỉnh. Dư nợ tín dụng trên địa bàn thị xã đến cuối tháng 5/2024 đạt 7.977 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,3% so với tổng dư nợ toàn tỉnh. Trong đó, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp đạt 3.277 tỷ đồng, chiếm 41% tổng dư nợ và dư nợ cho vay đối với hộ kinh doanh, cá thể đạt 4.700 tỷ đồng, chiếm 59 % tổng dư nợ.
Bên cạnh đó, đại diện NHNN tỉnh đã phổ biến, quán triệt những điểm mới tại Nghị định 52/2024 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024. Nghị định 52 ra đời tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành ngân hàng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích, an toàn với chi phí hợp lý. Hội nghị cũng đã nghe các ý kiến phát biểu trực tiếp của đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các ngân hàng, trong đó tập trung vào các vấn đề: mặt bằng lãi suất, nhu cầu tín dụng, điều kiện và quy trình thủ tục cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo, các chương trình tín dụng ưu đãi, tiếp cận chương trình hỗ trợ lãi suất, miễn giảm lãi, cơ cấu thời hạn trả nợ...
Hôi nghị đã chứng kiến lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa giữa đại diện các ngân hàng và các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn với tổng quy mô gần 200 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc NHNN chi nhánh Thừa Thiên Huế Phạm Bá Nam yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung của Chỉ thị 01 của Thống đốc NHNN Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024, Quyết định số 01 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các văn bản chỉ đạo của NHNN; ưu tiên vốn tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; triển khai có hiệu quả, toàn diện, đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân,doanh nghiệp; đề nghị UBND thị xã Hương Thủy; các sở, ngành, Hiệp hội/Hội Doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN tỉnh và các ngân hàng trong triển khai, truyền thông các chính sách tín dụng đối với người dân và doanh nghiệp; đề nghị khách hàng phải nắm vững và thấu hiểu đầy đủ các quy định của pháp luật về tiền tệ, tín dụng ngân hàng, ngoại hối, đặc biệt là các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính, chiến lược phát triển, minh bạch thông tin để nâng cao khả năng tiếp cận vốn.