GPMB các dự án trọng điểm đảm bảo tiến độ
Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn có 15,57km đi qua địa bàn thị xã Hương Thủy, tổng diện tích thu hồi hơn 107ha, ảnh hưởng đến 325 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Nhờ chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và thị xã, Hương Thủy đã vượt qua một số khó khăn, vướng mắc trong GPMB - nhất là việc bố trí tại định cư cho 42 hộ dân thuộc diện di dời - để trở thành đơn vị đầu tiên của tỉnh hoàn thành công tác GPMB, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Dự án Nhà ga T2 - Cảng HKQT Phú Bài có tổng vốn đầu tư 2.249 tỷ đồng, tổng diện tích thu hồi gần 46ha, có 53 hộ dân bị ảnh hưởng và gần 2.000 lăng mộ phải di dời. Xác định đây là dự trọng điểm, mang tính chiến lược, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Hương Thủy đã tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thành lập Ban chỉ đạo GPMB do Bí thư Thị ủy làm Trưởng ban thực hiện công tác GPMB, bàn giao kịp tiến độ cho chủ đầu tư.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Gilimex thuộc KCN Phú Bài có tổng vốn đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng với quy mô hơn 460 ha. Theo Bí thư Thị ủy Lê Ngọc Sơn, là một trong những dự án quan trọng của tỉnh, nên ngay khi có Quyết định phê duyệt dự án, Hương Thủy đã khẩn trương triển khai công tác GPMB, đảm bảo bàn giao cho chủ đầu tư theo đúng kế hoạch. Khi hoàn thành, KCN Gilimex không chỉ tạo động lực phát triển vùng công nghiệp phía nam của tỉnh mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, giải quyết việc làm cho từ 20-30.000 lao động tại địa phương.
Diện mạo đô thị thay đổi rõ nét
Phấn đấu xứng tầm là đô thị động lực của Thừa Thiên Huế, năm 2022, Hương Thủy đã dành nguồn lực khá lớn từ ngân sách địa phương để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng đô thị và giao thông.
Ông Nguyễn Thanh Minh - Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy thông tin, trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch đã được phê duyệt, Hương Thủy đã tập trung chỉ đạo lập, phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các xã, phường, với mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90%. Bên cạnh đó, Hương Thủy ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường trọng yếu, như đường Trưng Nữ Vương, Khúc Thừa Dụ, Tôn Thất Sơn…, đồng thời đẩy mạnh công tác chỉnh trang, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - sáng dọc tuyến QL1A từ sân bay Phú Bài đến cầu vượt Thủy Dương, qua đó, góp phần làm thay đổi rõ rệt diện mạo đô thị của Hương Thủy.
Cũng trong năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thị xã Hương Thủy tiếp tục có những chuyển biến tích cực, với 14/14 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch, như: giá trị sản xuất ước thực hiện 33.167 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 635 tỷ đồng, vượt 36,4% so với dự toán; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,22%; giải quyết việc làm cho hơn 1.800 lao động, trong đó có 173 đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động…
Các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch… cũng để lại dấu ấn thông qua tổ chức thành công lễ hội “Chợ quê ngày hội” hưởng ứng Festival Huế 2022, chương trình “Với chiến khu xưa” Dương Hòa, Đại hội TDTT thị xã lần thứ IX, đứng thứ 3 toàn đoàn tại Đại TDTT toàn tỉnh; có 38/40 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 95%, dẫn đầu toàn tỉnh…
Tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội
Theo Bí thư Thị ủy Lê Ngọc Sơn, năm 2023 là năm "tăng tốc" có ý nghĩa quan trọng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2020-2025. Trước thời cơ và thách thức đan xen, ngay từ đầu năm, Thị ủy, Ban Thường vụ Thị ủy đề ra mục tiêu huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới (NTM) theo tiêu chí NTM kiểu mẫu và nâng cao; tập trung đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới sáng tạo, xây dựng chính quyền điện tử; thực hiện tốt các mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân...
Từ mục tiêu này, thị xã Hương Thủy phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất 10,7%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 4.500 - 4.700 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước thực hiện 668,5 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 73 triệu đồng; xây dựng 1-2 xã trở thành phường; tỷ lệ đô thị hóa 78%; nâng trường đạt chuẩn quốc gia lên 39/40 trường, đạt 97,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 0,2%..., đồng thời, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, xây dựng thị xã xứng tầm là trung tâm kinh tế, đô thị động lực của tỉnh, góp phần chung sức trong thời điểm Thừa Thiên Huế đặt ra mục tiêu sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.