Tìm kiếm
Lưu giữ, tiếp nối ký ức hào hùng một thời hoa lửa
Ngày cập nhật 30/04/2022

Thị xã Hương Thủy và Hội Trường Sơn xã Thủy Thanh đang bắt tay phục dựng những căn hầm bí mật. Ngoài việc lưu giữ những ký ức của một thời hoa lửa, đây còn là gạch nối, giúp các thế hệ trẻ hiểu thêm về tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của quân và dân ta trong chiến tranh chống quân xâm lược.

Hội Trường Sơn Thủy Thành và lãnh đạo thị xã Hương Thủy trong lần trò chuyện với ông Nguyễn Xuân Cang (giữa)

Cuối tháng 4, lãnh đạo thị xã Hương Thủy, Ban Chấp hành hội Trường Sơn Thủy Thanh đã đến khảo sát căn hầm bí mật nằm trong nhà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hàng (đã mất) tại thôn Vân Thê Nam (xã Thủy Thanh). Hiện, ngôi nhà do em trai là ông Nguyễn Xuân Cang quản lý.
 
Theo ông Trần Thanh Long - Phó Hội trưởng thường trực Hội Trường Sơn Thủy Thanh, căn hầm được xây trong kháng chiến chống Mỹ, làm nơi che giấu, nuôi dưỡng rất nhiều chiến sĩ, cán bộ chủ chốt hoạt động, chỉ đạo phong trào kháng chiến tại Thừa Thiên Huế nói chung, TX. Hương Thủy nói riêng, như các đồng chí: Nguyễn Mậu Huyên tức Hoàng Lanh (nguyên UVTV Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thành ủy Huế), Nguyễn Xuân Ngà (nguyên Bí thư huyện ủy Hương Thủy), Nguyễn Viết Hùng (nguyên Giám thị trại giam Bình Điền), Lê Duy Vy (nguyên Quận ủy quận Tả Ngạn - TP. Huế), Đỗ Văn Thanh (nguyên Đội trưởng đội biệt động Hương Thủy)…
 
“Căn hầm được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Sau chuyến khảo sát, Hội Trường Sơn Thủy Thanh và lãnh đạo thị xã đã bàn bạc với gia đình đưa căn hầm trở thành một trong những nơi giáo dục truyền thống đấu tranh hào hùng cha ông cho các thế hệ trẻ thông qua các tiết ngoại khóa, các hoạt động về nguồn… của học sinh, sinh viên, đoàn viên”, ông Trần Thanh Long chia sẻ.
 
Đại tá Nguyễn Viết Hùng, nguyên Giám thị trại giam Bình Điền - một trong những “nhân chứng sống” nhớ lại: “Cuối năm 1971, tôi được lãnh đạo tỉnh đưa về hoạt động tại xã Thủy Thanh. Thời gian ở tại hầm bí mật trong nhà mẹ Nguyễn Thị Hàng được cơ sở nuôi dưỡng, đậy nắp hầm là chị Hoàng Thị Hai và một số chị khác. Căn hầm này cũng là nơi các đồng chí: Hoàng Lanh, Lê Duy Vy, Đỗ Dũng… trú ẩn để hoạt động, chỉ đạo phong trào đấu tranh”.
 
Ngoài căn hầm tại nhà mẹ Nguyễn Thị Hàng, trước đó, thị xã Hương Thủy và Hội Trường Sơn Thủy Thanh đã phục dựng hoàn chỉnh hai căn hầm ở cồn Miệu và bên trong Văn Thánh (làng Thanh Thủy Chánh) - nơi nuôi dưỡng, che giấu nhiều chiến sĩ, cán bộ, Anh hùng lực lượng vũ trang, như: Trần Phong, Lê Đình Ánh, Nguyễn Việt Hùng, Lê Quý Cầu, Nguyễn Viết Bé…
 
 
Lối vào hầm bí mật tại nhà mẹ Nguyễn Thị Hàng - nơi nuôi dưỡng, che giấu nhiều chiến sĩ, cán bộ chủ chốt trong kháng chiến chống Mỹ
 
“Để gìn giữ những di tích lịch sử cách mạng quý giá này, Hương Thủy đã lên kế hoạch tiếp tục đầu tư, khôi phục thêm 2 căn hầm bí mật nữa tại khu vực Lang Xá Cồn và Lang Xá Bàu, đồng thời, sưu tầm những hiện vật, kỹ vật liên quan đến những dấu ấn hào hùng của các thế hệ đi trước trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược”, ông Lê Ngọc Sơn  - Bí thư Thị ủy Hương Thủy thông tin.
 
Trải qua 2 cuộc kháng chiến, trên địa bàn xã Thủy Thanh hiện có 656 liệt sĩ, 66 mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng, 238 gia đình có công với cách mạng, 85 thương bệnh binh, 7 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; Đảng bộ và Nhân dân xã Thủy Thanh được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt là danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân năm 1978.
 
Những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, xã Thủy Thanh nói chung, đình làng Thanh Thủy Chánh nói riêng chính là nơi chứng kiến sự kiện ra mắt chi bộ Đảng xã Thủy Thanh và các tổ chức quần chúng cách mạng, như: Nông hội Đỏ, Thanh niên Cộng sản Đoàn, Phụ nữ phản đế… (sau này là trụ sở của Ủy ban Cách mạng lâm thời, cũng là nơi tập trung huấn luyện dân quân du kích chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền).
 
Ngày 1/6/1946, đình làng Thanh Thủy Chánh là địa điểm tổ chức bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ 1948 - 1954, đình làng là căn cứ cách mạng trọng yếu của huyện Hương Thủy nói riêng, Thừa Thiên Huế nói chung và cũng là nơi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về công tác, triển khai nhiệm vụ cách mạng vào các năm 1948, 1950.
 
 
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Toàn, nguyên Giám đốc Công an tỉnh (trái) bên hầm bí mật ở cồn Miệu đã được phục dựng
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình làng Thanh Thủy Chánh là nơi bộ đội, dân quân du kích tập luyện, cất giấu vũ khí chuẩn bị cho phong trào Đồng Khởi. Đến ngày 31/10/1964, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Thủy Thanh sau khi tổ chức mít tinh tại đình làng đã tỏa ra các hướng nổi dậy, giành quyền làm chủ, giải phóng toàn xã.
 
Đến Xuân Mậu Thân 1968, tại khu vực đình làng, lực lượng du kích địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực huyện Hương Thủy đánh bại đợt càn quét của Tiểu đoàn biệt động 39 của địch. Mùa xuân năm 1975, đình làng là địa điểm đóng quân của Ban Chỉ đạo Chiến dịch huyện Hương Thủy, chỉ huy bộ đội đánh địch giải phóng Huế. Ngày 26/3/1975, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên cột cờ trước đình làng Thanh Thuỷ Chánh. 
 
“Xã Thủy Thanh là nơi lưu giữ rất nhiều ký ức bi tráng và quá đỗi hào hùng trong cuộc kháng chiến chống xâm lược. Hội Trường Sơn Thủy Thanh đang lên kế hoạch tiếp tục tìm kiếm những căn hầm bí mật còn lại trên địa bàn xã, từ đó phối hợp với chính quyền địa phương phục dựng, tôn tạo, đưa những di tích lịch sử cách mạng quý giá này trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho lớp trẻ; lồng ghép vào các tour tuyến du lịch nhằm tăng tính đa dạng cho điểm đến, giúp du khách trong, ngoài nước khi đến Thủy Thanh hiểu thêm tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân và dân ta”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Toàn, nguyên Giám đốc Công an tỉnh chia sẻ.
Thanh Đoàn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.587.875
Truy cập hiện tại 1.056 khách