Tìm kiếm
Chuyển động ở đô thị cửa ngõ phía Nam
Ngày cập nhật 06/09/2021

Trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, vai trò của thị xã Hương Thủy rất quan trọng, bởi đây là đô thị vệ tinh ngay ở cửa ngõ phía Nam thành phố Huế.

Chỉnh trang khu vực 2 bên cánh đồng Thanh Lam

Chuyển động
 
Chừng 3 năm trước, trên tuyến Quốc lộ 1A ngang qua cánh đồng Thanh Lam, người dân lẫn du khách trầm trồ về “con đường sen” kiểu mẫu. Những đóa sen hồng như làm dịu đi cái nắng vàng rực của vùng đất Cố đô. Du khách đi từ Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài cũng có những ấn tượng đẹp trước khi đặt chân đến vùng đất di sản.
 
Để tạo ra không gian ấy, chính quyền Hương Thủy mất thời gian vận động người dân trả lại mặt nước từng là “cần câu cơm” của họ.
 
Bây giờ, khu vực cánh đồng Thanh Lam đang được chỉnh trang, hạ tầng được đầu tư đồng bộ hơn, những hồ sen được nạo vét, khơi thông... Việc làm này không ngoài mục đích tạo ra hình ảnh mới - một không gian xanh - sạch - sáng, gây ấn tượng cho du khách. Du khách vừa bước xuống sân bay Phú Bài, họ cảm nhận được một Huế thân thiện và mến khách. Và hình ảnh ấy được nối dài lên đến cầu vượt Thủy Dương với hệ thống cây xanh, hoa.
 
Chỉnh trang đô thị, tạo ra sắc diện mới là điểm nhấn trong những năm qua ở Hương Thủy. Việc tập trung nguồn lực và làm tốt công tác giải phóng mặt bằng tạo ra điều kiện thuận lợi để triển khai nhiều dự án quan trọng như, mở rộng Quốc lộ 1A, cầu vượt Thủy Phù; Nhà ga T2 - Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài, cao tốc Cam Lộ - La Sơn; mở rộng, nâng cấp đường Trưng Nữ Vương, Khúc Thừa Dụ, Phùng Quán... Ngay tại nội thị, các điểm đô thị vệ tinh, như: Thủy Thanh, Thủy Tân, Thủy Phù... đã làm thay đổi rõ rệt diện mạo đô thị Hương Thủy.
 
Và trong tất cả các công trình ấy, ấn tượng có lẽ là dự án mở rộng sân đỗ máy bay Sân bay Phú Bài. Được khởi công cuối năm 2020, dự án này giúp tăng công suất sân bay lên 5 triệu khách/năm vào năm 2021. Theo lộ trình quy hoạch, đến năm 2030, sân bay Phú Bài có công suất 9 triệu hành khách/năm.
 
Không phải ngẫu nhiên mà Hãng Hàng không Viettravel Airlines chọn Sân bay Phú Bài làm “căn cứ”. Điều ấy cho thấy, sự chuyển biến có sức hút đáng kể đối với doanh nghiệp. Từ sự kiện này, tương lai khách du lịch khu vực Đồng Hới - Huế - Đà Nẵng - Hội An “phải” qua Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài. Với chiến lược phát triển lấy du lịch làm trọng điểm, Thừa Thiên Huế sẽ có nền tảng sức bật rõ ràng hơn ngay tại cửa ngõ phía Nam thành phố.
 
 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án mở rộng sân bay Phú Bài
 
“Sân bay Phú Bài được mở rộng và nâng cấp, vai trò đô thị vệ tinh của Huế ở cửa ngõ phía Nam sẽ được định hình rõ ràng hơn. Thị xã Hương Thủy cũng có điều kiện hơn để phát triển kinh tế. Xác định trung tâm từ Sân bay Phú Bài, việc chỉnh trang hệ thống hạ tầng xung quanh khu vực sân bay không chỉ giúp du khách có cảm nhận tốt khi vừa đặt chân đến Huế mà còn tạo ra lợi ích tương lai, nghĩa là giúp nhà đầu tư thấy được môi trường đầu tư thuận lợi”, Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy Nguyễn Thanh Minh chia sẻ.
 
Phát huy nội lực
 
Không phải địa phương nào cũng có nền tảng tốt như Hương Thủy. Hãy nhìn quy mô lẫn tình hình sản xuất tại Khu Công nghiệp Phú Bài sẽ nhận thấy rõ sự phát triển. Không chỉ vậy, việc hình thành các loại hình dịch vụ khác giúp đời sống người dân từng bước nâng cao. Chuyện người dân thất nghiệp rất hiếm xảy ra ở địa phương này.
 
“Khu Công nghiệp Phú Bài nhiều năm nay đã giải quyết tốt việc làm cho người địa phương. Với nhu cầu lớn về nhân lực từ các doanh nghiệp, người dân luôn có công việc ổn định. Ngoài ra, khi chính quyền đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông đã mở ra nhiều hướng kinh doanh dịch vụ cho người dân, từ đó, đời sống được thay đổi rõ nét”, ông Lê Văn Bình (xã Thủy Phù) chia sẻ.
 
Không riêng gì Hương Thủy, Khu Công nghiệp Phú Bài đang là động lực phát triển cho tỉnh, giải quyết hàng chục ngàn lao động các địa phương lân cận. Và Thủ tướng cũng đã đồng ý cho nhà đầu tư triển khai dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex tại phường Phú Bài và xã Thủy Phù (mở rộng Khu Công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV). Dự án có quy mô sử dụng đất hơn 460ha, tổng vốn đầu tư 2.614 tỷ đồng. Nói thế để thấy, việc công nghiệp hóa tại vùng đất năng động này sẽ quy mô hơn trong tương lai.
 
“Khu Công nghiệp Phú Bài đang trong giai đoạn đầu tư. Hệ thống kết nối thông tin giữa doanh nghiệp kinh doanh kho bãi với cơ quan hải quan vẫn còn hạn chế. Thời gian tới, việc xây dựng các trung tâm logistics tại khu công nghiệp sẽ được triển khai mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu quả, tính kết nối”, ông Nguyễn Thanh Minh thông tin.
 
Để hình thành nên một đô thị sôi động phía Nam thành phố, Hương Thủy dành nguồn lực khá lớn từ ngân sách để đầu tư, phát triển một số kết cấu hạ tầng thiết yếu. Nhìn hệ thống hạ tầng giao thông, người ta liên tưởng đến một thành phố thu nhỏ ngay ở phía Nam Huế. So với năm 2015, tính đến hết năm 2020, công nghiệp - xây dựng của Hương Thủy có giá trị sản xuất đạt gấp đôi; tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ bình quân hàng năm đạt 19%.
 
Trong hành trình phát triển của mình, tỉ lệ đô thị hóa tại Hương Thủy đến năm 2025 sẽ trên 90%, thị xã sẽ trở thành đô thị loại III. Hạ tầng sẽ hoàn thiện hơn nữa để đấu giá thu ngân sách và phục vụ tái định cư, như khu dân cư tiếp giáp khu đô thị Đông Nam Thủy An; hạ tầng kỹ thuật khu Hói Sai Thượng, khu trung tâm xã Thủy Thanh; các khu đất trong khu đô thị mới An Vân Dương và các khu xen ghép các phường, xã… đặc biệt, “nâng cấp” xã Thủy Thanh, Thủy Phù tiến lên phường.
 
Với tiềm năng, thế mạnh đó, hình hài một đô thị hiện đại dần lộ rõ. Và bây giờ, ngoài hệ thống đô thị, nhắc đến Hương Thủy, người dân, du khách nghĩ đến vùng đất của trầm tích văn hóa, có các điểm du lịch thú vị và cả vùng gò đồi, mặt nước giàu tiềm năng.
Hàn Đăng
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.578.709
Truy cập hiện tại 4.271 khách