Tìm kiếm
Thanh trà Dương Hòa được mùa
Ngày cập nhật 07/07/2021

Dương Hòa là địa phương có diện tích trồng thanh trà lớn nhất thị xã Hương Thủy. Nhờ chất lượng được người tiêu dùng đánh giá cao nên cứ vào khoảng giữa tháng 6 thương lái các nơi đã đến đặt mua nguyên vườn.

Tuy nhiên, cách đây 1 tháng, những người trồng thanh trà Dương Hòa khá sốt ruột khi không thấy cảnh thương lái ghé vườn hỏi mua đông đúc, nhộn nhịp như trước. Kéo theo đó là nỗi lo thanh trà “ế”, chín rụng chất đống quanh từng gốc cây. Theo ông Lê Văn Thức - Chủ tịch UBND xã Dương Hòa, thương lái đến hỏi mua muộn so với mọi năm là do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thương lái lo ngại thanh trà không thể tiêu thụ ở các thị trường lớn như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, TP. Hồ Chí Minh…
 
Tuy nhiên, sau thời gian chờ đợi cùng lo lắng đi kèm, cách đây 1 tuần, không khí những nhà vườn nơi đây nhộn nhịp hẳn lên khi thương lái tấp nập xuất hiện. Và đến thời điểm hiện tại, hơn 50% diện tích thanh trà cho thu hoạch của Dương Hòa đã được bán cho thương lái. “Đến tầm cuối tháng 7, diện tích còn lại sẽ được bán hết”, ông Thức ước tính.
 
Không chỉ giải tỏa được nỗi lo thanh trà “ế”, mà năm nay, bà con Dương Hòa rất phấn khởi khi loại quả đặc sản này vừa cho sản lượng cao lại vừa được giá. Điều này trái ngược với điệp khúc “được mùa, mất giá” đối với nhiều loại cây trồng khác. Và thậm chí, trái ngược với vụ thanh trà năm ngoái cũng của chính bà con Dương Hòa.
 
Năm ngoái, thanh trà Dương Hòa thiết lập kỷ lục khi cho sản lượng gấp 3 mọi năm. Cũng vì vậy nên khi bán cho thương lái giá thấp hơn từ 2-3 ngàn đồng/quả, nhưng nhờ sản lượng nhiều nên người trồng vẫn lời gấp đôi, có hộ gấp ba.
 
“Năm nay, do bão lũ, thanh trà ở Phong Thu, Phong Xuân (huyện Phong Điền) thiệt hại nặng khiến nguồn cung sụt giảm nên thương lái đổ xô lên đây mua. Đây là nguyên nhân chính giúp giá thanh trà Dương Hòa tăng, trung bình tăng từ 20-40 triệu đồng mỗi vườn”, bà Lê Thị Hoa - một trong những hộ trồng thanh trà nhiều nhất thôn Buồng Tằm cho biết.
 
Hẳn nhiên, đó là nguyên nhân khách quan, tức thời. Bà con Dương Hòa chắc chắn không mong muốn và trông chờ vào điều này. Bởi, từ khi cây thanh trà mọc trên đất Dương Hòa, nhằm giúp người trồng có những mùa thanh trà cho sản lượng và chất lượng cao, từ chủ trương của thị xã Hương Thủy thông qua phát triển các diện tích trồng thanh trà trên cơ sở đảm bảo, nâng cao chất lượng như Kế hoạch 159 về phát triển vùng nguyên liệu trồng bưởi thanh trà đến 2025 của UBND tỉnh đề ra, chính quyền xã Dương Hòa đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã hỗ trợ lắp đặt bét tưới bán tự động cho một số hộ chưa đủ điều kiện; mở lớp sơ cấp nghề 3 tháng về kỹ thuật trồng cây ăn quả; hướng dẫn cách tính toán chi phí đầu vào, đầu ra, giá thành khi tiêu thụ sản phẩm; cách nhận biết cây thanh trà đầu dòng có chất lượng, để từ đó áp dụng kỹ thuật nhân giống nhằm giúp thanh trà có chất lượng cao, đồng đều hơn…
 
Đến hiện tại, ngoài đã biết thâm canh, chăm sóc đúng kỹ thuật, kiểm soát được bệnh sâu đục thân, rầy chủng cánh, chảy gôm - xì mủ, chủ động phân, thuốc…, người trồng thanh trà Dương Hòa còn rất “mạnh tay” khi mỗi hộ chi từ 50-80 triệu đồng đầu tư cho hệ thống tưới tiêu.
 
“Nếu như trước đây còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố thì khoảng 3-4 năm trở lại, bà con chỉ lo mỗi bão, lốc làm gãy cây. Những thiên tai, địch họa còn lại như hạn hán, sâu bệnh… không còn là điều khiến họ phải quá lo lắng”, ông Lê Văn Thức cho biết.
 
Hiện, ở Dương Hòa có 250 hộ trồng gần 50ha thanh trà, trong đó khoảng 25ha đang cho quả ổn định. Từ đây tới năm 2025, dự kiến tăng thêm từ 10-12 ha thanh trà cho thu hoạch đại trà, đồng thời, mở rộng diện tích thanh trà lên thêm 10-15ha cũng như không phải lo đầu ra, câu chuyện người nông dân nơi đây làm giàu nhờ loại trái cây đặc sản riêng có của Huế không còn là trên giấy.
Hàn Đăng
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.528.476
Truy cập hiện tại 2.635 khách