Tìm kiếm
Chàng thanh niên làm giàu từ “mô hình chăn nuôi”
Ngày cập nhật 30/06/2020

Sinh ra tại Phú Sơn, trải qua vị trí quản lý ở một công ty tư nhân tại thành phố Huế một thời gian, đến năm 2014, anh Bùi Vĩnh quyết định về lại Phú Sơn khởi nghiệp bằng mô hình chăn nuôi, sau lần theo bạn ra Quảng Trị thăm một trang trại nuôi.

Anh Vĩnh kể, thời điểm 2014, tuy trên địa bàn thị xã Hương Thủy có nhiều trang trại quy mô, nhưng chưa có trang trại nào thật sự thành công. Trong khi đó, những chia sẻ của ông chủ trang trại ở Quảng Trị lại rất sát thực tế: “Ban đầu vốn ít thì làm ít. Nếu vay vốn để mở rộng quy mô sẽ không lợi nhuận. Ngoài ra, phải biết tính toán ngay từ nguồn thức ăn, tốt nhất là hợp đồng với các công ty số lượng lớn để sẽ có giá ưu đãi, còn nếu mua qua đại lý, mỗi kg thức ăn phải trả thêm vài ngàn đồng. Nghe qua thấy nhỏ, nhưng nếu mua thường xuyên thì đây cũng là yếu tố để thấy được lãi - lỗ”, anh Vĩnh nhớ lại những lời khuyên.    
 
Sau chuyến ra Quảng Trị, người đàn ông sinh năm 1978 quyết định bán 4ha đất rừng của gia đình lấy tiền mở gia trại với 100 con lợn thịt và nái, đồng thời, kiêm luôn đại lý thức ăn gia súc, gia cầm để vừa có thêm đồng ra đồng vào, vừa chủ động được nguồn thức ăn cho đàn lợn của mình. Số lãi có được sau 1 năm rưỡi chăn nuôi tiếp tục được anh Vĩnh dùng để mở rộng quy mô nuôi lên 500 con lợn thịt và 50 con lợn nái, đồng thời mua đất mở trang trại nuôi thêm 6.000 con gà thả vườn. Tuy nhiên, một năm sau, thịt lợn bất ngờ rớt giá thảm hại nhưng may là nhờ có gà “bù qua sớt lại” nên anh Vĩnh vẫn đứng vững để duy trì đàn gia súc, gia cầm của mình. Qua thời gian gánh gồng, cũng như linh động trong việc tăng - giảm số lượng vật nuôi trong trại tùy theo thị trường, anh Vĩnh rút ra được bài học để rồi đến nay, những kinh nghiệm đó đã giúp anh trở thành một trong những người chăn nuôi quy mô và thành công nhất ở Phú Sơn khi mỗi năm, từ 3 lứa lợn 400-500 con, 3 lứa gà thịt khoảng 6.000 con, 50.000 gà giống và đại lý thức ăn gia súc, gia cầm đã đem về cho anh Vĩnh thu nhập từ 500-600 triệu đồng cùng nguồn thu nhập từ nghề tay trái nhưng “hái” ra tiền là buôn bán mai cảnh khi trong vườn luôn có khoảng 30 gốc hoàng mai, giá từ 30-150 triệu đồng/gốc.
 
 
Chia sẻ những kinh nghiệm để thoát lỗ, đứng vững và có lãi, anh Vĩnh cho biết: “Tâm lý nhiều người thấy giá thị trường cao là ồ ạt nuôi nhưng không tính toán khả năng giá cao liệu có kéo dài đến thời điểm lợn, gà mình xuất chuồng hay không. Theo tôi, khi giá thị trường tăng ta vẫn nhập thêm để nuôi, nhưng ở mức có thể khống chế nếu chẳng may gặp rủi ro. Đây cũng là lý do mà tùy thời điểm, trong trại của tôi sẽ duy trì từ 3.000-10.000 con gà và 100-400 con lợn. Ngoài ra, khi chọn con giống, thức ăn đừng có thấy rẻ là mua mà phải biết đặt câu hỏi, tại sao công ty này bán đắt hơn công ty kia mà họ vẫn phát triển mạnh…”. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, anh em, bạn bè ngỏ ý muốn giúp tôi “giải cứu” gà nhưng tôi từ chối, bởi ngoài việc Nhà nước sẽ có những biện pháp để giúp người nuôi chống đỡ, thì bản thân luôn bám sát các công ty cung cấp giống để có được những lời khuyên khi nào nên mua, lúc nào nên bán cũng như chủ động tìm đầu ra, nên cuối cùng, tôi vẫn giải quyết được vấn đề mà không phải phiền đến sự trợ giúp của mọi người”, anh Vĩnh chia sẻ thêm.
 
Hiện tại, xã Phú Sơn có 22 hộ nuôi gà đồi được chia làm 2 tổ. Với những thành công từ kinh nghiệm của mình, anh Vĩnh được bầu làm tổ trưởng tổ 1, còn em rể - anh Nguyễn Trọng Huy đang là tổ phó tổ 2 sau khi kế thừa kinh nghiệm trong chăn nuôi của anh Vĩnh. Để mở rộng thêm quy mô, hiện anh Vĩnh đã vạch ra lộ trình trong 3 năm tới, sẽ mở rộng quy mô trang trại lên 1.000 con lợn thịt và thường xuyên duy trì 10.000 con gà. 
Hàn Đăng
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.585.755
Truy cập hiện tại 179 khách