Tìm kiếm
Những bóng hồng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968
Ngày cập nhật 29/02/2016
Trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược bảo vệ non sông gấm vóc thân yêu, phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ đất miền Nam thành đồng Tổ quốc nói riêng là lực lượng rất đông đảo luôn đi đầu trong các phong trào đấu tranh chính trị, chiến tranh du kích, đấu tranh vũ trang kết hợp với binh vận v.v... Một trong những minh chứng ghi dấu ấn đặc biệt nhất là những đóng góp của họ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm Mậu Thân 1968.
Vâng, vào mùa xuân Mậu Thân 1968 ấy, cùng với quân và dân cả nước, hơn hai triệu lượt phụ nữ trên mảnh đất miền Nam yêu dấu, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, dân tộc, nông thôn, thành thị, bằng ba mũi giáp công, cùng với các lực lượng khác đồng loạt nổi dậy tham gia vào cuộc chiến khốc liệt góp phần tiến công tiêu diệt, bao vây, bức hàng, bức rút hàng trăm đồn bốt địch, làm rã ngũ hàng vạn binh sĩ ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, thay thế nam giới ra tiền tuyến giết giặc, tham gia chiến đấu bảo vệ xóm làng, bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc thân thương.
Ở miền Trung Trung Bộ, trong ba tháng đầu thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, đã có hơn 1 vạn phụ nữ tham gia cầm súng chiến đấu tại địa phương. Riêng ở Quảng Nam, Phú Yên đã có hơn 500 chị em xung phong vào đội du kích cảm tử. Ở Long An, phụ nữ chiếm hơn 40% trong lực lượng dân quân du kích. Đặc biệt ở Nam Trung Bộ, vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, phụ nữ cũng chiếm trên 15%  trong tổng số lực lượng du kích toàn khu, nhiều phụ nữ dân tộc ít người đã tỏ rõ khả năng đánh địch của mình, diệt cả bộ binh, xe cơ giới, bắn rơi cả máy bay của Mỹ - ngụy. Gần 60 trung đội nữ du kích tập trung được thành lập ngay trong những ngày sôi nổi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ấy.
Bằng bản lĩnh và ý chí kiên cường, với quyết tâm dám đánh và dám thắng giặc, phụ nữ miền Nam trong cuộc tổng tiến công này đã vận dụng rất nhiều hình thức phong phú để được tham gia chiến dịch. Còn đó tấm gương của 11 cô gái Sông Hương xứ Huế, tuổi đời trung bình của các cô chưa quá 20, tất cả đều mảnh mai, dịu dàng, rất Huế, thế mà đã ra quân chiến đấu kiên cường cùng với Tiểu đoàn 10 quân giải phóng bám trụ vùng chợ Cống -Vân Dương chiến đấu với hàng trăm tên Mỹ - ngụy, tiêu diệt 120 tên Mỹ, bắn cháy 5 xe tăng. Chiến công đó đã được Đảng và Bác Hồ biết đến, và Bác đã có thư khen:“Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường/ Khôn ngoan dàn trận khắp phố phường/ Bác khen các cháu dân quân gái/ Đánh giặc Huê Kỳ phải nát xương”.
 
 
Còn đó tấm gương của mẹ Bếp, 72 tuổi, ở xã Quảng Lộc, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiễn người con trai của mình ra mặt trận để rồi nhận về trên đầu một chiếc khăn tang. Nhưng khi nhìn thấy một chiến sĩ quân giải phóng bị thương trong chiến dịch mùa xuân năm 1968, chính tay mẹ đã lấy chiếc khăn tang của mình băng vết thương của người chiến sĩ ấy để cầm máu. Mẹ Bếp đã lấy sự mất mát của mình khỏa lấp, cưu mang lấy một người con xa lạ nhưng rất đỗi anh hùng. Chiếc khăn tang trở thành chiếc băng cứu thương, cứu giúp chiến sĩ. Chiếc khăn tang đã trở thành chứng nhân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
 
Còn đó tấm gương của trung đội nữ dân quân Trảng Bàng (Tây Ninh) thay nhau đánh địch phản kích liên tục suốt một ngày liền, diệt một trung đội Mỹ, bắn rơi hai máy bay lên thẳng; hay tấm gương của trung đội nữ Châu Thành, phối hợp với các trung đội nam du kích đánh tan một đại đội biệt kích, thu vũ khí, bắt tù binh. Cho đến bây giờ, dù gần 50 năm đã trôi qua, nhưng sao trong ta quên được các đội nữ pháo binh đất Long An, trong đợt tổng tiến công và nổi dậy ấy đã tham gia hàng chục trận đánh, bắn pháo diệt hơn 300 tên Mỹ - ngụy, phá hủy 15 pháo địch trong các trận đấu pháo quyết liệt; làm sao ta quên chiến công của đơn vị nữ du kích Tô Thị Huỳnh (Trà Vinh) trong đợt tiến công và nổi dậy ấy. Chỉ trong đợt 1 của cuộc tiến công, họ đã tham gia đến 29 trận, diệt 6 đồn địch, có trận diệt gọn 22 tên Mỹ, thu 22 súng các loại. Đặc biệt là đội nữ du kích Đức Hòa tiêu diệt 12 xe tăng địch, toàn đội được tuyên dương danh hiệu dũng sĩ; hay đội nữ tự vệ Lê Thị Riêng đã dũng cảm đánh thọc sâu vào Sài Gòn, tham gia đánh khu nhà sứ quán Mỹ, Bộ Tổng tham mưu ngụy, tòa hành chính quận 5, treo cờ Mặt trận dài 5m trên cột cờ của tòa nhà này. Và hẳn còn mãi đó tấm gương của hàng ngàn chị em băng qua lửa đạn tham gia tải đạn, cứu thương, tiếp tế, dẫn đường, trinh sát phục vụ bộ đội chiến đấu. Ta không thể không cảm phục, tự hào khi chứng kiến hình ảnh những người nữ thanh niên xung phong Đội Hoàng Lệ Kha tại Suối Bà Chiêm đang dùng những tấm ván nhà kho của hậu cần bỏ lại trong rừng và kê người làm trụ cầu cho đồng đội cáng thương đi qua.
 
Mãi trong ta hình ảnh của những người mẹ, người chị bất chấp nguy hiểm, bất chấp những lời đe dọa của quân thù đã tự mình đem thương binh về nhà chăm sóc, nuôi dưỡng. Hàng trăm, hàng ngàn phụ nữ giao liên gan dạ mưu trí đưa bộ đội băng qua hàng chục đồn bốt địch và những phòng tuyến dày đặc của quân thù cùng tham gia tiến công vào sào huyệt của chúng ngay giữa ban ngày, trong các thành phố, đô thị lớn. Những chiến công, những thành tích đặc biệt xuất sắc của “đội quân tóc dài” là minh chứng sinh động về những khả năng và vai trò đặc biệt to lớn của lực lượng phụ nữ miền Nam trong các cuộc đấu tranh chống quân xâm lược nói chung và trong phong trào Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 nói riêng. Những chiến công trên đã góp phần cùng toàn quân, toàn dân ta thu được những thắng lợi to lớn trong chiến dịch Mậu Thân gần 50 năm về trước - một cuộc tiến công và nổi dậy mà quân và dân ta đã diệt và loại khỏi vòng chiến đấu gần 150.000 tên địch (trong đó có 43.000 tên Mỹ), phá hủy 34 kho vật tư dự trữ chiến tranh của Mỹ ở miền Nam, 4.200 trong tổng số 5.400 “ấp chiến lược”, giải phóng 1,4 triệu dân; làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, buộc chúng phải “xuống thang chiến tranh” tạo ra bước ngoặt mới để quân và dân hai miền Nam - Bắc kiên quyết thực hiện mục tiêu thống nhất nước nhà mà Bác Hồ đã căn dặn. Mậu Thân 1968 ấy - Bính Thân 2016 này, gần 50 năm đã trôi qua, giờ nhìn lại, ta vẫn luôn cảm thấy tự hào về “đội quân tóc dài”- một đội quân “đã được tôi rèn trong thử thách ... Trong chiến đấu đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng làm cho quân thù hoang mang, khiếp sợ. Trong công tác gan dạ, có trách nhiệm, vô cùng thương yêu đồng đội và Nhân dân (...). Qua các thời kì đấu tranh cách mạng của Nhân dân Việt Nam, lực lượng phụ nữ đã đóng góp một phần rất quan trọng cả về khả năng, vai trò và trí tuệ của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước” (Nguyễn Thị Định). Vâng, đáng tự hào thay, phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ đất thành đồng miền Nam yêu quý nói riêng, thật xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã trao tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
                  Nguyễn Thị Thọ
 
 
Ảnh TL lấy từ Internet: 
Ảnh 1: 11 cô gái sông Hương trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Ảnh 2: Chiếc khăn tang thấm máu thương binh của mẹ Bếp ở Quảng Điền, TT Huế. Ảnh 3: Những người nữ thanh niên xung phong Đội Hoàng Lệ Kha tại Suối Bà Chiêm đang dùng những tấm ván nhà kho của hậu cần bỏ lại trong rừng và kê người làm trụ cầu cho đồng đội cáng thương đi qua.
 
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.893.516
Truy cập hiện tại 4.836 khách