Tìm kiếm
Một năm Thân đặc biệt trong cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ngày cập nhật 29/02/2016
 
Đó là năm Giáp Thân 1944. Vâng, theo tôi, năm Giáp Thân 1944 này là một năm thật đặc biệt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp.
Còn nhớ, đây là những năm tháng mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Bác Hồ và Trung ương Đảng ta đang sống và hoạt động ở Chiến khu Việt Bắc. Theo hồi ức của Đại tướng thì thời gian này đời sống ở Việt Bắc rất cực khổ “Tìm cho được cái ăn đã là chiến công. Chúng tôi phải chia nhau từng củ sắn, bắp ngô”. Nhiều người bối rối, dao động, có người e ngại: làm sao Cách mạng thành công khi không có súng và lấy đâu ra súng? Những lúc ấy, Đại tướng không bao giờ quên lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Chúng ta sẽ dựa vào sức mình là chính cùng với một ít viện trợ từ nước ngoài. Mọi việc đều do Nhân dân mà nên. Người trước súng sau, có Nhân dân là có tất cả”. Đại tướng tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng. Trong thời gian này, Pháp tăng cường càn quét Việt Bắc, ai mang tài liệu Việt Minh sẽ bị bắn ngay. Đặc biệt, tài liệu quan trọng nhất lúc đó của Việt Minh chính là cuốn “Kinh nghiệm Việt Minh ở Việt Bắc” của đồng chí Võ Nguyên Giáp. 
Trước đó, sau Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5-1941, từ mấy vùng xây dựng thí điểm Việt Minh ở Cao Bằng, phong trào đã phát triển nhanh chóng khắp các tỉnh Việt Bắc, tạo nên một phong trào quần chúng “rộng rãi đến một trình độ xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử cách mạng nước ta”. Từ thực tế đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đúc rút ra những kinh nghiệm quý báu, biên soạn thành cuốn Kinh nghiệm Việt Minh ở Việt Bắc, được Mặt trận Việt Minh ở Việt Bắc xuất bản vào tháng 2-1944. Nội dung cuốn sách chứa đựng toàn diện những kinh nghiệm phong phú của phong trào Việt Minh ở Việt Bắc trên tất cả các mặt hoạt động, công tác. Trong công tác tuyên truyền, Việt Minh ở Việt Bắc ra báo Việt Nam độc lập, tổ chức hát những bài hát cách mạng, tổ chức triển lãm lưu động, nêu gương các anh hùng dân tộc, tổ chức Đội tuyên truyền xung phong... Trong công tác tổ chức, Việt Minh ở Việt Bắc tổ chức các giới vào các hội cứu quốc với các hệ thống tổ chức dọc ngang, chặt chẽ. Phong trào phát triển đến đâu, củng cố kịp thời ngay đến đó và chú ý tổ chức huấn luyện cho cán bộ và quần chúng. Trong công tác vận động, Việt Minh ở Việt Bắc đã vận động các tổ chức đoàn thư như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, binh lính, nhất là công tác vận động đồng bào các dân tộc ít người v.v…và để lại nhiều kinh nghiệm đặc sắc. Khu căn cứ Quang Trung của đồng bào Dao, Khu Thiện - Thuật của đồng bào Mèo được thành lập là kết quả to lớn của công tác vận động cách mạng đồng bào các dân tộc ít người.
Tác giả cuốn sách cũng trình bày những kinh nghiệm đối phó với bọn phản động, mật thám, chống khủng bố của phong trào Việt Minh ở Việt Bắc như giáo dục quần chúng giữ bí mật, thực hiện “ba không”, huấn luyện chống khủng bố, thành lập Đội xung phong chống khủng bố; kinh nghiệm về công tác chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa ở Việt Bắc như xây dựng lực lượng vũ trang trên cơ sở lực lượng chính trị, từ đấu tranh chính trị tiến lên đấu tranh vũ trang, kết hợp chặt chẽ hai hình thức ấy. Công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở Việt Bắc “đã tiến hành một cách có trật tự và hiệu quả”. Tác giả cuốn sách kết luận: kinh nghiệm Việt Minh ở Việt Bắc rất phong phú, nhưng trước hết là kinh nghiệm một tổ chức rộng rãi. Chính nhờ “một tổ chức rộng rãi và thích hợp, và nhờ lãnh đạo khéo léo và thích hợp mà đoàn thể Việt Minh ở Việt Bắc đã phát huy được lực lượng của dân chúng để gây một phong trào Cứu quốc mạnh mẽ và chuẩn bị cuộc vũ trang khởi nghĩa sắp tới một cách đầy đủ”. Cuốn “Kinh nghiệm Việt Minh ở Việt Bắc”, như lời ghi ở bìa cuốn sách, nhằm “xuất bản để cống hiến kinh nghiệm tổ chức Việt Minh ở Việt Bắc cho cán bộ Việt Minh toàn quốc”. Đây cũng chính là một dấu ấn thật đặc biệt trong năm Giáp Thân này của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cuốn sách của ông đã trở thành cẩm nang, là kim chỉ nam cho những hoạt động cách mạng trong năm tiền khởi nghĩa; tiến tới khởi nghĩa thành công trong Cách mạng tháng Tám 1945.
Đặc biệt, dấu ấn đáng nhớ nhất trong năm Giáp Thân 1944 này của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là ông được Hồ Chủ tịch giao cho trọng trách lớn: thành lập và chỉ huy một đội quân mang tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ban đầu, Đội có nhiệm vụ giác ngộ và tổ chức quần chúng, hoạt động chính trị phải đặt lên trên tác chiến và công tác tuyên truyền, giác ngộ dân chúng phải quan trọng hơn tiến công quân sự. Vậy là ông - một cựu giáo viên dạy sử ở trường Trung học - giờ đã được giao một nhiệm vụ thật đặc biệt. Đây là năm mà Đại tướng bắt đầu cuộc đời binh nghiệp của mình, với tư cách là người chỉ huy quân sự đầu tiên của nước Việt Nam, lúc đó, ông mới 33 tuổi. Ngày 22-12-1944, vào lúc 5 giờ chiều, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đó là một chiều mùa đông giá rét, nhưng mọi người đều hết sức phấn khởi. Lần đầu tiên họ tập hợp đứng dưới ngọn cờ đỏ sao vàng năm cánh. Đại tướng đọc một bài diễn văn dài nhấn mạnh tầm quan trọng và trách nhiệm của mỗi người từ nay phải gánh vác. Ông nói: “Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến. Chúng ta sẽ đặt cao hơn hết thảy tinh thần hy sinh anh dũng”. Ông kêu gọi tinh thần hy sinh, chịu đựng gian khổ, triệt để tuân theo kỷ luật và tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên. Tất cả mọi người đọc vang 10 lời thề danh dự: Trung thành vô hạn đối với Tổ quốc, đối với Đảng; hết lòng, hết dạ phục vụ Nhân dân; kiên quyết chiến đấu tiêu diệt quân thù; sẵn sang hy sinh chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng; ra sức đoàn kết và nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật của quân đội cách mạng v.v… 10 lời thề của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã trở thành lời thề danh dự của Quân đội ta sau này. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân có 34 người (31 nam và 3 nữ), biên chế thành 3 tiểu đội. Đội gồm những chiến sĩ kiên quyết, hăng hái nhất được lựa chọn trong các đội du kích Cao - Bắc - Lạng, trong những người đi học quân sự ở nước ngoài về. Họ đều trải qua chiến đấu và thử thách, tinh thần cách mạng rất cao. Đội trưởng là đồng chí Hoàng Sâm (quê ở Quảng Bình). Chính trị viên là đồng chí Xích Thắng. Đội có Chi bộ Đảng gồm 4 đồng chí làm hạt nhân lãnh đạo. Với số lượng đội viên ít ỏi, vũ khí thô sơ và thiếu thốn, nhưng “đây là cả một đoàn quân gang thép, rắn chắc không sức mạnh nào khuất phục nỗi, sẵn sang quật nát kẻ thù” (Võ Nguyên Giáp - Từ Nhân dân mà ra).
Sau 2 ngày được thành lập, ngày 25 và 26-12-1944, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội đã lập nên chiến công vang dội: Tiêu diệt gọn đồn Phai Khắt và Nà Ngần. Chiến thắng vang dội Phai Khắt, Nà Ngần đã có tác dụng mạnh mẽ gây hoang mang lo sợ trong hàng ngũ quân địch, đồng thời cổ vũ tinh thần cách mạng của quần chúng, gấp rút chuẩn bị mọi mặt để đón thời cơ vùng dậy đạp đổ xiềng xích nô lệ của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, giành độc lập cho Tổ quốc. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã làm sáng rực ý chí bách chiến, bách thắng của quân đội cách mạng, đã ra quân là đánh thắng, mở ra một thời kỳ đấu tranh bạo lực tại khu căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng. Chiến thắng này cũng thể hiện rõ thiên tài thao lược, tổ chức quân sự, quyết tâm đánh thắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay trong buổi đầu mới thành lập Quân đội cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Sau chiến thắng, uy tín của Đội như làn gió lan nhanh. Đội ngày càng đông về số lượng. Đại tướng đã bắt đầu nghĩ đến việc huấn luyện quân đội. Ông suy nghĩ, viết huấn lệnh, dự thảo phương án và kế hoạch phát triển. Ngoài ra, ông còn tiếp tục tìm hiểu những tri thức về chiến lược, chiến thuật quân sự và các mặt công tác tuyển mộ tân binh, đào tạo, huấn luyện, hậu cần đảm bảo. Từ trong tư duy của thiên tài quân sự này đã bắt đầu hình thành ba thứ quân của lực lượng vũ trang Nhân dân: Bộ đội chủ lực, Bộ đội địa phương và Dân quân du kích - một thế “kiềng 3 chân”- một mô hình tổ chức quân sự sáng tạo và độc đáo.
Năm Bính Thân 2016 này, nghĩ về những dấu ấn đặc biệt của vị Đại tướng huyền thoại ở năm Giáp Thân 1944 ấy, hẳn ta lại vô cùng xúc động và tự hào khi nghe lại những đánh giá của những vĩ nhân trên thế giới nói về Đại tướng, trong đó tôi thích nhất là lời đánh giá của nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay: “… Ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20 và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại... Ông Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, dù mới đầu trong tay chưa có quân, vậy mà vẫn liên tiếp đánh bại tàn quân của đế chế Nhật Bản, quân đội Pháp (một đế chế thực dân số 2) và quân đội Mỹ (một trong hai siêu cường thế giới)... Ông Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh Nhân dân..., là một vị tướng hậu cần vĩ đại của mọi thời đại” (Chiến thắng bằng mọi giá - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam).
    Nguyễn Thị Thọ
 
Tài liệu tham khảo: Những sự kiện lịch sử Đảng-Tập I (1920-1945)-NXB ST, HN, 1976.
 
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.891.742
Truy cập hiện tại 4.237 khách