Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Về với chốn thiền môn
Ngày cập nhật 31/10/2014

Huyền Không Sơn Thượng, một ngày tháng 3...

Ngay chính người Huế cũng có rất nhiều người chưa biết, chưa từng đặt chân đến Huyền Không Sơn Thượng. Nhiều người còn nhầm lẫn giữa Huyền Không Sơn Thượng với Huyền Không Sơn Trung. Tôi cũng đã từng như họ. Một lần, nghe có người trầm trồ: Huyền Không Sơn Thượng đẹp và thâm u lắm, tôi và người nhà nhân một chuyến đi thăm mộ đã quyết tâm tìm đến thăm chùa.

Lần ấy, ngược Kim Long, ngang qua chùa Thiên Mụ, chúng tôi đến bên cầu Xước Dũ. Loanh quanh hỏi han một hồi rồi tìm đến được chùa Huyền Không nhưng đến nơi mới biết đây mới chỉ là Huyền Không Sơn Trung! Từ đây, muốn đến Huyền Không Sơn Thượng phải đi chừng gần 7, 8 cây số sâu vào phía núi đồi phía Tây mới tới nơi. Thăm Huyền Không Sơn Trung xong thì đã quá trưa, nhìn vào phía núi, theo hướng tay chỉ dẫn của một chú điệu, thấy bầu trời mây tím giăng đầy, chúng tôi đã ngần ngại vì sợ những cơn mưa giông bất chợt của các buổi chiều hè xứ Huế, nên đành quay về, hẹn lại một dịp khác.

Sau đó, niềm mong muốn được biết đến một ngôi chùa được mọi người khen tặng danh xưng: "Ngôi chùa yêu thơ ca", "Ngôi chùa của các bức thư pháp đậm sắc thiền", chúng tôi đã lại làm một chuyến "hành hương" khác, cũng trong chính mùa hè năm đó. Đi bằng xe máy, khá là vất vả. Phần vì chưa quen đường, vừa đi vừa hỏi nên thấy như xa tít mù tận chân trời. Đến nơi rồi, bao nhiêu mệt mỏi chợt tan biến, đọng lại trong tâm can là một cảm giác mến yêu, thú vị vì cảnh sắc và mùi thiền giản dị nơi đây...

                                             **

Năm nay nữa-là đã hơn 5 năm rồi tôi mới được một lần trở lại...

Rời đường tránh Huế, xe rẽ vào lối ngược lên núi Chằm. Qua những làng quê xanh tươi cây lá, những cánh đồng lúa đang trải rộng một màu xanh non tơ, những đoạn đường rải nhựa, bê tông và đường đất đỏ... càng gần đến Huyền Không Sơn Thượng, đường càng nhỏ hẹp hơn, đồi núi càng gần hơn trong tầm mắt của khách hành hương. Khi những phiến đá nhỏ dựng ven đường hiện ra với dòng chữ thư pháp ghi tên Huyền Không Sơn Thượng đập vào mắt mọi người-đó là lúc bắt đầu tiến vào con đường độc đạo dẫn đến chốn thiền môn Huyền Không Sơn Thượng. Bước xuống xe, giữa cái vị lạnh ngọt của mùa xuân, một vùng núi ảo mờ trong sương tháng 3 trời Huế mở ra trước mắt chúng tôi. Không dưng tất cả đều im lặng. Có lẽ mọi người đều chung một tâm cảm: cảm giác lâng lâng, nhè nhẹ từ đâu bỗng dưng tràn tới, chiếm lĩnh hồn người...

Một không gian yên tĩnh mà không thâm u; một chốn tu hành, thiền tự mà không xa xôi, lạ lẫm, ngược lại: hiền hoà, quen thuộc, gần gũi và gợi lên một cảm giác ấm áp đang nhen lên từng chút một trong lòng người...

Tất cả những công trình kiến trúc ở Huyền Không Sơn Thượng không mang dáng vẻ nguy nga đồ sộ, không hào nhoáng phô trương như một số cảnh chùa, thiền viện nơi khác mà trái lại: nhỏ nhắn, đơn sơ, thân thiện  từ chất liệu đến kích cỡ và thiết kế, trang trí, bố trí...

So với lần đầu tiên tôi đặt chân đến Huyền Không Sơn Thượng-cách đây chừng 5 năm thì cảnh sắc cũng đã có nhiều thay đổi nhưng những thay đổi đó chỉ mang tính bổ sung mà không hề làm người ta bất giác thấy mình trở thành người lạ với một nơi chốn đã quen.

Vẫn những bức thư pháp quốc ngữ viết trên đá, mành tre, cột gỗ, bảng gỗ, trên giấy dó rải rác ở các lối đi, vách nhà, hiên chùa. Vẫn những giàn , chậu hoa phong lan, hoa dân dã, hoa leo bao bọc quanh các ngôi nhà gỗ, tre nho nhỏ, hiền lành, thoáng mát hay bên các hòn non bộ nhỏ nhắn, xinh xinh...

Những hồ nước trồng đầy hoa súng tím, những tảng đá thô bố trí đơn lẻ hay thành từng cụm nhỏ ven đường và nhiều lắm tre, trúc, mai, tùng, liễu... như ở các khu nhà vườn truyền thống của Huế, bao quanh ngôi chùa, cốc, đình, nhà giảng...

Lòng như yên lắng lại, bao nhộn nhạo đời thường phút chốc được gạn lọc để chỉ còn lại những tinh khôi.

Càng về trưa, khách đến với Huyền Không Sơn Thượng càng đông nhưng không gian vẫn êm ả lạ. Tiếng nói cười có lao xao nhưng lại lạc vào đâu đó trong những rừng thông bao bọc quanh núi, hay ai đến đây cũng đều có ý thức đi khẽ, nói nhẹ? Một cảm giác được vui, được chia sẻ trong một trạng thái âm thầm lan toả từ nhau mà không cần quá nhiều lời hình như đã được những người đến với Huyền Không Sơn Thượng tiếp nhận một cách bất giác, bất chợt? Hình như thế, tôi cảm nhận thế...

***

Huyền Không Sơn Thượng được khai sơn từ năm 1989, bởi một nhà sư thuộc hệ phái Nam tông, xuất thân từ ngôi tổ đình Huyền Không ở gần Thiên Mụ: Thượng toạ Giới Đức-được mọi người biết nhiều với cái tên hiệu nổi tiếng-Minh Đức Triều Tâm Ảnh. 

Qua sách vở, tôi được biết chùa toạ lạc dưới chân núi Hòn Vượn, thuộc vùng núi được gọi tên là Chầm của xã Hương Hồ, huyện Hương Trà (TT Huế). Tôi cũng biết tiếng của nhà sư-nhà thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh từ lâu, cũng đã từng gặp được Thượng toạ Giới Đức cách đây hơn 30 năm-hồi người còn tu ở Huyền Không-trong một lần đến làm lễ trai tăng, cầu siêu và cầu an tại gia đình chồng tôi ở Huế-cùng với  Cố Trưởng lão Thượng toạ Thích Hộ Nhẫn. 

Ngày đó nhà sư còn rất trẻ. Đã lâu không được gặp nên hôm qua,  khi  được gặp và trò chuyện cùng vị trụ trì của Huyền Không Sơn Thượng trong cốc gỗ nhỏ toạ lạc bên tả của ngôi chùa chính Huyền Không Sơn Thượng, tôi không còn nhận ra được hình ảnh nhà sư trẻ tuổi ngày nào. Tuổi tác  xem ra cũng ngự cả trên người tu hành, dù họ sống và hành đạo trên một phương châm nhẹ nhàng, an lạc của tôn giáo. Tuy vậy, tôi vẫn nhìn thấy ở người một tâm thế ung dung, tự tại, của một thiền sư, mà nếu chỉ đơn thuần là "nhà thơ" không thôi thì sẽ không có cái vẻ nhẹ nhàng, thanh thoát đến thế!

Cũng trong lần đến Huyền Không này, đoàn chúng tôi nhận được từ nơi đây một niềm vui nho nhỏ, hay hay...

Trong ngôi chính điện của chùa, mỗi khách hành hương, được thắp hương và thầm khấn trong thâm tâm những điều sâu kín, một cách thành khẩn, nghiêm trang sau đó, quỳ xuống, mở nắp một chiếc hộp lớn trước đặt bên dưới bệ thờ Phật, bốc nhận một thẻ thăm. Thẻ thăm ở đây không đầy vẻ thần bí và gợi cảm giác bất an như ở các chốn thờ tự khác, cả hình thức lẫn nội dung, mà có vẻ gì đó cũng nhẹ nhàng, thuần khiết như một niềm vui. Với hình thức là một miếng giấy bìa cứng nhỏ hình chủ nhật có thể đặt gọn trong lòng bàn tay, phía sau có in hình hoa hoặc hình của ngôi chùa, mặt trước, in một câu thơ viết bằng thư pháp... Câu thơ là một câu bất kỳ, tôi cũng không rõ xuất xứ và quên hỏi là được trích từ đâu. Dòng chữ ghi trên cái biển nhỏ trước hộp giấy có ghi câu: tự bốc, tự ngẫm, tự suy...

Cũng như mọi người, tôi bỏ vào thùng phước thiện một món tiền nhỏ, rồi thắp hương và quỳ xuống nguyện cầu trước tượng Phật. Điều cầu nguyện chỉ mình tôi biết, trong đó, có cả điều luôn làm tôi day dứt và suy nghĩ triền miên từ lâu nay... Trong đó cũng có cả điều tôi mong ước-còn hơn cả mong ước mà là cả một sự khát khao: bằng cách nào để luôn tìm được sự yên ổn, cân bằng của cuộc sống nội tâm... Từ sâu thẳm của tâm hồn mình, tôi luôn ước mong điều đó hơn tất cả, bởi vì có nó, tôi mới có được sự thanh thản, sự hứng khởi và nhờ thế mới có cả niềm vui, sự an lành... Câu thơ tôi rút được từ trong chiếc hộp đó là một câu thơ mà tôi chưa từng đọc thấy ở đâu, bao giờ:

Nghĩa còn trái quả xuân thu

Đời thường hoa nở cho dù nắng mưa

Tự ngẫm: thấy nó đúng là đáp ứng với điều đã thầm khấn nguyện. Quả là một sự huyền diệu ngẫu nhiên. Đã định chỉ "tự ngẫm" nhưng nghe  mách: "Có nhà sư  trẻ ở đây, nếu nhờ giúp giải lá thăm, sẽ nói cho mình nghe ý nghĩa của câu thơ, hay lắm", chúng tôi kéo nhau đi tìm nhà sư trẻ ấy một cách hú hoạ, tình cờ lại gặp. Nhà sư trẻ đang trên đường tìm bắt lại chú khỉ con tuột xích chạy rong trong sân, nghe tôi hỏi thăm dã mời chúng tôi ghé lại bên nhà khách chờ trong giây lát. Sau khi đã yên vị chú khỉ trên một đôn đá giữa sân, nhà sư trẻ trở lại gian nhà khách và tiếp chuyện cùng chúng tôi.

Cầm lá thăm tôi bắt được trên tay, nhà sư trẻ nhìn thẳng vào mắt tôi và bắt đầu giải thích-mà theo tôi đó là lời thuyết pháp nhà Phật, mượn lá thăm ngẫu nhiên để gửi đến những khách hành hương muốn được lắng nghe từ nơi chốn thiền môn những giải toả tâm tình... Tôi thích lời mở đầu của nhà sư: "Trước hết, tôi xin được trình bày cùng quý vị rằng: đây hoàn toàn không phải là chuyện mê tín dị đoan mà đơn thuần chỉ là một niềm vui nho nhỏ mà nhà chùa chúng tôi muốn gửi đến cho mỗi khách viếng cảnh chùa". Và nhẹ nhàng nhà sư nói tiếp với chúng tôi về "định mệnh" của mỗi đời người đều không do bất kỳ ai quyết định, bất kỳ một quyền lực nào, kể cả siêu nhiên mà chỉ duy nhất do chính mỗi con người trong chúng ta tự quyết định lấy. Mỗi lá thăm mà chúng tôi cầm trên tay như một chút duyên ngẫu nhiên mà chúng tôi "nhặt" lên được và nó cho phép mỗi chúng tôi dừng lại một chút để suy ngẫm về chính mình, “lời giải” cũng chỉ là một sự gợi mở chứ không là một sự phán quyết... Từ sự giải thích của nhà sư trẻ, tôi ngẫm rộng ra: đây hoàn toàn như là một khoảnh khắc để trao đổi tâm tình trong mối tương giao, tương ngộ của một cơ duyên chăng?

Câu mở đầu của nhà sư dành cho tôi là một sự khẳng định: đây là một câu thơ tốt. Nhà sư nói nhiều về lá thăm của tôi nhưng tôi nhớ nhất là mấy câu khẳng định này: "chị là một người đôn hậu", "một người sống thiên về lối sống tinh thần và đã xác định được một niềm vui tinh thần để tự cân bằng lấy cuộc sống của chính mình, dù cuộc đời có lúc nắng, lúc mưa...", "một người khá lạc quan", "luôn biết tự cân bằng lấy niềm vui, nỗi buồn riêng", "một người chín chắn và có bản lĩnh sống-cái mà không phải cứ hễ ai sống lâu, lớn tuổi đều có thể có được". Có một điều tôi không chắc: liệu nhà sư này có dựa hoàn toàn vào câu thơ trong lá thăm tôi bắt được hay còn nhìn vào nhân tướng, vào đôi mắt của người đối diện để có những chiêm nghiệm kia? Dẫu sao cũng thật vui vì được lắng nghe những lời này từ một nhà sư  trẻ chỉ vừa mới gặp lần đầu trong đời. Và dẫu sao cũng có một kỷ niệm cho chuyến đi đến Huyền Không Sơn Thượng lần này: lần đầu tiên trong đời tôi bốc một lá thăm, một quẻ xăm mà không hề gợn lên cái cảm giác ghét thói mê tín và rợn rợn gai ốc khi thấy người khác làm như vậy.

Người đến rồi đi, chốn thiền môn vẫn đứng lại với núi rừng. Mười mấy nhà tu hành vẫn nhẫn nại trong chốn tu tập mái ngói đơn sơ vách nhỏ gió lùa. Ngày ngày họ vẫn lao động thật sự bằng chính đôi tay, khối óc để cho Huyền Không Sơn Thượng mỗi năm một đẹp hơn trong dáng vẻ tao nhã, nên thơ. 

Từ lần đến đầu tiên cho mãi hôm nay, tôi cũng như nhiều người đã từng đến đây, chưa hề thấy một vẻ gì cách biệt giữa Phật và chúng sinh, giữa tăng và đạo hữu, cũng như chưa từng thấy bợn chút "mùi trần" mà nhiều cảnh chùa khác đôi khi có bị làm vẩn đục bởi cuộc sống vật chất vây quanh...

Các bóng khoác y vàng vẫn thoăn thoắt đi qua sân, vẫn cắm cúi với những công việc lao động hằng ngày sau những giờ tụng niệm, tu tập. Trên khuôn mặt các nhà sư vẫn là vẻ niềm nở, dung dị, lịch thiệp như vốn có với  mọi khách hành hương theo mùa mà đến. Tất cả cái dáng vẻ "thiền động" ấy  đã làm toát lên vẻ đẹp thuần khiết của ánh đạo vàng mà không cần bất cứ một sự đồ sộ nguy nga nào tô điểm thêm lên…

Và tôi như cảm nhận được vì sao mọi người thích tìm đến chốn này, dù không chỉ một lần: ta có thể tìm thấy chính ta trong một không gian rộng mở, tự tại mà chẳng cần a dua, tự thân chứ không cần giáo huấn, tự tìm và tự ngộ qua cây cỏ, thiên nhiên, qua lòng yêu thương vạn vật, cỏ cây và với ngay cả một ngọn gió lùa qua vách lá...

Từ Nguyên
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.526.299
Truy cập hiện tại 1.760 khách