Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Những điểm mới trong Thông tư số 05/2018/TT-BTP hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp
Ngày cập nhật 31/07/2018

Ngày 07/6/2018 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành Thông tư số 05/2018/TT-BTP hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp (gọi tắt là Thông tư số 05) thay thế Thông tư số 14/2015/TT-BTP ngày 14/10/2015. Nội dung Thông tư có một số điểm mới cơ bản so với Thông tư số 14/2015/TT-BTP ngày 14/10/2015 (gọi tắt là Thông tư số 14) như sau:

1. Về bố cục: Thông tư số 05 có 7 chương 44 điều giảm 01 Chương 01 điều so với Thông tư số 14 do Thông tư số 05 đã nhập Chương II (Tổ chức phát động phong trào thi đua) và Chương III (Danh hiệu thi đua; đăng ký danh hiệu thi đua, ký giao ước thi đua) của Thông tư hiện hành thành Chương II với tên gọi Tổ chức thi đua; Danh hiệu thi đua nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa tên gọi với nội dung các điều được quy định trong Chương.
2. Về nguyên tắc và căn cứ xét khen thưởng: Điều 5 Thông tư số 05 đã bổ sung các nguyên tắc: Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; không nhất thiết khen thưởng theo trình tự có mức khen thưởng thấp rồi mới khen thưởng mức cao hơn; không cộng dồn thành tích đã khen của lần trước để đề nghị nâng mức khen thưởng lần sau nhằm khắc phục tình trạng khen chồng chéo, trùng lắp thành tích đề nghị khen thưởng tại điểm c khoản 1. Đặc biệt, tại điểm e khoản 1 có sửa đổi, bổ sung nguyên tắc ưu tiên cho đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến được giảm 1/3 thời gian so với quy định chung (đây là điểm mới so với Thông tư số 14 quy định là giảm 03 năm so với quy định chung), trường hợp quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn thì thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến được thực hiện theo quy định chung. Đối với khen thưởng thành tích thường xuyên, khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì lựa chọ cá nhân nữ hoặc tập thể có tỷ lệ nữ từ 70% trở lên để xét khen thưởng cho phù hợp với khoản 2 Điều 3 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP. Ngoài ra, Thông tư còn bổ sung thêm nguyên tắc mới tại điểm h khoản 1 quy định: Chưa khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng tập thể, cá nhân đang trong thời gian cơ quan có thẩm quyền xem xét thi hành kỷ luật hoặc đang điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo đang được xác minh làm rõ (đây là điểm mới so với Thông tư số 14). Điểm b khoản 2 Điều 5 Thông tư số 05 quy định: Chỉ lấy kết quả khen thưởng về thành tích toàn diện để làm căn cứ xét khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng cho tập thể, cá nhân. Hình thức khen thưởng theo chuyên đề, theo đợt không tính làm điều kiện, tiêu chuẩn đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước. Kết quả khen thưởng phong trào thi đua theo chuyên đề, theo đợt được ghi nhận và ưu tiên khi xét khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng nhằm đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 2 Thông tư số 08/2017/TT-BNV
3. Về quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác thi đua, khen thưởng: Tại điểm c khoản 3 Điều 6 của Thông tư số 05 đã bổ sung nội dung mới quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ: Tổ chức tự chấm điểm thi đua của cơ quan, đơn vị mình đảm bảo nghiêm túc, chính xác, khách quan; tổ chức chấm điểm thi đua các nhiệm vụ chuyên môn thuộc lĩnh vực quản lý đối với Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo tiêu chí chấm điểm thi đua của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành khi được giao thực hiện nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ trong việc quản lý chuyên môn đồng thời tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác thi đua khen thưởng.
4. Về tiêu chuẩn xét các danh hiệu thi đua: “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, “Chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp” và “Chiến sĩ thi đua cơ sở”: Thông tư số 05 đã sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 9 quy định về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, điểm b khoản 1 Điều 10 quy định danh hiệu “Chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp” và điểm b khoản 1 Điều 11 quy định danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” trên cơ sở quy định tại Điều 9 của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP, theo đó, Thông tư số 05 có sửa đổi, bổ sung làm rõ khái niệm sáng kiến để làm căn cứ, cơ sở xét các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng: Sáng kiến (là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp công tác, giải pháp tác nghiệp, giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật) hoặc đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu ở mức đạt trở lên, để làm căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua phải được áp dụng thực tiễn đạt hiệu quả và có phạm vi ảnh hưởng trong phạm vi nhất định, đồng thời, quy định thẩm quyền đánh giá, công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, công nhận
5. Về quy định danh hiệu “Lao động tiên tiến”: khoản 7 Điều 12 Thông tư số 05 đã quy định về việc không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” đối với một trong các trường hợp: Mới tuyển dụng dưới 10 tháng; Bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên. Như vậy, Thông tư số 05 đã bỏ quy định không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” đối với trường hợp nghỉ từ 40 ngày làm việc trở lên tại khoản 7 Điều 13 Thông tư số 14 để phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 10 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP.
6. Về quy định các loại hình khen thưởng:  Điều 18 Thông tư số 05 đã kế thừa quy định tại Điều 19 Thông tư số 14 đồng thời sửa đổi, bổ sung làm rõ quy định về khen thưởng đột xuất trong trường hợp lập thành tích đột xuất và thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất trên cơ sở quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP; khoản 1 Điều 9 Thông tư số 08/2017/TT-BNV. Theo đó, Thông tư 05 quy định: Thành tích đột xuất là thành tích đạt được ngoài chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ mà tập thể, cá nhân phải đảm nhiệm và  Thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất là thành tích đột xuất đạt được ở mức độ đặc biệt xuất sắc khi dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhân dân, của Nhà nước hoặc  hoặc lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực công tác của ngành Tư pháp được cơ quan, tổ chức trong khu vực hoặc thế giới tặng thưởng huy chương, giải thưởng, giấy chứng nhận và các hình thức ghi nhận hợp pháp khác, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và được cơ qua Nhà nước, người có thẩm quyền của Việt Nam thừa nhận.
7. Về thời gian thẩm định hồ sơ của Vụ Thi đua - Khen thưởng: Theo đó, khoản 2 Điều 31 Thông tư số 05 có quy định thời gian thẩm định hồ sơ của Vụ Thi đua – Khen thưởng tối đa là 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước thời gian thẩm định hồ sơ tối đa là 20 ngày, trường hợp đặc biệt không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định để phù hợp với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 48 của Nghị định 91/2017/NĐ-CP, đồng thời để nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động tổng kết công tác năm của ngành và các cơ quan, đơn vị. Đây là điểm mới so với Thông tư số 14 quy định về thời gian thẩm định của Vụ Thi đua – Khen thưởng có quy định là 15 ngày làm việc đối với hồ sơ đề nghị xét tặng “Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp”; 30 ngày làm việc đối với hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Cờ thi đua Ngành Tư pháp”, “Chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp”, “Cờ thi đua của Chính phủ”, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”, “Huân chương Lao động” các hạng; 45 ngày làm việc đối với hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, “Anh hùng Lao động”, “Huân chương Độc lập”, “Huân chương Hồ Chí Minh”, “Huân chương Sao vàng” kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị.
8. Về Hội đồng Thi đua – Khen thưởng ngành Tư pháp: Thông tư số 05 đã bổ sung khoản 4 Điều 35 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trên cơ sở cụ thể hóa quy định tại các khoản 3, 5 Điều 62 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP cho phù hợp với yêu cầu và đặc thù ngành Tư pháp. Theo đó, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng ngành Tư pháp có nhiệm vụ và quyền hạn: Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp tổ chức phát động, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện phong trào thi đua trong ngành Tư pháp; kiến nghị, đề xuất các chủ trương, biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong từng năm và từng giai đoạn, đảm bảo cho phong trào thi đua của Ngành phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, đúng hướng, thiết thực và có hiệu quả. Định kỳ đánh giá kết quả phong trào thi đua và công tác khen thưởng; tham mưu việc sơ kết, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp. Tham mưu việc phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến; việc bình xét, lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua của ngành Tư pháp để Bộ trưởng tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền khen thưởng.
Đồng thời, Khoản 3 Điều này cũng khẳng định: Vụ Thi đua - Khen thưởng là thường trực của Hội đồng thi đua, khen thưởng ngành Tư pháp để phù hợp, thống nhất với quy định tại khoản 5 Điều 62 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định “ Vụ Thi đua – Khen thưởng các Bộ…là Thường trực của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng cấp Bộ”
9. Về quy định Hội đồng Sáng kiến ngành Tư pháp, Hội đồng Sáng kiến cơ sở: Điều 37, 39 Thông tư số 05 đã sửa đổi, bổ sung quy định tại Thông tư số 14 cho phù hợp với quy định tại khoản 9 Điều 45 của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP. Theo đó, Điều 37 Thông tư số 05 quy định: Hội đồng sáng kiến ngành Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập, có chức năng tham mưu, tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tổ chức thực hiện hoạt động sáng kiến và công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng của đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu làm căn cứ xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Điều 39 Thông tư số 05 quy định: Hội đồng sáng kiến cơ sở do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định thành lập có chức năng tham mưu, tư vấn cho Thủ trưởng đơn vị về tổ chức thực hiện hoạt động sáng kiến và công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng của đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu làm căn cứ xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo thẩm quyền.
10. Về Trách nhiệm thi hành: Tại Khoản 1 Điều 43 Thông tư số 05 có bổ sung thêm trách nhiệm của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Tư pháp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Cụm thi đua, Trưởng Khu vực thi đua, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án quân đội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao và các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này. Đây là điểm mới của Thông tư số 05 so với Thông tư số 14.
11. Về Hiệu lực thi hành: Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 21/7/2018.

Tập tin đính kèm:
Quốc Vũ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.504.803
Truy cập hiện tại 699 khách