Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Ủy ban nhân dân thị xã Hương Thủy chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh sau mưa, lũ và dich bệnh mùa đông xuân
Ngày cập nhật 29/11/2017

Để chủ động tăng cường các biện phòng phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thị xã, ngày 08/11/2017 UBND thị xã đã ban hành Công văn số 1058/UBND-YT về việc phòng chống dịch bệnh sau mưa, lũ; ngày 16/11/2017 UBND thị xã tiếp tục ban hành Công văn số 1094/UBND-YT về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân.

Tại các văn bản chỉ đạo nêu trên, Uỷ ban nhân dân thị xã yêu cầu các đơn vị chuyên môn, UBND các xã, phường khẩn trương thực hiện các nội dung sau:

1. Phòng Y tế thị xã: Chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo liên ngành Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, Ban chỉ đạo liên ngành phòng chống dich bệnh thị xã các biện pháp tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau mưa, lũ nói riêng và dịch bệnh mùa đông xuân trên địa bàn thị xã nói chung. Chú trọng tham mưu chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa bàn khó tiếp cận dịch vụ y tế, khu vực có di biến động về dân cư, vùng có ổ dịch cũ và có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao trong những năm qua.

2. Trung tâm Y tế thị xã:

- Tăng cường công tác giám sát, phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt lưu ý các bệnh: Sốt xuất huyết, Tay-chân-miệng, Tiêu chảy cấp có nghi ngờ Dịch tả, Thương hàn, Lỵ…

- Thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả các Đội điều trị lưu động, Đội chống dịch lưu động và sẵn sàng hỗ trợ cho xã, phường khi có yêu cầu. Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị chuyên dùng, cơ sở vật chất cho việc tiếp nhận, cấp cứu và điều trị ca bệnh, luôn đảm bảo đáp ứng kịp thời khi có dịch xảy ra. Thực hiện tốt công tác chống nhiễm khuẩn phòng ngừa dịch bệnh lây lan trong bệnh viện và các Trạm y tế.

- Khi phát hiện ca bệnh truyền nhiễm hoặc có nguy cơ gây dịch phải  nhanh chóng xác định và phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành xử lý kịp thời một cách triệt để và hiệu quả để khống chế không để dịch bùng phát và lan rộng trong cộng đồng.

- Tập trung triển khai công tác tiêm chủng, đặc biệt đối với các dịch bệnh có vắc xin phòng bệnh như sởi, rubella, ho gà, … cần khẩn trương rà soát đối tượng tiêm chủng cho các đối tượng chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường.

- Chủ động hướng dẫn các Trạm y tế trong việc phối hợp giám sát, phát hiện bệnh, hướng dẫn nhân dân xử lý môi trường…

- Thường xuyên cập nhật tình hình phòng, chống dịch bệnh và báo cáo Sở Y tế, đồng thời báo cáo UBND thị xã (qua Phòng Y tế thị xã).

3. Phòng Văn hóa – Thông tin và Đài Truyền thanh thị xã:

Phối hợp với Phòng Y tế thị xã, Trung tâm Y tế thị xã, UBND các xã, phường tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh sau mưa, lũ, đặc biệt lưu ý các địa phương bị ngập lụt. Đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân. Chú trọng tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho người dân hiểu và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; truyền thông hướng dẫn người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, thực hiện ăn chín, uống chín, thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến và sử dụng các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.

4. Phòng Kinh tế thị xã:  

- Đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên động vật và công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ của ngành.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ, cung ứng kịp thời vật tư kỹ thuật, hóa chất tiêu độc phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y trong chăn nuôi, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan (Đội Quản lý thị trường số 3) tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn triệt để gia cầm, sản phẩm gia cầm bị bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

5. Phòng Giáo dục và Đạo tạo thị xã:

- Chủ trì, phối hợp với ngành y tế hướng dẫn giáo viên, học sinh trong các trường học trực thuộc các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Chỉ đạo các trường thường xuyên tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh cho học sinh, tích cực thực hiện vệ sinh môi trường và cảnh quang thông thoáng trong nhà trường. Riêng đối với các cơ sở mầm non (kể cả tư nhân) phải hướng dẫn các cháu thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và phát hiện kịp thời trẻ có biểu hiện bệnh Tiêu chảy cấp, Sốt xuất huyết, Tay chân miệng, Thương hàn, Lỵ, …. để thông báo cho ngành y tế trên địa bàn xử lý.

- Chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, thường xuyên làm vệ  sinh môi trường tại trường học; phối hợp quản lý tốt sức khỏe học sinh, cán bộ, giáo viên, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời, kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học.

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường:

- Tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi trong đơn vị, địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, xử lý môi trường một cách tích cực với nhiều nội dung và hình thức phù hợp trên phương tiện thông tin đại chúng. Vận động cộng đồng dân cư tự giác thực hiện phòng chống dịch bệnh, vệ sinh cá nhân, thực hiện ăn chín, uống chín, thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến và sử dụng các sản phẩm từ gia súc, gia cầm,  phòng chống tai nạn đuối nước nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.

- Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa địa phương với cơ quan chuyên môn cấp trên và ngành Y tế để phối hợp thực hiện công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả. Sẵn sàng các phương án huy động nguồn lực tại chỗ tham gia chống dịch khi có yêu cầu.

- Duy trì chế độ thông tin, báo cáo về công tác phòng chống dịch bệnh cho UBND thị xã (qua Phòng Y tế thị xã) theo quy định.

Đồng thời, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các xã, phường phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thị xã về công tác phòng chống dịch bệnh của thị xã liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình./. 

Lường Thanh Hải
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.474.416
Truy cập hiện tại 1.300 khách