Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đền năm 2020 tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt trên 3,5%/năm
Ngày cập nhật 20/07/2017

Đó là một trong những mục tiêu của Kế hoạch số 156/KH- UBND ngày 18/7/2017 của UBND tỉnh về Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2020

 

Theo đó, mục tiêu tổng quát của kế hoạch là: Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh, bảo đảm tăng trưởng ổn định, giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với môi trường và nâng cao đời sống cho người dân. Nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tăng năng suất lao động, gia tăng giá trị và chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa; hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội nông thôn, đào tạo nghề, tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. 

Bên cạnh đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020
- Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt trên 3,5%/năm.
- Sản lượng lương thực có hạt đạt từ 31-32 vạn tấn/năm (trong đó sản lượng lúa chất lượng cao đạt từ 8-10 vạn tấn/năm).
- Sản lượng thủy sản đạt 73 ngàn tấn/năm (trong đó sản lượng khai thác đạt 45,5 ngàn tấn/năm, sản lượng nuôi đạt 27,5 ngàn tấn/năm).
- Tỷ lệ độ che phủ rừng 57%.
- Thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 1,6-1,9 lần so với năm 2016.
- Nâng chất lượng đối với 23 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2016; phấn đấu có thêm 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020 là 61 xã, đạt tỷ lệ 59%; phấn đấu 02 huyện Quảng Điền và Nam Đông đạt chuẩn nông thôn mới.
Để thực hiện tốt cần có nhiệm vụ giải pháp sau:
1. Nhiệm vụ 
a) Về trồng trọt
- Ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững. Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm sạch, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu. 
- Tập trung đầu tư để chuyển đổi khoảng 3.300 ha đất lúa kém hiệu quả ở vùng miền núi, bãi ngang ven biển, vùng thiếu nước sang trồng ngô, lạc, rau, hoa và nuôi trồng thủy sản. Đến năm 2020 ổn định diện tích gieo trồng lúa nước khoảng 51.000 - 52.000 ha/năm, năng suất lúa bình quân đạt trên 60 tạ/ha, diện tích lúa chất lượng cao đạt 17.000 ha, tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đạt trên 98% diện tích gieo cấy, diện tích lúa cánh đồng mẫu lớn có liên kết trong tiêu thụ khoảng 5.500 ha; cây ăn quả  khoảng 3.330 ha, trong đó cây bưởi Thanh trà đạt 1.000 ha; Sắn công nghiệp 7.500-8.000 ha; Rau, củ, quả an toàn đạt 600 ha; Lạc trên 3.600 ha, năng suất đạt từ 20-22 tạ/ha. 
b) Về chăn nuôi
- Chú trọng phát triển vật nuôi có tiềm năng và lợi thế, tăng chất lượng đàn, phát triển số lượng phù hợp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao hiệu quả để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua việc liên kết sản xuất, đảm bảo mục tiêu cơ bản về lợi ích cho người chăn nuôi và người tiêu dùng; phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp.
- Mở rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường gắn với xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Hình thành các vùng chăn nuôi tập trung cách biệt khu dân cư, đảm bảo điều kiện về môi trường; kết hợp chăn nuôi với trồng cây nông nghiệp, lâm nghiệp; Xây dựng, nâng cấp cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch và đảm bảo vệ sinh môi trường. Hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi trang trại công nghiệp; khuyến khích phát triển chăn nuôi hữu cơ.
c) Lâm nghiệp
Phát triển lâm nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh; Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi trường rừng; Từng bước đáp ứng nhu cầu gỗ, lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; Góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững. 
Đổi mới và phát triển các thành phần kinh tế trong lâm nghiệp phù hợp với cơ chế thị trường gắn với tái cơ cấu ngành nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập; tăng cường liên kết tiêu thụ lâm sản giữa doanh nghiệp với nông dân.
Cơ cấu lại các loại rừng theo hướng: Củng cố diện tích rừng đặc dụng hiện có; bố trí rừng phòng hộ ở những nơi xung yếu, phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ chắn sóng, chắn gió cát ven biển và đầm phá; ưu tiên mở rộng diện tích rừng sản xuất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế; chú trọng công tác giống cây lâm nghiệp, đầu tư thâm canh, trồng rừng gỗ lớn đạt 13.000 ha vào năm 2020 trong đó rừng được cấp chứng chỉ FSC 5.000 ha để từng bước thay thế dần gỗ rừng tự nhiên phục vụ nhu cầu dân dụng và cung ứng nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, tăng giá trị rừng trồng. Diện tích đất có rừng toàn tỉnh đến năm 2020 đạt 293.240 ha, trong đó: diện tích rừng sản xuất 128.435 ha.
Phát triển các loại cây trồng dưới tán rừng: Mây, cây dược liệu,…nhằm tăng thu nhập cho các hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng tự nhiên. Nâng cao năng suất rừng trồng đạt bình quân 25 m3/ha/năm. Nâng cao chất lượng rừng trồng để sản lượng gỗ thương phẩm đạt 80% trữ lượng, trong đó 40% gỗ lớn và 60% gỗ nhỏ.
Phấn đấu đến năm 2020, tạo vùng nguyên liệu mây, tre do trồng mới tối thiểu 1.500 ha mây và 500 ha tre các loại, cả tập trung và phân tán; bảo vệ và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên tối thiểu 3.000 ha mây các loại. Phát triển, nâng cao chất lượng rừng, nâng cao tính đa dạng loài, tính bền vững của rừng trồng, chuyển hóa rừng trồng sang mục đích kinh doanh gỗ lớn.
Công nghiệp chế biến và thương mại sản phẩm gỗ phải được coi là động lực phát triển kinh tế. Ưu tiên đầu tư sản xuất, chế biến các sản phẩm sử dụng gỗ rừng trồng trong nước phù hợp với thị trường. Điều chỉnh cơ cấu sản phẩm gỗ và lâm sản phẩm ngoài gỗ, nhất là các sản phẩm xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng giá trị lâm sản ngoài gỗ sử dụng nguồn nguyên liệu được gây trồng trong nước. Định hướng sản phẩm xuất khẩu chuyển từ sản xuất đồ gỗ ngoại thất sang sản xuất sản phẩm gỗ nội thất, đồng thời hạn chế việc xuất khẩu dăm gỗ.
d) Thuỷ sản
Phát triển nuôi trồng các đối tượng thủy sản tạo sản phẩm chủ lực theo nhu cầu của thị trường, phù hợp với điều kiện của từng vùng sinh thái. Ổn định diện tích nuôi đầm phá hiện có (3.300 ha), duy trì và phát triển hình thức nuôi xen ghép, trong đó tôm sú là đối tượng chủ lực; Thí điểm áp dụng tiêu chuẩn VietGAP tại một số vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi cá lồng. Áp dụng cấp chứng nhận thí điểm cho các cơ sở, vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ; Phát triển vùng nuôi tôm trên cát lấy tôm thẻ chân trắng là đối tượng sản xuất chủ lực để phục vụ xuất khẩu. Từng bước mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 900 ha vào năm 2020 với sản lượng nuôi đạt khoảng 13.500 tấn. Chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường vùng nuôi tập trung.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ, vận động các nguồn lực để tăng nhanh đội tàu xa bờ từ 400 chiếc hiện nay lên 600 chiếc vào năm 2020 có hầm bảo quản tiên tiến, hiện đại và có đầy đủ trang bị kết nối định vị vệ tinh; Áp dụng thực hiện mô hình khai thác tiên tiến, chú trọng công tác dự báo ngư trường, nguồn lợi đánh bắt cho ngư dân khai thác; phát triển tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới composite… thay thế từng bước tàu cá vỏ gỗ; Tỷ trọng sản lượng hải sản khai thác xa bờ đạt trên 70%.
Phát triển đội tàu dịch vụ khai thác hải sản xa bờ từ 90 CV trở lên được trang bị hầm bảo quản sản phẩm hiện đại, phấn đấu giảm tổn thất sau thu hoạch khai thác hải sản từ 30% hiện nay, xuống dưới 15% đến năm 2020; Tiếp tục duy trì và phát huy đội tàu dịch vụ thu mua trên biển và phát triển tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép quy mô lớn (30 mét trở lên).
Xây dựng hoàn thành quy hoạch Khai thác hải sản và hậu cần nghề cá tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
đ) Thuỷ lợi
Củng cố, phát triển thủy lợi nội đồng, gắn với xây dựng nông thôn mới: Nâng cấp kết cấu hạ tầng thủy lợi đáp ứng tốt các phương thức canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi, nâng cao hiệu quả quản lý, đổi mới cơ chế vận hành; nâng cao chất lượng hệ thống công trình, chống xuống cấp, từng bước hiện đại hóa. Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các cây trồng cạn chủ lực: Cây ăn quả đặc sản, rau, hoa,....
  Xây dựng hoàn thành quy hoạch thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
e) Phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn
- Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GHP, GMP, HACCP, ISO,…) tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
- Nâng cấp, cải tiến công nghệ các nhà máy chế biến nông sản nhằm nâng cao chất lượng, giá trị nông sản; Nâng cấp, xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến súc sản có quy mô phù hợp trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai thực hiện tốt Chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm (OCOP). Tiếp tục phát triển các làng nghề có khả năng lan tỏa, hoạt động tốt; khôi phục và bảo tồn các làng nghề truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền; bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống vùng đồng bào dân tộc.
f) Xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn
Tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng như: Hệ thống giao thông nội đồng kết hợp thủy lợi, giao thông đến vùng sản xuất, hệ thống đường lâm sinh, hạ tầng cho nuôi trồng thủy sản tập trung, khai thác hải sản và hậu cần nghề cá. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và mở rộng quy mô các cụm công nghiệp - TTCN và kết hợp xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho các làng nghề truyền thống phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
g) Công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản
Tăng cường các hoạt động sản xuất sản phẩm an toàn: Áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ; Hình thành chuỗi cửa hàng cung ứng sản phẩm an toàn có xác nhận.
h) Công tác đào tạo
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mở rộng các loại hình đào tạo nhằm nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân và đội ngủ cán bộ quản lý nhà nước, các bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, cán bộ kỹ thuật cấp xã, thôn bản, các doanh nghiệp, các trang trại sản xuất. ...
2. Giải pháp
a) Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
 Trong đó tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp: Làm tốt công tác lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ở nông thôn; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở.
Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất theo hướng tạo vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô thích hợp. Các huyện, thị xã, thành phố vận động doanh nghiệp, người sản xuất đầu tư xây dựng mô hình dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất để đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa. Thực hiện Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư.
b) Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ 
Nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao. Mỗi huyện, thị xã, thành phố Huế xây dựng ít nhất 01 mô hình/năm về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ có liên kết để làm điểm nhân rộng cho những năm sau.
c) Khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
- Tập trung huy động và thực hiện đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Rà soát, phân loại các dự án đầu tư, điều chỉnh phương thức và nguồn đầu tư để thu hút tối đa nguồn lực đầu tư xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. 
- Tiếp tục vận động, thu hút đầu tư từ ngân sách, từ các nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ODA,..), tăng hợp lý tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh. 
- Tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ, hộ gia đình xây dựng dự án, phương án đầu tư vào sản xuất nông nghiệp để được hỗ trợ theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP và Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND.
d) Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chuổi giá trị và quản lý chất lượng sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng
- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm hàng hoá; Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản như: Lúa, rau, bưởi thanh trà, hàng thủ công mỹ nghệ (mây tre đan,…), …
- Tăng cường công tác quản lý kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản; Khuyến khích nhân rộng mô hình kiểm soát, quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi, áp dụng triệt để các tiêu chuẩn VietGAP, ISO, HACCP,…
e) Củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX và các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ trong nông nghiệp, nông thôn
- Hỗ trợ, hướng dẫn nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX nông nghiệp hiện có. Hướng dẫn và hỗ trợ nông dân hình thành các HTX kiểu mới; thực thi các biện pháp quyết liệt tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, tham gia các liên kết theo chuổi.
- Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn đối với một số sản phẩm có giá trị hàng hóa cao là lợi thế của tỉnh; Tăng cường sự tham gia và trách nhiệm của các bên liên quan đối với mối liên kết của “4 nhà”.
- Tiếp tục sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành theo hướng cổ phần hóa; Củng cố và phát triển kinh tế hợp tác; Đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng sản xuất hàng hoá có giá trị kinh tế cao.
- Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đổi mới và phát triển mạnh hệ thống dịch vụ theo chuỗi giá trị sản phẩm. Củng cố và phát triển các tổ chức dịch vụ nông nghiệp: Cung ứng vật tư nông nghiệp, làm đất, thu hoạch, tiêu thụ và chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản; Đẩy mạnh phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Khuyến khích đầu tư đồng bộ máy móc, thiết bị cơ giới trong tổ chức dịch vụ nông nghiệp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.
- Xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp theo Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
f) Cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước
- Đẩy mạnh cải cách hành chính với nội dung trọng tâm là: Sắp xếp, tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đảm bảo đủ năng lực quản lý ở các cấp, đặc biệt  ở cấp xã.
 - Tăng cường năng lực cho hệ thống kiểm tra, kiểm nghiệm, thanh tra chất lượng đối với vật tư nông nghiệp; an toàn vệ sinh thực phẩm các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và nâng cao chất lượng, giá trị hàng hoá.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để kịp thời tổ chức phòng, chống, dập dịch, đảm bảo an toàn cho sản xuất.
g) Thực hiện tốt công tác đào tạo, tập huấn, đào tạo nghề
Đánh giá nhu cầu đào tạo, tập huấn cụ thể từng cấp, từng địa phương trong giai đoạn 2017 - 2020 để xây dựng kế hoạch đáp ứng nhu cầu của thực tiễn; nhất là kiến thức và kỹ năng triển khai đối với cán bộ cấp xã và thôn, bản, lực lượng nòng cốt xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quản lý nhà nước ở các cấp.
 

 

anhduong-huongthuy.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.508.511
Truy cập hiện tại 2.241 khách