Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png

Chung nhan Tin Nhiem Mang

“Nẻo về” luôn mở lối
Ngày cập nhật 22/01/2020
Được chọn làm điểm trong triển khai thực hiện Nghị định 80 của Chính phủ, sau gần 10 năm thực hiện, thị xã Hương Thủy được đánh giá là địa phương thực hiện tốt công tác hỗ trợ đối với  người chấp hành xong án phạt tù.
 

Nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác giúp tái hòa nhập cộng đồng
 
Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn thị xã Hương Thủy có 347 người chấp hành xong án phạt tù đang cư trú tại địa phương. Trong đó, số người trong độ tuổi từ 18-30 chiếm hơn 67%, đây là độ tuổi cần phải rèn luyện, lao động, đang định hình nhân cách, lối sống. Điều đáng mừng, cũng trong gần 10 năm qua, Hương Thủy là địa phương xuất hiện nhiều mô hình trong công tác giúp tái hòa nhập cộng đồng, như: Mô hình dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội; Khu dân cư 3 không; Dòng họ tự quản về an ninh trật tự; Hội Cựu chiến binh tự quản; Tổ dân phố không có người nghiện; Tổ xích lô, xe thồ tự quản; Câu lạc bộ người hoàn lương; Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm... được xây dựng, thành lập sát với tình hình cụ thể của từng địa bàn và có sự phối hợp chặt chẽ với Công an, các cơ quan, ban, ngành hữu quan.
 
Theo ông Nguyễn Thanh Minh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, xác định công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ cho người chấp hành xong án phạt tù, người có quá khứ lầm lỗi, người vi phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng để đảm bảo ổn định tình hình ở địa phương, thị xã Hương Thủy đã huy động cả hệ thống chính trị các cấp vào cuộc, đặc biệt là ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 80 quy định các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Biện pháp cơ bản để tái hòa nhập cộng đồng là lao động và việc làm. Tuy nhiên, một số nguyên nhân như thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh, chưa có sự giúp đỡ của chính quyền và cộng đồng, thiếu sự quan tâm giúp đỡ của gia đình, không có nghề nghiệp, không thích lao động, không chủ động tìm kiếm việc làm, người già yếu, ốm đau hoặc tàn tật... đã khiến công tác giúp đỡ người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng khó khăn hơn.
 
“Bên cạnh vận dụng linh hoạt các nguồn tài chính để hỗ trợ, tích cực giúp những người trở về sau thời gian chấp hành án phạt tù sớm tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế, các lực lượng hữu quan trên địa bàn thị xã thực hiện công tác tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương trên tinh thần động viên, không có khoảng cách và tích cực hướng dẫn, xác nhận cho họ làm thủ tục xóa án tích, xem họ như người chưa từng phạm tội để ổn định tư tưởng, tu chí làm ăn, tránh xa các tệ nạn xã hội”, ông Nguyễn Thanh Minh chia sẻ.
Sớm lập quỹ giúp người hoàn lương
 
Mãn hạn tù với bản án 12 năm tù về tội danh "giết người", anh Trần Duy Thịnh  (Thủy Thanh) trở về địa phương trong ánh mắt kỳ thị của người xung quanh. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của người thân, sự giúp đỡ từ Đảng ủy, chính quyền TX. Hương Thủy và lực lượng Công an thị xã, Công an xã Thủy Thanh, anh đã mạnh dạn vay 50 triệu từ Hội nông dân để chăn nuôi gia cầm. Không phụ sự tin tưởng của những người xung quanh, đến hiện tại, trang trại chăn nuôi của anh đang có khoảng 5.000 con vịt, cùng danh hiệu điển hình làm kinh tế giỏi. Sau khi gánh nặng kinh tế đã nhẹ bớt,  những năm gần đây, anh Thịnh luôn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện mà theo lời anh, đó như là một cách tri ân những người đã tiếp bước, giúp anh trở lại với cuộc đời lương thiện.
 
Hay như anh Trần Duy Cư  (Thủy Thanh), hơn 10 năm trước, khi vừa chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, anh được chính quyền cấp khu đất rộng vài trăm mét vuông và cho vay ưu đãi 50 triệu đồng làm vốn khởi nghiệp. Bắt đầu từ đó đến nay, nhà hàng Gió Quê do anh làm chủ đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách gần xa cũng là một điển hình.
 
 
Theo ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp ủy Đảng, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. “Từ sự quan tâm, giúp đỡ này, những người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương đã được tạo điều kiện thuận lợi để tái hòa nhập cộng đồng, sớm ổn định cuộc sống, có đóng góp đối với xã hội, nhất là trong phát triển kinh tế và trực tiếp tham gia giáo dục, cảm hóa những người lầm lỗi khác”, ông Định đánh giá.
 
“Một số tỉnh, thành như: Đồng Nai, Đà Nẵng, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh... đã thành lập các mô hình “Quỹ hoàn lương”, “Quỹ doanh nhân với an ninh trật tự”, “Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng” để tạo việc làm cho hàng nghìn người chấp hành xong án phạt tù rất thiết thực, hiệu quả. Các địa phương, cơ quan hữu quan nên nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh sớm thành lập quỹ này”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định đề nghị.
 
 
 
Tại hội nghị biểu dương mô hình, điển hình trong công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù do UBND thị xã Hương Thủy tổ chức ngày 8/1, Công an tỉnh và UBNDHương Thủy đã biểu dương, khen thưởng 10 tập thể và 20 cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; tặng 10 suất quà cho 10 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có hoàn cảnh khó khăn.
Thanh Đoàn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.517.558
Truy cập hiện tại 5.627 khách