Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tập trung thực hiện phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia
Ngày cập nhật 14/02/2023

Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6/1/2022 (gọi tắt là Đề án 06), xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể cùng với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình từng năm. Thời gian qua, trên cơ sở xác định đúng vai trò và tầm quan trọng của Đề án 06, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện đề án tại địa phương.

Lực lượng công an làm căn cước công dân gắn chip cho người dân trong dịp Tết nguyên đán Qúy Mão 2023
Lực lượng công an làm căn cước công dân gắn chip cho người dân trong dịp Tết nguyên đán Qúy Mão 2023
 
 

Theo đó, Ban chỉ đạo Đề án 06 tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện, nhất là chỉ đạo, đôn đốc đẩy mạnh thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội; triển khai thực hiện tiếp nhận, giải quyết các thủ tục Cấp đổi, cấp lại Giấy phép lái xe và thủ tục Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ) trên Cổng dịch vụ công quốc gia; đẩy nhanh tiến độ kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đẩy nhanh hoàn thành việc rà soát, làm sạch về hộ tịch, dữ liệu về tiêm chủng, dữ liệu về an sinh xã hội, dữ liệu về đất đai và dữ liệu các hội, đoàn thể với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn.

Kết quả thực hiện 11 dịch vụ công thiết yếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an tỉnh (từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/01/2023): Tổng số hồ sơ đã tiếp nhận, giải quyết: 20.609 hồ sơ. Kết quả thực hiện 14 dịch vụ công thiết yếu thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành khác (từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/01/2023): Tổng số hồ sơ đã tiếp nhận, giải quyết: 5.644 hồ sơ.

Tiến độ tích hợp các thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia: Hiện đã cung cấp 1.906 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương lên Cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính quốc gia. Trong đó, có 1.444 dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, chiếm 75,76%. Đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu, đăng ký, kích hoạt tài khoản và sử dụng ứng dụng định danh điện tử (ứng dụng VNeID). Trong tháng 01/2023, toàn tỉnh đã thu nhận 10.058 hồ sơ cấp CCCD gắn chip, 17.022 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử. Toàn tỉnh đã có 139/181 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tra cứu thông tin thẻ Bảo hiểm y tế bằng CCCD với 33.785 lượt tra cứu, trong đó 24.651 lượt tra cứu thành công phục vụ khám chữa bệnh.

Cùng với đó, lực lượng Công an các cấp đã chủ động tham mưu, phối hợp với chính quyền, đoàn thể cùng cấp thành lập 1.074 Tổ lưu động (gồm lực lượng Công an, Đoàn viên, hội viên Hội Phụ nữ và người am hiểu công nghệ thông tin) về từng hộ gia đình tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử bằng ứng dụng VNeID để đăng nhập và thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện cơ bản hoàn thành các nhóm nhiệm vụ theo tiến độ đề ra; ý thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện Đề án 06 được nâng lên, đã tạo sự đồng thuận của người dân, các doanh nghiệp trên địa bàn, tạo tiền đề cơ bản để đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo Đề án 06 tỉnh sẽ ban hành kế hoạch và tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị định 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để kịp thời nắm việc triển khai áp dụng các phương thức khai thác, sử dụng thông tin công dân thay thế việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh bảo đảm tích hợp, đồng bộ dữ liệu đầy đủ, chính xác, thường xuyên với Cổng dịch vụ công quốc gia; nghiên cứu triển khai phương án đồng bộ tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an quản lý với tài khoản của Hệ thống ứng dụng Hue-S.Tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội... để người dân biết và thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ; tiến hành rà soát, điều chỉnh thành phần hồ sơ các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công liên quan đến thông tin về cư trú của công dân thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của đơn vị mình.

Tiếp tục chỉ đạo lực lượng Công an các cấp phối hợp các cơ quan, đoàn thể, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối soát, làm sạch dữ liệu về tiêm chủng, dữ liệu an sinh xã hội và dữ liệu của các hội, đoàn thể... theo hướng huy động tổng lực các nguồn lực như: thành viên Tổ công tác Đề án 06 cấp xã, cấp thôn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... thành một Tổ để rà soát chung tất cả các dữ liệu cho hiệu quả. Phối hợp với Cục C06 - Bộ Công an thống nhất ban hành và thực hiện Kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 tại tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023.

Mới đây tại cuộc họp rà soát, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, đề nghị cơ quan thường trực của đề án 06 cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị để ban hành kế hoạch cụ thể, hoàn chỉnh, đính kèm các danh mục, nội dung chính để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, cần tham mưu Tỉnh uỷ để ra Nghị quyết để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh; đặc biệt cần tập trung công tác làm sạch dữ liệu.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị, Sở Tư pháp chủ trì, xây dựng kế hoạch triển khai hộ tịch điện tử, trên cơ sở bám sát chỉ đạo, ý kiến hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Cùng với đó là sự tham gia của lực lượng Công an xã trong triển khai, xác thực dữ liệu trên hộ tịch điện tử. Sở Thông tin và truyền thông cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thường trực của đề án 06 để rà soát, kết nối ,liên thông dữ liệu trong triển khai thực hiện. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần tiến hành rà soát hệ thống để chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc triển khai đề án 06. Đồng thời, cần hiện đại hóa các trung tâm hành chính công tại các địa phương để có một hệ thống đồng bộ và thống nhất từ dưới lên trên. Bên cạnh đó, cần có kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện ở cơ sở. Đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội...trong thực hiện đề án 06 hướng đến từng người dân.

 

www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.566.517
Truy cập hiện tại 4.060 khách