Tìm kiếm
/UploadFiles/TuyChonLk/tailieuhdnd_230x61.png

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thúc đẩy, đồng hành, hỗ trợ các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp
Ngày cập nhật 30/11/2022

Sáng ngày 30/11, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức hội nghị tổng kết chương trình “100 doanh nghiệp chuyển đổi số trong 100 ngày”. Dự hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Liên minh Hợp tác xã và hơn 150 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 
Tại hội nghị
Tại hội nghị
 
 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương, cho biết, trước những thuận lợi, khó khăn thách thức và đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tỉnh đã quan tâm tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số vì mục tiêu hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và sự phát triển bền vững của tỉnh nhà; trong đó ưu tiên chuyển đổi số trên các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số quốc gia trên 3 trụ cột: chính quyền số, xã hội số, kinh tế số.

Thừa Thiên Huế đã tập trung xây dựng dịch vụ đô thị thông minh, chính quyền điện tử và nâng cao chỉ số chuyển đổi số (DTI) của tỉnh. Đưa vào khai thác hệ thống thông tin địa lý (GISHue), tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành và ứng dụng công nghệ GIS. Kết nạp Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh (HueCIT) trở thành thành viên của Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung. Tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực để tạo lập một môi trường đầu tư tốt hơn; Năm 2021 Thừa Thiên Huế đứng thứ 08/63 tỉnh/thành về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đứng đầu cả nước về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và đứng thứ 4 cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX); đứng vị trí thứ 02 của cả nước về chỉ số Chuyển đổi số (DTI).

Không những thế, tỉnh Thừa Thiên Huế còn là địa phương đi đầu cả nước trong ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách của Nhà nước, tiến đến tháo gỡ các rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó phải kể đến là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng chữ ký số công cộng; hỗ trợ chi phi hóa đơn điện tử được triển khai thực hiện kể từ năm 2019 ngay từ khi Chính phủ khởi động Đề án “chuyển đổi số Quốc gia", chính sách hỗ trợ “100 doanh nghiệp chuyển đổi số trong 100 ngày”, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, thực hiện các giải pháp chuyển đổi số...

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay có hơn 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Bên cạnh những nỗ lực của Chính quyền, doanh nghiệp đã chủ động trong tiếp cận các sàn giao dịch điện tử, vận dụng nền tảng chuyển đổi số để tăng doanh thu, đổi mới phương thức sản xuất phù hợp, thích ứng kịp thời trong  trạng thái bình thường mới,... tạo tiền đề thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế và là động lực cho phát triển kinh tế số tại tỉnh. 

Qua hơn 01 năm tham gia Chương trình “100 doanh nghiệp chuyển đổi số trong 100 ngày”, đã có hơn 800 lượt doanh nghiệp được tham dự các lớp truyền cảm hứng về chuyển đổi số, đào tạo cơ bản về TMĐT; có 04 khoá đào tạo kỹ năng chuyên sâu cho hơn 200 doanh nghiệp.  Đến nay đã có hơn 150 doanh nghiệp tham gia và tạo thành Group (nhóm) “Doanh nghiệp chuyển đổi số” để cùng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cùng nhau giải đáp thắc mắc liên quan kinh tế số, chuyển đổi số. Đồng thời đây cũng là kênh truyền thông, kết nối đến từng doanh nghiệp về các hỗ trợ, giải đáp và thông tin các hoạt động, chương trình, hội thảo của các sở, ngành, đơn vị nhà nước để song hành cùng doanh nghiệp trên con đường phát triển.

Đến nay phần lớn các doanh nghiệp đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động quản lý bán hàng trực tuyến, đa kênh, tiếp thị, quản lý quan hệ khách hàng, quản trị kênh phân phối,… Nhiều doanh nghiệp đang trực tiếp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như TikTok, Facebook, Google, Sendo, Tiki, Lazada, Shopee; hầu hết doanh nghiệp đều trang bị và sử dụng chữ ký số; hơn 60% các doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm kế toán (Bravo, 3Tsoft, Misa) giúp tiết kiệm nhân lực, chi phí và tăng cường tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên; góp phần gia tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp đối với khách hàng và nhà đầu tư. Các hoạt động chuyển đổi mô hình bán hàng, tiếp thị, quản trị và vận hành, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nhận thấy chuyển đổi số là một cơ hội để sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, hướng tới thay đổi bản chất doanh nghiệp. Điều này đang góp phần tạo ra các doanh nghiệp số, logistic, giao nhận, thương mại, xuất nhập khẩu, nhà hàng, khách sạn, du lịch... hoạt động theo những phương thức mới, dựa trên việc kết nối các hệ thống công nghệ, dữ liệu và xử lý thông tin tự động.

Tại hội nghị, các đại biểu và các doanh nghiệp đã có những trao đổi về những kết quả đạt được của Chương trình, ngoài ra, khi nhận thức được về vai trò, ý nghĩa thì chuyển đổi số thành công vẫn là một thách thức không nhỏ đối với không ít doanh nghiệp. Đồng thời có những kiến nghị về tăng cường công tác truyền thông chuyển đổi nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp về chuyển đổi số; Hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực chuyển đổi số cho doanh nghiệp;Hỗ trợ các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã biểu dương sự cố gắng của các cơ quan, đơn vị chủ quản cùng sự tham gia nhiệt tình của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giúp Chương trình bước đầu đạt hiệu quả tích cực và có những thành công nhất định. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, chủ trương 100 doanh nghiệp chuyển đổi số, đó là quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh trong triển khai thực hiện. Tạo ra một bước chuyển lớn trong thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi số. Qua đó, cần làm gì để ổn định, phát triển trong điều kiện thích ứng, phục hồi sau đại dịch Covid-19, phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng với nhiều thị trường khác nhau, nâng cao lợi nhuận lại tiết kiệm được nhân lực, chi phí… là vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp. Vậy, giải pháp nào để thích nghi hiệu quả, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định một trong những giải pháp ấy là các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ mong muốn phải tiến hành chuyển đổi số với phương châm quyết liệt, đồng bộ và kiên trì mà quan trọng người đứng đầu doanh nghiệp phải có niềm tin, dám làm, dám thay đổi nhận thức… Bên cạnh đó, phải nhìn nhận lại những khó khăn vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số để có phương án tiếp tục triển khai phù hợp hơn trong thời gian tới.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, chuyển đổi số là cơ hội của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hy vọng với các nền tảng hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo, chính quyền các cấp tin tưởng việc chuyển đổi số trong thời gian tới sẽ hiệu quả và thành công nhiều hơn, sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia hơn trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và là động lực cho phát triển kinh tế số tại tỉnh.

Một số hình ảnh tại hội nghị:

 
 
 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.500.198
Truy cập hiện tại 5.340 khách