Tùy bút: Hành trình những chiếc ghe tre…
Ngày cập nhật 27/10/2014

Trong nhịp sống rộn ràng hôm nay, hình ảnh những lá thuyền tre nhỏ một thời gắn bó với cây đa, bến nước, làm nên vẻ đẹp chân quê, thơ mộng hữu tình, từng đi vào thơ ca và in đậm nét trong mỗi tâm hồn yêu thiên nhiên, gắn bó với làng quê Việt đã và đang ngày càng vắng bóng, nhường chỗ cho những chiếc thuyền nhôm trắng nhẹ lướt trên dòng - bởi vừa bảo đảm được độ bền chắc; bảo quản, gìn giữ được khá dài lâu vừa giải đáp được cho bài toán “kê mà tính” của kinh phí gia đình. Giữa lòng cuộc sống đó, vẫn còn có một người yêu nghề đan tre, biết đan và sống được nhờ nghề đan ghe tre, muốn lưu giữ nghề này vì nó vẫn còn có thể có ích cho bản thân, gia đình mình, cho  cộng đồng, âu  cũng là một điểm hay, lạ và đáng quý.

Con đường tỉnh lộ 10 trước đây -  đoạn chạy ngang qua hai phường Thủy Châu, Thủy Lương - từ lâu nay đã mang tên là Võ Trác - tên của một liệt sĩ cách mạng quê làng Thần Phù (Thủy Châu) từng giữ chức Bí thư Huyện ủy Hương Thủy rồi Bí thư Huyện ủy Phú Vang trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dẫu vậy, nếu hỏi nhiều người dân đang sinh sống ở hai bên đường từ ngã ba Thần Phù về đến khu vực Chợ Mới Lương Văn, có lẽ cũng chỉ số ít người là có thể trả lời bạn một cách rõ ràng, rành mạch về nhân vật lịch sử mà con đường chạy ngang qua nhà họ được vinh dự mang tên. Điều đó cũng bình thường như khi bạn hỏi họ "Nhà nào, ở đâu đan ghe tre ?" và họ lại chỉ dẫn cho bạn, không hề ngắc ngứ: cứ theo con đường Võ Trác này, xuôi về phía dưới chừng hai, ba cây số, đến ngay cổng chào vào xóm Đập  hỏi thì sẽ biết nhà người đan ghe tre. Sở dĩ có chuyện như thế là do cả một vùng rộng lớn của thị xã Hương Thủy dọc theo Quốc lộ 1A, từ phường Thủy Dương, Thủy Phương về Thủy Châu, Thủy Lương cho đến các xã Thủy Tân, Thủy Phù... cũng chỉ có một người biết và đang còn làm ra những chiếc ghe tre.


Tôi cũng chỉ tình cờ biết được ngôi nhà và người nông dân già có đôi tay khéo léo và bền bỉ đó từ sau ngày "Lui về bên lề vui" (một câu nói vui của nhà thơ có cả một tập thơ lái độc đáo: anh Võ Quê). Đó là một buổi sáng mùa hè của năm nay, cũng là lần đầu tiên thực hiện lộ trình đi bộ từ nhà (phường Phú Bài) ra đến tận cầu Lương Lộc - chiếc cầu bắc qua sông Đại Giang - ranh giới giữa thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang. Trên "con đường đi bộ" của mình, tôi đã nhìn thấy những chiếc ghe tre được lật úp hong, phơi dưới nắng, gió bên ngoài cổng nhà của bác ấy. Những chiếc ghe tre giữa đời sống hiện đại, nằm phơi mình bên lề con đường liên huyện của một vùng nông thôn đã và đang dần pha nếp sống đô thị với những chiếc xe máy, xe ô tô vùn vụt chạy ngang qua bên cạnh chúng, không dưng lại có một vẻ gì đó như sự khiêu khích trí tưởng của tôi -  đủ khiến tôi tò mò tìm hiểu.
Một lần trên con đường trở về từ bờ sông, sau khi ngắm đến no nê những tia ban mai rạng rỡ trên dòng sông nhỏ, tôi đã mạnh dạn ghé vào "ngôi nhà của những chiếc ghe tre", chào hỏi làm quen. Bên ấm trà buổi sáng sớm của người chủ nhà mến khách vừa pha, tôi và ông đã có một cuộc chuyện trò thú vị. Từ trong ý nghĩ của tôi, âm thầm hiện lên một dòng tựa cho tùy bút sẽ viết của mình: "Hành trình những chiếc ghe tre…".
Mai Lanh là tên của người chủ nhà - ngôi nhà mang số 219, đường Võ Trác, tổ 17, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy - cũng là người đã và đang làm nghề đan ghe tre từ mấy chục năm nay. Rót chén trà mời tôi, tự châm cho mình điếu thuốc lá, người lão nông có khuôn mặt hiền lành, làn da dày dạn nắng mưa ấy kể cho tôi nghe câu chuyện về cuộc đời của mình. Mồ côi cha năm 12 tuổi, ông đã phải sớm tảo tần lao động kiếm sống, đỡ đần cho mẹ. Biết đan đát từ năm 15, 16 tuổi và chính thức làm nghề đan các vật dụng bằng tre, rồi đan ghe tre từ năm 18 tuổi, lúc đó chủ yếu là làm người đan thuê cho người ta, lấy công kiếm tiền sinh sống. Những cây tre gần gũi, quen thuộc, gắn bó với tuổi thơ sống bên chân ruộng đã trở thành nguồn lợi mang lại kế sinh nhai cho ông và gia đình từ thuở ấy. Cũng có những ngày đi đó đi đây, bươn chải kiếm sống trong tuổi thành niên nhưng cuối cùng rồi ông cũng quay lại với cội nguồn, quê hương, làm bạn với những cây tre, thanh tre... Qua đôi bàn tay cần cù, khéo léo của ông, những chiếc ghe tre, nôi tre, giường tre, bàn ghế tre, rổ sàng, thúng mủng bằng tre… đã được thành hình và "theo về với người ta", trở thành những vật dụng thân thiết, gần gũi trong đời sống, sinh hoạt của gia đình họ.

Ông Mai Lanh - người thợ làm nghề đan ghe tre

Không chỉ gắn bó với cây tre qua công việc đan đát, ở tuổi 72, ông vẫn nhớ rành rọt và hào hứng kể cho tôi nghe về sự gắn bó với tre trên một khía cạnh khác của cuộc sống, đó là tham gia các đội đua, bơi ghe tre của địa phương trong những mùa đua do làng, xã tổ chức - và là một vận động viên có tiếng bền bỉ dẻo dai của địa phương. Mãi cho đến năm 52 tuổi, trước sự can ngăn, "năn nỉ" của những người thân trong gia đình - đặc biệt là người vợ gắn bó mấy chục năm, trải qua gian khổ bên nhau - ông mới chịu bỏ tay chèo, không tham gia đua, bơi gì nữa.
Khi tôi hỏi ông mỗi năm có tính được mình đã làm ra bao nhiêu chiếc ghe tre, ông cười hiền và cho biết là "khoảng vài ba chục chiếc". Gặng hỏi kỹ hơn thì ra là từ trong khoảng từ 30 đến 40 chiếc mỗi năm. Tôi nhẩm tính ngay: chỉ trong chừng 10 năm trở lại đây thôi - kể từ khi nghề nuôi thủy, hải sản phát triển nhanh ở vùng đầm phá của tỉnh Thừa Thiên Huế, thì ít ra cũng đã có hàng trăm chiếc ghe tre nhỏ rời bàn tay ông để bập bềnh trên sóng nước, hồ đầm! Nghĩ vui vui: nếu lấy số ghe tre đó mà dàn hàng ngang dọc trên một khúc đầm phá, diện tích mà chúng chiếm chỗ trên mặt nước có lẽ cũng không phải là không đáng nễ! Số ghe tre của ông đã đan và bán, ngoài số ít phục vụ tại chỗ cho các vùng sông nước trong thị xã Hương Thủy, còn lại phần lớn là bán cho các hộ nuôi tôm, cá trên các vùng đầm phá ven biển như đầm Chuồn, phá Tam Giang... Những chiếc ghe tre được làm hoàn toàn bằng thủ công thì đã đành, ngay cả phương thức mua bán cũng khá là "thủ công", đơn giản: ghe làm xong, hoàn tất mọi công đoạn thì xuất ghe đi, chở bằng xe tải của con trai ông tới các địa phương nói trên, giao cho người ta xong, cũng đồng thời nhận luôn số ghe được đặt cọc để làm tiếp. Công việc cứ thế tiếp diễn trong năm và năm này qua năm khác. Ông cũng chẳng giấu giếm gì, thật thà kể cho tôi nghe về số tiền thu được trên mỗi chiếc ghe tre nhỏ. Ông cho biết, vốn đầu tư cho việc thành hình mỗi chiếc "ghe 3" này - loại ghe ông thường đan bán, chỉ cần có 5 cây tre cộng với một ít dầu rái, dây mây, hai công thợ chính, một công phụ, là đủ. Tre mua từ vườn bà con làng xóm gần nhà, công là của hai vợ chồng cùng làm: ông chẻ tre, vót tre, đan, bện, uốn, cạp mạn... bà đi nhặt phân trâu, phụ phết, trét lên thân ghe, nấu dầu rái... Tổng cộng giá vật tư cho mỗi chiếc ghe chỉ không quá 200.000đồng. Ông bán mỗi chiếc ghe được 600.000đ, bên vận chyển lấy 100.000đồng/ghe, giá đến tay người mua tất cả là 700.000đồng/chiếc. Bản thân ông thu về được 400.000 tiền lãi, chính là lấy công làm lãi. Khi nghe tôi tiếc rẻ: làm ra được một chiếc ghe tre như thế đâu có đơn giản và có mấy ai có thể làm ra được chiếc ghe tre mà tính công như ông thật chẳng bõ bèn gì, ông lại mỉm cười, nói: hai vợ chồng già, tính công như thế cũng là phải chăng, bởi "mình già rồi, lấy công vừa phải với tuổi già chứ có ai thuê mình làm gì nữa đâu?".


Những chiếc ghe tre đã hoàn thành

Cũng với quan niệm như thế mà mỗi chiếc giường tre, nôi tre mọi người đặt làm, ông cũng chỉ lấy giá vừa phải: 300.000đồng cho một chiếc giường tre, 150.000đồng/nôi tre. Thêm nữa, ông lý giải: nôi tre, giường tre là để bán cho người dùng ở nông thôn, người ta lấy tiền đâu cho nhiều mà mình đòi bán cho đắt? Một quan niệm thật là chân chất và đầy tình nghĩa đồng bào - nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có của người Việt mình còn được lưu giữ ở nông thôn - khiến cho tôi - người được nghe vừa có cảm giác bất ngờ xen lẫn bùi ngùi.
Thú vị hơn, qua cuộc trò chuyện với ông - trong vai người nghe và hỏi là chủ yếu - tôi có thêm  những hiểu biết về những chiếc ghe tre. Hóa ra tuy cùng được làm bằng tre nhưng mỗi chiếc ghe lại có những chi tiết khác nhau để phục vụ cho những công việc cũng khá là đa dạng. Những chiếc ghe ông thường hay đan theo đơn đặt hàng từ trước đến nay nhiều nhất là "ghe 3" - loại chuyên dùng để chở thức ăn ra các hồ tôm, cho tôm ăn - vì vậy mà “ghe 3” đủ dài để có thể chở được tới 3 người một lúc. Thỉnh thoảng ông cũng nhận đan "ghe vịt" -  loại ghe có  lòng ghe sâu hơn, ngắn hơn so với "ghe 3", cả hai đầu "ghe vịt" và "ghe 3" đều có phần mũi như nhau nhưng nếu ở "ghe 3" là mũi hở thì mũi "ghe vịt" lại được làm nhọn nhằm giúp cho người chăn vịt dễ xoay trở, di chuyển trong khi lùa vịt trên sông nước. Ngoài ghe 3, ghe vịt, còn có các loại ghe đua, ghe thả lưới v.v... các loại ghe này cũng có các kết cấu mũi, lái khác nhau. Thì ra là vậy! Do đặc tính sử dụng khác nhau nên mỗi loại ghe lại có một kiểu hình dạng tương đối khác nhau. Tôi bỗng nhận ra: tuy là người rất thích được nhìn ngắm và say mê chụp ảnh những chiếc thuyền, ghe trên sông nước nhưng tôi rốt cuộc vẫn là kẻ "ngoại đạo", chẳng hiểu biết gì nhiều về chúng ngoài việc thấy chúng mang vẻ đẹp mộc mạc mà rất lôi cuốn, thu hút tâm hồn con người giữa cảnh thiên nhiên hữu tình.
Chợt nhớ những năm trước, khi còn tại chức, nhận lãnh trách nhiệm xây dựng kịch bản và đạo diễn lễ khai mạc cho lễ hội Chợ quê ngày hội - Cầu Ngói Thanh Toàn trong các mùa Festival Huế, tôi đã phải khổ sở, chạy đôn chạy đáo như thế nào khi nhờ lãnh đạo xã Thủy Thanh tìm cho bằng được 12 chiếc ghe tre để tái hiện cảnh những con thuyền nhỏ chở sản vật các vùng miền của Hương Thủy về trẩy hội Chợ quê trong hoạt cảnh "Chợ quê vào hội" trên dòng sông Thanh Thủy. Dù cất công tìm kiếm trong toàn xã, nhiều lắm chúng tôi cũng chỉ huy động được vài ba chiếc ghe tre, còn lại thì phải sử dụng những chiếc ghe nhôm thay thế, dù rất không muốn, bởi vì thế sẽ ít nhiều làm ảnh hưởng tới hiệu quả của một hình ảnh dân dã chân quê truyền thống muốn phục dựng. Giá như hồi ấy tôi được biết đến ông - người có thâm niên mấy chục năm đan ghe tre -  thì có đâu mà vất vả đến thế!
Hỏi "Bác dự định làm nghề này đến bao giờ?" thì nhận được câu trả lời mà tôi cũng thầm đoán trước được: "Còn làm cho đến khi nào không còn sức để làm nữa!". Với câu hỏi tiếp theo của tôi: "Ai sẽ nối tiếp nghề này của bác khi bác không còn sức để ngồi đan ghe tre?" dường như tôi đã khơi mào cho một nỗi niềm mà bác hoài đau đáu: "Chắc rồi sẽ mai một thôi vì cả ba đứa con trai của tôi chẳng có đứa nào biết đan tre, chúng nó không thích nghề đan đát đã đành mà cũng chẳng đứa nào biết bơi luôn! Cha thì bơi giỏi, đan đát lành nghề mà con cái thì... rứa đó!" Nói đến đây, ông lắc lắc mái đầu tóc lấm tấm bạc, cả cười ra điều... bó tay, không thể làm gì khác được!
Thấy tôi cũng cười thấu hiểu, chia sẻ cùng ông, ông lại tâm sự tiếp: "Cô biết không, ngó nghề ni đơn giản rứa chứ khó làm lắm". Theo như lời của ông nói thì cái khó không ở sự khéo tay mà còn ở độ kiên trì, sức bền bỉ chịu đựng. Rất nhiều người khi được ông gọi đến làm công trong những lúc có nhiều mối đặt hàng, họ chỉ làm một vài bữa rồi bỏ ngang, không cả chuyện đến đòi tiền công nhật vì họ không chịu nỗi cái sự ngứa ngáy, xót xáy từ tre khi thực hiện công đoạn chẻ và vót các thanh tre. Vậy là một mình ông phải lúi húi, cáng đáng tất cả các khâu: đi mua tre, chặt tre rồi chẻ, phơi, đan, bện... Các khâu còn lại như đi gom, nhặt phân trâu tươi ngoài đồng, phết phân trâu, quét lớp dầu rái bao phủ lên chiếc ghe đã có thêm sự phụ giúp từ vợ ông - người không hề nửa lời kêu ca cực nhọc.
Chiếc ghe tre sau khi hoàn thành các công đoạn đan, bó, cạp mạn sẽ đến khâu chà, phết phân trâu tươi vào chỗ nối giữa các kẽ thanh tre đan để không còn một kẽ hở nào. Sau đó hết để ngửa lại lật úp ghe, phơi cho khô ráo. Khi giữa các mí tre đã "ăn dính" phân trâu đến độ không thể cạy, gỡ bong ra được mới tiến hành nấu dầu rái và quét phủ đều lên khắp bề mặt lòng và lưng ghe. Đến đó, ghe được mang ra phơi lại độ chừng 5 ngày nữa là đã có thể hạ thủy, bơi được.
Làm ghe tre, gặp buổi mưa lạnh của Huế thì vất vả hơn nhiều, cả hai vợ chồng ông lại phải loay hoay kê chống ghe lên cao hơn mặt đất chừng 1 mét, đốt lửa dưới lòng ghe mà hong, hơ cho ghe nhanh khô... Tuy mệt và vất vả vậy nhưng theo lời ông thì làm hoài đã quen tay, quen nghề, quen luôn việc chịu thương chịu khó và cũng tạo thành niềm đam mê cho bản thân: hễ mùa nào ít người đặt làm ghe, phải nghỉ không "đan đan, bện bện", lại thấy trong người ngứa ngáy, thờ thẫn, khó chịu; cứ như bị thiếu đi một niềm vui thường trực đã thấm sâu vào máu thịt vậy! Thế mới biết là lòng đam mê yêu nghề vốn không hề bỏ sót ở bất cứ một ngành nghề nào của xã hội.
Trong nhịp sống rộn ràng hôm nay, hình ảnh những lá thuyền tre nhỏ một thời gắn bó với cây đa, bến nước, làm nên vẻ đẹp chân quê, thơ mộng hữu tình, từng đi vào thơ ca và in đậm nét trong mỗi tâm hồn yêu thiên nhiên, gắn bó với làng quê Việt đã và đang ngày càng vắng bóng, nhường chỗ cho những chiếc thuyền nhôm trắng nhẹ lướt trên dòng - bởi vừa bảo đảm được độ bền chắc; bảo quản, gìn giữ được khá dài lâu vừa giải đáp được cho bài toán “kê mà tính” của kinh phí gia đình. Giữa lòng cuộc sống đó, vẫn còn có một người yêu nghề đan tre, biết đan và sống được nhờ nghề đan ghe tre, muốn lưu giữ nghề này vì nó vẫn còn có thể có ích cho bản thân, gia đình mình, cho  cộng đồng, âu  cũng là một điểm hay, lạ và đáng quý. Và tôi, người cảm thấy mình có chút duyên nợ với những chiếc ghe tre, mỗi lần có dịp bắt gặp hình ảnh của con đò trên sông nước, lại vừa đăm đắm ngắm nhìn và nếu xác định được đó là một chiếc thuyền, ghe tre, lòng lại bất giác rộn vui vì như lại được nhìn thấy một hình bóng quen thuộc, thân thương trìu mến với mình… Ít nhất thì tôi cũng đã biết được một cuộc hành trình nho nhỏ của những chiếc ghe tre: từ bên chân ruộng, từ lũy tre xanh của làng quê, từ bàn tay của một người lão nông hiền lành, theo dòng mà đi ra cùng sóng nước đầm phá Tam Giang, góp chút công lao nhỏ bé cho các cuộc mưu sinh của người dân vùng sông nước…
 

Từ Nguyễn
Xem tin theo ngày  

® Chịu trách nhiệm nội dung UBND thị xã Hương Thủy
Điện thoại, fax: 0543.861928 - Email: huongthuy@thuathienhue.gov.vn