Hương Thủy trong kháng chiến chống Mỹ: Đương đầu với chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh"
Ngày cập nhật 07/04/2015

Chiến thắng đường 9 – Nam Lào tháng 3-1971, đánh bại một lực lượng quân ngụy và phương tiện chiến tranh lớn của địch, mở ra khả năng thực tế để nhân dân ta đi đến đánh bại hoàn toàn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Tháng 6 - 1971, Trung ương quyết định thành lập lại tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo thêm sức mạnh chiến thắng. Huyện Hương Thủy là một đơn vị của tỉnh Thừa Thiên.

Từ huyện thuộc thành phố, nay chuyển sang thuộc tỉnh, Huyện ủy nhanh chóng xây dựng hệ thống tổ chức Đảng, mặt trận, quân sự phù hợp tình hình mới. Ở cơ sở, các ban Đảng ủy, chi ủy xã được củng cố, kiện toàn, có tới 2/3 cấp ủy viên sống và hoạt động hợp pháp trong dân, tạo điều kiện chuyển sự chỉ đạo của Đảng vào bên trong, sát dân, nắm dân, bảo đảm sự tồn tại và lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân.

Từ tháng 7 đến cuối năm 1971, các hoạt động vũ trang chính trị của huyện Hương Thủy nhằm góp phần chống cuộc bầu cử Hạ Nghị viện và Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Một số cơ sở các xã Mỹ Thủy, Hải Thủy, Hồng Thủy, Hưng Lộc đã gây một số vụ nổ trong các cuộc “học tập” và trong ngày “Bầu cử Hạ Nghị viện” của địch. Du kích Mỹ Thủy đã tập kích tiêu diệt bọn địch ở trụ sở Ngụy quyền xã Thủy Dương làm hư hỏng nhiều lần hệ thống điện cao thế ở đường số I đoạn từ quận lỵ Hương Thủy lên An Cựu.

Từ tháng 8 - 9 năm 1971, nhân dân trong huyện đã tổ chức mít-tinh, rải truyền đơn... đòi lật đổ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, lập chính phủ tán thành hòa bình trung lập. Nhân dân Hương Thủy đã phối hợp với phong trào thành phố Huế đấu tranh chống trò hề độc diễn 3 – 11 - 1971 của liên danh Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ, ứng viên tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, vạch mặt cuộc bầu cử gian lận, đòi các quyền dân chủ, dân sinh....

Cuối năm 1971, khu ủy Trị - Thiên Huế chủ trương “Động viên toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân nổ lực vượt bậc, đánh bại mọi âm mưu bình định của địch, giành dân, giành quyền làm chủ nông thôn đồng bằng, mở rộng vùng giải phóng, chuẩn bị đón thời cơ mới”. Tháng 3 - 1972, Trung ương quyết định mở cuộc tổng tiến công chiến lược toàn miền Nam. Kế hoạch chiến dịch Trị - Thiên – Huế là : “Trong khoảng 20 đến 25 ngày tấn công tiêu diệt cho được 4 đến 5 trung đoàn địch, thực hiện quần chúng nổi dậy và giải phóng Quảng Trị, sau đó tiếp tục phát triển vào hướng Thừa Thiên”.

Ngày 1 – 5 - 1972, tỉnh Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Bộ tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm “Tiêu diệt đại bộ phận lực lượng quân sự của địch, giải phóng Thừa Thiên - Huế và Phú Bài, đưa chiến dịch đến toàn thắng”. Địch phản kích quyết liệt để tái chiếm Quảng Trị, lực lượng ta tập trung chiến đấu 81 ngày đêm ở Thành Cổ, nên kế hoạch giải phóng Thừa Thiên không thực hiện được.

Trong chiến dịch phối hợp với Quảng Trị, lực lượng vũ trang, chính trị của huyện Hương Thủy luồn về vùng sâu diệt ác ôn, đánh phá bình định. Địa bàn hoạt động được mở rộng, cơ sở cách mạng phát triển. Lực lượng vũ trang tranh thủ thời cơ hoạt động liên tục. Ngày 11 – 4 - 1972, du kích xã Thiên Thủy cùng biệt động thành Huế cải trang thành lính ngụy, đánh địch giữa ban ngày diệt hàng chục tên dân vệ, thu súng đạn. Tháng 9 - 1972, du kích xã Mỹ Thủy đã cùng lực lượng Quân giải phóng đánh phá căn cứ Ấp 5, tiêu hủy hàng chục kho lớn với trên 5 triệu lít xăng dầu. Du kích Hồng Thủy đánh trung đội dân vệ, diệt 16 tên, 5 tên bị thương, phá hủy nhiều súng đạn.

Đáng chú ý là trong công tác xây dựng cơ sở ở Hương Thủy, tổ công tác chính trị hợp pháp được hình thành. Ở xã Mỹ Thủy, năm 1972, có 15 tổ làm nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị với nội dung, khẩu hiệu phù hợp điều kiện và tình hình địa phương, đạt hiệu quả cao. Các Đảng ủy, chi bộ xã, thôn đã chú trọng nghiên cứu các đối tượng địch, tìm phương thức đánh địch tốt nhất để phát động quần chúng, xây dựng và mở rộng địa bàn, như ở các xã Thủy Lương, Thủy Phù, Thủy An, Thủy Châu, Thủy Vân.

Với công tác binh vận, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế chỉ thị cho các đảng bộ huyện: “Phải chỉ đạo công tác đấu tranh chính trị, binh vận như chỉ đạo chiến tranh, song song với hoạt động võ trang”. Cơ quan binh vận huyện Hương Thủy và Đảng ủy, chi ủy các xã đã tổ chức hơn 100 cơ sở nội tuyến trong binh lính địch ở các căn cứ Ấp 5, Phú Bài.

Thắng lợi của cuộc tổng tiến công chiến lược năm 1972 của quân dân miền Nam cùng với trận “Điện Biên Phủ trên không” của Hà Nội buộc địch ký kết hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” ngày 27 – 1 - 1973. Trên địa bàn huyện Hương Thủy trải qua một thời chiến đấu hy sinh giành dân, giành đất, tạo lực khôi phục phong trào địa phương, góp phần làm rối loạn, suy yếu địch trên địa bàn có nhiều căn cứ Mỹ - Ngụy, phối hợp tích cực với toàn tỉnh, toàn miền.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

® Chịu trách nhiệm nội dung UBND thị xã Hương Thủy
Điện thoại, fax: 0543.861928 - Email: huongthuy@thuathienhue.gov.vn