Hương Thủy trong kháng chiến chống Mỹ: Củng cố thế đứng giáp ranh chuyển sang giai đoạn đấu tranh mới
Ngày cập nhật 07/04/2015

Giành và giữ, làm chủ giáp ranh có vị trí hết sức quan trọng, là vấn đề sống còn của phong trào cách mạng trước kế hoạch bình định của địch. Ngày 18 – 3 - 1970, Hội nghị Khu ủy Trị - Thiên - Huế đã đề ra nhiệm vụ: “dù bất kỳ tình huống nào cũng quyết tâm đánh bại cơ bản chương trình bình định của địch ở nông thôn đồng bằng. Hướng tiến công chủ yếu là vùng giáp ranh”.

Giáp ranh là địa bàn bản lề nối căn cứ địa cách mạng với cơ sở, mất giáp ranh là mất thế đứng của cách mạng. Huyện ủy đã tổ chức lực lượng vũ trang, chính trị đứng chân ở giáp ranh, phát động quần chúng liên tục ở các xã Hải Thủy, Hưng Lộc, Mỹ Thủy... vận động nhân dân thu mua lương thực cung cấp cho lực lượng bám trụ vùng giáp ranh. Địch phục kích thường xuyên ở các đường lên về đồng bằng.

Hầu hết cán bộ chính trị đã bám được các xã giáp ranh và vùng sâu. Ở các xã Hải Thủy, Hưng Lộc, Nguyên Thủy, có các trạm đường dây và các tổ vũ trang, an ninh bám địa bàn. Nhân dân các xã giáp ranh đã đóng góp hàng nghìn thúng lúa với hàng triệu đồng, thu mua hơn 1000 tấn lương thực, thực phẩm góp phần nuôi dưỡng lực lượng cách mạng bám trụ ở vùng giáp ranh.

Trong năm 1970, lực lượng vũ trang huyện, đội du kích các xã giáp ranh liên tục hoạt động đánh địch. Qua đó, tạo thế đứng ổn định ở giáp ranh, tạo nên căn cứ của huyện, của thành phố và sở chỉ huy của thành đội Huế. Để đẩy mạnh công tác đánh phá bình định ở nông thôn, đồng bằng, tháng 1 - 1970, hội nghị Khu ủy và Thành ủy đã đề ra nội dung xây dựng lực lượng, đó là 4 nhân tó cơ bản: xây dựng cơ sở Đảng; xây dựng lực lượng du kích bí mật; xây dựng cơ sở quần chúng; xây dựng địa bàn lõm.

Đảng bộ Hương Thủy sau khi đã phấn đấu làm chủ được vùng giáp ranh, đã xây dựng được 4 nhân tố mới ở nhiều xã. Một số đảng viên hoạt động hợp pháp được bổ sung vào huyện ủy viên mật để lãnh đạo các chi bộ mật ở các xã. Bên cạnh số đảng viên thoát ly tham gia Đảng ủy xã, ở các thôn đã có một số chi bộ như các thôn của các xã Hưng Lộc, Hải Thủy, Hồng Thủy, Mỹ Thủy, Hương Thọ, Nguyên Thủy, Minh Thủy, Thiên Thủy. Các xã đã có hình thành Đảng bộ xã.

Các đoàn thể giải phóng được củng cố và phát triển. Phong trào quần chúng được sự lãnh đạo của các tổ chức đảng đã phục hồi và hoạt động sôi nổi. Nổi bật là phong trào đấu tranh của nhân dân quân trấn Phú Lương phối hợp với phong trào sinh viên, học sinh thành phố Huế đấu tranh đòi tự do làm ăn, tự do đi lại, chống bắt lính, chống phân tuyến, phân vùng của địch để giữ thế liên hoàn 3 vùng chiến lược. Nhiều xã, nhân dân đấu tranh chống các thủ đoạn tâm lý chiến, chống việc bắt dân vào các đảng phái. Xã Mỹ Thủy nổi lên phong trào đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh, đòi bồi thường thiệt hại do địch bắn phá gây nên.

Đầu năm 1970, du kích xã Mỹ Thủy do đồng chí Nguyễn Đình Cường chỉ huy đã phối hợp với bộ đội đánh địch ở cầu Trường Tiền và nhà thông tin Mỹ. Ngày 30 – 4 - 1970, du kích xã Mỹ Thủy cùng đội biệt động bám và diệt một nữ mật vụ và 1 đại úy tình báo Mỹ ở Tây Lộc. Du kích mật ở Dã Lê, Thanh Lam, Phương Lam (Mỹ Thủy) đã đặt mìn phá tan hàng chục mét đường ống dẫn dầu đi qua đất Phương Lam, địch phải huy động lực lượng khôi phục nhiều ngày.

Nhờ các tổ chức cơ sở của Đảng được tổ chức bám sát cơ sở phát triển, lãnh đạo phong trào quần chúng, tạo điều kiện cho cán bộ tỉnh, huyện bám trụ hoạt động trên địa bàn, tạo thành những địa bàn lõm ở các xã Hương Thọ, Nguyên Thủy, vùng trọc khu I, các xã Hải Thủy, Hưng Lộc và vùng sâu xã Hồng Thủy, nối liền giao thông liên lạc, chỉ đạo tập trung thống nhất toàn huyện.

Đến cuối năm 1970, bốn nhân tố mới được xây dựng cơ bản ở các xã trong huyện, bảo đảm phong trào tồn tại trước sức đánh phá ác liệt của địch. 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

® Chịu trách nhiệm nội dung UBND thị xã Hương Thủy
Điện thoại, fax: 0543.861928 - Email: huongthuy@thuathienhue.gov.vn