Hương Thủy trong kháng chiến chống Mỹ: Tham gia tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968
Ngày cập nhật 07/04/2015

Tháng 12 - 1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra nghị quyết về mở cuộc tiến công nổi dậy Xuân 1968. Nghị quyết nêu rõ: “Nhiêm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn quân, toàn dân ở cả hai miền đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao  nhất bằng phương pháp tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt để giành thắng lợi quyết định. Tấn công quân sự trên các chiến trường và sự nổi dậy ở các đô thị lớn là hai mũi tiến công chính kết hợp chặt chẽ với nhau, hổ trợ nhau và thúc đẩy toàn bộ cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt... Mở đầu cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt lấy chiến trường chính là Sài Gòn – Nam Bộ và Trị Thiên - Huế, trọng điểm là Sài Gòn, Huế, và các thành phố lớn”.

Thường vụ Khu ủy, Quân khu ủy lập kế hoạch thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương: “Tập trung lực lượng chủ yếu của quân khu, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của lực lượng ba thứ quân, của đông đảo quần chúng bí mật, bất ngờ tiến công và nổi dậy tiêu diệt toàn bộ cơ quan đầu não, chiếm lĩnh thành phố Huế, đồng thời phát triển thắng lợi, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền, thiết lập chính quyền cách mạng”. Hội nghị thành ủy Huế đã ra nghị quyết: “Tình thế hiện nay vô cùng thuận lợi và thành phố của ta là một chiến trường chứ đựng nhiệm vụ cách mạng về chính trị, quân sự rất lớn, có nhiều ý nghĩa. Tin tưởng, đoàn kết nhất  trí chung quanh quyết tâm, ý đồ của thường vụ khu ủy, dốc lòng nâng cao trình độ và quyết tâm, đảng bộ thành phố ta tin tưởng chắc chắn sẽ động viên được nhân dân và lực lượng võ trang phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành nghĩa vụ của mình”.

Mặt trận Huế được tổ chức thành 2 cánh (2 mặt trận). Huyện Hương Thủy thuộc cánh Nam từ bờ nam sông Hương đến bắc sông Truồi. Lực lượng cánh Nam gồm quân dân Hữu Ngạn, huyện Hương Thủy. Đồng chí Nguyễn Xuân Ngà – Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hương Thủy là thành viên Ban chỉ huy cánh Nam. Nhiệm vụ cánh Nam được Bộ chỉ huy mặt trận Huế giao là: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của 3 thứ quân, quần chúng tiến hành tiến công, nổi dậy, nhanh chóng tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ cơ quan đầu não, lực lượng Ngụy quyền, ngụy quân, chiếm khu Tam giác Huế. Tiêu diệt, tiêu hao, đánh tê liệt căn cứ Mỹ ở Phú Bài, trung đoàn xe tăng Mỹ, tiến tới cô lập chúng, tiêu diệt quân địch phản kích, giải phóng toàn bộ nông thôn, ngoại thành và 2 huyện Phú Vang, Hương Thủy, thiết lập và giữ vững chính quyền cách mạng”.

Sau khi tiếp thu nghị quyết cấp trên, Huyện ủy đã triển khai các cơ quan, đơn vị, các xã. Huyện ủy Hương Thủy nhận thức sâu sắc thêm vị trí cánh Nam là nơi tập trung cơ quan đầu não của Ngụy quyền, cơ quan quân sự Mỹ, căn cứ Phú Bài, cảng Thuận An... là nhiệm vụ nặng nề của huyện Hương Thủy đối với cánh Nam và đối với nhiệm vụ tiến công, nổi dậy giành chính quyền làm chủ của nhân dân trong huyện.

Các xã đã khẩn trương chuẩn bị địa bàn, hành lang để lực lượng tiến công vào các mục tiêu, chuẩn bị lương thực hậu cần tiếp tế, nuôi dưỡng bộ đội, phục vu thương binh, tổ chức các đoàn dân công đưa đạn, gạo về phía trước, chuẩn bị hoa tiêu dẫn cánh quân phía Nam vào thành phố... Các xã cũng đã tăng cường đoàn viên thanh niên vào các đội công tác Nội thành. Tại vùng căn cứ của huyện, trường Đảng tỉnh đã mở nhiều lớp tập huấn cho cán bộ Quân dân chính 2 huyện, và thành phố Huế. Huyện cũng mở các lớp cho cán bộ cơ sở. Hàng ngàn cán bộ đã tham gia tập huấn cho cán bộ thành, huyện, chưa kể thành đội, huyện đội tổ chức huấn luyện cách đánh trong thành phố.

Trong quá trình chuẩn bị, huyện ủy Hương Thủy đã giữ được tính nguyên tắc trong công tác tổ chức, chỉ đạo nên vẫn giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ hoàn toàn, đồng thời tạo được niềm tin và khí thế ra trận cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong toàn huyện, ở vùng giải phóng cũng như cơ sở vùng tạm bị chiếm. Sau chưa đầy một tháng chuẩn bị sôi nổi, chu đáo, bí mật ở chiến khu, lặng lẽ, tin tưởng, an toàn ở đồng bằng, chiều 30 - 1 - 1968, mặt trận cánh Nam làm lễ xuất quân tại cánh rừng phía Tây thôn Định Môn (xã Hương Thọ) thuộc vùng chiến khu Dương Hòa.

Từ Hương Thủy, phải vượt qua sông Hương ở đoạn thôn Đình Môn và qua nhiều làng mạc, núi đồi, đường xe. Cánh quân phía Nam đã bị máy bay bắn ở bãi tranh Lương Miêu, bị pháo dừng lại gần 2 tiếng đồng hồ, bị thương vong 20 đồng chí, bọn biệt kích chặn đánh ở cầu Lim, tiếp tục hành quân tiếp cận mục tiêu đúng giờ G. Lực lượng hoa tiêu cánh Nam, cán bộ đội công tác, đội biệt động và cơ sở cách mạng ở Hương Thủy đã tiến vào các mục tiêu đã quy định. Thành công của cuộc hành quân cánh Nam kết thúc giai đoạn chuẩn bị đã là thành công một nữa nhiệm vụ chiến dịch của lược lượng cánh Nam.

2 giờ 33 phút sáng ngày 31 - 1 - 1968, sau khi súng lớn của ta đặt ở bãi Định Môn bắn vào căn cứ địch ở Ấp 5, căn cứ Phú Bài, khu tam giác, các lực lượng cánh Nam đã tiến công vào các mục tiêu quy định và phát triển thế tiến công.

Từ ngày đầu, bộ đội ta đã vượt qua mọi trở ngại, sự phản kích của địch, dũng cảm xông lên, tiến công làm thiệt hại nặng Trung đoàn 7 thiết giáp Ngụy ở Tam Thai, tiêu diệt Tiểu đoàn quân vận ở Nam Giao, đánh chiếm căn cứ quân cụ Lê Lai, sở chỉ huy Tiểu đoàn bình định, Tỉnh đoàn bảo an, tiệt diệt sở chỉ huy Cảnh sát dã chiến, chiếm khu vực cầu Kho Rèn, ngã Sáu, đánh phá đài phát thanh, tiêu diệt đại đội Nam Triều Tiên ở khu vực An Lăng, đánh bọn địch ở Phước Quả, trường Sắc Tộc, đánh chiếm khu nhà Ga, đánh Tiểu đoàn công binh ở Bồ Ghè, tiến công khách sạn Mỹ - Thuận Hóa và các tiểu đoàn ngụy ở Tam Đông, tiến công và chiếm lĩnh cơ quan đầu não ngụy quyền Thừa Thiên - Tòa Tỉnh Trưởng, tiểu khu Thừa Thiên và cơ quan đại diện Bắc trung nguyên Trung Phần của chính quyền Sài Gòn, giải phóng nhà lao Thừa Phủ, nhà Lao Tạm đưa hơn 2000 người bị địch giam ra ở chùa Tường Vân, chùa Từ Đàm.

Phối hợp với đòn tiến công mãnh liệt ở nội thành Huế, quân dân Hương Thủy đã tiến công nổi dậy dồn dập. Sáng 31 - 1 - 1968, đội biệt động huyện cùng với bộ đội đặc công thành phố tiến công từ miếu Đại Càn đến hữu ngạn cầu An Cựu và chiếm giữ cầu An Cựu. 10h sáng ngày 31 - 1 - 1968, địch tập trung lực lượng phản kích chiếm lại cầu. Chiến sĩ biệt động, đặc công đã anh dũng chiến đấu bắn cháy 3 xe M41, M113, diệt nhiều tên địch và giữ vững vị trí chiến đấu ở cầu An Cựu.

Các đội biệt động và du kích xã đã đánh địch liên tục ở Thủy Dương, Mỹ Thủy diệt 30 tên Mỹ Ngụy, tiến đánh địch ở cầu Lòn, diệt một trung đội dân vệ, tiêu diệt một đoàn bình định ở đường Huyền Trân Công Chúa, làm chủ một vùng từ cầu Lòn đến Long Thọ. Một tổ du kích xã Thủy An đánh chiếm Chi khu quận 3, bắt sống một xe cảnh sát dã chiến 6 tên, phát triển nhanh lên đường Lý Thường Kiệt, phối hợp chiến đầu với tiểu đoàn 4. Bộ đội địa phương và du kích xã Hải Thủy, Hưng Lộc đã bao vây lô cốt 18 Phú Bài - cầu An Nông diệt nhiều tên buộc chúng phải co cụm trong đồn, tạo thế cho nhân dân Hải Thủy, Hưng Lộc nổi dậy tiến công địch. Tiểu đoàn 4 Ngụy hoảng sợ chạy lên An Cựu. Địch ở đồn Thanh Thủy Chánh khiếp vía trước sức tiến công của dân ta ở nội, ngoài thành, đã bỏ đồn tháo chạy về Phú Bài. Ở Dã Lê - Thiên Thủy (Thủy Vân), trước sự tấn công của ta, ba đoàn bình định và một đại đội Ngụy tháo chạy, vượt qua sông Như Ý, vứt súng lại trên bờ sông, ta thu 120 khẩu; 25 tên địch bị chết đuối. Du kích và nhân dân các xã đã bắt sống 100 tên địch cải trang lẫn trốn để tránh ra trận.

Ngay đợt đầu, các lực lượng võ trang Hương Thủy đã hoàn thành các mục tiêu đánh địch, phối hợp chặt chẽ với mặt trận nội thành, chặn đánh địch liên tục, trên đường số I, nhiều lần cắt đứt ở Mỹ Thủy, Thủy Dương tạo thế cho quần chúng nổi dậy đều khắp, mạnh mẽ. Cùng với tiến công quân sự, nhân dân trong huyện đã nổi dậy mạnh mẽ, phục vụ chiến đấu, chiến đấu, xây dựng chính quyền cách mạng.

Trong tiến công địch, quân dân Hương Thủy đã làm tan rã ba tiểu đoàn Ngụy, các đoàn bình định, các trung đội nghĩa quân, các ban Ngụy quyền xã, toàn bộ lực lượng phòng vệ dân sự, bắt sống và buộc ra trình diện chính quyền cách mạng, hàng ngàn tên ngụy quân, ngụy quyền, đánh thiệt hại nặng quận lỵ Hương Thủy, Nam Hòa. Đẩy mạnh công tác binh vận làm tan rã hàng ngũ địch, nhất là phòng vệ dân sự, nghĩa quân, tổ chức hai trung đội làm binh biến, bứt rút các đồn: Bàu Sen, Xuân Hòa, Thanh Thủy Chánh.

Nhân dân đã đóng góp tiền của, lương thực phục vụ cơ sở chỉ huy và các đơn vị đóng quân trong vùng. Mặc dầu địch phản kích dữ dội bằng máy bay thả bom, pháo bắn nát các làng, nhân dân các xã đã cùng bộ đội đào hào công sự chiến đấu, đào hầm trú ẩn, lập nhà ăn phục vụ bộ đội đánh địch tại chổ, lập bệnh viện dã chiến ở xã Thủy Xuân để cứu chữa thương binh tại mặt trận, lập bệnh xá ở Hương Thủy. Ủy ban nhân dân cách mạng huyện Hương Thủy và tất cả các xã trong huyện được thành lập. Từ một số xã mở ra thế làm chủ những năm trước đến cuộc tiến công nổi dậy này, các xã của huyện Hương Thủy từ giáp núi đến ven biển, sát thành phố đều được hoàn toàn giải phóng. Lực lượng cách mạng trong huyện phát triển nhanh chóng. Các đội du kích mới hình thành đã chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc. Tiểu đội du kích xã Thiên Thủy gồm 11 cô gái thôn Vân Thê từ chỗ nhận nhiệm vụ bắt cầu tre qua sông Như Ý phục vụ bộ đội hành quân, phát triển lên Vân Dương phối hợp với Tiểu đoàn 10 đánh lui 1 tiểu đoàn Mỹ, được tặng danh hiệu vẻ vang "tiểu đội 11 cô gái Sông Hương".

Bộ đội địa phương huyện từ chổ một đại đội thiếu đã xây dựng được hai đại đội, quân số đúng theo quy định biên chế của một đơn vị đại đội. Ủy ban mặt trận dân tộc giải phóng các xã và các đoàn thể: đoàn thanh niên nhân dân cách mạng, hội phụ nữ giải phóng, hội nông dân giải phóng được củng cố ở xã đã thành lập từ trước và tổ chức thành lập ở các xã mới giải phóng. Chính quyền cách mạng huyện và các xã được nhân dân ủng hộ, tin cậy, đã làm nhiệm vụ tổ chức chiến đấu, quản lý các mặt công tác trong xã. Ủy ban nhân dân cách mạng huyện đã tổ chức đưa hơn 200 thùng sắn khô từ miền núi về hỗ trợ nhân dân các xã thiếu gạo do thiếu dự trữ nên khi vào cuộc chiến đấu không mua được gạo từ Huế và các thị trấn.

Ngày 24 - 2 - 1968, sau 25 ngày đêm tiến công nổi dậy làm chủ thành phố Huế và 2 huyện ngoại thành, thực hiện lệnh của bộ chỉ huy mặt trận Huế, các đơn vị làm nhiệm vụ ở nội thành rút ra khỏi thành phố. Ở huyện Hương Thủy, Ban chỉ huy mặt trận cánh Nam và các đơn vị cùng số thương binh được nhân dân các xã hỗ trợ, phục vụ công tác tổ chức hành quân về căn cứ được nhanh chóng, an toàn.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy đầu xuân 1968 ở Huế, Đảng bộ và nhân dân huyện Hương Thủy đã hoàn thành kế hoạch tiến công nổi dậy do khu ủy Trị - Thiên - Huế  giao, trong đó có những chỉ tiêu vượt mức, một số công tác đạt yêu cầu cao, cơ bản toàn diện. Hương Thủy đã góp phần xứng đáng trong chuẩn bị chiến trường, bảo đảm cuộc hành quân ngàn nghìn người bí mật, bất ngờ và an toàn, đưa chiến tranh nhân dân trong huyện phát triển lên một bước mới.

Thắng lợi của cuộc tấn tiến công nổi dậy ở Huế - Xuân 1968 đã “mở đầu xuất sắc cuộc tiến công nổi dậy đồng loạt của miền Nam anh hùng, bắt đầu chuyển cách mạng miền Nam sang thời kỳ giành thắng lợi quyết định”, là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, phải chịu đàm phán hội nghị Paris.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

® Chịu trách nhiệm nội dung UBND thị xã Hương Thủy
Điện thoại, fax: 0543.861928 - Email: huongthuy@thuathienhue.gov.vn