Hương Thủy trong kháng chiến chống Mỹ: Đấu tranh quân sự và chính trị (1965-1967)
Ngày cập nhật 07/04/2015

Tháng 2 - 1965, những đơn vị đầu tiên của lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng, chính thức xâm lược nước ta. Trong đơn vị đầu tiên này, Mỹ đưa một tiểu đoàn ra đóng ở Phú Bài, nhằm bảo vệ Đà Nẵng. Tiếp đó chúng triển khai quân Mỹ đóng vị trí ở Động Tòa, Ấp 5. Hương Thủy là huyện quân đội Mỹ đặt chân tới đầu tiên ở Quảng Trị và Thừa Thiên. Chỉ sau một thời gian ngắn, các đơn vị quân Mỹ hỗ trợ cho quân Việt Nam Cộng Hòa tiến hành “bình định” nông thôn đồng bằng. Địch ráo riết khôi phục lại hệ thống đồn bốt trong huyện, như đóng đồn Thanh Thủy Chánh, Dã Lê, Am Bông, Động Hoàng và các đồn ở các cầu lớn trên đường quốc lộ I thuộc địa bàn huyện. Ngụy quyền tập trung lực lượng, thủ đoạn xây dựng “ấp tân sinh”, “ấp đời mới”, xây dựng xã “kiểu mẫu” Thủy Dương.

Với lực lượng Mỹ trực tiếp tham chiến, với phương tiện hiện đại, với thủ đoạn dã man tàn bạo của kẻ thù, lúc Mỹ mới đến đóng vị trí tập trung trên địa bàn huyện, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đã xuất hiện tư tưởng ngại Mỹ, ngại ác liệt. Huyện ủy Hương Thủy cũng đã được tiếp thu tinh thần Nghị quyết 11 của trung ương “chuẩn bị sẵn sàng đánh địch khi chúng chuyển sang chiến lược chiến tranh mới”. Là địa bàn chiến tranh cục bộ Mỹ đến sớm nhất ở Trị - Thiên, huyện ủy Hương Thủy đã kịp thời đề ra chủ trương để lãnh đạo lực lượng đảng viên và nhân dân trong huyện đương đầu với chiến tranh cục bộ của Mỹ ở địa phương. đấu tranh trên cả 3 mũi giáp công để đánh Mỹ và thắng Mỹ từng trận, từng cuộc, thực hiện “một tấc không đi, một ly không rời”...

Lực lượng du kích xã được củng cố, các xã có nội dung làm chủ cao, đã có trung đội, tiểu đội du kích tập trung như Mỹ Thủy (Thủy Phương), Hải Thủy (Thủy Tân, Thủy Phù), Hưng Lộc (Lộc Bổn), Hương Thọ, Nguyên Thủy (Thủy Bằng)...

Ngày 13 – 7 - 1965, tiểu đoàn Mỹ ở Phú Bài lần đầu tiên càn quét vào xã Mỹ Thủy nhằm gây thanh thế uy lực Hoa Kỳ để uy hiếp nhân dân, củng cố tinh thần ngụy quân, ngụy quyền. Tổ du kích 3 người của xã Mỹ Thủy gồm Phong, Xè, Tiêu do Nguyễn Viết Phong, 19 tuổi, đảng viên chỉ huy. Với tinh thần dũng cảm kiêng cường, quyết tâm đánh thắng Mỹ trận đầu, tổ du kích đã biết dựa vào thế địa hình quen thuộc, mưu trí đẩy lùi các đợt tiến công của địch vào ấp Năm. Địch không vào được, phải rút quân về căn cứ Phú Bài. Cũng trong tháng 7 - 1965, du kích thôn Lợi Nông, xã Mỹ Thủy đã đánh địch bằng chông, mìn và nổ súng khi chúng vào thôn, bẻ gãy trận càn của trung đội lính Mỹ vào thôn Lợi Nông.

Cuối tháng 7 - 1965, tại vùng núi huyện Hương Trà, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên đã kiểm điểm phong trào tỉnh nhà từ năm 1961 đến năm 1964, rút ra những bài học kinh nghiệm lãnh đạo xây dựng căn cứ và khôi phục phong trào đồng bằng, đề ra nhiệm vụ chống “chiến tranh cục bộ” toàn tỉnh, bầu tỉnh ủy mới. Đại hội cũng đã quyết định thành lập các vành đai diệt Mỹ. Đại hội đã nhiệt liệt biểu dương trận đánh Mỹ đầu tiên của Nguyễn Viết Phong ở Hương Thủy. Huyện Hương Thủy được biểu dương thành tích về hoạt động đồng khởi năm 1964 và trận đầu tiên đánh thắng Mỹ trên địa bàn Thừa Thiên. Đồng chí Hoàng Đắc, chánh văn phòng tỉnh ủy trúng cử vào Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ và được cử làm Bí thư huyện Hương Thủy. Huyện ủy Hương Thủy được củng cố gồm các đồng chí: Hoàng Đắc, Bí thư Huyện ủy; Nguyễn Lam, Phó Bí thư Huyện ủy; các đồng chí Nguyễn Xuân Ngà, Phùng Hữu Yên, Nguyễn Thanh Giai làm ủy viên thường vụ.

Huyện ủy kịp thời triển khai nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, phát động phong trào đánh Mỹ trong toàn huyện. Các trung đội diệt Mỹ hình thành đầu tiên ở Hương Thủy. Vành đai diệt Mỹ ở Phú Bài hình thành bao vây quanh căn cứ Phú Bài gồm các xã Thủy Phương, Thủy Châu, Thủy Tân, Thủy Phù. Tuy mới hình thành, các đợn vị diệt Mỹ và du kích các xã vành đai sân bay Phú Bài, trên trục đường từ vị trí Mỹ đến các xã, trên đường làng, trong nương vườn, lập đội bắn tỉa, bắn máy bay... chặn xe địch trên đường I làm cho quân Mỹ lúng túng từ đầu. Bên cạnh đó, nhân dân đẩy mạnh đấu tranh chính trị chống Mỹ - Ngụy cào nhà, đào mồ mã để xây dựng căn cứ, đường sá, chống bán pháo vào làng, chống càn quét, đốt phá.

Từ khi Mỹ đến Hương Thủy, chúng tăng cường càn quét, giết người cướp của, đốt nhà ở nhiều xã trong huyện, ngăn chặn giáp ranh, bắn phá miền núi, phục kích thường xuyên các đường lên về chiến khu và các thôn xóm. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân bị tổn thất. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn ác liệt, tất cả các đồng chí huyện ủy viên Hương Thủy đều được bố trí bám sát cơ sở, chỉ đạo phong trào các xã từ giáp ranh đến ven thành phố. Công tác bổ trợ cho việc xây dựng cơ sở cách mạng và phát động quần chúng. du kích các xã Thủy Phương, Thủy Tân, Thủy Phù, Thủy Bằng hoạt động mạnh, đánh địch càn vào làng, đích địch khi chúng vừa ra khỏi vị trí, bao vây, quấy rối địch ở các đồn Cầu Vực, cầu Phú Bài, quận lị Hương Thủy, quận lị Nam Hòa, đồn Dương Phẩm, đồn Chóp Vung... Làng chiến đấu đã hình thành ở một số thôn thuộc các xã Hương Thọ, Hưng Lộc, Thủy Phương, Thủy Bằng. Nổi lên là thôn Lợi Nông xã Mỹ Thủy (Thủy Phương), chi bộ thôn Lợi Nông kiêng cường bám trụ lãnh đạo nhân dân đấu tranh bằng 3 mũi giáp công, bám từng tấc đất quê hương, đoàn kết đấu tranh làm cho địch không kịp bình định được. từ trong thực tiễn chiến đấu sống còn với giặc Mỹ, nhiều cán bộ thôn Lợi Nông đã trưởng thành, những cán bộ kiêng cường bổ sung cho huyện, trong đó có anh hùng lực lượng vũ tranh Nguyễn Thị Lài, góp phần xứng đáng xây dựng xã Mỹ Thủy anh hùng.

Chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, các lứa tuổi đều tham gia đánh Mỹ, các đội thiếu niên du kích ở Nguyên Thủy, Mỹ Thủy hình thành và hoạt động dũng cảm, kiêng cường. Phong trào đấu tranh chính trị phát triển cao hơn ngay sau khi quân Mỹ đến ở địa phương.

Trong năm 1965, nhiều cuộc đấu tranh chính trị quy mô lớn đã xuất hiện ở Hương Thủy. Nổi bật là cuộc biểu tình của nhân dân các thôn Thanh Thủy, Lang Xá.... do Chi bộ Hồng Thủy tổ chức lãnh đạo. Ngày 1 – 5 - 1965, hai ngàn đồng bào Thủy Thanh từ xã kéo vào thành phố đấu tranh với Ngụy quyền tỉnh chống đàn áp, chống càn quét, đòi dân sinh dân chủ. Đoàn biểu tình đã tiến đến dinh tỉnh trưởng ngụy quyền, tỉnh trưởng đã phải ra trước và hứa hẹn sẽ giải quyết các yêu sách của nhân dân. Ban lãnh đạo cuộc đấu tranh này nhận thấy, mặc dù bị khủng bố, hy sinh, cuộc biểu tình đã đạt được yêu cầu đề ra. Huyện ủy Hương Thủy đã kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân các thôn ở Hương Thủy, nhận thức rõ thêm vai trò đấu tranh chính trị trong 3 mũi giáp công, sức mạnh của đội quân tóc dài, một phụ nữ thực chất là một chiến sĩ trên mặt trận chống Mỹ, cứu nước và thực chất đây là một cuộc chiến đấu quyết liệt. Cần tổ chức lực lượng lãnh đạo, chỉ huy nòng cốt trung kiêng vững vàng, mục tiêu, đối tượng, yêu cầu cụ thể, quy mô thích hợp, tránh những phần tử xấu chui vào đội ngũ đấu tranh chính trị để phá hoại, gây tổn thất.

Với âm mưu ngăn chặn lực lượng cách mạng từ căn cứ về hoạt động đồng bằng, và dồn dân vào các khu vực sát đồn bốt địch, xóa căn cứ bàn đạp cách mạng ở các xã giáp ranh, địch đã bắn phá hết sức ác liệt bằng ném bom, bắn pháo, càn quét liên tục, tập kích thường xuyên vào các xã Hương Thọ, Nguyên Thủy, Mỹ Thủy... làm cho một số đồng bào chết và bị thương, nhân dân không sản xuất, đi lại làm ăn được, đời sống thiếu thốn chật vật. Chổ dựa của huyện và lực lượng cách mạng gặp khó khăn lớn. Trước tình hình đó, huyện ủy chủ trương phát động phong trào đấu tranh chính trị ở các xã này, với hình thức đấu tranh là tổ chức “tản cư ngược” vào thành phố. Tổ chức “tản cư ngược” là một hình thức đấu tranh chính trị hợp pháp sắc sảo, trở thành một phong trào rộng lớn, tập hợp được lực lượng và thực hiện được mục tiêu ngăn chặn hành động địch đánh phá vào dân, vào địa bàn căn cứ của huyện.

Đến cuối năm 1965, mặc dù địch ra sức khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng trên cả ba vùng chiến lược, ở Hương Thủy lực lượng cách mạng cơ sở phát triển mạng mẽ, các chi bộ đảng là hạt nhân lãnh đạo phong trào địa phương. Hoạt động võ trang và phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân trong huyện đã có những nét độc đáo, sáng tạo.

Trước sức mạnh của phong trào cách mạng miền Nam, đế quốc Mỹ một mặt đưa quân ồ ạt trực tiếp xâm lược miền Nam, một mặt mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Trước tình hình mới, Trị - Thiên là một trong những chiến trường chính, với nhiệm vụ thu hút, giam chân và tiêu diệt quân Mỹ, tạo điều kiện cho các chiến trường khác phát triển tiến công, đánh bại địch, bảo vệ miền Bắc. Chiến trường Trị - Thiên trở thành nơi đọ sức quyết liệt giữa hai lực lượng đối địch, giữa hai thế lực cách mạng và phản cách mạng trong cả nước ta.

Ở huyện Hương Thủy, căn cứ Mỹ ở Phú Bài là căn cứ nối với quân cảng Đà Nẵng và lực lượng Mỹ ở đường 9 – Khe Sanh, nên chúng tăng cường củng cố căn cứ Phú Bài và các căn cứu Mỹ ở Động Tòa, Ấp 5 và các đồn bốt dọc đường I nhằm ngăn chặn đề phòng ta tấn công. Mặt khác, chúng tăng cường lực lượng và thủ đoạn để bình định nông thôn đồng bằng, nhất là các xã xung quanh căn cứ Mỹ như Thủy Phương, Thủy Châu, Thủy Tân, Thủy Phù và các xã ven thành phố như Thủy Phước, Thủy Vân, Thủy Trường, Thủy An, Thủy Xuân, Thủy Dương. Tăng cường càn quét vào các xã ven núi như Hưng Lộc, Hương Thọ, Thủy Bằng, Thủy Phương, bắn phá giáp ranh và miền núi, tăng cường biệt kích thọc sâu đánh phá cơ quan kháng chiến.

Trong lúc mặt trận đường 9 phát triển tiến công địch, tiêu diệt nhiều sinh lực Mỹ thì mặt trận đấu tranh chính trị đô thị miền Nam phát triển mạng mẽ. Đó là phong trào đấu tranh chống Mỹ - Thiệu - Kỳ sôi động suốt 3 tháng mùa hè năm 1966 ở thành phố Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn và các thành thị khác. Huyện Hương Thủy cũng diễn ra đấu tranh chính trị sôi động. Suốt 3 tháng liền, nhân dân các xã sát thành phố đã phân công nhau liên tục vào thành phố có tới hàng ngàn người, vừa tham gia đấu tranh chính trị vừa thu mua lương thực, thực phẩm tiếp tế cho chiến khu. Một số cơ sở làm nhiệm vụ đưa các chủ trương Tỉnh ủy vào cho cơ sở bên trong lãnh đạo đấu tranh.

Trên mặt trận đánh “bình định”, Hương Thủy nổi lên là một địa bàn đánh liên tục. Ngày 10 – 2 - 1966, du kích xã Mỹ Thủy và bộ đội địa phương huyện Hương Thủy đã đánh bại quân Mỹ ở gần Dạ Lê, diệt 1 trung đội. Tháng 3 - 1966, tổ du kích mật xã Mỹ Thủy gồm Dương Lý, Nguyễn Thị Chát mưu trí lén vào nơi đóng quân của Mỹ ở bệnh viên Dã Lê, gài mìn hẹn giờ đã diệt được một số tên Mỹ, trong đó có cả tên chỉ huy. Du kích vành đai diệt Mỹ, phát huy sở trường bắn tỉa diệt từng tên Mỹ ở các căn cứ, bao vây đồn, tập kích lính Mỹ tại các vùng căn cứ Mỹ ở vùng núi như căn cứ Ấp 5, Động Tòa. Các đôi xây dựng cơ sở, phát động quần chúng tạo căn cứ lõm của thành phố và Phú Vang, Phú Lộc.

Tháng 10 - 1966, bọn chỉ huy tỉnh đoàn bình định Thừa Thiên đưa 3 đoàn bình định về xã Mỹ Thủy để tiến hành bình định trọng điểm, rút kinh nghiệm đánh phá và bình định nhiều xã trong tỉnh. Chương trình của chúng là tập trung lực lượng và thủ đoạn bình định xong Mỹ Thủy trong mùa mưa. Nắm được kế hoạch và công tác chuẩn bị của địch, Tỉnh ủy giao trách nhiệm cho huyện Hương Thủy phải đánh đòn phủ đầu các đoàn bình định này. Ba đoàn bình định gồm 100 tên, đóng quân thành 3 địa điểm trong các phòng học của trường tiểu học Dạ Lê. Mỗi nữ du kích nhân nhiệm vụ tiêu diệt một đoàn bình định. Sử dụng thế hợp pháp, các chị đã tới đón tiếp các đoàn bình định, rất khéo léo làm chúng không nghi ngờ về công tác địa phương, tìm được chổ sơ hơ, các chị đã gài mìn hẹn giờ vào các phòng học. Đến tối, chúng tập trung từng đoàn để phố biến nhiệm vụ thì các kíp mìn hẹn giờ nổ tung lên, ba ban chỉ huy và 100 tên bình định Mỹ bị đền tội.

Huyện Hương Thủy đã hoàn thành nhiệm vụ “đánh phủ đầu” bọn bình định ở vùng nông thôn Thừa Thiên. Trận đánh này đã tạo thêm điều kiện đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị ở xã Mỹ Thủy. Các đoàn bình định trong tỉnh hoang mang dao động. Phát huy thắng lợi đánh địch trong năm 1966, tháng 11 và 12 - 1966, lực lượng vũ trang huyện đã về bám trụ được đồng bằng cùng du kích hai xã Hồng Thủy, Thiên Thủy phục kích đánh thiệt hại nặng một đoàn bình định và 2 trung đội bảo an.

Hai hội nghị tháng 6 và tháng 12 – 1966, Tỉnh ủy đã chủ trương xây dựng và củng cố các vành đai diệt Mỹ ở Phú Bài ở Hương Thủy, An – Sơn – Nguyên ở Phong Điền

Đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” đưa quân Mỹ trực tiếp xâm lược miền Nam là một thử thách nghiêm trọng đối với vận mệnh dân tộc ta. Đáp lời kêu gọi cứu nước thiêng liêng của Hồ chủ tịch: “không có gì quý hơn độc lập tự do”, cùng cả nước, từng xóm, từng làng, cả huyện đứng lên đánh Mỹ. Con nối tiếp cha, em nối tiếp anh ra trận, tiến công địch ở cả tiền tuyến và hậu phương, bằng cả ba mũi giáp công, quân sự, chính trị, binh vận. Đồng thời, nhân dân cũng là những chiến sĩ hậu cần tiếp tế, nuôi dưỡng bộ đội, cán bộ. Các đội thiếu niên du kích phát triển, một số đội trực tiếp gài mìn đánh địch như tổ du kích Nguyễn Văn Hòa xã Nguyên Thủy.

Bị thất bại liên tiếp trên địa bàn huyện trong những năm 1965 – 1966, năm 1967 địch tập trung xúc dân, tiến hành bình định quyết liệt hơn. Tháng 2 - 1967, Mỹ - Ngụy tập trung lực lượng, phương tiện để cày ủy xóm làng, dồn dân ở các thôn Định Môn(Hương Thọ), Nguyệt Biều, Võ Xá, Châu Chữ (Nguyễn Thủy), Lợi Nông (Mỹ Thủy). Địch tàn bạo, dã man đuổi dân ra khỏi nhà, chất rơm châm lửa đốt nhà.

Lực lượng vũ trang huyện và du kích các xã tiếp tục tiến công địch ở cả vùng sâu và vùng giáp ranh: tiến công bốt Cầu Vực, quận lỵ Hương Thủy. Đặc biệt là Hương Thủy đã tổ chức cơ sở, tạo địa bàn hành lang và phối hợp với lực lượng vũ trang thành phố Huế, quân khu Trị Thiên tiến công quân Mỹ ở khách sạn Hương Giang, vị trí Mỹ ở Động Tòa, căn cứ Mã Thám, xưởng quân cụ Lê Lai ở An Cựu, đánh bọn biệt kích Mỹ ở thôn Thanh Thủy Chánh diệt 20 tên. Nhiều trận, du kích đã mưu trí nghi binh làm cho địch bắn nhau chết hàng chục tên, như ở Thanh Lam, Hoang Mộ (Mỹ Thủy)... Cả lực lượng vũ trang, chính trị đã mở rộng địa bàn hoạt động vào vùng sát thành phố và vùng sát căn cứ địch như Phát Lát, Dương Xuân Hạ, An Thủy, Thiên Thủy, An Cựu, quận trấn Phú Lương, lô cốt 18 Phú Bài.

Phong trào cách mạng Hương Thủy năm 1967 đã góp phần nối liền 3 vùng chiến lược trong tỉnh, đưa chiến tranh du kích vào vùng ven đô, tạo nên thế mới cho phong trào đô thị. Năm 1967, phong trào cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ, toàn diện, mở ra khả năng mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. tháng 5-1967, bộ chính trị trung ương đảng quyết định “chuyển cách mạng miền Nam sang thời kỳ giành thắng lợi quyết định”.

Tháng 6 - 1967, cùng với việc sắp xếp lại tổ chức thành phố sau khi tỉnh giải thể, Thành ủy Huế đã giao cho các huyện ngoại thành công tác chuẩn bị cho kế hoạch tiến công địch mới. Huyện Hương Thủy phát triển các đội thu mua, tổ chức bảo vệ và mở đường để về các thôn ấp. Toàn huyện đã mua được 300 tấn gạo đưa lên căn cứ và các nhu yếu phẩm: thuộc men, dụng cụ y tế, giấy nến, mực in,...

Tổ chức đảng, sau khi thuộc thành phố, đã được củng cố lại: Huyện ủy có 11 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Xuân Ngà, Thành ủy viên làm Bí thư Huyện ủy. Các đảng bộ, chi bộ cơ sở các xã và các lực lượng và huyện được củng cố vững chắc. Tháng 9 - 1967, cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời, nội dung cơ bản là “lật đổ chính quyền tay sai bán nước, giành chính quyền về tay nhân dân”.

Huyện ủy đã tổ chức các đường dây chuyển “cương lĩnh” vào nội thành, nhận các bản “cương lĩnh” in từ nội thành đưa ra các xã. Các chi bộ đảng xã, cơ quan, đơn vị đã tổ chức cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ học tập thảo luận và nêu “chương trình hành động”, quyết tâm thực hiện mục tiêu của “cương lĩnh chính trị” Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

® Chịu trách nhiệm nội dung UBND thị xã Hương Thủy
Điện thoại, fax: 0543.861928 - Email: huongthuy@thuathienhue.gov.vn