Hương Thủy trong kháng chiến chống Mỹ: Chuyển hướng đấu tranh (1958-1959)
Ngày cập nhật 03/04/2015

Ngày tổng tuyển cử thống nhất nước nhà theo hiệp định Genève năm 1954 trôi qua, đế quốc Mỹ và chế độ Ngô Đình Diệm không những khước từ hiệp thương mà còn thẳng tay đàn áp nhân dân, hò hét “Bắc tiến”. Phong trào cách mạng Thừa Thiên gặp khó khăn lớn. Trong lúc chỉ đạo các cấp đang lúng túng về phương hướng, phương châm đấu tranh thì năm 1956 đồng chí Lê Duẫn, Ủy viên Bộ chính trị đã có gợi ý về công tác trước mắt của mỗi vùng: “Đối với đồng bằng phải xây dựng cơ sở mai phục, súc tích lực lượng. Phong trào chính trị phải được che dấu dưới các phong trào sinh hoạt như sản xuất, học tập do quần chúng tự làm. Đối với miền núi, quan trọng là nắm vững chính sách dân tộc, dựa từng dân tộc mà hoạt động, đi từ chổ bất hợp tác đến chổ đòi tự trị, từ võ trang tuyên truyền dẫn đến chiến tranh du kích lẻ tẻ...”

Tháng 11 - 1957, Tỉnh ủy Thừa Thiên đã chuyển hướng lãnh đạo của Đảng lên miền núi để phát triển cơ sở, xây dựng lực lượng, xây dựng căn cứ địa làm bàn đạp xây dựng lại phong trào đồng bằng và thành phố. Ở huyện Hương Thủy lúc này chỉ còn 3 đồng chí là : Nguyễn Lam (Ái), Lê Đình Phổ, Nguyễn Giác tham gia xây dựng và phát triển phong trào miền núi. Năm 1958, được sự tập trung chỉ đạo của Tỉnh ủy, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dan miền núi phát triển, cơ sở cách mạng được xây dựng ở nhiều làng bản. Miền núi đã có 15 chi bộ với 60 đảng viên, do ban cán sự Đảng miền núi lãnh đạo.

Tình hình miền núi mở ra triển vọng cho phong trào đồng bằng, trong đó có huyện Hương Thủy.

Tháng 5 - 1959, Ngô Đình Diệm công bố luật “Ngăn chặn phá hoại” (thường gọi là Luật 10/59) đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, mở phiên tòa và chém ngay tại chổ những người cách mạng. Mỹ - Diệm tuyên bố, đất nước đang trong tình trạng có chiến tranh, tăng cường càn quét đánh phá. Ở Hương Thủy, địch tăng cường bắt thanh niên đi lính, ráo riết lùng bắt cán bộ, cơ sở cách mạng, khủng bố phong trào. Chúng bắt nhân dân làm bảng đóng trước cổng của mỗi nhà: “gia đình tôi không chấp nhận cộng sản”. Ban đêm bọn mật vụ, gián điệp rình mò, lùng sục khắp các đường thôn, ngõ, xóm. Chúng bắt mỗi nhà đều treo đèn trước cổng.

Giữa lúc phong trào miền núi có những chuyển biến mạnh mẽ, đường hành lang chiến lược Nam - Bắc (đường 559 – đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh) được mở ra. Tháng 7 – 1959, cán bộ huyện Hương Thủy đã tham gia Hội nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên mở rộng tại làng Ka Chê, ở phía Tây cửa khẩu A Đớt ngày nay, để tiếp thu Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Các đại biểu vô cùng phấn khởi trước ánh sáng soi đường đi tới của Nghị quyết 15: “Ngoài con đường cách mạng bạo lực, nhân dân miền Nam không có con đường nào khác để tự giải phóng khỏi xiềng xích nô lệ. Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là giành chính quyền về tay nhân dân bằng bạo lực”.

Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng đã bầu tỉnh ủy, củng cố tổ chức Đảng các huyện, thành lập đội công tác ở các huyện đồng bằng và thành phố. Chi bộ Hương Thủy được tổ chức lại gồm các đồng chí: Nguyễn Lam (Ái), Nguyễn Giác và Lê Đình Phổ do đồng chí Lam (Ái) làm Bí thư Chi bộ. Đồng chí Nguyễn Thắng (Văn), Tỉnh ủy viên, được phân công phụ trách Hương Thủy. Cán bộ, đảng viên của Hương Thủy còn lại đã được học tập Nghị quyết 15 và quyết tâm tham gia thực hiện phong trào “thức tỉnh quần chúng”  do Tỉnh ủy phát động. Các đồng chí cán bộ của huyện từ vùng núi đã móc nối được với nhân dân đi làm rừng, để tìm cách đi về thôn ấp. Các đồng chí Lam, Giác, Phổ đã bám được các xã Hải Thủy (Thủy Phù), Mỹ Thủy (Thủy Phương), Thanh Thủy Chánh (Hồng Thủy).

Sau một thời gian, cán bộ Đảng đã trở lại với nhân dân Hương Thủy, xây dựng được cơ sở tham gia rải truyền đơn, treo cờ Đảng và tuyên truyền trong quần chúng về đợi “thức tỉnh quần chúng”. Nhân dân tin tưởng vào Đảng.

Ngày 31 – 12 - 1959, Tỉnh trưởng chính quyền Thừa Thiên ra Chỉ thị “Phát động tố cộng trong toàn tỉnh”, chứng tỏ các chiến dịch tố cộng đẫm máu của chúng đã thất bại. Chúng không thể đánh bật niềm tin của nhân dân vào Đảng. Mỹ - Diệm không thể tiếp tục chiến tranh một phía chống lại nhân dân ta. Trong lời kêu gọi đồng bào toàn tỉnh, Tỉnh ủy đã nêu rõ: “Năm năm nay (1954 – 1959), đồng bào vẫn giữ truyền thống cùng đồng bào cả nước liên tục đấu tranh, khi ngấm ngầm đã góp phần làm thất bại âm mưu nô dịch nhân dân ta và gây chiến tranh mới của địch. Chiêu bài “tố cộng”, “chống cộng” của Mỹ - Diệm không thể che dấu bộ mặt xâm lược và bán nước của chúng. Luật 10/59 cũng không thể chia rẽ nhân dân ta, không đè bẹp nổi truyền thống và ý chí đấu tranh, bất khuất của đồng bào ta, ngược lại sẽ thúc đẩy mau chóng sự tan rã và diệt vong của chúng”.

Tình hình Hương Thủy đã diễn ra đúng như đánh giá của Tỉnh ủy. Đây là một thời kỳ khủng bố ác liệt gây nhiều đau thương, tổn thất cho huyện nhà, nhưng với tình cảm và niềm tin của Đảng đã in sâu vào trái tim của nhân dân Hương Thủy, nên đến lúc có phương hướng mới của Đảng và được Đảng đưa những người con quê hương trở về địa phương như các đồng chí Đặng Tràm, Phùng Yên … thì nhân dân Hương Thủy lập tức vùng lên khôi phục lại phong trào theo đà cách mạng tiến công của toàn tỉnh.

Xem tin theo ngày  

® Chịu trách nhiệm nội dung UBND thị xã Hương Thủy
Điện thoại, fax: 0543.861928 - Email: huongthuy@thuathienhue.gov.vn