Hương Thủy những ngày đầu kháng chiến chống Pháp
Ngày cập nhật 02/04/2015

Cuối tháng 11-1946, Pháp đánh chiếm Hải Phòng, tàn sát hàng ngàn đồng bào ta. Đến tháng 12 – 1946, chúng lại nổ súng ở Hà Nội. Nhân dân toàn quốc và trong huyện thấy con đường chiến tranh để bảo vệ Tổ Quốc là không tránh được.

Tại Thừa Thiên, trước những hành động xâm lược trắng trợi của quân đội Pháp, đầu tháng 12 - 1946, Thường vụ Tỉnh ủy đã họp để rà soát, kiểm điểm việc chuẩn bị các mặt công cuộc kháng chiến và đề ra nhiệm vụ mới cho toàn Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh. Thi hành chủ trương của Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng bộ Hương Thủy chuyển trọng tâm lãnh đạo của mình vào việc gấp rút chuẩn bị kháng chiến. Tổ chức các ủy bản kháng chiến huyện và xã với các ban phá hoại, ban tổ chức tiếp đón dân cư, ban quân lương, ban y tế ...

Đồng thời, Huyện ủy động viên toàn bộ lực lượng vũ trang trong huyện theo sự hướng dẫn của quân đội chính quy, lập các phòng tuyến chiến đấu, các làng thuộc huyện Hương Thủy kế cận thành phố Huế và sân bay Phú Bài; tập trung tự vệ chiến đấu để xây dựng mỗi thôn có một trung đội, mỗi xã có vài trung đội; tổ chức và huấn luyện các đội tự vệ cảm tử... Công tác lớn nhất tỉnh giao cho huyện là đảm nhận tiếp tế ăn uống cho phòng tuyến khu C.

Trong 2 ngày 18 và 19 – 12 - 1946, Ban thường vụ Trung ương Đảng đã họp hội nghị dưới sự chủ tọa của Bác Hồ. Hội nghị đã vạch ra đường lối cơ bản cho cuộc kháng chiến của dân tộc, đề ra những nhiệm vụ cấp bách cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiến hành. Ngày 19 – 12 – 1946,  Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hồ chủ tịch nhấn mạnh: “Không!Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước. Nhất định không chịu làm nô lệ”. Suốt đêm hôm ấy và ngày hôm sau, tất cả các xã trong huyện Hương Thủy tổ chức hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến của Hồ chủ tịch.

Đêm 19 – 12 - 1946, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên thông qua kế hoạch tác chiến của liên khu IV và Ủy ban kháng chiến liên khu. Tỉnh ủy chủ trương dùng lực lượng vũ trang kết hợp sức mạnh của nhân dân tiến công bao vây và tiêu diệt quân Pháp đóng ở Huế trước khi lực lượng tăng viện của địch đến. Chiến tranh đã nổ ra khắp nước Việt Nam đêm 19 – 12 - 1946. Huyện Hương Thủy sôi sục trong bão lửa chiến tranh. Bên tả ngạn sông Hương, bộ đội và tự vệ chiến đấu của thành phố, tự vệ chiến đấu của huyện Hương Thủy, một phần tự vệ chiến đấu huyện Phú Vang tiến hành đánh mục tiêu trong thành phố.

Chạy dài theo sông An Cựu, các cầu Ga Huế, cầu Nam Giao, cầu Bến Ngự, cầu Tiệm Rượu, cầu Kho Rèn, cầu An Cựu... bị nhân dân và du kích phá hỏng để ngăn cản không có cơ giới địch sang sông. Nhân dân và tự vệ của thành phố, của huyện Hương Thủy đưa tất cả cầu giã chiến nối liền 2 bờ sông An Cựu để lực lượng quân sự ta tiếp tục vào thành, lập một trận địa áp sát các vị trí của Pháp. Ta đặt một bộ phận chỉ huy khu vực tác chiến tại cung An Định đối diện với địch ở trường Thiên Hựu. Nhân dân ta trong huyện Hương Thủy phá hoại đường xe lửa chạy ngang qua huyện. Cùng một lúc với huyện Phú Lộc, lực lượng vũ trang Hương Thủy đánh sập các cầu trên đường quốc lộ 1.

50 ngày đêm liền, lực lượng tỉnh, huyện tấn công liên tục vào các vị trí của địch có pháo binh yểm trợ lưu động trên trận địa Hương Thủy, từ Quảng Tế đến Ngự Bình. Và ban ngày từ các vị trí, chúng tấn công ta bằng thiết giáp và bộ binh. Lực lượng ta dựa vào trận địa giao thông hào mà chiến đấu bắn tỉa, bắn đón bằng súng trường. Các cuộc tấn công của ta ban đêm bằng xung kích, bằng cảm tử, có gì dùng nấy để đánh địch. Dùng cả rơm và ớt, dùng lửa và khói đánh vào các tòa nhà chúng dùng làm công sự để chặn ta tấn công. Trong thời điểm đó, đã tổ chức 16 điểm chọn quân cảm tử ở các làng, xã trong huyện Hương Thủy.

Tại địa điểm chọn quân cảm tử ở chùa Khoai, đồng chí Thân Trọng Một và một anh tên Thạnh ở Dương Hòa quyết định cảm tử giết giặc. Hôm sau, hai đồng chí vác bom 10kg vào nhà Mác-Bớp, nơi địch đang cố thủ. Anh Thạnh hy sinh tại chỗ, anh Một bị thương. Nhân dân khóc thương anh Thạnh, biến đau thương thành hành động cách mạng, nhiều thanh niên tình nguyện sung vào đội quân cảm tử.

Gần bốn ngàn nam nữ thanh niên thành phố Huế và huyện Hương thủy hoàn thành xong hệ thống giao thông. Dựa vào hệ thống này để vận chuyển lương thực, súng đạn vào thành phố và chuyển thương binh về hậu phương.

Tết Đinh Hợi (năm 1947), các trận đánh đang diễn ra ác liệt, nhân dân Hương Thủy, Phú Vang đến tận chiến hào ủy lạo các chiến sĩ. Tập thể các cụ già đi qua cầu tre dã chiến vào cung An Định, đến các vị trí, các chòi gác đang chiến đấu để thăm mặt trận. Lúc đó, tại cung điện này ta đã bố trí sẵn trước một trận đánh hủy diệt bằng thủy lôi và bom hạng nặng.

Trên bờ nam sông Hương, địch chỉ còn bám vào một giải đất thu hẹp không nông ra được. Tự vệ chiến đấu của Hương Thủy tham gia chiến đấu trên toàn khu C. Địch chỉ còn giữ Trung Bộ phủ (tòa khâm sứ Trung Kỳ), trại lính De Coursy, chợ Bến Ngự, Viện dân biểu Trung Kỳ, ga Huế.

Ngày 17 – 1 - 1947, bộ chỉ huy quân đội Pháp cấp tốc điều động 5000 quân bộ và pháo binh, cơ giới quân dù từ Đà Nẵng theo quốc lộ 1 đánh ra Huế. Một cánh quân khác bằng đường biển đổ bộ vào cửa Tư Hiền, Thuận An đánh lên Huế, quân Pháp hành quân cơ giới gặp nhiều khó khăn, vượt các chướng ngại vật trên đường, các trận đánh, các phòng tuyến, trong 20 ngày chúng tiến quân được 60km đường bộ.

Từ Phú Bài trở lên, nhân dân Hương Thủy thực hiện vườn không nhà trống. Phá đình làng Phú Bài không cho địch đóng quân, và sơ tán nhân dân vào đường quốc lộ cách 2km. Ngày 5 – 2 - 1947, địch từ Phú Bài đánh lên Dã Lê Thượng, Thanh Thủy Thượng. Rồi từ Thanh Thủy Thượng đánh vào An Cựu, theo đường tỉnh lộ Dã Lê đánh lên Tuần, và từ Tuần đánh xuống Nam Giao. Từ bờ nam sông Hương, quân đội ta chuyển sang bờ Bắc, ngày 5 – 2 - 1947.

Ngày 7 – 2 - 1947, bộ đội và tự vệ của ta còn lại, không tin vào vào khả năng chống địch của mình nữa và bỏ trận địa. Mặt trận Huế tan vỡ. Đơn vị tự vệ chiến đấu của thành phố đóng ở ga Huế và chợ Bến Ngự rút sau cùng. Lúc ấy, địch đánh ra và cánh quân của địch đánh xuống cầu Lim. Tự vệ chiến đấu rút lên chùa Từ Đàm, qua làng Bình An (Hương Thủy) tập hợp tại nhà một cán bộ của ta sau chùa Tường Vân kiểm điểm lại quân số còn mang đủ súng trường, cán giáo và vác bom 100kg. Phần lớn họ là công nhân xe lửa của nhà Ga Huế. Nhiều nơi như ở ga Huế, Bến Ngự, Từ Đàm (thuộc thành phố Huế), Bình An, Nam Giao, Dương Xuân Thượng và Hạ, Nguyệt Biều, Lương Quán, dọc đường Huyền Trân Công Chúa, Long Thọ, Phường Đúc, cầu Lòn (huyện Hương Thủy), nhân dân và tất cả đò thuyền đều sơ tán qua bờ Bắc hết.

Công việc bao vây và tiêu diệt địch không thành công. Bảo vệ làng mạc, đánh lại địch cũng không làm được. Tất cả công cuộc kháng chiến phải làm lại từ đầu.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

® Chịu trách nhiệm nội dung UBND thị xã Hương Thủy
Điện thoại, fax: 0543.861928 - Email: huongthuy@thuathienhue.gov.vn