Hương Thủy sau ngày 6-1-1946: Chuẩn bị kháng chiến chống Pháp
Ngày cập nhật 02/04/2015

Đêm ngày 22 rạng sáng ngày 23 - 9 - 1945, thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa. Tình thế cả nước nói chung và huyện Hương Thủy nói riêng bước sang giai đoạn mới. Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, nhân dân Thừa Thiên Huế, trong đó có huyện hương Thủy, đã vận động con em mình vào Nam chiến đấu. Pháp lần lượt tiến công các địa phương.

Nhằm tránh tình hình bất lợi, ngày 5 - 3 - 1946, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp mở rộng, tán thành chủ trương đàm phán với Pháp. Tiếp đó, chính phủ Việt Nam và chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ 6 - 3 - 1946. Ngày 9 - 3 - 1946, Trung ương Đảng ra chỉ thị lịch sử "Hòa để tiến", chỉ thị nêu rõ: "Bảo toàn lực lượng, giành lấy giây phút nghỉ ngơi hòa hoãn để chuẩn bị và củng cố vị trí đã chiếm được, chấn chỉnh đội ngủ cách mạng, bổ sung cán bộ, bồi dưỡng và củng cố phong trào... chuẩn bị đầy đủ, nhằm cơ hội tốt tiến lên giai đoạn cách mạng mới”.

Theo Hiệp định sơ bộ 6 - 3 - 1946, chúng ta cho một đơn vị quân đội Pháp hành quân từ Lào, theo đường số 9 vào đóng ở Huế. Chúng ta cho phép quân đội Pháp đóng quân trong khu vực người Âu cũ (Quartier Européên) từ trường Quốc Học Huế chạy thẳng đường Julles Ferry (đường Lê Lợi hiện nay) đến khách sạn Morin, vòng ngang đến ngã tư An Cựu. Nhưng quân đội Pháp gây nhiều rắc rối.  Ta đòi hỏi họ giữ trật tự trên đường đi, tôn trọng việc làm ăn đi lại của nhân dân trong tỉnh.

Ban liên kiểm Việt - Pháp của hai bên đã được thành lập. Theo sự thỏa thuận của ta và Pháp, chúng được đi lại, luyện tập vùng Phèn (thuộc xã Phú Sơn ngày nay), về phía Tây Nam tỉnh khoảng 10km, và được đi lại tiếp tế lương thực, thực phẩm, quân trang quân dụng ở Đà Nẵng ra. Nhưng thường xuyên đã đã vượt ra ngoài phạm vi quy định đóng quân, luyện tập và tiếp tế. Để đề phòng, đồng chí Nguyễn Thượng Phương, Thường vụ Huyện ủy, đưa hết súng tại văn phòng Huyện ủy vũ trang cho tất cả các cán bộ văn phòng và đồng chí trực tiếp làm giáo viên huấn luyện quân sự.

Tháng 7 – năm 1946, Hội nghị Cán bộ Đảng tỉnh Thừa Thiên được tổ chức tại trụ sở Ủy ban Hành chính Trung Bộ (Tòa Khâm cũ), với sự tham dự của Đại biểu 6 huyện và thành phố Huế, dưới sự chủ trì của Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ - Nguyễn Chí Thanh. Hội nghị đề ra 3 nhiệm vụ lớn: gấp rút kiện toàn các huyện ủy, xây dựng chi bộ cơ sở, đoàn kết nội bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và bộ đội chủ lực tỉnh; bồi dưỡng và đào tạo cán bộ cho các tổ chức quần chúng.

Đồng chí Trần Quý Hai là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy mới được xứ ủy Trung Kỳ bổ sung cho tỉnh để chuẩn bị lãnh đạo kháng chiến. Đồng chí đã nói những kinh nghiệm chiến tranh du kích ở Ba Tơ mà đồng chí đã lãnh đạo nhân dân chiến đấu cho cán bộ của Huyện ủy nghe. Cuối cùng đồng chí căn dặn: chiến tranh với quân chủ lực Pháp trang bị hiện đại, đã qua chiến tranh thế giới thứ 2, ta sẽ gặp nhiều khó khăn gian khổ và hy sinh. Cần tranh thủ có thời gian chuẩn bị. Chuẩn bị tốt thì trong chiến đấu sẽ được thuận lợi hơn và ít hy sinh hơn.

Giai đoạn cuối năm 1946, nhiệm vụ kháng chiến trở nên cấp bách, khi khả năng hòa hoãn với Pháp không thể duy trì được nữa. Hương Thủy gấp rút chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Bắt đầu tháng 9 - 1946 trong huyện đã đào hầm, xây dựng ụ tác chiến, đường hào đã kéo dài, dự trữ lương thực, nhân dân tự rèn vũ khí trang bị cho mình.

Tinh thần của đảng viên trong huyện và niềm thù hận của nhân dân đối với hành động ngạo mạn của quân Pháp, đòi chiến đấu quét sạch chúng ngay. Huyện ủy tổ chức họp đảng viên trong toàn huyện tại ngã 3 con đường Dã Lê -Cây Kết (nối liền đường quốc lộ 1 và đường tỉnh lộ Dã Lê - Tuần), thuộc làng Dã Lê Thượng.

Hệ thống công sự chiến đấu và giao thông hào nhanh chóng được xây dựng. Một hệ thống giao thông hào ở khu tam giác Nam sông Hương, chạy dọc theo bờ sông An Cựu đến Đập Đá được đào đắp. Trên trục đường quốc lộ I và các trục đường quan trọng khác, nhân dân xẻ đường, ngả những cây to làm chướng ngại vật để ngăn chặn bước tiến của quân thù. Thực hiện tiêu thổ kháng chiến, nhân dân đã tự tay phá bỏ những nơi địch có thể lợi dụng để đóng quân.

Tháng 11 – 1946, sau khi giải thể Xứ ủy Trung Bộ, Trung ương Đảng quyết định bỏ cấp xứ và chia Trung Bộ thành 2 khu là Khu IV và Khu V. Thừa Thiên thuộc Khu IV. Ngày 15 – 12 – 1946, khi quân Pháp nổ súng ở nhiều nơi trong thành phố hà Nội, Khu ủy Khu IV mở Hội nghị để bàn kế hoạch tiến công quân Pháp ở Huế. Bộ máy lãnh đạo kháng chiến của tỉnh được Trung ương bổ sung cán bộ và nhanh chóng bắt tay vào việc. Từ tỉnh xuống huyện, xã đều thành lập thêm Ủy ban Kháng chiến bên cạnh Ủy ban Hành chính. Cùng cả nước, nhân dân Hương Thủy sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp. 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

® Chịu trách nhiệm nội dung UBND thị xã Hương Thủy
Điện thoại, fax: 0543.861928 - Email: huongthuy@thuathienhue.gov.vn