Hương Thủy trước tháng 8-1945: Xây dựng phong trào cách mạng trong tình hình mới
Ngày cập nhật 01/04/2015

          Quá trình phát xít hóa của các nước đế quốc đã dẫn đến sự bùng nổ chiến tranh thế giới thứ hai, khiến cho cục diện chính trị thế giới thay đổi một cách sâu sắc. Các thế lục phản động ngóc đầu dậy nắm lấy chính quyền, đua nhau bành trướng thế lực. Ở Pháp, mặt trận bình dân bị vỡ, bọn phát xít phản động giành chính quyền thi hành mọi biện pháp khủng bố gắt gao, cấm đoán các tổ chức dân chủ tiến bộ. Ở Việt Nam, Pháp thẳng tay đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng, bác bỏ mọi cải cách nhỏ giọt trong mấy năm qua, ra sức vơ vét sức người, sức của phục vụ cho cuộc chiến tranh đế quốc. Thực hiện ý đồ của đế quốc Pháp, triều đình Bảo Đại ra sắc lệnh và đạo dụ giải tán Đảng cộng sản Đông Dương. Tại Bình Trị Thiên, cuối năm 1939 đầu năm 1940, ngoài 4 nhà lao lớn ở Huế, thực dân Pháp còn lập thêm 2 “căn an trí” và 3 trại tập trung quản thúc. Ở huyện Hương Thủy có một “căn an trí” tại Phú Bài. Những chính trị phạm đã mãn hạn tù trước đây bị bắt giam trở lại, vì chúng cho là “những thành phần nguy hiểm”.

          Tháng 11 - 1939, Hội nghị Ban Chấp hành trung ương Đảng đã được triệu tập để xác định nhiệm vụ cụ thể của thời kỳ cách mạng mới. Hội nghị nhấn mạnh: “Giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Đông Dương. Do đó cần thành lập mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, để tập trung lực lượng quần chúng mà nòng cốt là liên minh công nông”. Trung ương Đảng chỉ thị cho các cơ sở Đảng nhanh chóng rút vào hoạt động bí mật để bảo toàn lực lượng, phát triển mạnh mẽ lực lượng cách mạng ở nông thôn và thành thị. Chấp hành chỉ thị của trung ương, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chỉ đạo các tổ chức Đảng thực hiện tinh thần mới mà Hội nghị Trung ương vạch ra.

          Tháng 6-1940, Đức chiếm đóng nước Pháp. ở Đông Dương, chính quyền thực dân Pháp ráo riết bắt lính, mộ phu để phục vụ chiến tranh cho chúng. Cũng như bao địa phương khác, thanh niên Hương Thủy phải chịu chung cảnh này. Tháng 9 - 1940, lợi dụng sự suy yếu của Pháp, phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương. Bọn Pháp đầu hàng và từng bước dâng nước ta cho Nhật. Tại huyện Hương Thủy, Nhật cho một đại đội đóng ở Phú Bài, một trung đội đóng ở Động Phèn án ngữ quốc lộ 1 và phía nam Huế.

          Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tháng 5 - 1941 chỉ rõ: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng dân tộc, thì chẵng những quốc gia dân tộc còn chiu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đổi lại được”. Đây là một hội nghị đánh dấu việc hoàn chỉnh hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng ta. Tháng 2 - 1942, Tỉnh ủy Thừa Thiên được thành lập lại và đã khẩn trương triển khai Nghị quyết 8 Trung ương. Huyện Hương Thủy cũng dần dần củng cố lại các tổ chức Đảng để kịp thời nắm bắt tình hình, lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Giữa năm 1944, hội nghị tỉnh ủy mở rộng quyết định tăng cường cán bộ cho các huyện, trong đó có Hương Thủy, để tiếp tục lãnh đạo phong trào trong giai đoạn cách mạng mới.

          Ngày 9 - 3 - 1945, Nhật làm cuộc đảo chính lật đổ Pháp, lập nên chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim. Nội các chính phủ Trần Trọng Kim ra đời kéo theo sự xuất hiện các tổ chức thân Nhật. Ngoài ra, chúng còn thi hành nhiều chính sách khác để mị dân. Tuy nhiên bộ mặt thật của nó vẫn lộ rõ qua hành động cướp bóp, vơ vét, gây nạn đói khủng khiếp năm 1945. Tình hình chính trị diễn ra rất phức tạp. Trong lúc đó, nhiều chỉ thị, nghị quyết của trung ương không đến kịp với Thừa Thiên Huế. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, các đồng chí đảng viên cơ sở vẫn kiên trì hoạt động gầy dựng phong trào. Các đồng chí Đảng viên từ các nhà tù của địch trở về đã làm tăng thêm cho lực lượng cách mạng một nguồn sinh khí mới. Ở Hương thủy, đồng chí Lê Trọng Bật về làng Thanh Thủy Thượng cùng với các đồng chí ở đây lập một bản hương ước xã với nội dung:

-         Xóa bỏ một số tập tục lạc hậu.

-         Chống phù thu lạm bổ, chống chiếm ruộng đất công, đòi phân cấp lại công điền.

-         Lập 4 ấp, 4 ban bảo an.

-         Mở thêm một số lớp truyền bá chữ quốc ngữ và đọc sách báo...

Sau đó, các xã trong huyện như Thanh Thủy Chánh, Vân Thê, Thần Phù đều lập hương ước phỏng theo bản này.

          Ngày 23 - 5 - 1945, Ban thường vụ Tỉnh ủy triệu tập hội nghị mở rộng tại đầm Cầu Hai (huyện Phú Lộc), đại diện Hương Thủy có đồng chí Nguyễn Hồ tham gia hội nghị lịch sử này. Hội nghị đề ra những biện pháp cấp bách để nhanh chóng ổn định và thống nhất về tư tưởng, tổ chức, quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) tỉnh, lấy bí danh là Việt Minh Nguyễn Tri Phương, bầu ban chấp hành gồm 17 đồng chí. Hội nghị cũng quyết định tăng cường cán bộ cho các huyện để đưa phong trào các huyện lên đều nhau. Sau hội nghị, một số đảng viên như đồng chí Lê Minh, Phạm Quang Thuyết, Phạm Bạch Vân được Tỉnh ủy đưa về Hương Thủy tham gia chỉ đạo phong trào. Ngay sau đó, Mặt trận Việt Minh huyện được thành lập. Ban chấp hành Việt Minh huyện Hương Thủy gồm các đồng chí: Lê Minh - Bí thư, Lê Quang Thuyết - phụ trách Tổng Cư Chánh, Nguyễn Hữu Lễ - phụ trách tổng Dã Lê, Nguyễn Hồ và Phạm Bạch Vân - phụ trách tổng Lương Văn, Nguyễn Thượng Phương và 1 đồng chí tên Phổ - phụ trách tổng An Cựu, Lê Trọng Bật và Lê Trọng Trì - phụ trách thông tin tuyên truyền. Việt Minh huyện đồng thời là Ủy ban dân tộc giải phóng huyện.

          Cơ quan Việt Minh đóng ở làng Thanh Thủy Thượng. Và nơi đây cũng trở thành trung tâm chỉ đạo khởi nghĩa, nơi thí điểm để mở rộng toàn huyện. Sau khi thành lập Mặt trận Việt Minh huyện đã khẩn trương xây dựng tổ chức cơ sở của Việt Minh như: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc... Chỉ trong một thời gian ngắn đã thu hút rộng rãi các tầng lớp nhân dân tham gia. Tiêu biểu là các xã Thanh Thủy Thượng, Thanh Thủy Chánh, Dã Lê Thượng, Lang Xá, Vân Thê, Thần Phù, Phù Bài, An Cựu. Ban chấp hành Việt Minh huyện cũng khẩn trương tập trung chỉ đạo cho việc tổ chức các đội tự vệ. Đội tự vệ Thanh Thủy Thượng, ngoài vũ khí thô sơ còn có một số súng lấy được từ Pháp.

          Trước những hoạt động sôi nổi của Việt Minh, tổ chức thanh niên cũ (thanh niên Phan Anh ) dần dần tan rã. Được sự giác ngộ của cán bộ cách mạng, đa số tự nguyện sáp nhập vào Thanh niên cứu quốc. Cuối tháng 7 - 1945, báo “Cờ giải phóng” và chương trình, điều lệ Việt Minh được lưu hành rộng rãi trong các tổ chức cứu quốc. Truyền đơn của Việt Minh được phân phát rộng rãi trong nhân dân. Các đồng chí phái viên của tỉnh, kết hợp chặt chẽ với các đồng chí cơ sở có những hoạt động rất khẩn trương, chỉ đạo tổ chức Việt Minh đẩy mạnh tuyên truyền, vạch trần cho nhân dân thấy bản chất của phát xít Nhật với chủ thuyết “ Đại Đông Á” mị dân của chúng và thân phận tay sai của chính phủ Trần Trọng Kim, đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái trong nội bộ về thời cơ khởi nghĩa, và duy trì đấu tranh nghị trường, kêu gọi quần chúng nhân dân sẵn sàng đứng lên giành chính quyền.

Xem tin theo ngày  

® Chịu trách nhiệm nội dung UBND thị xã Hương Thủy
Điện thoại, fax: 0543.861928 - Email: huongthuy@thuathienhue.gov.vn