Hương Thủy những năm cuối thập kỷ 30 của thế kỷ 20: Cao trào cách mạng 1936-1939
Ngày cập nhật 01/04/2015

Sau thời gian tạm lắng, phong trào cách mạng dần dần được Tỉnh Đảng bộ và các huyện cố gắng khôi phục phong trào, xây dựng cơ sở cách mạng.

Từ những năm 1936 trở đi, tình hình xã hội trong và ngoài nước có những biến đổi quan trọng, chủ nghĩa phát xít thắng thế ở các nước Đức, Ý, Nhật và âm mưu gây chiến tranh thế giới mới. Các thế lực phản động ở Pháp cũng âm mưu cướp chính quyền để đưa nước này vào quỹ đạo chung của phe phát xít, nhưng đã bị mặt trận Pháp mà nòng cốt là đảng cộng sản Pháp đánh bại. Sự kiện này có tác động khá quan trọng đến tình hình nước ta. Để đối phó với tình hình mới, Đảng triệu tập Hội nghị Trung ương vào tháng 7 - 1936, xác định kẻ thù của cách mạng Đông Dương trước sau vẫn không thay đổi, song kẻ thù chủ yếu nguy hiểm nhất cần tập trung đánh đổ là bọn phản động thuộc địa và tay sai. Hội nghị đã đề ra chủ trương chống chủ nghĩa phát xít, chống nguy cơ chiến tranh; đòi tự do, cơm áo, hòa bình và quyết định thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Hưởng ứng và chấp hành chủ trương của Đảng, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã phát động một phong trào đấu tranh rầm rộ khắp các địa phương theo tinh thần mới mà Trung ương đã vạch ra. Trước phong trào đấu tranh của nhân dân và dư luận tiến bộ ở Pháp, bọn chúng đành phải xoa dịu và nhằm đánh lạc hướng quần chúng, chình quyền thực dân đã trả tự do cho một số tù chính trị. Cuối năm 1936, đồng chí Trương Đình Trung và nhiều đồng chí khác được thả ra đã trở về tiếp tục hoạt động xây dựng lại cơ sở. Lúc này ở huyện Hương Thủy được tăng cường thêm các cán bộ của tỉnh như: Lê Trọng Bật, Nguyễn Hữu Biên, Hải Triều.

Tháng 8 - 1936, Đảng chủ trương tiến hành cuộc vận động”Đông Dương đại hội” đẩy mạnh cuộc đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, tập hợp nhân dân để tổ chức thực hiện những chủ trương của Đảng. Đảng công khai gửi thư cho các đảng phái, các tổ chức chính trị và toàn thể nhân dân, nêu rõ lập trường quan điểm của mình về “đại hội Đông Dương”. Sau đó các địa phương đã tiến hành thành lập các ban trù bị đại hội. Ngày 20 - 9 - 1936 tại Viện Dân biểu Trung Kỳ, Đại hội nhân dân toàn kỳ được tổ chức. Hơn 500 đại biểu nhân dân Trung Kỳ tại Huế và vùng ven đã đến dự. Sự có mặt của những chính trị phạm trong đoàn chủ tịch được quần chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Đại hội thống nhất nguyện vọng: đòi giảm giờ làm, lập hội ái hữu, tự do nghiệp đoàn, chống đánh đập phạt vạ ... Nông dân đòi giảm thuế điền, thuế đinh, giảm công ích, tiểu thương đòi giảm thuế chợ, trí thức đòi tự do báo chí, tự do xuất dương du học. Lần đầu tiên trên diễn đàn của Viện Dân biểu, tiếng nói của công nông và những người thiết tha tự do, dân chủ gây được ấn tượng mạnh mẽ. Sau đại hội tỉnh, ở các huyện đã mở hội nghị.

Ở huyện Hương Thủy, các đồng chí ở tỉnh tăng cường cùng với các đồng chí ở cơ sở đã phối hợp chia ra thành cụm để họp. Phong trào ở Hương Thủy còn được duy trì với cuộc vận động giác ngộ quần chúng để truyền bá chữ quốc ngữ, phổ cập sách báo cách mạng. Một số cơ sở cách mạng ở Hương Thủy lúc bấy giờ như đồng chí Phùng Bốn đã trực tiếp liên lạc và nhận sách báo tại nhà sách Hương Giang về phát hành rộng rãi trong thanh niên và đồng bào yêu nước. Phong trào mạn đàm sách báo, không khí đòi tự do dân chủ khá sôi nổi, hào hứng.

Tháng 2 - 1937, được tin chính phủ Pháp cử một phái đoàn do Gô-đa dẫn đầu sang điều tra tình hình Đông Dương. Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo cho các đảng bộ cơ sở, vận động nông dân thu thập nguyện vọng và chuẩn bị lực lượng. Trưa ngày 24 - 3 - 1937,  hàng chục chiếc thuyền chở khoảng 300 đến 400 nông dân Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc đã  theo dòng Lợi Nông tiến lên Huế biểu tình. Đoàn thuyền đậu ở bến Tòa Khâm, cạnh dưới cầu Trường Tiền, mỗi nông dân đi đầu có mang theo mãnh vải đỏ in hình búa liềm với 2 chữ “Nông dân”. Đúng 10 giờ ngày 36-2-1937, Gô-đa đến Huế. Từ Kim Long đến cầu Trường Tiền, hàng vạn cánh tay giơ cao cùng tiếng hô vang các khẩu hiệu:

-         Hoan hô mặt trận bình dân

-         Tự do báo chí.

-         Tự do nghiệp đoàn.

Đoàn đại biểu thay mặt các giới, các ngành đã đưa ra các bản nguyện vọng cho Gô-đa tại Tòa Khâm.

Ngày 28 - 2 - 1937, trên đường Gô-đa vào Đà Nẵng, một bộ phận nông dân Hương Thủy cùng với nông dân Phú Vang, Phú Lộc đón đường và trao nhiều bản nguyện vọng của mình cho Gô-đa.  Với các cuộc biểu tình trên, lần đầu tiền tổ chức Đảng ở Hương Thủy đã tập dượt quần chúng xuống đường hòa vào phong trào chung của tỉnh. Từ cuộc đấu tranh này, tổ chức Đảng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm mới trong việc tập hợp quần chúng, sử dụng các hình thức đấu tranh linh hoạt nhằm đạt hiệu quả cao.

Tháng 8 - 1937, có cuộc tuyển cử vào viện dân biểu Trung Kỳ khóa 3. Các tổ chức Đảng ở Thừa Thiên Huế quyết định tham gia cuộc tuyển cử này. Ở Hương Thủy, các đồng chí Đảng viên lãnh đạo quần chúng trong huyện tham gia cùng với nhân dân toàn tỉnh đấu tranh vạch mặt những ứng cử viên tay sai của địch, vận động bỏ phiếu cho những người tiến bộ. Cuối cùng hai ông Hoàng Đức trạch (huyện Phú Lộc) và Nguyễn Đình Diễn (huyện Phong Điền ) là ứng cử viên của Mặt trận Dân chủ đã trúng cử.

Tuy vậy, sang năm 1939, phong trào lại gặp khó khăn. Địch lại bắt đầu đợi khủng bố mới ở Thừa Thiên Huế. Chỉ trong một thời gian ngắn, hấu hết các Đảng viên trong huyện bị địch bắt. Hệ thống tổ chức Đảng bị vỡ. Một số Đảng viên còn lại và cơ sở quần chúng tích cực phải rút vào hoạt động bí mật. Thực tế gian đoạn lịch sử này đã giúp cho những người cộng sản ở Hương Thủy kinh nghiệm quý báu để vận dụng vào quá trình lãnh đạo cách mạng ở giai đoạn tiếp theo.

Xem tin theo ngày  

® Chịu trách nhiệm nội dung UBND thị xã Hương Thủy
Điện thoại, fax: 0543.861928 - Email: huongthuy@thuathienhue.gov.vn