Hương Thủy những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ 20: các phong trào cách mạng
Ngày cập nhật 01/04/2015

Sau năm 1917, qua các con đường bí mật, từ Pháp, Quảng Châu – Trung Quốc, ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đã ảnh hưởng đến việc tìm đường cứu nước của nhân dân ta. Ở Thừa Thiên những năm đó, đã xuất hiện những tác phẩm của những người theo chủ nghĩa xã hội ở châu Âu. Năm 1923, một nhóm 3 thanh niên Thừa Thiên do Lê Duy Điếm cầm đầu đã tập hợp nhau lại, thề cùng chung sức tìm đường cứu nước. Về sau, đồng chí Lê Duy Điếm gia nhập Hội Phục Việt và được cử sang Trung Quốc bắt liên lạc với Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Đồng chí Lê Duy Điếm đã gia nhập tổ chức này và được cử vè nước tổ chức đưa học sinh sang du học ở Trung Quốc. Đồng chí đã 2 lần trở lại Thừa Thiên mang theo nhiều tài liệu tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho học sinh, trí thức Thừa Thiên.

Sau một thời gian, sự giác ngộ cách mạng đã đưa đến kết quả hình thành các tổ chức cách mạng ở Thừa Thiên. Đến tháng 5 – 1929, đã có 3 tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng Sản đảng, An Nam Cộng Sản đảng và Tân Việt cách mạng đảng ở Việt Nam và cũng từ 3 tổ chức này có những phân nhánh ở Thừa Thiên.

Đến năm 1929, Tân Việt cách mạng Đảng đã có nhiều Đảng viên người Hương Thủy như: Bửu Ba, Tôn Thất Nho... cùng nhiều Đảng viên khác ở Huế và các huyện chung quanh, nằm trong cuộc vận động cách mạng chung của tỉnh và cả nước. Đồng chí Lê Bá Dị triệu tập viên các nhóm Tân Việt ở Hương Thủy, Phú Vang giải thích cần chuyển sang Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Các nhóm Tân Việt đã có những biến động về tư tưởng, có những người  do dự, có nhiều đồng chí đồng tình chuyển hoạt động theo xu hướng mới. Các đồng chí đó ước mong được hoạt động trong một tổ chức cách mạng nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp như cương lĩnh của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đã nêu rõ “Đông Dương Cộng sản Liên đoàn lấy chủ nghĩa cộng sản làm nền móng, lấy công nông binh liên hiệp làm đối tượng vận động cách mạng, để thực hiện cách mạng cộng sản trong xứ Đông Dương, làm cho xứ sở của chúng ta hoàn toàn độc lập, xóa bỏ nạn người áp bức bóp lột người, xây dựng chế độ cộng sản chuyên chính, tiến lên cộng sản chủ nghĩa trong toàn cõi Đông Dương”.

Nhận thức được bước tiến mới của cách mạng, tháng 1 - 1930 Chi bộ liên huyện Phú Vang – Phú Lộc được thành lập và cũng trong thời gian này ở Hương Thủy, Chi bộ An Cựu cũng được thành lập gồm các đồng chí Bửu Ba, Đặng Sĩ Khả, Tôn Thất Nho, Trương Đình Trung, do đồng chí Bửu Ba làm bí thư. Thông qua Chi bộ An Cựu, phong trào cách mạng được truyền lan và ảnh hưởng rất mạnh đến Hương Thủy và các huyện bên cạnh. Chi bộ An Cựu ra đời bên cạnh Chi bộ Huyện Phú Vang, Phú Lộc, chứng tỏ mối quan hệ mật thiết giữa các tổ chức Đảng ở Huế và tổ chức Đảng các huyện phía nam của tỉnh, điều đó nói lên sự đóng góp tích cực của những người cộng sản Hương Thủy và các huyện xung quanh vào phong trào chung của Thừa Thiên - Huế.

Ngày 3 – 2 - 1930, tại Hương Cảng – Trung Quốc, đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, thành lập một đảng duy nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Ngay sau đó 4 - 1930, tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên - Huế được thành lập dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, đồng chí Lê Viết Lượng được bầu làm bí thư. Trong lúc chưa thành lập được các huyện ủy lâm thời, đồng chí Lê Bá Dị (phụ trách dân vận của Tỉnh ủy) được phân công phụ trách chỉ đạo 3 huyện: Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc.

Chi bộ An Cựu bấy giờ trở thành tổ chức cơ sở của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thừa Thiên Huế. Để hòa nhập với phong trào chung, Chi bộ đã khẩn trương triển khai các chủ trương của Tỉnh ủy.

Từ ngày 24 đến ngày 30 – 4 - 1930 truyền đơn đã xuất hiện ở An Cựu, Phú Cam. Đúng ngày 1 – 5 - 1930, từ sớm tinh mơ, cờ đỏ búa liềm có in dòng chữ “Đảng Cộng sản Việt Nam” đã xuất hiện trên núi Ngự Bình, đình làng An Cựu. Sự kiện này đã làm cho nhân dân trong huyện Hương Thủy rất phấn khởi và gây tâm lý hoang mang đối với kẻ địch. Đồng thời, nhờ phong trào Nông hội phát triển mạng mẽ, các đảng viên trong chi bộ đã đi sâu vào các vùng nông thôn vận động và tập hợp họ vào nông hội, nhằm chống cường hào lấn chiếm ruộng đất, chống áp bức bóc lột. Ngày 18 – 5 - 1930, tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã nhận định “ở các huyện phía Nam, Nông hội phát triển mạnh, phong trào nông dân lên cao”.

Cuối năm 1930, phong trào cách mạng toàn quốc phát triển mạnh, tiêu biểu là cao trào Xô viết Nghệ Tỉnh. Trước sức mạnh vũ bão của nhân dân, một phần bộ máy thống trị của thực dân Pháp ở nông thôn sụp đổ. Từ những ngày đầu tháng 9-1930 nhiều làng xã đã hình thành Xô viết Công Nông, một hình thức chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cao trào Xô viết Nghệ Tỉnh là nguồn cổ vũ động viên cho phong trào đấu tranh của nhân dân trong cả nước, khiến kẻ thù vô cùng hoảng sợ. Hòa với phong trào đó, nhiều thanh niên yêu nước ở Hương Thủy như các đồng chí Lê Trọng Bật, Ngô Hữu Yên, Phùng Văn Nguyện và Phùng Cảnh Kế đã trực tiếp tham gia phong trào.

Từ tháng 9 - 1930 đến đầu năm 1931, thực dân Pháp ra tay đàn áp phòng trào cách mạng với nhiều thủ đoạn cực kỳ dã man, thâm độc. Chúng thực hiện khủng bố trắng ở Nghệ Tĩnh và trong phạm vi cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, các Đảng viên và các tổ chức Đảng ở Hương Thủy đã phát động một phong trào đấu tranh với những biện pháp cấp bách.

Tại An Cựu, ngày 12 – 9 - 1930 xuất hiện nhiều truyền đơn có nội dung kêu gọi ủng hộ công nông Nghệ Tĩnh, chống việc Nha Học sinh bắt học sinh quê Nghệ Tĩnh học ở Huế phải có người bảo lãnh. Tại Huế, nhiều học sinh quê ở Hương Thủy đã tham gia tuyên truyền ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh, phản đối thực dân Pháp ném bom hủy diệt huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), trong đó có Hoàng Trọng Bang bị Pháp bắt lúc đang rải truyền đơn. Chúng tra tấn tàn nhẫn, anh đã hy sinh trong nhà tù, và Hoàng Ngữ (quê ở Thanh Thủy Chánh) bị địch đày đi Côn Đảo.

Do bị lộ bí mật, tháng 10 - 1930 thực dân Pháp huy động một lực lượng lớn tiến hành nhiều cuộc vây ráp, lùng sục, bắt bớ các Đảng viên cộng sản và quần chúng trung kiên. Chỉ sau một thời gian ngắn, hầu hết các Đảng viên cộng sản, cán bộ cốt cán bị sa vào tay giặc. Các đồng chí Trương Đình Trung, Bửu Ba... bị bắt. Chúng giam các đồng chí ở lao Thừa Phủ. Phong trào cách mạng ở Hương Thủy sau năm 1931 tạm thời lắng xuống do thiếu sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí đảng viên. Ở trong tù, mặc dù phải chịu những cực hình tra tấn và sự kiểm soát gắt gao của địch, song các đồng chí vẫn kiên quyết giữ vững khí tiết người cộng sản, tham gia Chi bộ lao Thừa Phủ do đồng chí Lê Viết Lượng làm bí thư.

Tóm lại phong trào cách mạng 1930 - 1931 ở Hương Thủy đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng. Lần đầu tiên trong lịch sử, những khẩu hiệu đấu tranh của Đảng đã thâm nhập vào đời sống và trở thành động lực thúc đẩy phong trào cách mạng quần chúng không ngừng tiến lên. Chi bộ An Cựu là chi bộ ra đời sớm nhất ở Hương Thủy, tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đã thể hiện vai trò to lớn của mình trong phong trào cách mạng ở Hương Thủy, phong trào năm 1930-1931 đã xác định sự cần thiết phải có tổ chức đảng cộng sản để lãnh đạo nhân dân tiếp tục đấu tranh trong hoàn cảnh mới.

Cuối năm 1933 đầu năm 1934, các đồng chí được trả lại tự do nhưng vẫn bị quản thúc chặt chẽ, tuy vậy thông qua các tổ chức mới như: Hội Đọc sách báo, Hội Đờn ca, Hội Thể thao Bóng đá, Hội Cày thuê...các tổ chức quần chúng và đảng viên đã tuyên truyền giáo dục để duy trì ảnh hưởng của Đảng trong nhân dân. Năm 1935 một số đồng chí cảm tình Đảng bắt đầu hoạt động trở lại. Như vậy, từ năm 1932 đến 1935, tuy tổ chức Đảng ở Hương Thủy chưa được khôi phục, nhưng phong trào vẫn có nhiều hoạt động của những cơ sở quần chúng tích cực của Đảng.

Trong khoảng thời gian đầu những năm 30 của thế kỷ 20, tại Hương Thủy, thực dân Pháp và phong kiến vẫn duy trì bộ máy cai trị về tận xã, thôn. Nhân dân huyện Hương Thủy vẫn bị nhiều tầng áp bức, chịu nhiều tô thuế phi lý cho thực dân và phong kiến. 

Xem tin theo ngày  

® Chịu trách nhiệm nội dung UBND thị xã Hương Thủy
Điện thoại, fax: 0543.861928 - Email: huongthuy@thuathienhue.gov.vn