Hương Thủy sau năm 1908 đến trước năm 1930
Ngày cập nhật 01/04/2015

          Phong trào chống thuế năm 1908 diễn ra ở Thừa Thiên, với trung tâm khởi phát là Hương Thủy, đã làm cho thực dân Pháp và tay sai phong kiến hết sức lo sợ. Suốt thời gian dài, chúng khủng bố nhân dân, tìm cách triệt hạ những sĩ phu yêu nước. Phong trào yêu nước ở huyện Hương Thủy tạm thời lắng xuống.

          Vua Thành Thái sau khi bị giam ở điện Cần Chánh (tháng 7 - 1907) hơn 2 năm đã bị buộc thoái vị và nhường ngôi cho hoàng tử Vĩnh San mới 7 tuổi, ngày 03 – 9 – 1909, lên ngôi lấy niên hiệu là Duy Tân. Thực dân Pháp tiếp tục củng cố sự cai trị. Ở Hương Thủy, chúng xây dựng bộ máy cai trị khá hoàn chỉnh nhằm phục vụ mưu đồ của chúng. Đứng đầu là Tri Huyện. Ở tổng An Cựu, Dã Lê, Cư Chánh, Lương Văn có các chánh, phó tổng và các lý trưởng ở các xã,ấp; còn lại bọn địa chủ cường hào tranh nhau ngôi thứ, chiếm đoạt công điền,công thổ,tham nhũng công quỹ, ức hiếp nhân dân, chia rẽ, phân hóa nông dân. Nhân dân không có quyền tự do, dân chủ.

          Tháng 2 – 1912, Việt Nam Quang Phục Hội được thành lập ở Quảng Châu (Trung Quốc), thay thế Duy Tân Hội, phong trào cách mạng bắt đầu chuyển mình trên cả nước. Hội đã thành lập Kỳ bộ Trung kỳ và có cơ sở ở Thừa Thiên. Nhờ đó, ở Thừa Thiên, có nhiều người tham gia Hội. Điều này đã có tác động nhất định đến phong trào yêu nước của nhân dân Hương Thủy.

          Chiến tranh thế giới thứ I nổ ra, tình hình chiến sự có nhiều diễn biến có ảnh hưởng tích cực đến phong trào yêu nước tại Việt Nam. Tháng 9 – 1915, Hội nghị Kỳ bộ Việt Nam Quang Phục Hội lần thứ I được triệu tập tại Huế, có mặt hầu hết các hội viên quan trọng như Thái Phiên, Trần Cao Vân, Đoàn Bồng … Hội nghị đề ra những công việc cần thực hiện để tiến hành khởi nghĩa trong thời gian sau đó. Tuy nhiên, việc khởi sự bị bại lộ, các thủ lĩnh phong trào bị bắt và bị chém, vua Duy Tân bị đày sang đảo Réunion ở châu Phi.

          Sau kế hoạch khởi nghĩa năm 1916 ở Thừa Thiên thất bại, các thế lực thống trị càng củng cố bộ máy cai trị chặt chẽ hơn. Những ông vua bù nhìn được dựng lên: Khải Định lên ngôi ngày 18 – 5 – 1916 và mất ngày 16 – 11 – 1925, Bảo Đại lên ngôi ngày 8 – 1 – 1926 và thoái vị ngày 30 – 8 – 1945. Ngày 12 – 12 – 1929, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định nâng Huế lên cấp thành phố, trước đó đã được vua Thành Thái ra dụ thành lập thị xã Huế. Ở huyện Hương Thủy, việc điều hành tuy do quan lại Nam triều của phủ Thừa Thiên đảm nhận nhưng thực dân Pháp với chủ trương “cải lương hương chính” đã can thiệp sâu hơn vào bộ máy hương thôn.

          Trong tình cảnh đó, đời sống nhân dân Hương Thủy hết sức khó khăn. Ở Hương Thủy, ruộng “nhất đẳng điền” thuộc sở hữu quan lại quý tộc, nhà thờ, nhà chùa. Trong khi đó, gần 90% dân số là nông dân, nhưng chỉ sử dụng 20% ruộng đất. Phần lớn nông dân phải làm tá điền. Đã vậy, nhân dịp lễ tứ tuần của Vua Khải Định, Pháp và Nam Triều tăng thuế đồng loạt 20% (gọi là “Bách phân gia nhi thập”) càng làm cho tình hình nông dân thêm điêu đứng. Qua các chính sách, thực dân Pháp làm cho ruộng công (chiếm 70-80% đất canh tác toàn huyện) trở thành ruộng tư. Tháng 10 – 1918, làng Nguyệt Biều bán 2 mẫu 4 sào cho một người Pháp. Bọn cường hào địa phương còn bán đất công để dùng riêng, như trường hợp Lý trưởng làng Thanh Thủy Thượng lấy 31 mẫu 4 sào ruộng của làng cho thuê và bắt dân góp ruộng khẩu phần (cuối năm 1929). Nhiều ngành thủ công truyền thống ở địa phương bị đình đốn, mai một.

          Nhằm đầu độc tư tưởng của nhân dân ta, bên cạnh chính sách bóc lột về kinh tế, thực dân Pháp còn thực hiện biện pháp nô dịch triệt để về tư tưởng và văn hóa. Để thực hiện chính sách nô dịch văn hóa, tư tưởng, thực dân pháp đã tổ chức một nền giáo dục phản động, duy trì khuôn khổ giáo lý lạc hậu để giam hãm tư tưởng con người trong những tư tưởng xa lạ với thời đại văn minh, Trong huyện Hương Thủy chỉ có một trường tiểu học An Cựu.

          Những chính sách về kinh tế, chính trị, văn hóa của thực dân Pháp và phong kiến đã tác động mạnh mẽ đến các thành phần xã hội, tạo ra sự phân hóa sâu sắc, từ đó, ở Hương Thủy nói riêng và cả nước nói chung, hình thành hai mâu thuẫn cơ bản: mâu thuẫn giữa địa chủ phong kiến với nhân dân và mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp. Những mâu thuẫn đó dẫn đến nhiều phong trào đấu tranh sôi nỗi của nhân dân.

          Năm 1925, cụ Phan Bội Châu bị bắt tại Thượng Hải. Thực dân Pháp bí mật đưa cụ về giam ở Hỏa Lò (Hà Nội). Tại phiên tòa đề hình ngày 23 – 1 - 1925, thực dân Pháp kết án cụ tù khổ sai chung thân. Mặc dù cố tình bưng bít, song thực dân Pháp không che dấu được việc làm mờ ám của chúng. Được tin cụ Phan bị bắt, một phong trào đấu tranh bùng nổ trong phạm vi cả nước đòi thực dân Pháp phải trả tự do cho cụ. Trước sự đấu tranh của nhân dân ta, thực dân pháp buộc phải đưa cụ về giam lỏng ở Bến Ngự và xóa bản án tử hình. Tấm lòng yêu nước của cụ Phan đã hun đúc ý chí, tinh thần quật cường cùng những suy nghĩ về con đường cứu nước của nhiều thanh niên Hương Thủy.

          Ngày 24 – 3 – 1926, nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh qua đời tại Sài Gòn, một phong trào đấu tranh sôi nổi đã dấy lên trong toàn quốc thu hút sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân. Trước đó, trong những năm đầu thập niên 20, nhà yêu nước Phan Chu Trinh đã lên tiếng tố cáo và đả kích quân quyền, được nhân dân cả nước ủng hộ. Trong thư gửi vua Khải Định, ông đã kết án nhà vua về 7 tội “Tôn bậy quân quyền, lạm hành thưởng phạt, thích chuộng sự quỳ lạy, xa xỉ quá độ, ăn bận không phải lối, chơi bời vô độ, chuyến đi Tây này có một sự ám muội”. Về việc lên án vua Khải Định của nhà chí sĩ đã làm cho nhiều thanh niên và nhà nho tiến bộ ở Hương Thủy bừng tỉnh về thuyết tôn quân mù quáng.

          Năm 1927, học sinh trường tiểu học An Cựu và học sinh Huế bãi khóa, phản đối chính sách giáo dục của thực dân Pháp. Cuộc bãi khóa được nhân dân ủng hộ và cho rằng đó là hành động yêu nước. Nhiều người dân Hương Thủy đã đem tiền bạc và thực phẩm lên Huế để tiếp sức cho bãi khóa. Những cuộc đấu tranh đó đã góp phần xây dựng nên truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Hương Thủy.

Xem tin theo ngày  

® Chịu trách nhiệm nội dung UBND thị xã Hương Thủy
Điện thoại, fax: 0543.861928 - Email: huongthuy@thuathienhue.gov.vn