Hương Thủy sau khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ và phong trào chống thuế 1908
Ngày cập nhật 01/04/2015

          Sau sự kiện Thất thủ kinh đô, ngày 5 - 7 - 1885, tức ngày 23 tháng 5 Ất Dậu, vua Hàm Nghi được phe Tôn Thất Thuyết đưa ra Sơn phòng Quảng Trị (ngày 12 - 7 - 1885). Ngày hôm sau, vua Hàm Nghi ra dụ Cần Vương. Hưởng ứng dụ Cần Vương, khắp Trung và Bắc Kỳ đã liên tiếp bùng nổ các cuộc khởi nghĩa chống Pháp, do các văn thân, sĩ phu yêu nước lãnh đạo. Ở Thừa Thiên, lẻ tẻ có các cuộc nổi dậy nhưng chưa kết thành phong trào mạnh mẽ như ở các tỉnh khác. Ở huyện Hương Thủy, chưa thấy ghi nhận các cuộc nổi dậy như ở các huyện Quảng Điền, Hương Trà.

          Tháng 10 - 1885, vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết về đóng ở Sơn phòng Hà Tĩnh nhưng đến tháng 11 cùng năm lại về cố thủ Đồn Ve - Quảng Bình do quân Pháp đã chiếm Sơn phòng Hà Tĩnh. Tháng 1 - 1886, thực dân Pháp tiến hành làm đường qua đèo Hải Vân, bắt nhân dân các địa phương trong tỉnh Thừa Thiên đi phu không, trong đó có nhân dân ở các địa phương thuộc huyện Hương Thủy. Một tháng sau, do không chịu nổi sự quản lý tàn bạo của viên quan ba công binh Pháp là Besson, nhân dân đi phu đã bí mật giết chết Besson ngay tại công trường, thiêu hủy các bản thiết kế và dụng cụ làm việc của thực dân Pháp. Toàn bộ số phu bị cưỡng bức đi làm ở đèo Hải Vân đồng lòng bỏ về. Tiếp đó, ngày 1 - 11 - 1888, do sự phản bội của Trương Quang Ngọc, vua Hàm Nghi bị bắt, sau đó nhà vua đã bị đày sang Algeria ở châu Phi. Bằng các thủ đoạn khác nhau, thực dân Pháp thiết lập nền cai trị trên toàn cõi Việt Nam.

          Tinh thần kháng Pháp tiếp tục nổi lên. Đáng kể là các hoạt động của cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Chu Trinh. Nhiều quan lại, sĩ phu đã hưởng ứng 2 cụ, gia nhập các hoạt động mà 2 cụ phát động. Thừa Thiên trở thành một trong các trung tâm của phong trào đấu tranh. Điều đó đã tác động lên nhân sĩ Hương Thủy trong vấn đề lựa chọn phương thức, con đường hoạt động. Khoảng những năm đầu thế kỷ 20, những đường lối, xu hướng và hoạt động cụ thế chống lại thực dân Pháp đã được nhiều nhân sĩ Hương Thủy tham gia tích cực.

          Đầu tháng 3 – 1908, phong trào chống thuế Trung Kỳ khởi sự từ huyện Đại Lộc (Quảng Nam) và đã lan ra khắp tỉnh. Từ Quảng Nam, phong trào phát triển ra phía Bắc đến Thanh Hóa và xuống phía Nam đến Phú Yên. Tại Thừa Thiên, phong trào bắt đầu khởi phát từ tháng 4 – 1908 và trung tâm của phong trào chống thuế ở Thừa Thiên là huyện Hương Thủy.

          Được vận động của một thủ lĩnh phong trào chống thuế Trung Kỳ tên là Nguyễn Hàng Chi, những ngày đầu tháng 4 – 1908, đã xuất hiện những truyền đơn, thông tri của các nhân sĩ, thanh niên của phong trào chống thuế ở Hương Thủy được dán ở đình chợ Hôm, làng Công Lương, chợ Hôm làng Dã Lê Chánh và am miếu dọc 2 bên bờ sông Vân Dương. Ngày 9 – 4 – 1908, tại bãi cát Sa Trung thuộc làng Diên Đại (Phú Vang), nơi thuận tiện cho việc tập hợp nhân dân các làng quanh đó thuộc 2 huyện Phú Vang và Hương Thủy, đoàn người chống thuế đã kéo lên Huế theo đường chợ Sam và được dân chúng các làng lân cận tham gia lúc một đông. Hay tin, một đoàn quân do Phủ doãn Thừa Thiên là Trần Trạm, Tri huyện Phú Vang là Bùi Hữu Chí và Phó quản Trần Phán cùng một số lính tập đi hiểu dụ. Đoàn quan quân đến làng Công Lương thì bị nhân dân bao vây, mấy tên quan cầm đầu ra lệnh đàn áp, một xã dân bị trúng đạn và chết. Dân chúng dùng đất đá đáp trả và xông lên bắt Phủ doãn Trần Trạm để buộc cùng dân đi xin xâu. Tri huyện Hương Thủy vừa đến thì Phạm Toản, một trong những thủ lĩnh của phong trào, đã hô dân bắt trói. Lý trưởng làng Công Lương là Trương Hữu Hoàn cùng Đào Đa, làng An Lưu huyện Phú Vang, chặn đường quan quân ở Vĩ Dạ. Phó quản Trần Phán bị dân đem dìm nước.

          Sự việc ở làng Công Lương đã lan truyền khắp tỉnh. Ngay đêm mồng 10 rạng ngày 11 – 4 – 1908, nhân dân vùng phụ cận đã tụ họp ở các làng Dương Xuân, An Cựu, Diên Đại và vùng sau núi Ngự Bình để tờ mờ sáng tiến vào Huế theo từng nhóm nhỏ. Địa điểm tập hợp là trước Tòa Khâm sứ. Đoàn biểu tình chống thuế đã bị đàn áp nhưng vẫn cương quyết đấu tranh. Qua ngày 12 – 4, số người tham gia biểu tình ngày càng đông hơn. Họ chia nhau tụ họp trước Tòa Khâm sứ, Phủ Thừa Thiên và một số dinh thự khác. Đoàn biểu tình của nhân dân 2 huyện Hương Thủy và Phú Vang do Lê Đình Mộng, Phạm Toàn, Đoàn Thuận, Đào Đa và Lý trưởng làng Công Lương Trương Hữu Hoàn bị chặn lại ở Vĩ Dạ. Quân Pháp nổ súng làm một số người chết và bị thương, sau đó chúng cho quân về làng Công Lương để giải thoát cho bọn quan quân bị bắt trước đó. Chúng cũng lục soát làng và bắt đi 35 người.

          Phong trào chống thuế ở huyện Hương Thủy đã góp phần tạo nên ngọn lửa cho phong trào chống thuế toàn tỉnh, với những thủ lĩnh như Phan Toản làng Xuân Hòa, Nguyễn Mãnh làng Dã Lê Chánh, Lê Đình Mộng làng Dã Lê Chánh, Hoàng Ngạn làng Vân Thê, Lê Xuân Tùy làng Công Lương ... 

Xem tin theo ngày  

® Chịu trách nhiệm nội dung UBND thị xã Hương Thủy
Điện thoại, fax: 0543.861928 - Email: huongthuy@thuathienhue.gov.vn