Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.547.462
Truy cập hiện tại 4.664 khách
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị
Ngày cập nhật 19/07/2023
Sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Đây là tiền đề bảo đảm cho các chủ thể tham gia chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả.
 

Tham gia mô hình liên kết, nông dân yên tâm về đầu ra

Trung tuần tháng 7, thị xã Hương Thủy phối hợp với Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) triển khai một số lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa liên kết theo chuỗi giá trị, tiến đến áp dụng vào những vụ mùa tới cho nông dân, xã viên các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp: Thủy Phù, Phù Bài, Thủy Tân, Thủy Dương, Vân Thê, Phù Nam, Thủy Châu.
 
Ông Ngô Văn Vinh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy cho hay, Hương Thủy là địa phương có tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, tính riêng vụ đông - xuân năm 2023, tổng diện tích gieo cấy toàn thị xã hơn 2.738ha, năng suất trung bình đạt 69,1 tạ/ha, tăng 12,5 tạ/ha so với năm 2022. Chính vì vậy, sản xuất lúa theo chuỗi giá trị sẽ giúp nông dân yên tâm đầu tư, tạo chuỗi sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao hơn, đóng góp tích cực trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
“Thực tế đã chứng minh, khi nông dân tham gia mô hình chuỗi liên kết sẽ được hướng dẫn quy trình sản xuất, cách quản lý, tổ chức sản xuất cộng đồng; hướng dẫn ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới và được bao tiêu sản phẩm, không bị thương lái ép giá, tránh chuyện được mùa - mất giá. Ở chiều ngược lại, các đơn vị bao tiêu chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng cao, sản lượng hàng hóa lớn, đồng nhất về chủng loại giống, chất lượng sản phẩm…, qua đó đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường”, ông Ngô Văn Vinh nói.
 
Mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị không xa lạ với bà con nông dân toàn tỉnh. Riêng ở Hương Thủy, có thể kể đến một số HTX triển khai khá hiệu quả mô hình này, như: Thủy Phù, Thủy Thanh, Thủy Tân, Thủy Dương…, qua đó, giúp người nông dân tăng thu nhập so với làm ngoài mô hình. Chẳng hạn như giống lúa Khang dân, khi tham gia chuỗi liên kết, bà con bán với giá 6.800 đồng - 7 ngàn đồng/kg, còn với lúa ngoài mô hình, giá bán ra thị trường chỉ khoảng 6.500 đồng/kg.
 
Trước hiệu quả thấy rõ, hiện nay, nhiều HTX trên địa bàn thị xã Hương Thủy vẫn đang đẩy mạnh mô hình sản xuất lúa theo chuỗi giá trị với diện tích 948ha, trong đó, mô hình sản xuất lúa hữu cơ là 30ha. Và, việc tiếp tục mở các lớp tập huấn đã cho thấy, việc tham gia sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, được đông đảo bà con nông dân hưởng ứng.
Thanh Đoàn
Các tin khác
Xem tin theo ngày