Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.536.580
Truy cập hiện tại 7.272 khách
Sự cần thiết ban hành và những nội dung mới cơ bản của Luât Hộ tịch
Ngày cập nhật 27/07/2015

Ngày 20/11/2014, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật hộ tịch. Ngày 04/12/2014, Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 18/2014/L-CTN về việc công bố Luật hộ tịch. Luật hộ tịch có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. 

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT HỘ TỊCH

Đăng ký và quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng luôn được các quốc gia quan tâm thực hiện. Hoạt động này còn là cơ sở để Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân, đồng thời có biện pháp quản lý dân cư một cách khoa học, phục vụ thiết thực cho việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. Tại hầu hết các nước, các sự kiện hộ tịch của con người từ khi sinh ra đến khi chết như khai sinh, kết hôn, ly hôn, nuôi con nuôi, giám hộ, thay đổi, cải chính hộ tịch, khai tử… đều được đăng ký và được quản lý chặt chẽ.

Ở nước ta, vấn đề đăng ký và quản lý hộ tịch được thực hiện từ rất sớm (thời nhà Trần). Trải qua các thời kỳ phong kiến, thực dân, hộ tịch luôn gắn với vấn đề quản lý con người (“đinh”) bên cạnh vấn đề quản lý đất đai (“điền”) - là hai vấn đề đã từng được thực hiện một cách bài bản, có hệ thống. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tục duy trì và phát triển. Theo tinh thần Sắc lệnh số 47/SL ngày 10/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thể lệ đăng ký hộ tịch đã được quy định trong Bộ Dân luật giản yếu được áp dụng ở Nam kỳ, Hoàng Việt hộ luật được áp dụng ở Trung kỳ và Dân luật Bắc kỳ tiếp tục được áp dụng ở Việt Nam. Điều đó cho thấy công tác hộ tịch đóng vai trò quan trọng và luôn được duy trì trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Ngày 08/5/1956, Chính phủ ban hành Nghị định số 764/TTg kèm theo Bản Điều lệ hộ tịch. Ngày 16/01/1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 04/CP kèm theo Bản Điều lệ đăng ký hộ tịch mới thay thế Nghị định số 764/TTg. Bước vào thời kỳ đổi mới, căn cứ vào quy định của Bộ luật dân sự, Luật hôn nhân và gia đình và các luật liên quan khác, Chính phủ đã ban hành 8 Nghị định điều chỉnh lĩnh vực hộ tịch (cả hộ tịch trong nước và hộ tịch có yếu tố nước ngoài). 

Thực hiện các văn bản nêu trên, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở nước ta đã có những bước phát triển ổn định, đạt được những kết quả quan trọng. Công tác xây dựng thể chế được tăng cường; việc phổ biến, giáo dục pháp luật về hộ tịch ngày càng được coi trọng. Hệ thống cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch từ Trung ương đến cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn, nhờ đó đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân, trong đó nhiều việc có yếu tố nước ngoài. Trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch cũng từng bước được đơn giản hóa, ngày càng tạo thuận lợi cho người dân. Dữ liệu hộ tịch được hình thành với hệ thống sổ sách hộ tịch được lưu trữ, sử dụng lâu dài. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ tịch được triển khai ở nhiều địa phương... Với những kết quả đã đạt được, công tác hộ tịch ngày càng khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng đối với quản lý nhà nước và xã hội, góp phần bảo đảm ngày một tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, với việc dịch chuyển dân cư trong nước và quốc tế ngày càng gia tăng, thì công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí yếu kém, trong đó nổi lên là:

- Chất lượng công tác đăng ký hộ tịch chưa cao, vẫn còn nhiều sai sót, có việc gây bức xúc, nhất là tình trạng lợi dụng đăng ký hộ tịch nhằm động cơ vụ lợi, hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước có dấu hiệu gia tăng;

- Hiệu quả công tác quản lý hộ tịch chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều trường hợp cơ quan quản lý và đăng ký hộ tịch không nắm được đầy đủ dữ liệu hộ tịch cá nhân; công tác hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra, thanh tra chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời;

- Công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa giấy tờ hộ tịch tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết các yêu cầu hộ tịch;

- Phương thức đăng ký hộ tịch còn mang tính thủ công; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ tịch còn chưa đồng đều, cơ sở dữ liệu hộ tịch còn phân tán, không xâu chuỗi, kết nối được với nhau, khả năng tra cứu, khai thác phục vụ yêu cầu của người dân và của cơ quan, tổ chức rất hạn chế;

- Trình độ năng lực của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch chưa đáp ứng được yêu cầu…

Những hạn chế, yếu kém trên đây đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, làm giảm hiệu quả quản lý dân cư, quản lý nhà nước và xã hội. Trên phương diện quốc tế, trong nhiều trường hợp, giấy tờ hộ tịch chưa có sự tin cậy cao đối với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, thậm chí một số nước chưa tin tưởng giấy tờ hộ tịch của Việt Nam, đã ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân xuất phát từ chính các quy định của pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch, cụ thể là:

Thứ nhất, đăng ký, quản lý hộ tịch là hoạt động nhằm tạo điều kiện cho người dân trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ cơ bản của mình được quy định trong Hiến pháp, Bộ luật dân sự, các đạo luật có liên quan, nhưng đến nay, lĩnh vực này mới chỉ được điều chỉnh bằng các Nghị định, Thông tư, chưa được điều chỉnh ở tầm văn bản luật, nên tính ổn định thấp, hiệu lực thi hành còn hạn chế. 

Thứ hai, quy định của pháp luật hiện hành về phân cấp quản lý, đăng ký hộ tịch còn nhiều bất cập. Hiện nay, cả ba cấp chính quyền (tỉnh, huyện, xã) đều có thẩm quyền đăng ký hộ tịch dẫn đến chồng chéo, không rõ ràng giữa chức năng quản lý và đăng ký hộ tịch. Ở nhiều địa phương, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp chỉ chú ý đến nhiệm vụ đăng ký, ít quan tâm đến nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân cấp mình thực hiện quản lý nhà nước về công tác hộ tịch.

Thứ ba, trình tự, thủ tục đăng ký các việc hộ tịch theo pháp luật hiện hành còn rườm rà, bất cập, nhiều quy định còn thiên về việc tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước hơn là tạo thuận lợi cho người dân. Việc tồn tại nhiều loại sổ sách, giấy tờ về hộ tịch đã gây bất lợi, tạo nhiều áp lực cho cả cơ quan nhà nước và người dân trong việc lưu giữ, bảo quản, sử dụng.

Thứ tư, pháp luật hiện hành chưa có quy định mang tính đột phá, tạo hành lang pháp lý trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch và xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử nhằm tăng cường khả năng tra cứu, khai thác dữ liệu hộ tịch phục vụ yêu cầu của người dân và của cơ quan, tổ chức.

Nhằm tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, khắc phục nguyên nhân gây ra những bất cập, hạn chế như trên, nhất là trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 với nhiều quy định mới đề cao quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác này theo hướng từng bước chuyên nghiệp, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, việc ban hành Luật hộ tịch là rất cần thiết. Đây cũng là chủ trương đã được xác định tại Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

II. NHỮNG NỘI DUNG MỚI CƠ BẢN CỦA LUẬT HỘ TỊCH

Luật hộ tịch chủ yếu luật hóa các quy định hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đồng thời quy định một số nội dung mới theo hướng đơn gián hóa thủ tục hành chính, minh bạch, hiện đại gắn kết với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch, nhằm đảm bảo lợi ịch của người dân và tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch. So với quy định pháp luật hộ tịch hiện hành, Luật Hộ tịch có những nội dung mới cơ bản sau đây:

1. Khẳng định ví trí, vai trò của công tác đăng ký hộ tịch, nhất là đăng ký khai sinh, cấp Giấy khai sinh và Số định danh cá nhân cho người được khai sinh khi đăng ký khai sinh. Theo Luật căn cước công dân, Số định danh cá nhân được cấp cho mỗi công dân Việt Nam (nhằm mã hóa những thông tin cơ bản của công dân), không lặp lại ở người khác, được quản lý trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đối với người dưới 14 tuổi, Số định danh cá nhân được ghi vào Giấy khai sinh và đây chính là số thẻ căn cước công dân của người đó khi đủ tuổi được cấp Thẻ căn cước công dân. Đó là quy định mang tính đột phá trong công tác quản lý hộ tịch và quản lý dân cư, là tiền đề quan trọng để tiến tới mục tiêu cắt giảm nhiều loại giấy tờ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân khi tham gia giao dịch, thực hiện thủ tục hành chính.

2. Luật quy định xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân (cùng với cơ sở dữ liệu giấy), kết nối để cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, thông tin hộ tịch của cá nhân sẽ được quản lý tập trung, thống nhất; các Bộ, ngành, địa phương sử dụng thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý của Bộ, ngành, địa phương mình (mà không phải nhập lại), cũng như giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

3. Luật có những quy định cải cách mạnh mẽ về trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân (như: đơn giản hóa và cắt giảm nhiều giấy tờ không cần thiết khi đăng ký hộ tịch; cải tiến phương thức nộp hồ sơ để người dân lựa chọn – nộp trực tiếp, gửi qua bưu chính hoặc qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến khi điều kiện cho phép; giảm thời hạn giải quyết đối với hầu hết các việc hộ tịch). Luật hộ tịch cũng quy định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây. Cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống. Khi đăng ký hộ tịch, người dân được cấp trích lục hộ tịch. Đối với một số việc hộ tịch quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân là khai sinh, kết hôn, Luật hộ tịch quy định sau khi đăng ký người dân vẫn được cấp bản chính Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.

4. Luật quy định rõ việc miễn lệ phí Đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật; đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.

5. Quán triệt quan điểm phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương/cơ sở, Luật quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết toàn bộ các việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài; thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú trong nước, xác định lại dân tộc, trừ việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam; kết hôn, nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam, khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định lâu dài tại khu vực biên giới của Việt Nam. Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký các việc hộ tịch còn lại. Quy định này nhằm phát huy tối đa năng lực, trách nhiệm của chính quyền địa phương; bảo đảm tăng cường vai trò quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tiến tới mục tiêu lâu dài là phân cấp triệt để thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho chính quyền cơ sở khi điều kiện cho phép.

6. Luật quy định rõ tiêu chuẩn, trình độ của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch, nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ này, tăng cường trách nhiệm và tính chuyên nghiệp, hạn chế sai sót, vi phạm; làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp về công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và những sai phạm trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch tại địa phương do buông lỏng quản lý.

Thực hiện Kế hoạch tuyên truyền, giáo dục pháp luật của thị xã, trong 2 ngày 13 và 14/8/2015 Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thị xã phối hợp với Sở Tư pháp và TTBDCT thị xã triển khai Luật Hộ tịch cho lãnh đạo chủ chốt của thị xã, các xã, phường làm cơ sở để tiếp tục phổ biến những quy định của Luật đến người dân trong và ngoài nước, góp phần nâng cao nhận thức để đưa Luật vào cuộc sống, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích của người dân./.

Trương Cường
Các tin khác
Xem tin theo ngày