Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.548.641
Truy cập hiện tại 5.106 khách
Hướng dẫn đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài
Ngày cập nhật 05/05/2015

Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 02a/2015/TT-BTP hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 126/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Thông tư quy định, hồ sơ đăng ký kết hôn được thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Nghị định số 126/2014/NĐ-CP và được hướng dẫn như sau: Về tờ khai đăng ký kết hôn, mỗi bên phải làm Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định. Trường hợp cả 2 bên có mặt khi nộp hồ sơ thì chỉ cần làm 1 Tờ khai đăng ký kết hôn, ghi thông tin của 2 bên nam, nữ; ký, ghi rõ họ tên của 2 người.

Nếu Tờ khai đăng ký kết hôn đã có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam thì không phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Nếu đã có Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì không phải xác nhận vào Tờ khai đăng ký kết hôn.

Khi nộp hồ sơ, người có yêu cầu đăng ký kết hôn phải xuất trình giấy tờ chứng minh về nhân thân như: Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế khác đã ghi trong Tờ khai đăng ký kết hôn để kiểm tra, đối chiếu.

Về giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài (không đồng thời có quốc tịch nước ngoài) nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện tại nước mà người đó cư trú hoặc giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, nơi người đó cứ trú cấp. Đối với người không quốc tịch cư trú ổn định lâu dài tại Việt Nam phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND cấp xã, nơi người đó cư trú cấp.

Phỏng vấn, xác minh hồ sơ đăng ký kết hôn

Sở Tư pháp chỉ đề nghị cơ quan Công an cùng cấp xác minh trong trường hợp xét thấy việc kết hôn có vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; có dấu hiệu xuất, nhập cảnh trái phép, buôn bán người, môi giới kết hôn trái pháp luật, kết hôn giả tạo nhằm mục đích xuất cảnh, trục lợi hoặc vấn đề khác liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Công an.

Trường hợp bên nam hoặc bên nữ có lý do chính đáng mà không thể có mặt để phỏng vấn vào ngày được thông báo thì phải có văn bản đề nghị chuyển việc phỏng vấn sang ngày khác, văn bản đề nghị phải nêu rõ lý do không thể có mặt và ngày đề nghị phỏng vấn lần sau. Ngày phỏng vấn lần sau không được quá 30 ngày, kể từ ngày hẹn phỏng vấn trước.

Tổ chức lễ đăng ký kết hôn

Việc tổ chức lễ đăng ký kết hôn được thực hiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định 126/2014/NĐ-CP và được hướng dẫn như sau: Khi tổ chức lễ đăng ký kết hôn, cả 2 bên nam, nữ phải có mặt và xuất trình giấy tờ chứng minh về nhân thân.

Trường hợp có lý do chính đáng mà 2 bên nam, nữ không thể có mặt để tổ chức lễ đăng ký kết hôn vào ngày Sở Tư pháp ấn định thì phải có văn bản đề nghị Sở Tư pháp gia hạn thời gian tổ chức lễ đăng ký kết hôn và nêu rõ lý do không thể có mặt. Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo cho người đề nghị gia hạn biết thời hạn gia hạn không được quá 90 ngày, kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn.

Nguyễn Mạnh Hà
Các tin khác
Xem tin theo ngày