Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.506.688
Truy cập hiện tại 8.017 khách
Khó khăn trong việc thu gom rác ở nông thôn
Ngày cập nhật 12/11/2013

 Thời gian qua, công tác thu gom rác thải sinh hoạt ở các vùng nông thôn đã được các địa phương trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh, từng bước hạn chế tình trạng vứt rác thải tràn lan. Tuy nhiên, hoạt động thu gom rác thải ở nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, cần tập trung các giải pháp khắc phục.

 Rác thải, xác súc vật tiện tay vứt ra ven đường; nước thải sinh hoạt xả thẳng xuống kinh rạch; chai, lọ đựng nông dược vứt bừa bãi ở vườn, ruộng… Đó là hình ảnh  vẫn  thấy ở một số  vùng nông thôn hiện nay. Tình trạng xả rác bừa bãi này do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Ý thức về bảo vệ môi sinh, môi trường trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân chưa cao...và do cơ sở Hạ tầng, bãi rác tập trung chưa có hoặc ở cách quá xa khu dân cư, phương tiện thu gom rác chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu xử lý rác thải ngày càng cao của Cộng đồng dân cư. Ngoài ra, hiện nay ở các vùng dân cư nông thôn mặc dù đã hình thành đội thu gom rác nhưng do kinh phí thu không đủ chi nên họ chỉ làm việc mỗi tuần thu một hoặc hai lần để tiết kiệm chi phí. Do đó rác thải không được xử lý triệt để. Ngoài ra, cũng do thiếu kinh phí và các phương tiện thu gom chưa đảm bảo nên rác thải chủ yếu được đưa vào bãi trung chuyển rồi mới thuê các phương tiện của Cty TNHH nhà nước một thành viên môi trường và đô thị Huế xử lý. 


Trung bình mỗi ngày, toàn tỉnh có khoảng 200 tấn rác thải sinh hoạt thải ra môi trường. Trong đó, khoảng 50% rác ở các khu vực trung tâm được thu gom. Thế nhưng, tỷ lệ rác được xử lý bảo đảm công nghệ, kỹ thuật là không có mà chủ yếu được xử lý sơ bộ ban đầu như đốt, chôn lấp, rắc vôi bột ở các bãi rác trung chuyển. Còn ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, việc xử lý rác thải vẫn chỉ dừng lại ở việc tùy tiện vứt rác ra môi trường xung quanh chứ chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải. 

Tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh, nhiều đại biểu cũng đã đặt vấn đề tình hình tổ chức thu gom rác thải đang còn rất hạn chế; tình trạng rác thải tràn lan, gây ô nhiễm môi trường vẫn đang là vấn đề khá bức xúc, nhất là ở khu vực nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh mới có 89/152 (58,5%) các phường, xã, thị trấn đã tổ chức thu gom rác đối với hộ dân cư. Riêng khu vực nông thôn tỷ lệ này mới đạt 40%. Trong 92 xã xây dựng NTM mới, hiện mới có 6 xã đạt tiêu chuẩn về môi trường (tỷ lệ 6,5%). Trong 28 xã điểm xây dựng NTM giai đoạn 2013 – 2015 cũng chỉ có 5 xã đạt (tỷ lệ 17,8%). Tình trạng lượng rác thải khu vực nông thôn đang tăng nhanh, thành phần đa dạng,... khiến tình hình ô nhiễm môi trường do rác thải ở nông thôn trở thành vấn đề nghiêm trọng. 

Ông Nguyễn Đình Đấu- Giám đốc Sở tài nguyên và môi trường cho biết “Sở tài nguyên và môi trường cũng đã huy động các nguồn lực để hỗ trợ các địa phương trong công tác xử lý rác thải nông thôn. Ngoài ra, hiện nay đơn vị cũng đã hoàn thành quy hoạch đề án xử lý rác thải đến năm 2030. Với việc triển khai quy hoạch và xử lý rác thải, trong thời gian tới vấn đề này sẽ có những cải thiện tích cực hơn”. 

Như vậy, ngoài nguyên nhân thiếu kinh phí đầu tư thì người dân chưa thực sự quan tâm chưa thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường. Đó là vấn đề trước mắt và lâu dài nếu không sớm có biện pháp xử lý thì tình trạng ô nhiễm môi trường ở  nông thôn do rác thải sẽ diễn ra ngày càng trầm trọng. Vì vậy, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, các địa phương cũng cần có các chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, huy động mọi nguồn lực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động cải tạo, bảo vệ môi trường, như vậy mới hạn chế được những khó khăn trong việc thu gom rác ở nông thôn như hiện nay.
 
TTung
(theo trt.com.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày