Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.584.564
Truy cập hiện tại 4.412 khách
Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đất đai đối với 04 Công ty, Doanh nghiệp sản xuất, tái chế nhựa, giấy trên địa bàn thị xã Hương Thuỷ
Ngày cập nhật 27/11/2014

Ngày 26/11/2014, Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh có Kết luận số 95/TB-TNMT-TTr về Kết luận Thanh tra về bảo vệ môi trường, đất đai đối với 04 Công ty, Doanh nghiệp sản xuất, tái chế nhựa, giấy trên địa bàn thị xã Hương Thuỷ
 

Theo đó, xét báo cáo Kết quả thanh tra số 06/BC-ĐTTr ngày 17/11/2014 của Đoàn Thanh tra được thành lập theo Quyết định số 106/QĐ-TNMT-TTr ngày 09/5/2014 của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường “về việc thành lập Đoàn thanh tra, Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đất đai đối với 04 Công ty, Doanh nghiệp sản xuất, tái chế nhựa, giấy trên địa bàn thị xã Hương Thuỷ”; Sở Tài nguyên và Môi trường Kết luận thanh tra đối với 04 Công ty, Doanh nghiệp sản xuất, tái chế nhựa, giấy trên địa bàn thị xã Hương Thuỷ như sau:

1. Công ty TNHH sản xuất các loại giấy Như Ý (Dự án đầu tư nhà xưởng sản xuất các loại giấy Như Ý)
1.1 Thông tin chung
- Tên cơ sở: Công ty TNHH sản xuất các loại giấy Như Ý
- Người đại diện: ông Nguyễn Trọng Nghiêm; Chức vụ: Giám đốc.
- Loại hình doanh nghiệp: Công ty TNHH
- Địa chỉ: Cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề Thủy Phương, thuộc tổ 12, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy.
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH hai thành viên trở lên số 3102000161, đăng ký lần đầu ngày 02/4/2003, đăng ký thay đổi lần thứ 4 ngày 13/4/2011 do Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cấp.
- Loại hình sản xuất: Tái chế giấy phế liệu để sản xuất giấy các loại (chủ yếu là giấy làm nguyên liệu để sản xuất vàng mã, giấy gói hàng hoá);
- Năm hoạt động: 2004
- Tóm tắt quy trình sản xuất:
Giấy phế liệu -> phân loại -> nghiền bột -> dây chuyền Seo -> giấy thành phẩm.
- Sản phẩm: Giấy làm nguyên liệu để sản xuất vàng mã, giấy gói hàng hoá
- Công suất hoạt động: 6 tấn/ngày đêm
- Công suất thiết kế: 10 tấn/ngày đêm
- Tình trạng thiết bị hiện nay: Công nghệ cũ
- Số lượng dây chuyền hiện tại: 05 (trong đó 04 dây chuyền được đầu tư lắp đặt thêm vào năm 2012)
- Hóa chất sử dụng: Phẩm màu các loại khoảng 50 kg/tháng, chất chống sát lô giấy (dầu ăn thải, sáp farafin), khối lượng khoảng: 1,5 tấn/ tháng.
- Số lượng nhân viên: 70 người.
- Nhiên liệu: Nhiên liệu đốt cho nồi hơi gồm củi và trấu.
- Nguyên liệu: Giấy phế liệu (6,5 tấn /ngày đêm)
- Lượng nước sử dụng trung bình: 3m3/ngày đêm; nguồn nước: Nước giếng khoan (04 giếng, độ sâu 30-40m).
1.2 Tình hình chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đất đai
1.2.1 Lĩnh vực bảo vệ môi trường
Về thủ tục cam kết bảo vệ môi trường: Công ty đã có Bản cam kết bảo vệ môi trường ”Dự án đầu tư nhà xưởng sản xuất các loại giấy Như Ý” được UBND huyện Hương Thủy (nay là thị xã Hương Thủy), tỉnh Thừa Thiên Huế xác nhận theo Giấy xác nhận số 08/UBND-TN&MT ngày 07/7/2008. Tuy nhiên, hiện nay dự án đã nâng công suất, dây chuyền sản xuất (năm 2012 lắp đặt mới 04 dây chuyền và 03 lò hơi). Ngày 22/4/2013, Công ty đã ký hợp đồng với Trạm quan trắc và phân tích môi trường Thừa Thiên Huế để lập Đề án bảo vệ môi trường chi tiết cho dự án.
Về giám sát môi trường định kỳ: Công ty đã thực hiện việc giám sát môi trường định kỳ năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014.
Về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp: Công ty thuộc trường hợp phải nộp phí cố định với mức thu phí là 1.500.000 đồng/năm, tuy nhiên từ trước đến nay, Công ty không thực hiện việc nộp phí.
Về chất thải phát sinh và các biện pháp giảm thiểu:
- Về nước thải: Nước phục vụ sản xuất được Công ty sử dụng tuần hoàn nhưng không triệt để, có thất thoát, rò rỉ ra môi trường với khối lượng trung bình: 1,2m3/ngày. Nước thải được thải ra hồ nước phía sau Công ty (trong khuôn viên đất của Công ty) sau đó chảy ra khe Cầu Đôi chảy về hồ Châu Sơn, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy.
- Về khí thải: Phát sinh từ hoạt động của 04 lò hơi (công suất 1.000kg/h/lò), nguyên liệu đốt là củi và trấu. Theo đại diện Công ty báo cáo khí thải được xử lý qua bể lọc ướt, tuy nhiên thực tế đây chỉ là hầm kín thu bụi không có nước, nên không thu được các hạt bụi có kích thước nhỏ, nhẹ khi dòng khí có lưu tốc lớn. Công ty đã đầu tư lắp mới ống khói có đường kính 600mm, chiều cao 15m tại khu vực 03 lò hơi.
- Chất thải rắn thông thường: Chủ yếu gồm xỉ than lò hơi và ni lông, băng keo được tách ra từ quá trình phân loại giấy, đánh sạch bột cặn thu từ bể trộn (phần bột giấy tách ra được tái sử dụng). Phần chất thải này được Công ty xử lý như sau: Xỉ than lò hơi, phát sinh trung bình 4-5tấn/tháng, Công ty cho các hộ dân có nhu cầu; ni lông và băng keo các loại phát sinh trung bình khoảng 01 tấn/năm, Công ty bán cho các Doanh nghiệp tái chế nhựa.
- Chất thải nguy hại: Phát sinh gồm: Bóng đèn huỳnh quang thải 12kg/năm; các loại dầu mỡ thải 36kg/năm; giẻ lau thải bị nhiễm các thành phần nguy hại 120kg/năm. Công ty đã đăng ký và được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại số 46.000151.T ngày 29/01/2014. Hiện tại, Công ty lưu giữ tạm các loại chất thải này trong các thùng phuy màu xanh (loại 200 lít) để cạnh khu vực tập kết giấy nguyên liệu. Hiện Công ty đang xây dựng kho lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại.
Tại thời điểm thanh tra, Công ty không bố trí điểm tập kết chất thải rắn phát sinh. Xỉ than lò đốt và các loại chất thải rắn phát sinh được thải trên bờ hồ nước trong khuôn viên đất của Công ty. Nước thải được đưa qua bể lắng sau đó thải vào hồ nước, tuy nhiên thực tế nước thải chưa được thu gom triệt để, còn để chảy tràn tại một số khu vực trong khuôn viên sản xuất (bể trộn, máy bơm và khu vực seo). Khu vực tập kết bùn bột giấy, sân phơi không có tường bao để nước chảy tràn.
Kết quả phân tích mẫu: Đoàn đã tiến hành lấy 01 mẫu nước thải và 02 mẫu khí thải, kết quả phân tích mẫu đối với các thông số chính như sau:
+ Kết quả phân tích mẫu nước thải so sánh với QCVN 40:2011/BTNMT, cột B và QCVN 12:2008/BTNMT, cột B1, với Kq=0,6 và Kf=1,2 có thông số: BOD5=644mg/l, vượt 18,5 lần; COD=1.416mg/l, vượt 9,8 lần; sắt = 10,2mg/l, vượt 2,8 lần, TSS = 788mg/l, vượt 10,9 lần; Màu = 2.690Pt/Co, vượt 26,9 lần.
+ Kết quả phân tích 02 mẫu khí thải so sánh với QCVN 19:2009/BTNMT, với Kv=1,0 và Kp=1,0 có thông số: CO=1.820mg/Nm3 của 01 mẫu khí, vượt 1,8 lần.
1.2.2. Lĩnh vực đất đai
* Về việc sử dụng đất: Công ty được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 1362/QĐ-UB ngày 26/05/2003 với diện tích 5.171m2, tọa lạc tại Thôn 7 xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy (nay là Tổ 12, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thuỷ) để sử dụng vào mục đích làm nhà máy sản xuất giấy các loại; đã Hợp đồng thuê đất (số 21/HĐTĐ ngày 23/5/2008 được ký kết giữa Công ty và Sở Tài nguyên và Môi trường), thời hạn thuê đất là 40 năm kể từ ngày 21/5/2003, giá tiền thuê đất 4.927đồng/m2/năm, giá tiền thuê đất này được ổn định 05 năm kể từ ngày 01/01/2006.
* Về hiện trạng sử dụng đất: Công ty đã tiến hành xây dựng nhà xưởng, nhà điều hành, nhà nghỉ giữa ca cho công nhân và các công trình phụ trợ. Ngoài ra, hồ nước nằm trong khuôn viên đất của Công ty chưa được san lấp, Công ty đã đổ chất thải rắn và nước thải sản xuất vào hồ nước này. Qua kiểm tra mốc giới thửa đất và theo Bản đồ địa chính khu đất tỉ lệ 1:500 lập năm 2003 cho thấy: Công ty đã xây dựng 2 nhà (nhà điều hành kích thước 6,5m x15,7m và nhà nghỉ giữa ca kích thước 6m x 9m) nằm ngoài khuôn viên đất của Công ty được UBND tỉnh cho thuê (nằm trong lộ giới đường phía Tây Huế).
* Về việc nộp tiền thuê đất: Công ty đã nộp tiền thuê đất đến năm 2013, tính đến ngày 25/8/2014 Công ty còn nợ 8.346.000 đồng tiền thuê đất trong năm 2014.
1.3 Kết luận
- Ưu điểm: Công ty đã thực hiện việc giám sát môi trường định kỳ năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014; đã được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại và đã được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 1362/QĐ-UB ngày 26/05/2003.
 - Các vi phạm và tồn tại:
Về môi trường:
+ Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 05 m3/ngày (24 giờ), vi phạm Điểm a, Khoản 4, Điều 13, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Nghị định số 179/2013/NĐ-CP). Ngoài ra, Công ty còn có 2 thông số môi trường khác vượt quy chuẩn kỹ thuật trên 10 lần, 01 thông số môi trường khác vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 05 đến dưới 10 lần, 01 thông số môi trường khác vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 đến dưới 05 lần. Trước đó vào tháng 01/2014 Đoàn kiểm tra liên ngành do Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh chủ trì qua kiểm tra đã phát hiện và lập biên bản đối với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên đối với Công ty, nhưng đến nay Công ty không khắc phục mà vẫn tiếp tục vi phạm.
+ Xả khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 02 lần trong trường hợp lưu lượng khí thải nhỏ hơn 500 m3/giờ, vi phạm Điểm a, Khoản 3, Điều 15, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP.
+ Năm 2012 Công ty mở rộng dây chuyền sản xuất (tăng thêm 04 dây chuyền sản xuất), thay đổi quy mô sản xuất, lắp đặt mới 03 lò hơi làm gia tăng chất thải, nước thải và khí thải phát sinh; tăng mức độ tác động xấu đến môi trường  nhưng không lập lại Báo cáo Đánh giá tác động môi trường cho dự án, vi phạm: Điểm c, Khoản 3, Điều 12 Nghị định số 29/2011/NĐ-BTNMT ngày 18/4/2011 Quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường; Khoản 2, Điều 12, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo kiến nghị của Đoàn Thanh tra và hiện nay Công ty đang lập lại Đề án bảo vệ môi trường đối với dự án, do đó Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tạm hoãn việc lập thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trên cho đến hết ngày 31/12/2014 (hết thời gian cho phép lập đề án bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định 35/2014/NĐ-CP). Đến hết thời hạn trên, Công ty vẫn chưa có Đề án bảo vệ môi trường thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
+ Công ty chưa nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải
Về đất đai: Lấn đất khi xây dựng công trình ngoài khuôn viên đất (trong khu vực lộ giới đường phía Tây Huế) được UBND tỉnh cho thuê, vi phạm khoản 1, Điều 9, Nghị định 105/2009 ngày 11/11/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
1.4 Biện pháp xử lý
- Xử lý vi phạm hành chính:
Đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường: Căn cứ vào các quy định của pháp luật, yêu cầu Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường lập thủ tục xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
- Các yêu cầu và biện pháp khắc phục hậu quả:
Yêu cầu Công ty phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật; xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường; nghiêm túc chấp hành việc nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; khắc phục ngay các vi phạm và tồn tại nêu trên. Báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/12/2014.
Đề nghị Công ty, trước mắt cần liên hệ với Trạm quan trắc, Chi cục bảo vệ môi trường để có các biện pháp bảo vệ môi trường phù hợp với đề án bảo vệ môi trường đang lập.
Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc Công ty phải chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường do có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành theo quy định tại Điểm c, Khoản 7, Điều 13 và Điểm c, Khoản 8, Điều 15 Nghị định số 179/2013/NĐ-CP, với số tiền là 3.910.000 đồng trong đó: nước thải là 1.448.000 đồng; khí thải là 2.462.000 đồng.
Về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải: Yêu cầu Chi cục Bảo vệ môi trường đôn đốc, truy thu số phí mà Công ty phải nộp.
Về đất đai: Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND thị xã Hương Thủy yêu cầu Công ty tháo dỡ công trình đã xây dựng trên phần đất lấn và buộc khôi phục lại tình trạng của đất, trả lại hiện trạng ban đầu của đất như trước khi vi phạm.
- Công khai thông tin: Sở Tài nguyên và Môi trường công khai thông tin về tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường, chấp hành pháp luật về đất đai của Công ty trên trang thông tin điện tử của Sở (Web: http://stnmt.hue.gov.vn/ ).
Trong quá trình hoạt động, yêu cầu Công ty: Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đất đai; vệ sinh xưởng sản xuất tránh để nước chảy tràn gây ô nhiễm môi trường; trong thời gian sớm nhất hoàn tất Đề án bảo vệ môi trường cho Dự án và xây lắp các công trình xử lý môi trường theo đúng Đề án bảo vệ môi trường đã được lập lại.

2. Công ty TNHH Hà Xuyên (Dự án dây chuyền sản xuất Krapt)
2.1 Thông tin chung
- Tên cơ sở: Nhà máy sản xuất giấy Krapt thuộc Công ty TNHH Hà Xuyên;
- Loại hình doanh nghiệp: Công ty TNHH
- Người đại diện: Ông Trương Văn Sự - Giám đốc Công ty; ông Nguyễn Ngọc Ưa - Người đứng đầu Nhà máy.
- Địa chỉ: Cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề Thủy Phương, thuộc tổ 12, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy.
- Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động Nhà máy số 2300240616-001, đăng ký lần đầu ngày 18/3/2003, đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 09/2/2011 do Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cấp.
- Loại hình sản xuất: Tái chế giấy phế liệu để sản xuất giấy các loại
- Năm hoạt động: 2006
- Tóm tắt quy trình sản xuất: Giấy phế liệu -> phân loại -> nghiền bột -> dây chuyền Seo -> giấy thành phẩm.
- Sản phẩm: Giấy làm nguyên liệu để sản xuất vàng mã, giấy gói hàng hoá
- Công suất hoạt động: 700 kg/ngày đêm
- Công suất thiết kế: 1.500 kg/ngày đêm
- Tình trạng thiết bị hiện nay: Công nghệ cũ
- Số lượng dây chuyền hiện tại: 02
- Hóa chất sử dụng: Phẩm màu 20 kg/tháng; chất chống dính (khối lượng 150kg/tháng) và dầu nhờn thải (khoảng 50 lít/tháng) được sử dụng để chống dính sát lô giấy.
- Số lượng nhân viên: 10 người.
- Nhiên liệu: Nhiên liệu đốt cho nồi hơi gồm vải vụn (mua lại từ các Công ty may trên địa bàn với số lượng khoảng 1,5 tấn/tháng), củi và trấu.
- Nguyên liệu: Giấy phế liệu (1 tấn /ngày đêm)
- Lượng nước sử dụng trung bình: 3m3/ngày; nguồn nước: Hồ đào trong khuôn viên Nhà máy và hồ cá của hộ gia đình kế bên Nhà máy.
2.2 Tình hình chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đất đai
2.2.1 Lĩnh vực bảo vệ môi trường
Về thủ tục về bảo vệ môi trường: Nhà máy đã có Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường ”Dự án dây chuyền sản xuất Krapt, thôn 7, xã Thuỷ Phương, huyện Hương Thuỷ, Công ty TNHH Hà Xuyên” và được Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường xác nhận tại Phiếu xác nhận số 32/2002/XN-MTg ngày 18/11/2002.
Về giám sát môi trường định kỳ: Nhà máy đã thực hiện việc giám sát môi trường định kỳ đến tháng 6/2014.
Về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp: Công ty thuộc trường hợp phải nộp phí cố định với mức thu phí là 1.500.000 đồng/năm, tuy nhiên từ trước đến nay, Công ty không thực hiện việc nộp phí.
Về chất thải phát sinh và các biện pháp giảm thiểu:
- Về nước thải: Nước phục vụ sản xuất được Nhà máy sử dụng tuần hoàn nhưng quá trình này không triệt để, để thất thoát, rò rỉ và chảy tràn qua ống xả tràn tại bể lắng cuối hệ thống xử lý nước thải, ngoài ra còn có nước thải vệ sinh máy móc; khối lượng phát sinh trung bình: 2,5m3/ngày. Nước thải được thải ra khe nước kế bên Nhà máy, sau đó chảy ra khe Cầu Đôi rồi chảy về hồ Châu Sơn. Công ty đã xây dựng 04 bể lắng để xử lý nước thải.
- Về khí thải: Phát sinh từ hoạt động của 02 lò hơi (công suất 1.000kg/h/lò), nguyên liệu đốt là củi, trấu và vải vụn phế liệu. Hệ thống lò hơi không có hệ thống xử lý khí thải, thải trực tiếp ra môi trường.
- Chất thải rắn thông thường: Chủ yếu gồm xỉ than lò hơi, ni lông, băng keo được tách ra từ quá trình phân loại giấy. Phần chất thải này được Công ty xử lý như sau: Xỉ than lò hơi, phát sinh trung bình 1,5 tấn/tháng, Công ty cho các hộ dân có nhu cầu thu gom làm phân bón; ni lông và băng keo, vải vụn phát sinh trung bình khoảng 03 m3/tháng, Công ty hợp đồng với Công ty cổ phần Đầu tư-Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (địa chỉ : Tổ 12, phường Thuỷ Phương, thị xã Hương Thuỷ) theo hợp đồng số 02/HĐKT-CNTSN ngày 13/3/2014 để xử lý.
- Chất thải nguy hại: Phát sinh gồm: Bóng đèn huỳnh quang thải 12kg/năm; các loại dầu mỡ thải 36kg/năm; giẻ lau thải bị nhiễm các thành phần nguy hại 120kg/năm. Nhà máy đã đăng ký và được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại số 46.000122.T ngày 11/10/2012. Hiện tại, Nhà máy lưu giữ tạm các loại chất thải này tại kho riêng trong khuôn viên Nhà máy; các loại chất thải được phân loại và chứa trong các thùng phuy màu xanh (loại 50 lít).
Tại thời điểm thanh tra, Nhà máy không bố trí điểm tập kết chất thải rắn phát sinh. Xỉ than lò đốt và các loại chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất được gom thành đống và để cạnh khu vực nguyên liệu. Ngoài ra, một phần xỉ than Nhà máy đổ bên mép khe nước kế bên khuôn viên đất của Nhà máy. Nước thải được Nhà máy xử lý qua 04 bể lắng, có máy bơm để bơm nước sử dụng tuần hoàn cho sản xuất, phần nước không tuần hoàn hết được thải vào rãnh nước lộ thiên trong khuôn viên Nhà máy qua ống xả tràn ở bể lắng cuối, rồi chảy vào khe tự nhiên nằm sau khu đất của Nhà máy, chảy ra khe Cầu Đôi rồi chảy về hồ Châu Sơn. Trong khu vực sản xuất, nước thải chưa được thu gom triệt để, còn để chảy tràn tại một số khu vực như bể trộn, máy bơm và khu vực seo.
Kết quả phân tích mẫu: Đoàn đã tiến hành lấy 01 mẫu nước thải và 01 mẫu khí thải, kết quả phân tích mẫu đối với các thông số chính như sau:
+ Kết quả phân tích mẫu nước thải so sánh với QCVN 40:2011/BTNMT, cột B và QCVN 12:2008/BTNMT, cột B1, với Kq=0,9 và Kf=1,2 có thông số: COD=365mg/l, vượt 1,7 lần; Màu = 1.452Pt/Co, vượt 14,5 lần.
+ Kết quả phân tích 01 mẫu khí thải so sánh với QCVN 19:2009/BTNMT, với Kv=1,0 và Kp=1,0 có thông số: H2S=14.1mg/Nm3, vượt 1,9 lần.
2.2.2 Lĩnh vực đất đai
- Về việc sử dụng đất: Công ty được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 3487/QĐ-UB ngày 31/12/2002 và Hợp đồng thuê đất số 09/HĐTĐ ngày 12/3/2008 được ký giữa Công ty và Sở Tài nguyên và Môi trường với diện tích 5.720m2, mục đích sử dụng: Làm nhà máy sản xuất KRAPT, thời hạn thuê đất là 30 năm kể từ ngày 31/12/2002. Công ty đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AI 883437, cấp ngày 02/5/2008 với diện tích 5.720m2; trong đó, có 925 m2 đất thuộc lộ giới của đường phía Tây Huế.
- Về hiện trạng sử dụng đất: Công ty đã xây dựng nhà xưởng với diện tích khoảng 700m2; 01 nhà ở diện tích khoảng 60m2 (xây dựng trước năm 2008)  nằm trong lộ giới đường phía Tây Huế; 01 hồ diện tích khoảng 100m2, sâu khoảng 4m dùng để chứa nước phục vụ nhà máy sản xuất.
- Về việc nộp tiền thuê đất: Công ty đã nộp tiền thuê đất đến hết năm 2011, từ năm 2012 đến ngày 25/8/2014 Công ty còn nợ 36.472.000 đồng tiền thuê đất.
2.3 Kết luận
- Ưu điểm: Công ty đã có Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường cho Dự án  và được Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường xác nhận; đã thực hiện việc giám sát môi trường định kỳ đến tháng 6/2014; đã hợp đồng với Công ty cổ phần Đầu tư-Phát triển Tâm Sinh Nghĩa để xử lý chất thải rắn thông thường; đã được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, có kho lưu giữ tạm thời và phân loại chất thải nguy hại và đã được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 3487/QĐ-UB ngày 31/12/2002.
- Các vi phạm và tồn tại:
Về môi trường:
+ Xả nước thải vượt chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 05 m3/ngày (24 giờ), vi phạm Điểm a, Khoản 4, Điều 13, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP. Công ty còn có 1 thông số môi trường khác vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 02 lần, vi phạm quy định tại Khoản 5, Điều 13, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP.
+ Xả khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 02 lần trong trường hợp lưu lượng khí thải nhỏ hơn 500 m3/giờ, vi phạm Điểm a, Khoản 3, Điều 15, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013.
+ Công ty không xây lắp công trình xử lý môi trường (công trình xử lý khí thải) đã cam kết trong Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường đã được cấp có thẩm quyền xác nhận trong trường hợp thải khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, vi phạm quy định Điểm d, Khoản 1, Điều 8 Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013.
+ Công ty chưa nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Về đất đai: Lấn đất khi xây dựng công trình ngoài khuôn viên đất (trong khu vực lộ giới đường phía Tây Huế) được UBND tỉnh cho thuê, vi phạm khoản 1, Điều 9, Nghị định 105/2009 ngày 11/11/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
2.4 Biện pháp xử lý
- Xử lý vi phạm hành chính:
 Đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường: Căn cứ vào các quy định của pháp luật, yêu cầu Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường lập thủ tục xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
- Các yêu cầu và biện pháp khắc phục hậu quả:
Yêu cầu Công ty nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật; xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường; xây lắp công trình xử lý môi trường (công trình xử lý khí thải) đã cam kết trong Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường đã được cấp có thẩm quyền xác nhận; nghiêm túc chấp hành việc nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; khắc phục ngay các vi phạm và tồn tại nêu trên. Báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/12/2014.
Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường do có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành theo quy định tại Điểm c, Khoản 7, Điều 13 và  Điểm c, Khoản 8, Điều 15 Nghị định số 179/2013/NĐ-CP, với số tiền là 3.910.000 đồng trong đó: nước thải là 1.448.000 đồng; khí thải là 2.462.000 đồng.
Về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải: Yêu cầu Chi cục Bảo vệ môi trường đôn đốc, truy thu số phí mà Công ty phải nộp.
Về đất đai: Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND thị xã Hương Thủy
+ Yêu cầu Công ty tháo dỡ công trình đã xây dựng trên phần đất lấn và buộc khôi phục lại tình trạng của đất, trả lại hiện trạng ban đầu của đất như trước khi vi phạm.
+ Chỉ đạo Chi cục Thuế thị xã Hương Thuỷ đôn đốc, yêu cầu Công ty nộp ngay số tiền thuê đất chậm nộp, xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
- Công khai thông tin: Sở Tài nguyên và Môi trường công khai thông tin về tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường, chấp hành pháp luật về đất đai của Công ty trên trang thông tin điện tử của Sở (Web: http://stnmt.hue.gov.vn)

3. DNTN Nhựa Thế Phương (Dự án xây dựng Xưởng gia công chế biến nhựa)
3.1. Thông tin chung
- Tên cơ sở: DNTN Nhựa Thế Phương;
- Người đại diện: Bà Trần Thị Huyền, Chức vụ: Chủ doanh nghiệp
- Loại hình doanh nghiệp: DNTN
- Địa chỉ: Cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề Thủy Phương, thuộc tổ 12, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy.
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tư nhân 3300322109, đăng ký lần đầu ngày 05/6/2006, đăng ký thay đổi lần thứ 2: ngày 14/6/2011 do Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cấp.
- Loại hình kinh doanh: Thu mua và bán phế liệu, cụ thể: Thu mua ¬bao bì (bao ni lông, bao gai), rửa sạch (đối với bao gai trắng và bao xi măng), đóng kiện để bán lại cho các đầu mối thu mua.
- Hoạt động chính thức: năm 2006.
- Khối lượng mua, bán trung bình: 10 tấn/tháng
- Máy móc sử dụng: máy rửa bao bì (03 máy), máy ép kiện (02 máy)
- Số lượng nhân viên: 12 người.
- Nhiên liệu: Điện.
- Lượng nước sử dụng trung bình: 3m3/ngày; nguồn nước: giếng khoan (sâu khoảng 45m) phục vụ việc rửa bao bì (trung bình 20 đợt/ngày). Nước sinh hoạt: sử dụng nước đóng chai và mua nước của hộ gia đình ở gần cơ sở sản xuất.
- Diện tích mặt bằng: 1.900m2.
3.2 Tình hình chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đất đai
3.2.1 Lĩnh vực bảo vệ môi trường
Về thủ tục bảo vệ môi trường: Doanh nghiệp Tư nhân Nhựa Thế Phương đã có bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường “Dự án xây dựng Xưởng gia công chế biến nhựa” và được UBND huyện Hương Thuỷ xác nhận tại Giấy xác nhận số 07/UBND-TN&MT ngày 07/7/2008.
Về giám sát môi trường định kỳ: Không thực hiện.
Về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp: Doanh nghiệp thuộc trường hợp phải nộp phí cố định với mức thu phí là 1.500.000 đồng/năm, tuy nhiên từ trước đến nay, Doanh nghiệp không thực hiện việc nộp phí.
Về chất thải phát sinh và các biện pháp giảm thiểu:
- Về nước thải: Nước thải từ máy giặt bao bì, qua rãnh đào, chảy vào hồ đào (kích thước 15x2x2m) nằm bên ngoài hàng rào hiện trạng (xây bằng trụ bê tông và lưới B40). Một phần nước từ hồ này được bơm lên lại các máy rửa bao bì để sử dụng (pha với nguồn nước cấp chính là giếng khoan với tỉ lệ 1:5), một phần nước thải từ hồ đào nói trên thấm tự nhiên vào nền đất, với khối lượng trung bình 02m3/ngày. Theo Bản cam kết bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền xác nhận, Doanh nghiệp phải xử lý nước thải sản xuất qua 03 bể xử lý gồm bể chứa, bể lắng gạn có song chắn rác và bể trung hoà.
- Chất thải rắn thông thường: Chủ yếu sợi bao gai lẫn đất và bùn thải từ quá trình nạo vét hồ chứa nước nói trên, được Doanh nghiệp đổ vào khu đất phía sau cơ sở, kế bên hồ chứa nước nói trên.
Kết quả phân tích mẫu: Đoàn đã tiến hành lấy 01 mẫu nước thải, kết quả phân tích mẫu đối với các thông số chính như sau:
Kết quả phân tích mẫu nước thải so sánh với QCVN 40:2011/BTNMT, cột B, với Kq=0,6 và Kf=1,2 có thông số: BOD5=169,1mg/l, vượt 4,7 lần; COD=432mg/l, vượt 4,0 lần; TSS=315mg/l, vượt 4,3 lần; Màu = 1.370Pt/Co, vượt 9,1 lần.
3.2.2 Lĩnh vực đất đai
- Về việc sử dụng đất: Phần đất Doanh nghiệp tư nhân Nhựa Thế Phương đang sử dụng có diện tích 1.777,7m2 (theo bản đồ địa chính khu đất đo vẽ tháng 3/2011) là do ông Hồ Văn Lễ chủ DNTN Nhựa Thùy Dương giao lại trên phần đất của DNTN Nhựa Thùy Dương đã được UBND tỉnh cho thuê tại Quyết định số 4374/QĐ-UBND ngày 28/12/2005 (theo “Quyết định giao đất sản xuất” ngày 01/01/2006 của ông Hồ Văn Lễ). Việc quyết định giao đất trên của DNTN Nhựa Thùy Dương là trái quy định của pháp luật, vi phạm quy định tại Khoản 3, Khoản 5, Điều 38 Luật Đất đai năm 2003. Do đó, ngày 18/4/2011 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 809/QĐ-UBND về thu hồi toàn bộ diện tích đất nêu trên và giao cho UBND thị xã Hương Thủy quản lý. Từ năm 2006 cho đến nay, DNTN Nhựa Thế Phương hoạt động sản xuất, kinh doanh tại phần đất trên nhưng không thực hiện việc thuê đất với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan (nộp tiền thuê đất).
- Về hiện trạng sử dụng đất: Doanh nghiệp đã xây dựng nhà văn phòng, khu tập kết bao bì, sân phơi và khu rửa bao bì. Ngoài ra, Doanh nghiệp còn tập kết bao bì phế liệu thu mua về để ở 2 bên lề đường phía trước cơ sở và nằm ngoài hàng rào của cơ sở, khu vực tập kết này có diện tích khoảng 1000m2.
3.3. Kết luận
- Ưu điểm: Doanh nghiệp đã có bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường “Dự án xây dựng Xưởng gia công chế biến nhựa” và được cấp có thẩm quyền xác nhận.
- Các vi phạm và tồn tại:
Về môi trường:
+ Doanh nghiệp không thực hiện việc giám sát môi trường dự án, vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 8 Nghị định 179/2013/NĐ-CP.
+ Không có hệ thống xử lý nước thải đúng theo Bản cam kết bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền xác nhận, vi phạm Điểm c Khoản 1 Điều 8 Nghị định 179/2013/NĐ-CP.
+ Xả nước thải vượt chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 05 lần đến dưới 10 lần trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 05 m3/ngày (24 giờ), vi phạm Điểm a, Khoản 3, Điều 13, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013. Doanh nghiệp còn có 3 thông số môi trường khác vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 lần đến dưới 05 lần.
+ Doanh nghiệp chưa kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Về đất đai: Doanh nghiệp không thực hiện việc thuê đất với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan.
3.4. Biện pháp xử lý
- Xử lý vi phạm hành chính: Căn cứ vào các quy định của pháp luật, yêu cầu Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường lập thủ tục xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
- Các yêu cầu và biện pháp khắc phục hậu quả: Trong quá trình hoạt động, yêu cầu Doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đất đai; có các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh, thực hiện việc giám sát môi trường định kỳ, xây lắp hệ thống xử lý nước thải đúng theo Bản cam kết bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền xác nhận; xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường; nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp; khắc phục ngay các vi phạm và tồn tại nêu trên. Báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/12/2014.
Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường do có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành theo quy định tại Điểm c, Khoản 7, Điều 13 Nghị định số 179/2013/NĐ-CP, với số tiền là 1.888.000 đồng.
Về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải: Yêu cầu Chi cục Bảo vệ môi trường đôn đốc, truy thu số phí mà Doanh nghiệp phải nộp.
Về đất đai: Yêu cầu Doanh nghiệp trong vòng 30 ngày, kể từ ngày công bố Kết luận thanh tra phải thực hiện việc lập hồ sơ xin thuê đất đối với diện tích đất hiện doanh nghiệp đang sử dụng, sản xuất. Đề nghị Chi cục Thuế thị xã Hương Thuỷ truy thu tiền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Nếu hết thời hạn trên Doanh nghiệp không thực hiện, đề nghị UBND thị xã Hương Thủy xem xét cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật.
3.4.3 Công khai thông tin: Sở Tài nguyên và Môi trường công khai thông tin về tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường, chấp hành pháp luật đất đai của Doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của Sở (Web: http://stnmt.hue.gov.vn/ )

4. Doanh nghiệp Tư nhân Nhựa Thùy Dương (Dự án đầu tư cơ sở sản xuất nhựa Thuỳ Dương)
4.1 Thông tin chung
- Tên cơ sở: Cơ sở sản xuất Nhựa Thùy Dương II, cụm TTCN và làng nghề Thủy Phương;
- Loại hình doanh nghiệp: DNTN
- Người đại diện: ông Hồ Văn Lễ - Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Nhựa Thùy Dương.
- Địa chỉ: Cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề Thủy Phương, thuộc tổ 12, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy.
- Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động Chi nhánh số 3111000143, đăng ký lần đầu ngày 19/01/2006, do Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cấp.
- Loại hình sản xuất: Tái chế nhựa để sản xuất ống;
- Hoạt động chính thức: năm 2009.
- Tóm tắt quy trình sản xuất:
Nguyên liệu (ni lông thải) - > làm sạch (rửa bằng nước) -> tạo hạt (dạng bánh, đường kính khoảng 10-15cm) -> xay thành hạt nhỏ (kích thức 1-2cm)-> tạo hình ống nước (máy đùn ép định hình).
- Sản phẩm: Ống nước (nhựa đen).
- Công suất hoạt động: 500 kg/ngày
- Công suất thiết kế: 2000 kg/ngày
- Tình trạng thiết bị hiện nay: Công nghệ cũ được chế tạo tại Việt Nam.
- Số lượng máy tạo ống: 08 máy (từ Ф21 – 200mm)
- Số lượng nhân viên: 8 - 10 người.
- Nhiên liệu: Điện.
- Nguyên liệu: Ni lông phế thải 560kg/ngày;
- Lượng nước sử dụng trung bình: 2m3/ngày; nguồn nước: giếng khoan phục vụ sinh hoạt của công nhân và rửa bao bì.
- Diện tích mặt bằng: 2.372,3m2.
4.2 Tình hình chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đất đai
4.2.1 Lĩnh vực bảo vệ môi trường
Về thủ tục bảo vệ môi trường: Doanh nghiệp tư nhân nhựa Thùy Dương đã có bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường “Dự án đầu tư cơ sở sản xuất nhựa Thuỳ Dương” và được Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận tại Phiếu xác nhận số 36/2005/XN-MTg ngày 26/9/2005.
Về giám sát môi trường định kỳ: Doanh nghiệp đã thực hiện việc giám sát môi trường định kỳ 6 tháng đầu năm 2014.
Về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp: Doanh nghiệp thuộc trường hợp phải nộp phí cố định với mức thu phí là 1.500.000 đồng/năm, tuy nhiên từ trước đến nay, Doanh nghiệp không thực hiện việc nộp phí.
Về chất thải phát sinh và các biện pháp giảm thiểu:
- Về nước thải: Nước sử dụng làm sạch bao bỳ nilông thải với lượng nước sử dụng 2m3/ngày (trong đó sử dụng sinh hoạt 0,5m3/ngày và nước làm sạch bao bì ni lông thải 1,5m3/ngày). Nước thải từ nước rửa bao bì ni lông qua các song chắn và chảy vào bể lắng (hầm rút 03 ngăn).
- Chất thải rắn thông thường: Chủ yếu là bùn tại bể lắng (hầm rút), phát sinh khi Doanh nghiệp nạo vét bể lắng (không thường xuyên). Doanh nghiệp đổ bùn thải này kế bên bể lắng, tại thời điểm thanh tra có khoảng 2m3.
- Chất thải nguy hại: Chủ yếu là dầu mỡ bôi trơn bánh răng và bóng đèn huỳnh quang thải, phát sinh không đáng kể.
Kết quả phân tích mẫu: Đoàn đã tiến hành lấy 01 mẫu nước thải (ngày 10/6/2014), kết quả phân tích mẫu đối với các thông số chính như sau:
Kết quả phân tích mẫu nước thải so sánh với QCVN 40:2011/BTNMT, cột B, với Kq=0,9 và Kf=1,2 có thông số: BOD5=814mg/l, vượt 15,1 lần; COD=2.763mg/l, vượt 17,0 lần; TSS=965mg/l, vượt 8,9 lần; Sắt=9,6mg/l, vượt 1,8 lần; Amoni (tính theo N)= 43mg/l, vượt 4,0 lần; Tổng N= 145mg/l, vượt 3,4 lần; Màu = 5.940Pt/Co, vượt 39,6 lần.
4.2.2 Lĩnh vực đất đai
- Về việc sử dụng đất: Ngày 28/12/2005, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có Quyết định số 4374/QĐ-UBND giao cho DNTN Nhựa Thùy Dương thuê đất với diện tích 4.150m2, tọa lạc tại Khu quy hoạch Cụm Tiểu thủ công nghiệp và Làng nghề Thủy Phương để sử dụng vào mục đích làm cơ sở sản xuất nhựa; thời hạn thuê đất là 50 năm và Doanh nghiệp đã thực hiện ký Hợp đồng thuê đất số 03/HĐ-TĐ ngày 12/01/2006 với Sở Tài nguyên và Môi trường. Quá trình sử dụng đất DNTN Nhựa Thùy Dương chỉ đưa vào sử dụng đúng mục đích một phần diện tích 2.372,3 m2 đất, phần diện tích còn lại 1.777,7m2, DNTN Nhựa Thùy Dương không sử dụng mà đã có “Quyết định giao đất sản xuất” trái quy định của pháp luật cho bà Trần Thị Huyền vào ngày 01/01/2006, thời hạn 48 năm kể từ ngày ký. Do đó, ngày 16/4/2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 797/QĐ-UBND với nội dung: điều chỉnh diện tích cho DNTN Nhựa Thùy Dương thuê để sử dụng vào mục đích làm cơ sở sản xuất nhựa tại khu vực quy hoạch Cụm Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề Thủy Phương xuống còn 2.372,3m2, thời hạn thuê đất đến hết ngày 28/12/2055 và thay thế Quyết định số 4374/QĐ-UBND ngày 28/12/2005 của UBND tỉnh.
Ngày 18/4/2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 809/QĐ-UBND với nội dung: thu hồi diện tích 1.777,7m2 đất đã được UBND tỉnh cho DNTN Nhựa Thùy Dương thuê theo Quyết định số 4374/QĐ-UBND nêu trên và giao toàn bộ diện tích đã thu hồi cho UBND thị xã Hương Thủy quản lý.
Ngày 31/8/2012, UBND tỉnh đã thanh lý Hợp đồng thuê đất số 94/HĐTĐ ngày 13/11/2009; đồng thời, cùng ngày UBND tỉnh ký Hợp đồng thuê đất số 101/HĐTĐ với diện tích 2.372,3m2 đất cho DNTN Nhựa Thùy Dương tại địa điểm nêu trên, thời hạn thuê đất đến hết ngày 28/12/2055, giá tiền thuế đất là 1.121 đồng/m2/năm kể từ ngày 01/01/2011 đến ngày 28/02/2011 và giá tiền thuế đất là 3.364 đồng/m2/năm được ổn định 05 năm kể từ ngày 01/3/2011.
- Về hiện trạng sử dụng đất: Doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BK 727760 ngày 24/12/2012, diện tích 2.372,3m2, mục đích sử dụng: Đất khu công nghiệp. Hiện trạng thực tế việc sử dụng đất: Nhìn chung khu đất đã được Doanh nghiệp đầu tư san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng diện tích khoảng 700m2; khu vực tập kết nguyên liệu và khu tập kết sản phẩm diện tích khoảng 500m2; nhà ở kết hợp làm văn phòng diện tích khoảng 70m2, xây dựng năm 2006. Tuy nhiên, theo hiện trạng sử dụng đất và theo Bản đồ địa chính khu đất tỷ lệ 1:1000 được đo vẽ tháng 3/2011, thì một phần nhà ở kết hợp làm văn phòng nêu trên nằm ngoài khu đất được UBND tỉnh cho thuê và thuộc phần đất của đường phía Tây Huế.
- Về việc nộp tiền thuê đất: Doanh nghiệp thực hiện đầy đủ việc nộp tiền thuê đất.
4.3 Kết luận
- Ưu điểm: Doanh nghiệp đã có bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường cho Dự án và được Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận; đã thực hiện việc giám sát môi trường định kỳ 6 tháng đầu năm 2014; đã được UBND tỉnh cho thuê đất và thực hiện đầy đủ việc nộp tiền thuê đất.
- Các vi phạm và tồn tại:
Về môi trường:
+ Xả nước thải vượt chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 05 m3/ngày (24 giờ), vi phạm Điểm a, Khoản 4, Điều 13, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013. Ngoài ra, Doanh nghiệp còn có 2 thông số môi trường khác vượt quy chuẩn kỹ thuật trên 10 lần, 01 thông số môi trường khác vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 05 đến dưới 10 lần; 02 thông số môi trường khác vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 đến dưới 05 lần; 01 thông số môi trường khác vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 02 lần.
+ Doanh nghiệp chưa nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Về đất đai: Lấn đất khi xây dựng công trình ngoài khuôn viên đất (trong khu vực lộ giới đường phía Tây Huế) được UBND tỉnh cho thuê, vi phạm khoản 1, Điều 9, Nghị định 105/2009 ngày 11/11/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Một phần diện tích xây dựng nhà ở kết hợp làm văn phòng của Công ty nằm ngoài khu đất được UBND tỉnh cho thuê và thuộc phần đất của đường phía Tây Huế.
4.4 Biện pháp xử lý
- Xử lý vi phạm hành chính: Căn cứ vào các quy định của pháp luật, yêu cầu Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường lập thủ tục xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
- Các yêu cầu và biện pháp khắc phục hậu quả:
Trong quá trình hoạt động, yêu cầu Doanh nghiệp: Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đất đai; xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường; nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp; khắc phục ngay các vi phạm và tồn tại nêu trên. Báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/12/2014.
Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường do có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành theo quy định tại Điểm c, Khoản 7, Điều 13 Nghị định số 179/2013/NĐ-CP, với số tiền là 1.888.000 đồng.
Yêu cầu Chi cục Bảo vệ môi trường đôn đốc, truy thu số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải mà Doanh nghiệp phải nộp.
Đề nghị UBND thị xã Hương Thủy yêu cầu Công ty tháo dỡ công trình đã xây dựng trên phần đất lấn và buộc khôi phục lại tình trạng của đất, trả lại hiện trạng ban đầu của đất như trước khi vi phạm
 

Tập tin đính kèm:
Anh Dương-huongthuy.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày