Tìm kiếm
Hương Thủy: Hồi sinh một làng nghề truyền thống
Ngày cập nhật 15/05/2014

Thời gian đã trôi qua hơn 70 năm, kể từ khi nghề rèn bén duyên với những người con làng Vực (phường Thủy Châu – thị xã Hương Thủy), cùng với sự đổi thay của thời đại, nghề rèn cũng có nhiều đổi khác. Do những hoàn cảnh khách quan khác nhau mà một thời gian dài nghề rèn làng Vực gần như bị mai một, lãng quên. Thế nhưng! vẫn còn có những người không muốn nghề rèn truyền thống của gia đình, của làng mất đi một cách lặng lẽ. Bằng niềm đam mê, tâm huyết với nghề họ đã cố gắng làm sống lại một làng rèn truyền thống trước nguy cơ bị mai một.

Ít ai có thể nghỉ rằng cơ sở rèn lớn nhất ở làng Vực hiện nay là của một thầy giáo.  Là giáo viên dạy âm nhạc nhưng vốn yêu cái nghề ông cha để lại, anh Huỳnh Thế Tiến đã từng tự lo kinh phí để tham quan các mô hình rèn ở các tỉnh phía Bắc, Bình Định… học hỏi nghề rèn của các địa phương để rồi sau đó trở về quê cùng với bà con quyết tâm khôi phục và phát triển lại làng nghề. Trải qua những khó khăn trở ngại ban đầu, công việc của anh đang từng bước đi vào ổn định. Hiện  anh Tiến đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng dự án đầu tư, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ khuyến công của thị xã và các nguồn vốn khác để đầu tư thêm thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại để đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.

Anh Tiến làm việc bên máy móc hiện đại

Anh Huỳnh Thế Tiến, chủ cơ sở rèn Trường Tiến, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy chia sẻ: “Trước sự mai một của làng nghề, bản thân tôi thấy mình phải có trách nhiệm phải trở về với nghề của cha ông, tổ tiên. Để vực dậy làng nghề phải cải tiến, mua sắm thêm máy móc để bắt kịp với thị trường, nếu làm theo lối cũ sẽ khó để có thể tồn tại và bản thân tôi sẽ là người tiên phong. ”
Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ  của sở Nông Nghiệp, sở Công Thương, đặc biệt là sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương, anh đã quyết định đầu tư máy dập phôi hiện đại, giải quyết khâu nặng nhất của quy trình tạo ra sản phẩm rèn và một số máy móc hiện đại hỗ trợ khác.
Sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại với phương pháp rèn truyền thống cùng với việc nâng cao tay nghề của người thợ ở cơ sở rèn Trường Tiến đã tạo ra được những sản phẩm chất lượng, tinh xảo, tiết kiệm được thời gian và sức lao động góp phần hạ giá thành, cải thiện khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Hiện nay, doanh thu từ nghề rèn mang lại cho gia đình anh Tiến trên 300 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, anh Tiến vẫn cảm giác chưa thỏa mãn vì còn hơn 20 hộ còn theo nghề ở trong làng vẫn sản xuất theo kiểu thủ công và chưa có được thu nhập ổn định.
“Khi được công nhận làng nghề rèn truyền thống, tôi cảm thấy đó là một niềm vinh dự cho bản thân chúng tôi và địa phương, là sự báo công với tổ tiên, cha ông. Cơ sở của chúng tôi sẽ phát huy hết khả năng và sẽ trao đổi rút kinh nghiệm với những người trong nghề. Định hướng của tôi sau này là sẽ thành lập ra Câu lạc bộ những người đồng thuận với nghề để trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ cho nhau cách làm và cách thức sản xuất.” Anh Huỳnh Thế Tiến, chủ cơ sở rèn Trường Tiến, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy cho biết thêm như vậy.

Anh Tiến giới thiệu những sản phẩm mới do anh chế tạo ra

Sự nỗ lực và tình yêu nghề như anh Huỳnh Thế Tiến hiện này là rất cần thiết, nhưng điều có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn vong của nghề rèn làng Vực chính là ý thức bảo vệ và ý chí vươn lên của chính những người dân nơi đây. Đồng thời chính quyền địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về phương tiện, đất đai để mở rộng sản xuất, thu hút những bàn tay lành nghề là con dân của làng cùng tham gia nhằm gìn giữ và phát huy một làng nghề truyền thống đã được công nhận.
 

Bài và ảnh: Thanh Đoàn - Ngọc Minh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.941.337
Truy cập hiện tại 3.321 khách