Tìm kiếm
Nâng cấp phương án ứng phó ở tất cả các lĩnh vực để ứng phó khi có siêu bão xảy ra.
Ngày cập nhật 08/10/2014
Ảnh minh hoạ

Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương trong toàn quốc về vấn đề ứng phó với các cơn bão mạnh, siêu bão, sáng 7/10. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh:

 

Trong thời gian gần đây, cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trên thế giới đã xảy ra nhiều trận bão mạnh thậm chí siêu bão, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Với tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể gặp bão cấp 14-15 trở lên, cấp độ bão mạnh có thể giữ đến sát bờ và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển. Nguy cơ ngập lụt do nước biển dâng trong bão cao tập trung vào khu vực ven biển, nhất là Nam Bộ và Trung Nam bộ, mưa lớn gây ngập lụt diện rộng và lũ cục bộ xảy ra phức tạp và rộng khắp các khu vực.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải một lần nữa nhấn mạnh tới khả năng, nguy cơ trong tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt. Trong thời gian tới, đất nước sẽ phải đối diện với thiên tai cực đoan hơn, nhất là những cơn bão mạnh, siêu bão đổ bộ với cường độ từ cấp 12, cấp 13 đến cấp 15, cấp 16 kèm theo nước dâng do bão từ 3-6m vốn là đặc trưng của vùng biển Đông, Tây Thái Bình Dương.

Vì vậy, việc chuẩn bị kiến thức, tinh thần và nhất là các phương án ứng phó trước là điều hết sức quan trọng. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực tối đa, đồng bộ của tất cả các ngành, các lĩnh vực. Không thể làm giống như trước đây, với những phương pháp cũ, những thông số dựa vào dữ liệu quá khứ hàng trăm năm đã có nhiều thay đổi và không còn chính xác nữa.

Với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, nỗ lực ứng phó của các lực lượng, địa phương và nhân dân, thời gian qua thiệt hại do thiên tai, nhất là thiệt hại về người đã giảm đi rõ rệt theo từng năm. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chỉ rõ với mục tiêu hạn chế hơn nữa thiệt hại, việc nâng cấp khả năng phòng chống thiên tai, xây dựng các kịch bản, phân vùng bão, mưa là hết sức quan trọng. Đó là bước đầu để rút ra được những phương án phù hợp, kịp thời để ứng phó.

Với các báo cáo trình bày, các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ TN&MT, NN&PTNT, Xây dựng tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn, cụ thể hơn các phương án, kịch bản để phổ biến, truyền đạt tới các đối tượng áp dụng. Trong đó, lưu ý việc lập và cập nhật đầy đủ hệ thống bản đồ, từ bản đồ mưa, lũ quét, sạt lở đất, bản đồ khu vực nước biển dâng, bản đồ sơ tán dân,... theo mọi kịch bản có thể xảy ra. Đồng thời, đầu tư nâng cao năng lực dự báo, kể cả bằng hình thức xã hội hóa. 

Đặc biệt, các Bộ hữu quan phải hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương xây dựng các phương án. Trong đó nhất là phương án bổ sung ứng phó với bão mạnh, siêu bão tùy theo vùng phân bão, vùng ngập. Đây là nhiệm vụ trọng tâm với cấp độ được nâng lên và với tinh thần cẩn thận hơn, quyết liệt hơn.

“Tinh thần triển khai việc này là không cầu toàn và phải khẩn trương. Đến tháng 6/2015 tất cả các Bộ, ngành, địa phương là phải hoàn thành các phương án bổ sung này. Nói là dự báo hay kịch bản siêu bão nhưng nó cũng có thể đến bất cứ lúc nào”, Phó Thủ tướng giao hẹn.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu rà soát, ưu tiên việc trang bị phương tiện, trang thiết bị để ứng phó với siêu bão. Ngay các phương châm “4 tại chỗ” cũng cần phân loại để để ưu tiên, nâng cấp theo từng kịch bản. Các Bộ, ngành phải rà soát lại quy hoạch phát triển để xem có gì cần lưu ý với việc đưa các biện pháp phòng chống các thảm họa, thiên tai lớn. Đơn cử như yêu cầu đối với công trình nhà cửa, hạ tầng về phòng chống động đất, ngập lũ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn xã hội về việc Việt Nam luôn nằm trong vùng thiên tai, vùng nguy cơ và vùng chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu của thế giới. Từng người dân phải được thông tin đầy đủ và nhận thức rõ, trước hết là các kiến thức cơ bản để tự lo cho bản thân, không chủ quan, làm quen với những biện pháp phòng chống chủ động, phù hợp.

''Theo định nghĩa mới được cập nhật, “bão mạnh” là khái niệm được chỉ ra đối với các cơn bão có sức gió cấp 11, 12, “bão rất mạnh” có sức gió cấp 13-14, còn “siêu bão” chỉ các cơn bão có gió giật cấp 16-17 và hơn nữa.''

 

 

Nguyễn Mạnh Hà
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.997.129
Truy cập hiện tại 2.782 khách