Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.560.146
Truy cập hiện tại 1.093 khách
Thể thao Hương Thủy: Nhìn từ một môn võ thể thao mang tính phong trào
Ngày cập nhật 08/04/2014

Trên địa bàn thị xã Hương Thủy, hiếm có một môn thể thao nào có sức sống lâu bền như môn võ thể thao Taekwondo, còn gọi là Thái Cực Đạo. Kể từ những ngày đầu tiên mà môn võ này được truyền dạy cho đến nay là gần 40 năm. Từ câu lạc bộ đầu tiên ở Phú Bài của võ sư Nguyễn Bồn trước năm 1975, môn võ thể thao này đã phát triển rộng khắp Hương Thủy sau một thời gian dài trải qua thăng trầm.

     Hơn 10 năm về trước, việc phát triển phong trào, vấn đề tổ chức đoàn vận động viên thi đấu giải tỉnh, giải toàn quốc chỉ là việc riêng của các câu lạc bộ. Mà thực ra, việc của một nhóm huấn luyện viên. Tự rèn luyện bằng mồ hôi của mình, tự đi thi đấu bằng tiền túi, cho nên, thành tích có hay không cũng chỉ là việc riêng của các câu lạc bộ.
    Ngày đó, để tổ chức được một đoàn vận động viên, nhiều khi câu lạc bộ phải gom góp tiền cả năm mới đủ kinh phí. Vì thế, nó trở thành sự tự thân vận động của cá nhân và của câu lạc bộ chứ chưa trở thành một môn võ thể thao được chú ý, được sự quan tâm của chính quyền địa phương. Trước những khó khăn đó, đáng ghi nhận chính là tập thể những huấn luyện viên nòng cốt của môn võ Taekwondo như võ sư Nguyễn Bồn, võ sư Nguyễn Thản, võ sư Nguyễn Đình Chính đã cố gắng duy trì các câu lạc bộ trên tinh thần “dù chỉ có một môn sinh cũng không để mất câu lạc bộ”.

Hoạt động tập luyện và thi đấu môn võ Taekwondo


    Với tinh thần đó, trước năm 2000, qua mỗi lần giải toàn tỉnh tổ chức, vận động viên Taekwondo ở Hương Thủy đều đem lại thành tích cao. Mỗi lần tổ chức là mỗi lần Hương Thủy nằm trong nhóm 3 đoàn có thành tích tốt nhất. Điều đó trở thành động lực để các huấn luyện viên cũng như vận động viên Taekwondo Hương Thủy phấn đấu, nỗ lực vượt qua những khó khăn.
    Từ hai câu lạc bộ chỉ biết tập luyện trên sân đất ở Thủy Phương và Phú Bài, các huấn luyện viên Nguyễn Bồn, Nguyễn Đình Chính đã tiếp cận các cơ sở trường học nhằm đưa bộ môn này vào tập luyện ở khuôn viên các trường, nhất là xin được tập luyện ở sân chính, ở nhà đa năng của các trường. Với điều kiện luyện tập có sự thay đổi, số lượng môn sinh theo học ngày càng đông, các câu lạc bộ càng có điều kiện tích lũy để đầu tư trang thiết bị tối thiểu giành cho việc tập luyện và thi đấu.
    Kể từ năm 2000 trở đi, môn võ thể thao Taekwondo ở Hương Thủy đã vượt qua sân chơi của tỉnh để vươn ra quốc gia. Có những vận động viên đã không chỉ đạt thành tích cao ở cấp quốc gia mà còn quốc tế. Trong đó, có thể kể đến võ sinh Võ Đại Tài của câu lạc bộ Thủy Phương. Năm 2004 đánh dấu bước chuyển của Taekwondo Hương Thủy khi vận động viên này đã đạt huy chương vàng Hội Khỏe Phù Đổng tổ chức tại Thừa Thiên Huế. Qua giải đó, Võ Đại Tài đã được gọi vào đội dự tuyển quốc gia và tham gia các giải trẻ quốc tế. Và anh cũng đã giành huy chương đồng ở giải trẻ Đông Nam Á hai năm sau đó. Sau Võ Đại Tài, Taekwondo Hương Thủy đã sản sinh ra nhiều vận động viên có thành tích khá tốt ở các giải quốc gia như Nguyễn Thị Diệu Linh, Nguyễn Phúc Thạch Bích, Đỗ Thanh Xuân, Hoàng Văn Vũ …

Hoạt động tập luyện và thi đấu môn võ Taekwondo


    Tuy vậy, mãi cho đến gần đây, mỗi lần có giải thi đấu, các huấn luyện viên Taekwondo lại “chạy” xin kinh phí. Một vài lần, đoàn vận động viên của Hương Thủy được sự hỗ trợ một ít kinh phí từ Trung tâm Văn hóa Thông tin Thể thao thị xã. Nhưng, sự hỗ trợ đó, phải nói một cách thực tế, chưa đáp ứng được toàn bộ chi phí của đoàn vận động viên thi đấu. Bởi lẽ, ngoài chuyện ăn ở, mỗi vận động viên còn phải có trang bị bảo hộ đầy đủ nào là bảo hộ răng, bảo hộ tay, bảo hộ chân, bảo hộ vùng kín, rồi thuốc men … Nói chung, đụng cái gì là tiền cái đó.
    Trên bình diện quốc gia, Taekwondo được xem là một trong số những môn thể thao thành tích cao. Với tỉnh Thừa Thiên Huế, nó cũng được xem là một môn thể thao được quan tâm đào tạo vận động viên nhằm thi đấu toàn quốc. Tuy nhiên, sự lựa chọn vận động viên lại phải dựa trên các câu lạc bộ. Và khi thi đấu giải tỉnh, các vận động viên ở địa phương nào, câu lạc bộ nào thì tính thành tích cho địa phương đó, câu lạc bộ đó. Vì vậy, dẫu lâu nay phát triển câu lạc bộ và đào tạo vận động viên là đa phần là sự tự thân của thầy và trỏ các câu lạc bộ, nhưng, thành tích thì vẫn được tính cho địa phương.
    Hiện nay, môn Taekwondo ở Hương Thủy có 5 câu lạc bộ ở phường Thủy Dương, Thủy Phương, Thủy Châu, Phú Bài và Thủy Phù với số lượng môn sinh tập luyện hàng tuần gần 200 người, với nhiều lứa tuổi. Những năm qua, các huấn luyện viên của môn võ này không ngừng trau dồi kỹ năng, khả năng sư phạm cũng như tìm tòi những phương pháp tốt hơn để truyền dạy cho học trò của mình. Nhưng, tất cả các câu lạc bộ cũng như võ sinh của môn võ thể thao này đều phải tập luyện trong điều kiện thiếu thốn trang thiết bị. Ngay cả một bộ thảm cao su để tập luyện cũng không có.

Hoạt động tập luyện và thi đấu môn võ Taekwondo


    So với nhiều môn thể thao khác, việc duy trì và phát triển môn võ thể thao này qua gần 40 năm là điều đáng ghi nhận. Vì vậy, thành tích những năm qua của Taekwondo đối với phong trào thể thao của Hương Thủy là khó có thể phủ nhận. Giống như năm 2013, đoàn vận động viên Sae Games 2013 của Việt Nam chỉ có 1 vận động viên  Thừa Thiên Huế và vận động viên này cũng trưởng thành từ câu lạc bộ Taekwondo Thủy Phương. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển và đào tạo vận động viên có năng khiếu để thi đấu thành tích cao của môn võ thể thao Taekwondo ở Hương Thủy là khá lớn. Do đó, thiết nghĩ cũng cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp và ngành thể thao thị xã Hương Thủy nhằm phát triển mạnh mẽ hơn bộ môn này./.
 

Đình Đính
Các tin khác
Xem tin theo ngày