Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.566.996
Truy cập hiện tại 4.339 khách
Kết nối các điểm tham quan ở Thủy Thanh: Vấn đề cần quan tâm
Ngày cập nhật 03/01/2014

Hiện nay, ở thị xã Hương Thủy, sự phát triển du lịch có 2 địa phương đáng ghi nhận, dựa trên sự tồn tại các điểm di tích ở các địa phương, bao gồm xã Thủy Bằng và xã Thủy Thanh. Ưu thế du lịch ở Thủy Bằng là điều khó phủ nhận khi các điềm di tích như lăng Thiệu Trị, lăng Khải Định, Thánh tích Quán Thế Âm … nằm trên các tuyến du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, giá trị di sản thế giới của các lăng vua Nguyễn cũng tạo được sức hút với du khách và chính các điểm tham quan đó đã nằm trong các tour, tuyến du lịch của các đơn vị lữ hành. Với xã Thủy Thanh, có 2 điểm tham quan đáng quan tâm là Cầu ngói Thanh Toàn và phủ thờ tướng Tôn Thất Thuyết cùng ông tổ của mình - Quốc Uy Công Tôn Thất Hiệp. Nhưng, sự kết nối của 2 điểm tham quan này gần như bằng không. 

Chúng tôi về xã Thủy Thanh một ngày cuối tuần. Dẫu đã lui tới địa phương này khá nhiều nhưng vẫn thích về đây mỗi khi có dịp, nhất là về để ngắm cảnh cầu ngói. Ngồi ở quán nước trước cầu ngói, chúng tôi chợt nhận ra, tại sao là cứ mãi cầu ngói mà quên đi rằng vẫn còn một phủ thờ tướng Tôn Thất Thuyết ở gần đó. Thế là chúng tôi quyết định tìm về “phủ ông tướng”.
    Sự thay đổi của cảnh vật, của đường sá khiến chúng tôi phải mất khá lâu mới tới được phủ thờ tướng Tôn Thất Thuyết. Cửa chính không có đường vào, cửa hậu thì khóa. Vì thế, chúng tôi đành đi qua ngã nhà một người hậu duệ của dòng Tôn Thất này. Đứng trước phủ thờ, nhìn quanh, chúng tôi chợt chạnh lòng. Bởi lẽ, dù được ghi nhận là một điểm tham quan du lịch, nơi tưởng niệm một tướng quân tài danh, một anh hùng, thế nhưng, trái với trí tưởng tượng của nhiều người, một sự quạnh quẽ bao trùm. Trái với sự tấp nập của cầu ngói Thanh Toàn xa xa về phía Nam.
    Hỏi chuyện cụ Tôn Thất Cử, một người thuộc đời sau so với tướng Tôn Thất Thuyết, cũng dòng dõi Quốc Uy Công, nhà ở ngay hậu viên của phủ, thì được biết, hiếm hoi lắm mới có một vài người đến phủ này. Đa số họ là những nhà nghiên cứu, phóng viên hay cán bộ phụ trách văn hóa các cấp chứ rất ít thấy khách du lịch. Trước đây, phủ thờ vì nhiều lý do đã bị xuống cấp, sau đó được con cháu hậu duệ Quốc Uy Công đã vận động nhau đóng góp tiền bạc để trùng tu. Trước và sau khi trùng tu cũng vậy, ít khách khứa lắm, mặc dù phủ đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.
    Tại sao trên một địa phương, hai di tích cách nhau không xa, lại không có sự kết nối tour tuyến du lịch, một bên đông đúc một bên im lìm như thế ? Nếu nhìn vào lượng khách đến và những thành phần khách của các đoàn, có thể có người sẽ cho rằng: đa phần khách nước ngoài đến xã Thủy Thanh để tham quan Cầu ngói chứ khách nước ngoài có biết gì về tướng Tôn Thất Thuyết đâu mà đến phủ thờ của ông ? Hay khách đến thăm đặc trưng một làng quê của Huế mà Cầu ngói và cảnh vật quanh đó là đại diện tiêu biểu, chứ đâu phải đi thăm di tích lịch sử, thăm phủ thờ. Tuy vậy, sự thật là có những cái thiếu để hai điểm di tích kết nối với nhau lại thuộc về chủ quan người làm văn hóa du lịch.
Trước hết, phải nói rằng những người làm du lịch chưa nắm hết được ý nghĩa của một miền quê từ Vân Thê đến Thanh Thủy Chánh trong sự hình thành hai điểm di tích đó. Bởi lẽ, không phải tự dưng Quốc Uy Công Tôn Thất Hiệp lại về chọn một mảnh đất thấp ở Vân Thê để ở và tu hành khi mới 23 tuổi. Mà Vân Thê nhìn qua Thanh Thủy Chánh cũng không phải xa xôi gì mà chỉ là một cánh đồng và bên kia cánh đồng là Cầu ngói. Vùng quê đó, mặc dù là hai làng khác nhau nhưng sợi dây liên hệ đã qua hàng trăm năm, biết bao thế hệ đã cùng nhau “đắp đập be bờ” để hình thành nên vùng đồng quê đặc trưng của Huế, rồi từ đó mới có một cơ sở của tuyến du lịch về với nông thôn, nông nghiệp cổ truyền của Huế, với Cầu ngói.
Thứ hai, những đơn vị kinh doanh du lịch chưa biết khai thác khách nội địa và khách Pháp, khách Hà Lan khi chưa giới thiệu đầy đủ vai trò, vị trí của 2 vị tướng anh hùng. Trong đó, Tôn Thất Thuyết, người đã đánh úp thực dân Pháp ở Huế năm 1885 và đưa vua Hàm Nghi xuất bôn, mở ra một giai đoạn mới trong kháng chiến chống thực dân Pháp, giai đoạn của phong trào Cần Vương, phong trào Văn Thân. Với người Hà Lan, ắt hẳn sẽ rất tò mò về người đánh bại tổ tiên họ ở phương Đông cách đây gần 400 năm. Với người Pháp, chẳng lẽ họ không có chút thú vị khi muốn tìm hiểu về một con người của lịch sử chống Pháp như Tôn Thất Thuyết ? Rồi người Việt, chẳng lẽ không muốn tìm hiểu về một nhân vật anh hùng chống thực dân Pháp được nhiều đời ngưỡng mộ như thế hay sao ?

(Tượng bán thân của Tôn Thất Thuyết)
Lâu nay, các đơn vị kinh doanh lữ hành cứ tập trung vào những điểm tham quan mang tính bề nổi và ít khai thác khách bằng sự quảng bá văn hóa lịch sử mang tính chiều sâu. Hầu hết các đơn vị lữ hành, các hướng dẫn viên du lịch chỉ biết giới thiệu về cảnh quan và kiến trúc của di tích mà quên rằng linh hồn của di tích – chủ nhân di tích, người góp phần xây dựng nên di tích, có vai trò không nhỏ. Giống như ở Cầu ngói Thanh Toàn, khách du lịch chỉ biết được rằng cầu ngói xây dựng theo kiến trúc gì, do ai xây dựng, vào năm nào và cuối cùng là ăn ăn, uống uống ở mấy quán nhỏ quanh đó. Và quả thực, chưa có ai giới thiệu rằng người xây dựng là ai, vì sao lại xây dựng và người đó sống ở đâu, chết ở đâu.

Mộ phần phu thê Quốc Uy Công Tôn Thất Hiệp
 

Tất cả cho thấy chính khả năng khai thác, thực hiện các tour tuyến du lịch của các đơn vị kinh doanh du lịch, rồi sự quảng bá còn thiếu của cơ quan văn hóa khiến cho hai điểm di tích: cầu ngói Thanh Toàn và phủ thờ Quốc Uy Công, tướng quân Tôn Thất Thuyết thiếu sự liên kết. Điều này khiến cho giá trị lịch sử, văn hóa của một vùng quê Thủy Thanh – thị xã Hương Thủy giảm đi mà còn làm lãng phí một di tích cấp quốc gia như “phủ ông tướng”./.
 

Đình Đính- huongthuy.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày