Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.566.891
Truy cập hiện tại 4.258 khách
Đậm nét sáng tạo trong Cuộc thi Khoa học kĩ thuật - ISEF lần thứ 4, năm 2013 cấp thị xã
Đậm nét sáng tạo trong Cuộc thi Khoa học kĩ thuật - ISEF lần thứ 4, năm 2013 cấp thị xã
Ngày cập nhật 26/12/2013

 Cuộc thi khoa học kĩ thuật ISEF được đánh giá là bổ ích bởi nó góp phần rèn kĩ năng và phương pháp làm việc độc lập cho học sinh, coi trọng tính sáng tạo, hun đúc ý tưởng khoa học, bồi dưỡng phương pháp tự học đối với HS – những kĩ năng sống cần thiết và cần được định hướng đúng, phù hợp với phương pháp dạy học tích cực trong đề án đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam.

Sáng 21 tháng 12 năm 2013, Cuộc thi khoa học kĩ thuật ISEF lần thứ 4, năm học 2013 – 2014, thị xã Hương Thủy (TT Huế) đã chính thức khai mạc. Tham gia Cuộc thi có 28 thí sinh đến từ 6 trường THCS trên địa bàn thị xã: THCS Thủy Dương (3 đề tài); Thủy Phương (2 đề tài), Phú Bài (2 đề tài); THCS Thủy Lương, Thủy Thanh, Thủy Tân, mỗi trường 1 đề tài... 10 nhóm tác giả tham gia 10 đề tài với các lĩnh vực nghiên cứu gồm: Kĩ thuật điện & cơ khí; Khoa học xã hội và hành vi (Xã hội học); Quản lí môi trường (Tái chế, quản lí chất thải); Năng lượng và vận tải (Năng lượng thay thế); Sinh học môi trường, các đề tài đều được Hội đồng thẩm định đánh giá cao về tính sáng tạo, được đề cử trao 3 giải Khuyến khích, 3 giải Ba, 3 giải Nhì và 1 giải Nhất. Có 4 đề tài được chọn tham gia Cuộc thi Khoa học Kĩ thuật ISEF 2014 cấp tỉnh.


Đánh giá, nhận xét về Hội thi cấp Thị xã lần thứ 4, Ban Tổ chức và Hội đồng thẩm định nhận định:
Điều ghi nhận lớn nhất ở Cuộc thi Khoa học Kĩ thuật ISEF lần thứ 4 thị xã Hương Thủy là việc rèn kĩ năng và phương pháp làm việc độc lập cho học sinh – một kĩ năng sống cần thiết và cần định hướng đúng. Thông qua việc nghiên cứu khoa học, các nhóm học sinh biết cách lập kế hoạch, rèn luyện kĩ năng làm việc theo nhóm, kĩ năng thực hành, giao tiếp, tác phong phong khoa học, từ đặt giả thuyết, phát hiện vấn đề, cho tới giải quyết vấn đề, kết luận, trình bày nghiên cứu, thuyết trình công trình... Điểm đặc biệt của sân chơi này là coi trọng tính sáng tạo và ý tưởng khoa học của các em HS, bồi dưỡng phương pháp tự học, điều rất cần thiết cho sự nghiệp nghiên cứu của các em sau này, cũng như cho sự phát triển chung của nền khoa học đất nước. Đồng thời, đây là một trong những hướng đi tích hợp trong việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.
Các đề tài được chọn để nghiên cứu mang tính thời sự: tiết kiệm năng lượng, y học, bảo vệ môi trường, năng lượng thay thế, di tích lịch sử văn hóa,… là những vấn đề khó, cấp thiết, cần được nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Hoan nghênh các nhóm nghiên cứu đã mạnh dạn chọn các lĩnh vực khó nghiên cứu, khó thực hiện. Các nhóm nghiên cứu đã đề ra những giải pháp khá cụ thể, hiệu quả, mang tính sáng tạo, thể hiện được quá trình lao động khoa học miệt mài, say mê.
Hội đồng thẩm định hết sức lưu ý các nhóm nghiên cứu, các nhà bảo trợ khoa học và các trường về trình bày đề tài nghiên cứu khoa học, đề tài sáng kiến cải tiến kĩ thuật phải thể hiện tính khoa học, logic, cần tham khảo các tài liệu về nghiên cứu khoa học để trình bày đúng. Phần báo cáo và trả lời câu hỏi, thí sinh cần trình bày một cách cô đọng, lập luận chặt chẽ. Không nên trình bày toàn văn đề tài, không nên học thuộc lòng, càng không nên trình bày lan man. Khi trình bày, cần thể hiện sự tự tin, vui tươi, phấn khởi, không căng thẳng. Trước khi trả lời các câu hỏi của Ban Giám khảo, thí sinh cần thảo luận và phân công người trả lời, cần thiết thì có thể bổ sung. Các vật liệu trưng bày trong hội thi cần theo đúng quy định tại Thông tư 38/2012/TT-BGD&ĐT và quy tắc quốc tế Intel ISEF.
Ban Giám khảo cũng hết sức lưu ý các nhóm về các bước trong nghiên cứu khoa học là rất quan trọng, đề nghị các nhà bảo trợ khoa học cần hướng dẫn HS làm quen và thực hiện đúng. Việc chọn đối tượng nghiên cứu, xác định lĩnh vực, tên đề tài, tài liệu tham khảo cũng cần được đặc biệt chú ý.


Kết quả, Ban Tổ chức đã trao 10 giải thưởng:
Giải Nhất (93 điểm) thuộc về đề tài : “Nghiên cứu, chế tạo mạch cảm biến mưa để tự động đóng mở mái che” của các tác giả Nguyễn Hữu Quốc Thắng, Lê Thị Thùy Dung, trường THCS Thủy Phương.
Có 03 giải Nhì thuộc về các đề tài:
+ “Sử dụng động năng của các phương tiện giao thông, người đi bộ để tạo ra năng lượng điện” của các tác giả Nguyễn Văn Niên Vĩnh, Nguyễn Trọng Anh Tuấn, Trương Hiền Minh, lớp 9/2 trường THCS Phú Bài.
+ “Tìm hiểu sự vinh danh người học thông qua một số di tích lịch sử văn hóa Huế để tạo động lực học tập cho học sinh THCS trên địa bàn thị xã Hương Thủy”, của các tác giả Nguyễn Thị Kiều Hương, Phùng Thị Kim Bảo và Nguyễn Thị Diệu Linh của trường THCS Thủy Dương;
+ “Sử dụng sức nước từ mái nhà khi trời mưa để tạo ra dòng điện” của các tác giả Phạm Phước Cương, Lê Thị Phương Thảo và Nguyễn Thị Minh Ánh trường THCS Thủy Lương.
Có 02 giải Ba thuộc về các đề tài:
+ “Thiết bị cảnh báo, chống trộm trong trường học” của trường THCS Thủy Phương;
+ “Sử dụng nước vôi tôi để trị vết thương do kiến ba khoang gây ra” của trường TH&THCS Thủy Tân.
+ “Áp dụng mạng xã hội và website của các cơ sở giáo dục để tuyên truyền sản văn hóa Thừa Thiên Huế đối với học sinh trên địa bàn thị xã Hương Thủy” của Trường THCS Thủy Thanh.
Có 03 giải Khuyến khích thuộc về các đề tài:
+ “Kết hợp bã cà phê với mùn cưa để trồng nấm sò và nấm linh chi nhằm góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế” của trường TH&THCS Thủy Tân.
+ “Sử dụng dung dịch hành, tỏi để phòng trừ sâu hại rau” của trường THCS Thủy Phương.
+ “Rèm cửa sổ hoặc tường rào,... bằng cây xanh” của trường THCS Thủy Dương.

Chúc mừng thành quả nghiên cứu, lao động sáng tạo của các thí sinh.
Phòng GD&ĐT chọn 4 đề tài đạt giải cao (gồm giải Nhất, 3 giải Nhì) để tham dự ISEF 2014 tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ths. Nguyễn Văn Cần
Các tin khác
Xem tin theo ngày