Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.568.250
Truy cập hiện tại 4.869 khách
Ký ức về nghề làm ghe, thuyền của người Dã Lê
Ngày cập nhật 09/12/2013

Vào một buổi chiều, tình cờ đi quanh làng. Trên đường vòng xuống xóm Bến Chợ, tức là xóm ở sát vùng đồng của làng Dã Lê Thượng, phường Thủy Phương, tôi thấy chú Dương Văn Thọ (56 tuổi) ở tổ 01 (phường Thủy Phương) đang quét dầu cho chiếc ghe mới đan của mình. Trong trí nhớ của mình và những gì mình biết, tôi chợt nhận thấy bóng dáng của một cái nghề mà ngày xưa người làng mình đã làm: nghề làm, đan ghe thuyền. Khi đó, sợ mất đi một hình ảnh đẹp, lật đật về nhà lấy máy ảnh, chạy xuống chỗ chú Thọ để chụp ảnh nhưng chú đã làm xong và đi rửa tay rồi. Tiếc lắm. Đành chụp mấy cái ảnh về chiếc ghe đã phết dầu.

Nhiều người, ắt hẳn đã biết về một đoạn trong sách Phủ Biên Tạp Lục của cụ Lê Quý Đôn (1726 - 1784) có viết rằng: Dã Lê đan gót và làm mui thuyền (mũi thuyền). Có thể, ngày xưa, cụ Lê Quý Đôn chỉ viết ngắn gọn như vậy và chỉ lấy một công đoạn làm thuyền để nói về cái nghề truyền thống của Dã Lê (bao gồm cả làng Dã Lê Chánh ở Thủy Vân và Dã Lê Thượng ở Thủy Phương). Thế nhưng, theo các cụ già trong làng kể lại, làm ghe thuyền, quan trọng nhất chính là làm cái mũi, cái lái. Bởi thuyền, ghe đi nhẹ hay không, có nổi tốt trên nước hay không là nhờ kỹ thuật lận mui (làm mũi) thuyền. Cho nên cũng có thể hiểu rằng, cụ Lê Quý Đôn lấy cái cơ bản, cái quan trọng nhất để nói cái tổng thể của nghề vậy!
Trong ký ức vụn vặt của mình, tôi còn nhớ khi nhỏ, mệ nội tôi có 2 chiếc ghe. Mỗi lần chuẩn bị đến vụ lúa mới, mệ nội lại gọi mấy đứa cháu đi tát nước trong ghe ra, nâng ghe lên mặt nước hói. Sau đó, mệ đi gọi thợ tới sửa chữa ghe. Người thợ hay sửa ghe cho mệ nội tôi là ông Nguyễn Công Hối, ở gần nhà.  
Như thường lệ, ông mang theo nào là khoan (loại khoan kéo bằng cách xoắn dây), đục, bào … Ông nói mệ nội tôi đi mua các loại dây cước, dây mây và ít vỏ cây tràm (loại tràm có vỏ xốp xốp, có khả năng chống thấm nước). Sau đó, ông Hối cắm cúi chèn mấy tấm đệm lót giữa các tấm ván ghe. Những tấm đệm bằng gỗ thầu đâu (cây xoan, còn gọi là sầu đông), mềm, nhẹ, không bị mối mọt. Nghĩ cũng lạ, ngay cả các loại hà cũng hầu như không ăn được nó.
Rồi ông Hối lại dùng một cái đục không sắc, vừa nhét vỏ tràm vừa gõ nhẹ để chèn vỏ tràm vào những khoảng trống giữa tấm đệm và ván thuyền. Làm đến đâu, ông nấc dây mây hoặc dây cước đến đó. Dây cước được nấc theo kiểu xoắn chân rết. Đại khái là thế. Cho đến khi nào ông kiểm tra nước không thấm vào ghe được nữa là xong.
Gần 20 năm trước, trong làng Dã Lê Thượng, ngoài ông Hối ra, còn có nhiều thợ làm ghe, thuyền và cả sửa chữa nữa như ông Dương Văn Khá, ông Trần Văn Lớn, ông Trương Văn Tê và mấy thợ ngoài xóm Lợi Nông nữa. Khi những chiếc xe công nông chưa phổ biến, những chiếc xe tải hạng nhẹ chưa ra tới các cánh đồng thì ghe, nôốc (thuyền nhỏ) là phương tiện vận chuyển lúa chủ yếu của người làng nói riêng và hầu hết các làng có làm ruộng ở đồng bằng nói chung. Vì thế, những người thợ nói trên gần như không làm hết việc mỗi khi vụ mùa cận kề.
Bên cạnh những người làm, sửa chữa ghe, thuyền bằng gỗ, còn có những người chuyên đan ghe tre. Ngày trước, người có tiền thì đóng ghe, thuyền bằng gỗ, không có tiền hoặc ít tiền thì thuê lận (đan) một chiếc ghe tre. Theo ông Dương Văn Thọ, kiểu đan chiếc ghe cũng như đan một tấm gót vậy. Có lẽ, ngày xưa, các loại ghe đan bằng tấm tre nứa cũng có cách thức đan như đan tấm gót và người làng nói riêng, người Việt chúng ta nói chung, đã phát triển kỹ thuật đó thành kỹ thuật đan ghe bằng tre nứa.
Khi đan xong tấm phên của chiếc ghe, người thợ sẽ chọn 2 cây tre dài và có thân to để chặt và chẻ đôi 2 cây tre đó. Rồi đục lỗ ở 2 đầu sao cho chiều dài tấm phên sẽ dài hơn khoảng cách của 2 đầu có đục lỗ cặp cây tre. Bằng cách kẹp, rồi níu, rồi nống bằng các thanh tre ngắn khác ở đoạn giữa, người thợ tạo dáng một chiếc ghe. Rồi cặp, lận các góc tấm phên sao cho ăn khớp với bộ nẹp của nó. Sau khi phơi một thời gian cho khô hẳn tre (tấm đan, thanh nẹp …), người thợ sẽ tiến hành quết dầu.

                (Mũi của chiếc ghe đan)
Ngày xưa, khi chưa có loại dầu hắc (nhựa đường), người thợ dùng dầu rái lấy từ cây rái trên rừng về, hoặc loại nhựa từ cây sơn, để quết lên chiếc ghe. Ban đầu, người thợ quết ở bên ngoài ghe một lớp thật dày, sau đó, phơi ghe vài ba ngày. Tiếp theo lại lật ghe lại và quết bên trong. Phơi tiếp mấy ngày. Sau đó lại làm quy trình cũ, cho đến khi nào cảm thấy dầu ngấm đủ để bảo vệ chiếc ghe thì thôi.
Ngày nay, sự phát triển của các phương tiện cơ giới và xe cộ có thể ra đến tận chân ruộng, thì những chiếc ghe, thuyền dần ít được sử dụng. Những người thợ xưa cũng dần vắng bóng. Những người đã khuất thì có lẽ cũng chưa kịp truyền nghề cho học trò, học trò thì có lẽ cũng ít nhớ về những kỹ thuật mà thầy mình đã truyền dạy. Dù có nhớ, họ cũng không có nhiều cơ hội thể hiện tay nghề. Có lẽ vậy, cả làng Dã Lê Thượng chỉ còn 2 người có thể đan được ghe tre. Trong đó, có ông Dương Văn Thọ ở xóm Bến Chợ, nay là tổ 1 phường Thủy Phương.
Dẫu ít, nhưng sự đoạn tuyệt của một nghề được ghi lại đã gần 300 năm trong sách cổ đã cho thấy một nghề thủ công truyền thống có bề dày của Dã Lê nói riêng và vùng đất Hương Thủy nói chung. Trong tiến trình phát triển ngày nay, có thể, những chiếc ghe, nôốc ít hữu dụng, tuy vậy, ở vùng đất từng có kênh, hói nhiều như Hương Thủy, những phương tiện đó đã góp phần đưa người đi khai phá thưở ban đầu khai hoang lập ấp./.
 

Đình Đính- huongthuy.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày