Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.569.538
Truy cập hiện tại 5.395 khách
Một thời Đông Lâm
Ngày cập nhật 20/11/2013
Miếu Chánh của làng Thần Phù ở địa phận Đông Lâm xưa

 Mới đây, chúng tôi có dịp đến thôn Chánh Đông thuộc làng Thần Phù, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy. Đọc trong sách sử ghi lại, Chánh Đông còn được gọi là Đông Lâm, nổi tiếng với bài thơ “Đông Lâm dực điểu”, một trong hai mươi bài thơ chế cáo của vua Thiệu Trị (1807 - 1847) để vịnh về “Thần Kinh nhị thập cảnh”. Dẫu biết rằng “vật đổi sao dời”, thế nhưng, khi bước chân lên những con đường ở Chánh Đông, mới thấy có chút gì đó luyến tiếc cho Đông Lâm một thời.

 Ngược dòng lịch sử của gần 200 năm về trước, theo miêu tả trong bài thơ “Đông Lâm dực điểu”, chúng ta có thể hình dung về một khu rừng rậm, nhưng không rộng lắm được nhìn thấy xa xa, khi xuôi thuyền theo dòng sông Như Ý. Giữa bao bờ bãi ruộng đồng, thậm chí có cả những bãi lau sậy, một khu rừng chợt nổi lên như một ốc đảo. Cái không gian riêng với một hệ sinh thái khác, riêng biệt so với những gì mà không gian chung đang có, đã trở thành một mảnh đất lành. Vì thế, không khó hiểu để thấy được một sự đa dạng về các loài cây và các loài muôn thú, chim chóc.

Quả thực, chỉ trong một khoảng cách không quá xa, những bậc tao nhân mặc khách có ngay một không gian đầy đủ cả ruộng đồng, sông ngòi và cả rừng rú để có thể thả thuyền vịnh thơ, săn bắn hát ca và nghỉ ngơi. Như thế thì có gì bằng!
Có một điều mà ít người để ý, đó chính là vị trí của bia đá tạc bài thơ “Đông Lâm dực điểu” của vua Thiệu Trị. Nó nằm ở xóm Lợi Nông của phường Thủy Châu ở bờ phải (xuôi từ An Cựu về), chứ không phải xóm Lợi Nông ở phía ngoài, cách ngăn bởi con sông Lợi Nông. Đó là một điều đáng phải nghĩ. Bởi lẽ, cần biết rằng, sông Lợi Nông được đào vào năm Gia Long 13 (1814). Vua Gia Long (1762 - 1820) cho đào khơi thông sông Hương với sông Đại Giang nhập vào phá Hà Trung, góp phần thau chua rửa mặn cho các cánh đồng của huyện Phú Vang, sau này là Hương Thủy, vì vậy mới có tên là Lợi Nông. Năm Minh Mạng thứ 16 (1836), sông Lợi Nông đã được khắc vào Chương đỉnh trong Cửu đỉnh đặt trong Hoàng Thành. Nhưng, năm Tự Đức thứ 6 (1853),  bài thơ “Đông Lâm dực điểu” mới được khắc vào bia đá và đặt ở đó. Vậy tại sao không đặt bia đá tạc bài “Đông Lâm dực điểu” ở phía bờ phải (xuôi từ An Cựu về) mà không phải ở bờ trái, gần Đông Lâm hơn ?
Theo nhiều nhà nghiên cứu, bia đá “Đông Lâm dực điểu” được đặt tại hành cung Thần Phù. Vậy “hành cung Thần Phù” chẳng lẽ ở phía bên bờ phải sông Lợi Nông (xuôi từ An Cựu về) ? Nhưng, vào thời vua Minh Mạng (1791 - 1841), hành cung đó đã được xây dựng và sau này vua Thiệu Trị mới đặt tên là Thần Phù. Và hành cung Thần Phù được lưu truyền là đặt ngay tại Đông Lâm với kiến trúc bao gồm một toà nhà ba gian hai chái, mái lợp ngói âm dương; một toà nhà năm gian xây trên bờ sông có mái lợp ngói liệt; một toà nhà ba gian hai chái, mái lợp tranh và hệ thống hành lang và tường thành bảo vệ. Với vị trí của bia đá Đông Lâm, có thể thấy rằng, Đông Lâm xưa không chỉ gói gọn trong phạm vi thôn Chánh Đông của phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy ngày nay được, mà phải rộng lớn hơn rất nhiều, bao gồm: Chánh Đông cộng với một phần lớn khu vực Lợi Nông (Thủy Châu).
Bia đá Đông Lâm
Ở đây, chúng ta lại thấy rằng, với vị trí đặt bia đá Đông Lâm gần bờ sông Lợi Nông như vậy thì “hành cung Thần Phù” nằm ở vị trí nào so với tấm bia ? Theo một lẽ thông thường trong kiến trúc phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, khi đã đặt bia đá cho một công trình kiến trúc thì nó gần như nằm ở trước, chệch về bên phải hoặc bên trái, hoặc ở ngay chính giữa. Tuy nhiên, với địa thế khu đất có bia đá Đông Lâm hẹp như vậy, hành cung Thần Phù không thể ở phía sau bia đá được, mà chỉ có phía bên trái hoặc bên phải bia đá. Có thể, hành cung Thần Phù ở phía bên trái bia đá, bởi một lẽ, với sự tôn kính giành cho vua cha, vua Tự Đức chỉ có thể cho đặt bia đá Đông Lâm phía bên phải của hành cung Thần Phù, tức là hành cung nằm bên trái bia đá. 
Ở đây lại nảy sinh một vấn đề khác. Đó là với một quần thể kiến trúc như hành cung Thần Phù, theo lời kể của các cụ già, gồm 3 cái nhà khá rộng (2 cái nhà rộng 3 gian 2 chái và 1 cái nhà rộng 5 gian) và có cả tường thành bảo vệ. Trong không gian chật hẹp của khu vực phía trên và phía dưới bia đá Đông Lâm, rất khó để có thể xây dựng một quần thể kiến trúc như thế. Để có thể hình dung sự khó khăn trong việc lựa chọn vị trí đất đai đủ rộng để xây dựng hành cung Thần Phù, chúng ta cứ nhìn địa thế 2 bờ Lợi Nông từ phường Thủy Phương xuống phường Thủy Châu. Rất hẹp để xây dựng hành cung. 
Cũng chưa xa lắm, theo lời kể của bác Nguyễn Tấn Phương, một cán bộ cách mạng từng hoạt động ở Chánh Đông, hiện ở tại tổ 11, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, thì thời những năm 60 của thế kỷ trước, khu rừng xưa vẫn còn. Vì thế, người ta thường gọi là “lùm Chánh Đông”. Cây cối vẫn còn um tùm lắm, nhiều cây to nữa. Cán bộ cách mạng và các chiến sỹ của ta còn lấy lùm Chánh Đông làm một an toàn khu của mình. Có những thời điểm, lùm Chánh Đông còn là nơi đóng bản doanh của Huyện ủy, Huyện đội Hương Thủy. Điều đó chứng tỏ rừng Đông Lâm của thế kỷ 19 và lùm Chánh Đông của những năm giữa thế kỷ 20 không khác nhau mấy.
Thế nhưng, tại sao chỉ sau mấy chục năm, lùm Chánh Đông không còn như trước ? 
Có những người lý giải sự thay đổi ấy rằng do chiến tranh, bởi ngay sau chiến dịch Mậu Thân 1968, Mỹ - Ngụy đã tìm cách san bằng lùm Chánh Đông bằng bom đạn. Nhưng cũng có người cho rằng sự phát triển của cuộc sống với cư dân Chánh Đông ngày một đông đúc nên lùm xưa phải nhường chỗ cho bước chân canh tác, xây nhà dựng cửa của người dân. Dẫu biết rằng, mọi lý do đều có xuất phát điểm thực tế của nó nhưng cũng không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về Đông Lâm một thời xa vắng ấy.
Cây cổ thụ ở Đông Lâm
Hương Thủy, một thời có 3 trong 20 cảnh đẹp của kinh đô xưa (Thần kinh nhị thập cảnh): rừng Đông Lâm, ngã ba Bằng Lãng và suối nước nóng Thang Hoằng (thuộc xã Dương Hòa). Tuy nhiên, chỉ còn lại 1 trong số 3 cảnh đẹp là ngã ba Bằng Lãng (Trạch Nguyên Tao Lộc). Bởi lẽ, Đông Lâm chỉ còn 1 tấm bia và suối nước nóng Thang Hoằng cũng đã nằm dưới lòng hồ Tả Trạch. Việc phục hồi Đông Lâm, hay ít ra, xây dựng một điểm di tích để thưởng lãm một cảnh đẹp xưa từng được ghi lại là một ý hay.
Tuy vậy, rừng Đông Lâm xưa đâu dễ phục hồi khi nhà cửa ruộng vườn đã phủ khắp rừng xưa! Dẫu có tiếc nuối nhưng có lẽ phải chấp nhận! ./. 
 
Đình Đính-huongthuy.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày