Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.572.779
Truy cập hiện tại 6.663 khách
Một số thông tin về đặc điểm sinh học và biện pháp xử lý, phòng tránh khi bị Kiến Ba khoang đốt.
Ngày cập nhật 14/10/2013

Thời gian gần đây, Kiến Ba khoang đã có hiện tượng phát triển trở lại đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, đặc biệt xuất hiện nhiều ở một số địa phương như: Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, Thành Phố Huế,…

Kiến Ba khoang tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis, thuộc Họ cánh cụt, Bộ cánh cứng, Lớp Côn trùng, Ngành Chân khớp.
Về mặt hình thái học: loại côn trùng này có thân mình thon, dài như hạt thóc, dài 1-1,2cm, ngang 2-3cm, nhiều màu sắc khác nhau, nhìn giống con kiến; do đó người ta hay gọi với nhiều tên gọi khác nhau như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, kiến cong,…
Loài kiến này có 3 đôi chân, bụng có đốt, trong đó có một đốt màu đỏ, bay và chạy rất nhanh; cơ thể đôi khi màu cam tối màu, hay sậm màu và nhọn ở vùng bụng, vùng bụng trên và đầu màu đen, vùng trên giữa phát quang ngũ sắc, óng ánh màu xanh, đính kè đôi cánh cứng. Một đôi cánh trong suốt gấp lại gọn gàng và dấu bên dưới cánh cứng. Chúng thường sống ở ven ruộng, quanh gốc rạ, bãi cỏ, gần vùng nước, ruộng rau, khu nhà mới hoặc trong những nơi có công trình đang xây dựng dở dang. Trong thân kiến có chất Pederine, có thể gây cháy, bỏng da giống như chất cangtadin của sâu ban miêu và chất Phospho ở con giời.
   

 (hình ảnh minh họa về kiến ba khoang)

Về tập tính sinh học: loài côn trùng này thường tìm thấy trên các ruộng lúa, môi trường trường học, ký túc xá, khu ở trọ, nhà ở tập thể công nhân ngoại ô thành phố có cỏ mọc xung quanh. Nó có khả năng ăn cả thịt và ăn các côn trùng nhỏ hơn. Do vậy, nó đóng vai trò quan trọng trong phòng chống sinh học của các côn trùng nơi ruộng lúa. Trong suốt mùa mưa, bão, lũ lụt các loại côn trùng này di chuyển đến các vùng khô ráo hơn. Sau những ngày mưa lũ làm ngập đồng ruộng, ao hồ. Ban đêm, Kiến Ba khoang theo ánh đèn bay vào nhà, những người làm việc dưới ánh đèn bị côn trùng rơi vào cổ, mặt, thân mình, vô tình đưa tay đập, quệt, chà sát côn trùng lúc này chất Pedirine có trong côn trùng có nguy cơ rơi vào da; khi có côn trùng rơi vào bể tắm, bồn tắm hoặc bám vào khăn mặt, quần áo. Người bệnh không chú ý, chà xát phải côn trùng gây nên viêm da bọng nước (có trường hợp người bệnh giết côn trùng và đưa tay quết lên da và tạo thành vết thương).
    Cách xử lý và phòng tránh khi bị Kiến Ba khoang đốt:
    Cách xử lý:
- Tuyệt đối không nghiền nát, chà xát kiến khi thấy nó xuất hiện trên thân mình để tránh độc tố tiết ra.
- Khi bị dính chất độc, tránh gãi hay chà mạnh vùng da bị tổn thương. Không tiếp xúc các vùng da lành với nơi bị dính độc tố.
- Rửa sạch vết thương (nhất là ở vùng mắt) càng nhanh càng tốt khi bị dính chất độc, bôi thuốc, dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Nếu bị chúng bâu vào người thì chỉ nên phủi nhẹ. Không nên đập hoặc chà xát vào da.
    Độc tố Pederin của Kiến Ba khoang có trong thân kiến. Do đó, nếu thấy kiến bò trên  da người thì chớ đập giết chúng để hạn chế chất độc lan rộng. Bàn tay lỡ đập chết Kiến Ba khoang cần rửa sạch bằng xà phòng càng nhanh càng tốt để tránh độc tố kiến dính vào.
    Khi da bị tổn thương tấy đỏ, lan rộng phải đi khám, không nên tự ý mua thuốc điều trị, bởi trong các loại thuốc bôi ngoài da có chứa Corticoid, chất giải độc tố…nên cần có bác sĩ chỉ định mới được dùng. Điều trị đúng thì một tuần là khỏi, nhưng chữa trị muộn có thể để lại sẹo.
    Phòng tránh:
- Ở các khu nhà có quá nhiều kiến nên phun thuốc trừ diệt côn trùng trên tường vách từ 2-2,5 mét trở xuống cả trong và ngoài nhà. Một số loại hóa chất diệt côn trùng có sẵn được phép sử dụng trong công tác y tế và dân dụng như:
    + Phendona 10SC (alpha-cypermethrin), pha 60ml thuốc với 8 lít nước, phun 200m2 tường vách, một lít thuốc phun được 3200m2 tường vách
    + Hoặc K-Othrine 2% EW (Deltamethrrine), hòa tan một phần hóa chất +39 phần nước. Phun 8 lít dung dịch cho 200m2 tường vách. Một lít thuốc phun được 1000m2 tường vách.
    + Hoặc Permethrin 50EC, pha 20-25ml thuốc/1 lít nước, mỗi lít dung dịch đã pha phun cho 20m2 diện tích vách hoặc sàn nhà.
- Dọn dẹp vệ sinh trong nhà và quanh nơi ở. Thu dọn rác, các loại cây cỏ lá mục trong khu vực để đốt nhằm loại trừ nơi trú ẩn của Kiến Ba khoang.
- Ban đêm nên đóng kín các cửa, hạn chế bật đèn có ánh sáng trắng, xanh nếu không cần thiết, nhằm hạn chế côn trùng có điều kiện bay vào nhà.
- Không nên tiếp xúc, chà xát giết côn trùng kể cả khi côn trùng đã chết nhằm tránh nguy cơ chất tiết của côn trùng gây tổn thương da.
- Nếu lỡ tiếp xúc, ngay lập tức phải rửa sạch vùng da bằng xà phòng, liên hệ Trạm y tế, Trung tâm y tế để được điều trị kịp thời.

   
 

thanhquy-huongthuy.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày