Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.531.773
Truy cập hiện tại 5.366 khách
Người hiệu trưởng ngót phần ba thế kỉ gắn bó với giáo dục vùng chiến khu Dương Hòa
Ngày cập nhật 14/02/2015


Nhắc đến giáo dục ở vùng sơn cước Dương Hòa, cô giáo Trần Thị Tình được xem là biểu tượng "chung thủy", người có hơn 1/3 thể kỉ gắn bó với vùng chiến khu xưa. Rất nhiều thầy giáo, cô giáo đến đây công tác rồi lần lượt chuyển về đồng bằng, riêng với nhà giáo Trần Thị Tình, Cô đã thầm lặng cống hiến cả mấy chục năm nghề dạy học cho vùng kinh tế mới Dương Hòa.


Chiến khu Dương Hòa là căn cứ địa cách mạng thời kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Dương Hòa cũng là ngã ba đường đi vào Nam ra Bắc, nên trong hai cuộc kháng chiến thần thánh, nơi đây đã từng đón tiếp nhiều đoàn cán bộ của Ðảng và Chính phủ dừng chân nghỉ ngơi và thăm viếng, như các đoàn của đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Phạm Văn Ðồng, đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Lê Ðức Thọ.... Ðịa phận chiến khu có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: núi Kim Phụng, lăng Minh Mạng, lăng Gia Long... cũng là nơi nghỉ chân qua đêm lí tưởng của cán bộ, bộ đội lên chiến khu.
Những năm của thập niên 1980, ở xứ rừng thiêng nước độc này, vùng sơn cước Dương Hòa là nơi dừng chân, luân chuyển của lớp lớp cán bộ giáo viên. Thời ấy, để đến với Dương Hòa, giáo viên phải đi nhờ thuyền của bà con, từ bến đò chợ Đông Ba, thành phố Huế, ngược con nước của dòng Tả Trạch sông Hương, chừng 4 đến 5 giờ thì cập bến Lương Miêu, Dương Hòa.
Trong dịp kiểm tra định kì cuối học kì 1 năm học 2014 - 2015, tôi có dịp đến Trường TH&THCS Dương Hòa, sau khi làm việc với nhà trường, tôi được nhà giáo Trần Thị Tình chia sẻ những câu chuyện mà hơn 1/3 thế kỉ Cô đã trải qua.

Học sinh dâng hương tại Bia chiến tích Dương Hòa

Trọn tuổi thanh xuân gắn bó với học trò ở vùng sơn cước
Sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình, người thanh niên Trần Thị Tình chọn nghề dạy học làm nghiệp. Tốt nghiệp trường sư phạm, Cô đến với Dương Hòa, nguyên là căn cứ địa cách mạng, khi đó là vùng kinh tế mới với vô vàn khó khăn, thiếu thốn.

Cô Trần Thị Tình (ở giữa) năm 1983


Nhà giáo Trần Thị Tình nhớ lại, cách đây 34 năm, ngày 01 tháng 12 năm 1981, vừa mới tốt nghiệp trường sư phạm, Cô cùng 27 tân thầy giáo, cô giáo ngược dòng Hương Giang đến nhận công tác tại Trường cấp 1 Lương Miêu. Đi thuyền từ bến đò Đông Ba lên thôn Lương Miêu, Dương Hòa, lần đầu tiên trong đời Cô ngồi trên chiếc thuyền và đi xa như vậy. Chị còn nhớ như in, hôm đó, nước sông Tả Trạch chảy xiết, thuyền liên tục chồng chành, mọi người nghĩ là không sống được. Lắm lúc, qua ghềnh thác, những cô giáo được “mời” xuống thuyền đi bộ, những người khác phải hỗ trợ bà con để đẩy thuyền lên thác dữ. Khi thuyền cập bến, ai cũng thở phào nhẹ nhỏm cả người, “mình vẫn còn sống”. Buổi tối hôm đó, bên ngọn đèn dầu, có mấy kilogam thịt heo mà các đồng nghiệp chuẩn bị để chia tay về xuôi (mỗi khi có người lên thay thì đồng nghĩa sẽ có giáo viên được toại nguyện về đồng bằng công tác). Mặc dù không quen biết nhau nhưng những câu chuyện mà các bậc “tiền bối” chia sẻ hết sức rôm rả, đến quá nửa đêm. Người nói chuyện, người khóc, nhiều cung bậc tình cảm được các nhà giáo thể hiện trong buổi tối chia tay hôm đó. Sáng hôm sau, có 31 người được trở về đồng bằng. Từ 5 giờ sáng mọi người đã xuống thuyền, tạm biệt chiến khu xưa, cũng đồng nghĩa với việc 27 giáo viên mới tiếp tục gánh vác trách nhiệm trồng người cho bà con vùng kinh tế mới.

Đồng nghiệp cũ đến thăm trường nhân kỉ niệm 31 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11


Lần đầu nhận công tác tại một điểm trường heo hút
Ngày hôm sau, cô Trần Thị Tình được giao nhiệm vụ dạy ở một cơ sở lẻ của Trường Tiểu học Lương Miêu, cách cơ sở chính 8km. Nghề dạy học của cô Trần Thị Tình bắt đầu từ đây và mãi đến 34 năm sau, Cô đã gắn bó với cùng một mái trường cho đến tuổi nghỉ hưu.
Thời đó, cơ sở vật chất vô cùng khó khăn, nhiều lúc, Cô cùng 2 giáo viên khác cùng nằm trên 1 chiếc giường đơn. Phòng học vô cùng tạm bợ. Dưới gốc mít, có 2 tấm tôn, một cây lồ ô, 4 tấm ván, thế là thành phòng học một lớp ghép (lớp 3 và lớp 4) cho một cơ sở lẻ.
Cơ sở lẻ có 4 người. Một cô giáo bị bệnh sốt rét dài ngày, nói sảng liên tục, không dứt cơn đau. Bà con không cho uống thuốc, cho rằng bị tà ma, thế là họ dùng gậy đánh vào cơ thể để giải tà ma. Cô Tình vô cùng hoảng sợ, ngăn cản được và đưa về viện cấp cứu, hai tháng sau, cô giáo đó mới trở lại trường. Khó khăn là vậy nhưng họ luôn chia sẻ công việc, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau tiến bộ.

Cô Trần Thị Tình luôn có mặt ở các hoạt động của nhà trường

 

Cơ duyên làm công tác quản lí giáo dục từ rất sớm
Ngày 01/8/1989, nhà giáo Nguyễn Ngọc Hồng, nguyên là Hiệu trưởng Trường Dương Hòa được Phòng GD&ĐT điều động về đồng bằng công tác. Tổ chức bố trí cô Trần Thị Tình thay thế thầy Nguyễn Ngọc Hồng, lúc đó, Cô đang mang thai đưa thứ 2, Cô trình bày với tổ chức là Cô muốn trực tiếp giảng dạy, không có nguyện vọng làm công tác quản lí. Ngày đó, Thầy Phùng Thế Diệm là Trưởng phòng Phòng GD&ĐT Hương Phú, thầy Nguyễn Minh Quang phụ trách công tác tổ chức, cả hai thầy luôn luôn động viên, cổ vũ để cô Tình gánh vác công tác quản lí ở vùng sơn cước Dương Hòa. 7 lần về Phòng GD&ĐT trả quyết định nhưng không có ai thay thế, Cô đành gắng gượng, với tinh thần trách nhiệm cao, vừa mang thai, vừa tham gia công tác quản lí, được sự động viên hết sức của tổ chức và đặc biệt là của đồng nghiệp, Cô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mỗi lần về Phòng GD&ĐT, Cô thường được tổ chức chia sẻ: Khi khó khăn còn làm được, bây giờ có đỡ hơn, cứ làm, chắc chắn làm được.

Cô Trần Thị Tình tham gia chấm thi giáo viên dạy giỏi

 


Cơ sở lẻ và những chuyến đi thú vị
Chị nhớ lại, ngày đó, Trường Dương Hòa có 9 cơ sở, mỗi cơ sở cách nhau chừng 7 đến 10 km, việc di chuyển từ cơ sở này đến cơ sở kia chủ yếu bằng xe “hăng cải” (tiếng địa phương là đôi bàn chân). Có một lần, Cô đi bàn giao cơ sở mới, lúc đó đang mang bầu 7 tháng, Cô bị lạc giữa rừng, loay hoay mãi giữa rừng sâu, trời tối đen như mực. Thật may, ở gần đó có trạm kiểm lâm, chị tìm đến nhờ bà con dẫn đường về.
Ở Dương Hòa, việc khai giảng năm học mới rất đặc biệt, phải tổ chức lễ khai giảng đến 5 ngày, mỗi ngày 1 đến 2 cơ sở. Mỗi tuần khai giảng, lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã, cùng đi với Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn nhà trường, hành trang theo các vị khách này trên đường đi gồm kẹo chuối, cây gậy, đèn pin, lúc nào cũng vui như tết. Kẹo chuối là món ăn khoái khẩu thời đó, nó rẻ, và là thức ăn do bà con trên đó làm. Cây gậy là vật bất li thân mỗi khi đi đường rừng, nó dùng để dò đường và chống đỡ mỗi khi gặp đường trơn. Mỗi tháng, các giáo viên của các cơ sở lẻ được về “thủ đô” (cơ sở chính) một lần. Lần nào về “thủ đô”, quý thầy giáo, cô giáo đều quên đi những mệt nhọc, những lời ca, tiếng hát râm ran, nhộn nhịp.
Người giáo viên đa tài
Những năm tháng của thập niên 1980, 1990, nhiều giáo viên trẻ đến nhận công tác tại Dương Hòa không quá 1 tuần thì bỏ nghề. Nhà trường liên tục thiếu giáo viên nghiêm trọng. Là người quản lí, Cô mong mỏi giáo viên đến trường từng ngày, từng tuần, ngóng từng chuyến đò,… tất cả đều vô vọng. Cô về Phòng GD&ĐT để tìm hiểu vì sao nhà trường thiếu giáo viên nhưng không có giáo viên nào tình nguyện đến Dương Hòa. Phòng GD&ĐT cũng đã tuyển 7 giáo viên nhưng cả 7 người đó đều trả quyết định, họ không muốn đến Dương Hòa. Thế là chị đành phải làm trái nguyên tắc, chị về Trường THCS Nguyễn Tri Phương mượn giáo án của tất cả các môn, trở lại Dương Hòa, nghiên cứu. Trừ môn Toán và Vật lí là Cô không dạy, còn các môn khác, Cô đều giảng bài một cách say mê.

Chủ trì hội nghị xây dựng kế hoạch năm học


Thêm một lần lỡ hẹn về đồng bằng
Năm 2004, do yêu cầu của công tác xây dựng lòng hồ Tả Trạch, Trường Tiểu học Dương Hòa được chuyển đến cơ sở mới, khi đó, Cô cứ đinh ninh sẽ được điều chuyển về đồng bằng. Nhưng vẫn không được. Thế là Cô tiếp tục gắn bó với đàn trẻ thân yêu cho đến ngày nghỉ hưu. Cô cùng gia đình xây dựng nhà cửa, nuôi trồng,… tạo dựng sự nghiệp lâu dài và gắn bó suốt đời với Dương Hòa.

Ngày 12/02/2015, Phòng GD&ĐT tổ chức chia tay cô Trần Thị Tình nghỉ hưu theo chế độ


Niềm vui đón nhận trường chuẩn quốc gia
Mùa hè năm 2013, sau những tháng ngày phấn đấu bền bỉ, chờ đợi và hồi hộp, Trường TH&THCS Dương Hòa vui mừng đón đoàn công tác của UBND tỉnh về kiểm tra và công nhận Trường đạt chuẩn quốc gia. Cô Hiệu trưởng Trần Thị Tình thay mặt nhà trường báo cáo tóm tắt với Đoàn kiểm tra về quá trình xây dựng trường tiến tới đạt các tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia. Đối với cô giáo Hiệu trưởng, hơn 30 năm công tác tại mái trường vùng sơn cước này, Cô cảm nhận và trải nghiệm hàng trăm cuộc chia tay của các đồng nghiệp về công tác miền xuôi, nhiều người trưởng thành, cũng có những người đã ra đi mãi mãi, nhưng đối với Cô, vẫn gắn bó với mái trường này.

Đoàn kiểm tra trường đạt chuẩn qốc gia đến  thăm và làm việc tại Trường TH&THCS Dương Hòa  hè năm 2013

 

Cô giáo Trần Thị Tình gắn bó với mái trường vì những nụ cười như thế này

Khai giảng năm học mới


Hơn 1/3 thế kỉ, cô Trần Thị Tình mang bầu máu nóng nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, cống hiến phần lớn tuổi đời và trọn tuổi nghề cho giáo dục vùng kinh tế mới Dương Hòa. 3 lần cô được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, nhiều giấy khen ghi nhận về sự đóng góp không ngừng mệt mỏi của nhà giáo Trần Thị Tình. Xã hội tôn vinh cần những con người yêu nghề như cô giáo Trần Thị Tình.

Nguyễn Văn Cần



 

Nguyễn Văn Cần
Các tin khác
Xem tin theo ngày