Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.532.278
Truy cập hiện tại 5.522 khách
Suy nghĩ về mô hình Làng Văn Hóa ở nông thôn thị xã Hương Thủy hiện nay
Ngày cập nhật 09/02/2015

Từ ngày chia lại địa giới hành chính, huyện Hương Thủy trở lại với cái tên nguyên gốc của mình từ năm 1975 về trước. Đến năm 2010 thành lập thị xã Hương Thủy theo Nghị quyết 08/NQ-CP ngày 9/2/2010  của Thủ Tướng Chính phủ. Việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân Hương Thủy được xác định là một trong những nhiệm vụ tất yếu gắn liền với động lực và mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thị xã. Trong đó việc xây dưng đời sống văn hóa ở cơ sở, đưa văn hóa thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của nhân dân, xây dựng gia đình văn hóa, làng, xã và cơ quan… văn hóa được chú trọng và trở thành một nội dung quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa của thị xã theo tinh thần Nghị quyết số 05/2013/NQ-HĐND ngày 17/4/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VI về việc quy hoạch thiết chế văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Chủ trương này đáp ứng kịp thời nguyện vọng chính đáng của quần chúng và đã nhanh chóng trở thành phong trào trong toàn thị xã, đời sống văn hóa ở các vùng nông thôn, miền núi đã được nâng lên một bước đáng kể. Các thiết chế văn hóa đã được xây dựng ở phần lớn các địa phương như đình làng, trường học, trạm xá…từng bước được xây dựng. Theo số liệu của Chi Cục Thống kê thị xã Hương Thủy năm 2013 toàn thị xã có 12/12 phường, xã có điện, tỷ lệ hộ sử dụng điện sinh hoạt 99,9%; trạm y tế 12/12 xã, phường có trạm y tế; bệnh viện 1, giường bệnh 80; trường học phổ thông 30, trường mầm non công lập 18; thư viện có 522 đầu sách; di tích lịch sử 11; về giao thông nông thôn được tu bổ, mở rộng và xây dựng mới, hầu hết các xã, phường đều có đường nhựa hoặc bê tông đến trung tâm xã, phường. Chương trình xây dựng nông thôn mới ở 6 xã được đẩy mạnh và từng bước hình thành nông thôn mới, đến tháng 12/2014 xã Thủy Tân đạt 17/19 tiêu chí; xã Thủy Thanh đạt 16/19 tiêu chí; xã Dương Hòa đạt 15/19 tiêu chí; xã Thủy Phù và Thủy Bằng đạt 14/19 tiêu chí; xã Phú Sơn đạt 13/19 tiêu chí. Xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, giải phóng mặt bằng tiếp tục được quan tâm; đây là kết quả bước đầu trong xây dựng nông thôn mới, chứng tỏ về nhiều mặt ở nông thôn đã và đang trên đà phát triển tạo ra những tiền đề cho việc phấn đấu xây dựng nông thôn mới giàu đẹp. Cụ thể ở các xã, phường đã có nhiều cố gắng trong việc giúp nhau cách làm ăn, xóa đói giảm nghèo, nhiều hộ nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến như hộ ông Phạm Quốc Anh xã Thủy Bằng, có mức thu nhập hàng năm đạt gần 1 tỷ đồng, khi ăn nên làm ra ông Anh có thêm điều kiện giúp đỡ nhiều hộ nghèo có công việc làm; Nguyễn Phú Cường, Phạm Bá Quang, Nguyễn Thúc Sổ ở Thuỷ Vân; Ngô Viết Dũng, Lê Hữu Hà ở Thuỷ Phù; Phan Ngọc Anh, Dương Đình Dũng, Nguyễn Đống ở Thuỷ Châu; hộ Lê Hồng Cư, Nguyễn Thị Huệ, Ngô Văn Thịnh ở Thuỷ Phương …Còn chú trọng đến việc đóng góp công sức, hiến đất xây dựng đường nông thôn, cổng làng…v.v. Các làng quê đang nao nức chăm lo đời sống tinh thần và phát triển dân trí thực hiện nếp sống văn minh nơi thôn xóm hiền lành, cụ thể như phường Thủy Dương phải trãi qua một quá trình vận động kéo dài hơn 10 năm nay để vận động nhân dân thực hiện không tổ chức tang lễ dài ngày là một sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể từ phường đến tổ dân phố. Ngoài ra, địa phương đã huy động, phát huy mọi phương tiện thông tin tuyên truyền để thay đổi cách nghĩ, cách làm trong mỗi người dân. Đặc biệt, từ khi triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn, các quy ước, hương ước văn hóa ở các làng, thôn đã kịp thời đưa nội dung thực hiện việc tang theo nếp sống văn hóa mới, quy định không tổ chức tang lễ tại gia đình quá ba ngày; xây dựng tu bổ các đình làng, nhà thờ họ, phục hồi các lễ hội truyền thống, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, khôi phục các làng nghề truyền thống, tổ chức quyên góp giúp đỡ các gia đình nghèo khó, neo đơn, trẻ em hiếu học… với tinh thần tình làng nghĩa xóm lá lành đùm lá rách.

Cổng làng Thanh Thủy Chánh

Tuy nhiên, các hoạt động và cách làm riêng để tạo nên mô hình làng văn hóa mới còn tự phát, bộ mặt nông thôn, làng văn hóa mới phù hợp với những quy hoạch theo thiết chế văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế. Mặt khác trong quá trình đưa văn hóa về cơ sở và xây dựng làng văn hóa do ngành văn hóa thông tin áp dụng trước đây, thường nghiêng về chỉ tiêu, số lượng và các thiết chế văn hóa trước đây không còn phù hợp nữa, cần có một mô hình làng văn hóa do chính dân làng xây dựng nên dưới sự quản lý và định hướng của Nhà nước. 

Đình làng Thanh Thủy Chánh

     Khuynh hướng nầy đang thật sự trở thành mối quan tâm không chỉ của ngành văn hóa thông tin mà cần sự nỗ lực giúp đỡ phối hợp của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Bởi vì ngày nay hơn lúc nào hết chúng ta rõ ý thức vai trò động lực của văn hóa đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo tinh thần ấy, việc cần thiết và cấp bách hiện nay là phải đánh giá nghiên cứu mặt làm được và chưa làm được của cách làm trên để kịp  thời  chỉ đạo, định hướng bổ sung cho mô hình xây dựng làng văn hóa phù hợp đặc thù kinh tế văn hóa của thị xã nói chung và với từng xã, phường nói riêng.

Để phác thảo mô hình xây dựng làng văn hóa ở nông thôn thị xã Hương Thủy hiện nay, chúng ta không thể không đề cập đến vị trí của làng và văn hóa làng, vì trong tiến trình chinh phục và khai phá vùng đất này suốt từ thời Công chúa Huyền Trân về làm vợ vua Chiêm là Chế Mân, đổi lấy hai châu Ô và Rí làm sính lễ. Năm 1307 vua Trần Anh Tông tiếp thu vùng đất mới đổi tên là châu Thuận và châu Hóa.Thuận Hóa dưới các thời chúa Nguyễn, (thế kỷ 17-18) là vùng đất trải dài từ phía nam đèo Ngang cho tới đèo Hải Vân. Làng và văn hóa làng đã đóng vai trò quan trọng việc tạo dựng cuộc sống ban đầu, xác lập những giá trị tinh thần, nó từng là cái nôi, lá chắn sáng tạo, giữ gìn và che chở những giá trị tinh thần chống lại âm mưu đồng hóa về văn hóa của các loại kẻ thù. Ở đó, chứa đựng những giá trị văn hóa vật chất mà con người có thể nhìn thấy được như cổng làng, mái đình làng, nhà thờ họ, đền thờ liệt sĩ và còn bao nhiêu giá trị văn hóa phi vật thể khác như hội làng, hát bài chòi, Lễ Thanh Minh của họ Võ làng Thần Phù phường Thủy Châu, dù ăn đâu làm đâu cũng trở về quê để dự Lễ Thanh Minh của dòng họ mình…, các phong tục, tập quán tốt đẹp, ý thức cộng đồng hiện nay vẫn đang tồn tại tiềm ẩn trong mỗi địa phương. Tuy vậy, nói đến làng, người ta cũng thường nghĩ ngay đến một không gian khép kín cục bộ, với biết bao rơi rớt của những tư tưởng tâm lý tình cảm còn ở mức nguyên sơ lạc hậu như bản vị dòng máu, phân biệt dân chính xã, ngụ cư, phân biệt đẳng cấp ngôi thứ.v.v…

        Thực tế cho thấy mọi chủ trương, chương trình Quốc gia xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đồi trọc, dân số kế hoạch hóa gia đình, xóa nạn mù chữ, phổ cập tiểu học, giữ gìn di tích lịch sử văn hóa cuối cùng đều tác động đến người nông dân qua đơn vị thôn, làng. Vì vậy, tính chất đóng kín những mặt tiêu cực của làng cũ trước đây đang được cuộc sống mới loại bỏ dần, cải tạo, phát triển thành làng mở ngõ với các cơ sở hạ tầng, vật chất, đường sá, cầu cống, chợ, trường học, trạm xá và các thiết chế văn hóa khác, làm cho bộ mặt của làng trở nên văn minh, tiến bộ.

       Trong mô hình xây dựng làng văn hóa thì việc kế thừa phát triển những hạt nhân hợp lý của các hương ước cũ của các làng xã của tỉnh nói chung, thị xã nói riêng từ trước năm 1945 đóng vai trò quan trọng. Từ giá trị của những hương ước cũ này dựa vào luật pháp của Nhà nước xây dựng nên những hương ước mới với những nội dung rộng lớn, phục vụ nhiệm vụ phát triển nông thôn với những quy định cụ thể như: bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn các công trình phúc lợi công cộng, các di tích lịch sử văn hóa, dân số-kế hoạch hóa gia đình; tôn trọng kỷ cương xã hội, trật tự thôn xóm, nếp sống gia đình thuần phong mỹ tục, bảo vệ an ninh thôn xóm, chống tệ nạ xã hội, trộm cắp, khuyến khích sự học hành, thi cử đổ đạt, động viên sự đóng góp của các thành viên trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đời sống xã hội, giúp đỡ người gặp khó khăn. Tất nhiên các “hương ước” mới này phải phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo tính định hướng của chính quyền địa phương, phù hợp với nhu cầu và nguện vọng của người dân và đặc thù kinh tế, văn hóa từng làng xã.

       Bên cạnh việc tạo ra “hương ước” mới thì phong trào xây dựng con người mới-người nông dân mới cũng là một nội dung chính yếu của mô hình làng văn hóa. Trong đó, việc xây dựng gia đình văn hóa mới là cốt lõi với nội dung gồm các tiêu chuẩn sau:

       Gia đình thuận hòa, hạnh phúc, tiến bộ; các gia đình đoàn kết giúp đỡ nhau với tình làng nghĩa xóm; thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đời sống, nuôi con khỏe, dạy con ngoan; mọi công dân đều tuân thủ những quy định của pháp luật.

       Để trở thành làng văn hóa tất nhiên còn cần có các thiết chế như điện, đường, trường, trạm, được xây dựng khang trang và các thiết chế khác như rạp chiếu phim, đài truyền thanh để chuyển tải thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước đến các thành viên trong làng, phổ biến những kiến thức về công nghệ, giống mới, giá cả…nhằm mở mang dân trí. Đồng thời, cần phải tận dụng các thiết chế văn hóa có sẵn và xây dựng các thiết chế mới tùy theo điều kiện từng nơi như việc tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa truyền thống như đình làng, chùa làng, nhà thờ họ, khôi phục các làng nghề truyền thống, các sinh hoạt hội hè gắn với tín ngưỡng nông nghiệp và các nghề môc, nề…, với ý nghĩa tôn vinh tri ân những người làm ra của cải cho xã hội nhằm đáp ứng những nhu cầu tinh thần đa dạng, phong phú của từng vùng nông thôn.

       Như vậy, xây dựng mô hình làng văn hóa ở nông thôn Hương Thủy hiện nay chính là xây dựng làng văn hóa với nội dung mới, trong đó có cấu trúc đan xen giữa cấu trúc làng cũ và mới, ở đó dung lượng văn hóa truyền thống có vai trò như một khung xã hội văn hóa cho cho hoạt động của nông dân, đồng thời phải tích góp xây dựng và phát triển các giá trị văn hóa mới, phù hợp với những biến đổi của kinh tế làng, xã của mỗi địa phương nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là trong điều kiện mở cửa, giao lưu kinh tế và giao lưu văn hóa quốc tế.

Bài Trần Nguyễn
Các tin khác
Xem tin theo ngày